Nghĩ về việc “trao đổi” ở Quốc hội

Nguyễn Đình Cống

Tại kỳ hop Quốc hội cuối năm 2020 ông Vũ Đức Đam đã phát biểu về đạo đức và giáo dục. Các phát biểu đó rất được hoan nghênh. Bà Kim Ngân cho phép ông kéo dài thời gian. Báo chí hết lời ca ngợi.

Ông Đam được khen là nhờ sự chân thành, nói hay, nội dung thiết thực, hợp với mong đợi của người nghe. Những lời ông nói được xuất phát từ trái tim và đi thẳng đến trái tim.

Để cho hoạt động của Quốc hội thiết thực hơn, sôi nổi hơn, hấp dẫn hơn thì ngoài những buổi thảo luận, chất vấn về những vấn đề quan trọng còn nên và cần tổ chức những buổi trao đổi về những điều thiết thực, nhiều đại biểu quan tâm. Đó là những buổi thuyết trình (hoặc diễn thuyết) của các học giả, những buổi đối thoại giữa những quan điểm khác nhau. Những buổi như thế có thể gọi là “Ngoại khóa”, không nằm trong chương trình chính thức của hội nghi, không bắt buộc mọi đại biểu tham dự. Nó có thể được bố trí vào ngày nghỉ giữa chừng của thời gian hội nghi, sau khi kết thúc hội nghị hoặc vào thời gian giữa các kỳ hội nghi.

Quốc hội có Ủy ban Khoa học và Ủy ban Văn hóa giáo dục. Các Ủy ban này nên đứng ra tổ chức và điều khiển các buổi ngoại khóa như vậy.

Tham dự vào việc thuyết trình và đối thoại không nhất thiết chỉ gồm các đại biểu mà nên mở rộng cho những người ngoài Quốc hội, đặc biệt là cho những trí thức có ý kiến bất đồng, cho những người có ý kiến phản biện.

Liệu Quốc hội có sợ khi nghe các trí thức bất đồng phát biểu những phản biện? Có thể một số ít đại biểu vì thiếu bản lĩnh nên rất sợ, nhưng số đông sẽ rất sẵn sàng nghe những ý kiến như vậy. Nghe rồi tự mình phán xét. Khi những lời phản biện là có tình, có lý thì rất đáng để suy nghĩ. Nếu giữa diễn đàn Quốc hội mà có kẻ ngông cuồng dám nói những điều trái đạo đức, bàn đến việc lật đổ chính quyền thì cho bắt ngay, lập tòa án xét xử ngay, sợ gì. Những đại biểu thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, sợ bóng sợ gió thì đừng đến nghe.

Để Quốc hội có được những hoạt động thiết thực, bổ ích thì cần có nhiều đại biểu với trình độ giống như và cao hơn ông Vũ Đức Đam. Trong dân không thiếu những người tài như vậy. Vấn đề là phải thay đổi cách bầu cử thì họ mới có cơ hội xuất đầu lộ diện. Nếu vẫn cứ kiên trì đường lối cán bộ và cách làm quy hoach cán bộ như hiện nay thì rất khó tìm được những tài năng chân chính. Đường lối ấy, cách quy hoạch ấy phạm phải một số điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học nên theo nó sẽ tìm được phần lớn những người cơ hội, có lắm mưu kế, lắm thủ đoạn mà thiếu thông minh. Những người như ông Vũ đức Đam là quá hiếm trong bộ máy, nhưng trong dân không đến nỗi hiếm.

Nếu vào được Quốc hội tôi sẽ nỗ lực cho những hoạt động được viết ở trên đây.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.