Hoàng Nguyễn/VOV-Tokyo
Ngày 12/3/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Nhóm “Bộ Tứ” dưới hình thức trực tuyến.
Một cuộc diễn tập thường niên của hải quân các nước nhóm “Bộ Tứ”. Ảnh: AP.
Sự kiện cho thấy các quốc gia thành viên đều đánh giá cao tầm quan trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ nhóm. Thời gian gần đây hoạt động đối thoại, hợp tác của nhóm “Bộ Tứ” và các thành viên trong nhóm này được củng cố và tăng cường.
Cuộc họp cấp ngoại trưởng lần đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2019 bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tháng 10/2020, Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ hai do Nhật Bản đăng cai tổ chức lần đầu tiên độc lập với một hội nghị quốc tế và bất chấp đại dịch Covid-19. Tại đây, nhóm đạt được quy chế “thường niên” để tổ chức các cuộc họp ngoại trưởng thường niên. Và mới đây nhất là Hội nghị Ngoại trưởng trực tuyến hôm 18/2.
Hội nghị Thượng đỉnh “Bộ Tứ” lần này diễn ra trong bối cảnh, cả 4 quốc gia thành viên đều đang gặp nhiều “vấn đề” trong quan hệ với Trung Quốc. Dự kiến, ngoài việc thảo luận những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như chuỗi cung ứng linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu…
Hội nghị sẽ tập trung vào cam kết đảm bảo “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và các giải pháp nhằm “xử lý” tốt quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden có thể sẽ chia sẻ lập trường của về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Phân phối vaccine ngừa Covid-19 và đảo chính quân sự tại Myanmar cũng sẽ là những nội dung quan trọng có thể được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này.
Việc Tổng thống Biden tham gia Hội nghị Thượng đỉnh “Bộ Tứ” đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cho thấy chính quyền Mỹ đặc biệt chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nước Mỹ trở nên khiêm tốn hơn, mong muốn xây dựng các cơ chế hợp tác với các nước cùng chí hướng để phục vụ các lợi ích toàn cầu lớn hơn.
Hợp tác đa phương trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ sẽ là con bài chiến lược để các nước thành viên hoạch định chính sách phát triển trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tháo gỡ những xung đột và “kiềm chế” ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc./.
H.N.
Nguồn: Vietinfo
Đọc thêm
Lãnh đạo ‘Tứ giác kim cương’ họp lần đầu, bàn cách đối phó Trung Quốc
12/03/2021 22:42 GMT+7
TTO – Cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đã diễn ra tối 12-3 (giờ Việt Nam). Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thủ tướng 3 nước còn lại đã bàn cách đối phó sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lên của Trung Quốc.
‘Tứ giác kim cương’ mở cho tất cả các nước ủng hộ tự do hàng hải
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (phải) phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Mỹ, Úc và Ấn Độ ngày 12-3 – Ảnh: REUTERS
“Mỹ cam kết làm việc với quý vị, các đối tác và đồng minh chung của chúng ta trong khu vực để đạt được sự ổn định”, Tổng thống Biden nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến. Hãng tin Reuters trích thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Biden khẳng định “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở là điều thiết yếu cho mỗi nước”.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kế đó kêu gọi cả 4 nước “hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời đóng góp rõ ràng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison thì nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh khu vực. Mặc dù chỉ là cuộc họp trực tuyến, ông Morrison cho rằng đây là một cột mốc quan trọng đối với “Bộ Tứ”.
“Khi các chính phủ xích lại gần nhau ở cấp độ cao nhất, một cấp độ hợp tác hoàn toàn mới đã được thiết lập nhằm tạo ra một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, thủ tướng Úc ví von.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, lãnh đạo “Đối thoại An ninh bốn bên” (hay còn gọi là “Tứ giác kim cương”) tụ họp. Các cuộc họp của nhóm này trước đây đều diễn ra ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng, một phần vì lo ngại các phản ứng từ phía Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước và giới học giả Trung Quốc từ lâu đã xem “Bộ Tứ” là một tập hợp quân sự nhằm kiềm chế nước này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đã có các chỉ dấu cho thấy “Tứ giác kim cương” đang hướng tới tập hợp sức mạnh kinh tế để đối chọi Bắc Kinh bên cạnh sức mạnh quân sự.
Trước cuộc họp, Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết lãnh đạo “Bộ Tứ” sẽ thảo luận về sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lên của Trung Quốc, những thách thức trong khu vực đối với thương mại tự do và cởi mở.
Các nhà lãnh đạo dự kiến công bố các thỏa thuận tài chính để hỗ trợ sản xuất vắc xin COVID-19 ở Ấn Độ. New Delhi trước đó đã kêu gọi “Bộ Tứ” chống lại chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc bằng việc bắt tay sản xuất 1 tỉ liều vắc xin.
Ngoài vắc xin, theo tạp chí Nikkei Asia, lãnh đạo “Bộ Tứ” cũng được kỳ vọng sẽ tìm ra cách giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc sau cuộc họp lần này. Dự kiến cuộc gặp trực tiếp của 4 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.
Nguồn: tuoitre.vn