“Xứng đáng” là Vụ án lịch sử

Nghiêm Trang

Vụ án Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử

Vì đây là một vụ án phản ánh đầy đủ nhất, điển hình nhất và toàn diện nhất cái chế độ do Đảng CS lập ra, tại một nước nông nghiệp còn đầy rẫy di sản của chế độ vua quan.

Nếu lịch sử vụ án được viết ra với đầy đủ mọi chi tiết, hậu thế chỉ cần đọc nó, sẽ hình dung ra chế độ của nước CHXHCNVN thời hiện nay. Cháu chắt chúng ta, sau khi đọc nó, sẽ thật sự trải nghiệm mọi cung bậc tình cảm như chính họ đang cùng sống với chúng ta hôm nay.

Ông Nguyễn Văn An, nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch QH, đã nói: Bộ Chính trị ĐCSVN là một lũ “vua tập thể”. Điều này đã được chiêm nghiệm từ 2/5 thế kỷ nay.

Xem xét lại lịch sử là chuyện của tương lai, nhưng nghĩa vụ và sứ mệnh của những con NGƯỜI (viết hoa) đang sống ở hiện tại là ghi lại đầy đủ nhất và trung thực nhất về vụ án Đồng Tâm để chuyển cho hậu thế.

Lịch sử không sợ hãi ai, cũng không dọa dẫm ai

Lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình văn minh hóa – kể từ khi con người còn “ăn lông, ở lỗ” cho tới nay. Chỉ những con người có danh tính và nguồn gốc, nhưng hành xử ngược lại chiều hướng này mới phải lo sợ bị lên án.

Nếu viết đủ chi tiết, lịch sử cũng không quên ai

Lịch sử từng khen ngợi hoặc lên án cả đám người vô danh (như đám bần cố nông bị xúi dục trong CCRĐ) huống hồ những con người cụ thể, có danh tính hẳn hoi.

Nói khác, nếu viết đủ chi tiết, lịch sử không chỉ khen ngợi (hoặc lên án) những con người có trọng trách lớn, có vai trò lớn, mà cả những con người nhỏ bé, dẫu có hành nhỏ bé).

Trọng trách lớn, đó là các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc khi các ông này lấy tư cách là chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ xét tặng danh hiệu liệt sĩ và thăng quân hàm cho 3 sĩ quan công an – chết cháy thành than, tro… khi đang đêm đột nhập nhà dân.

Còn trọng trách nhỏ, ví dụ bài viết của một ông tên Nguyễn Thịnh (Học viện ANND) đăng ở báo Công An (http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Lai-gio-bai-tam-thu-thinh-nguyen-truoc-phien-toa-phuc-tham-vu-an-Dong-Tam-633097/).

Sự phong tặng này nhanh nhảu chưa từng có kể từ khi Đảng CSVN giữ địa vị cầm quyền ở đất nước này. Kể từ chủ tịch Hồ Chí Minh (và tổng thống Ngô Đình Diệm) chưa ai nhanh nhảu như vậy.

Ông Trọng và ông Phúc đã phong tặng gần như “lập tức” cho ba người nói trên do vậy hai sẽ đi vào lịch sử bản án này. Nói khác, qua hành vi của họ, họ rất biết về vụ án, kể từ khi nó còn ở dạng mưu mô, cho tới khi nó diễn ra đầy đủ và được phân xử tại tòa. Hai nhân vật Trọng và Phúc có duyệt kế hoạch hay không (?), có chỉ đạo hay không (?)… cũng cần tìm hiểu, để lịch sử sẽ phán quyết về họ.

Nguyên nhân và hoàn cảnh xảy ra vụ án

- Nếu không có Luật Đất đai với cái câu “trứ danh “: “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, chỉ Nhà nước có quyền đại diện” thì không thể có vụ án này. Người tạo ra Luật và nhất quyết không sửa câu trên chính là ĐCSVN.

Dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm) từ khi “đời ta chưa có Đảng CS” vẫn là chủ sở hữu cánh đồng Sênh. Đảng CS độc quyền viết Luật, từ đó đảng này có quyền “thu hồi” một nửa phía đông của cánh đồng này, với danh nghĩa “để xây sân bay Miếu Môn”.

Dân thôn Hoành vẫn cày cấy nửa phía Tây của cánh đồng này. Còn ĐCS thì không có bất cứ động thái nào “xây sân bay” (như đã rêu rao) nhưng lại muốn chiếm nốt nửa phía Tây (nói trên) bằng cách sưng sưng nói (trên văn bản) rằng “đó là đất quân sự”. Người biết rõ đó là lời nói láo, là ông Lê Đình Kình.

Bởi, ông Kình đã trải qua các chức vụ tại xã này: Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Trưởng công an, Chủ tịch UB hành chính, Bí thư đảng ủy… Ông là nhân chứng vững như bàn thạch mà ĐCS cần loại bỏ, để chiếm nốt phần còn lại của cánh đồng Sênh.

Nếu viết đủ chi tiết, lịch sử sẽ nêu cả danh tính Nguyễn Thanh Tùng (Phó Trưởng Công an huyện Mỹ Đức) đã đá vào đùi khiến ông Kình gãy xương, rồi chuyện dân biểu Dương Trung Quốc chất vấn trước QH, bị một đại biểu khác (là Đào Thanh Hải Phó giám đốc Công an Hà nội) bác bỏ…

Từ đây, thế hệ tương lại sẽ cực kỳ ngạc nhiên khi thấy Quốc hội Việt Nam ở thế kỷ 21 lại có thể hành xử như vậy.

Còn những vị như Trương Việt Toàn trực tiếp xử sơ thẩm có những hành vi nổi tiếng ngay tại tòa, thì lịch sử sẽ còn phán quyết.

Mục tiêu số một của vụ án Đồng Tâm mà tới nay ai ai cũng thấy rõ đó là xóa bỏ mạng sống của nhân chứng Lê Đình Kình.

Lịch sử sẽ cho thấy cấp cao nhất của ĐCS VN muốn đảng viên kỳ cựu Lê Đình Kình phải chết ngay từ đầu, ngay tại nhà, mà không thể có mặt để phát ngôn tại tòa.

Rồi tiếp theo là cả một hệ thống chính trị vào cuộc, cả một dàn loa tuyên truyền đang ầm ỹ, mong át tiếng dư luận, như ta đang thấy.

Mọi cơ quan truyền thông (tổng biên tập là đảng viên) đang nhất tề lên tiếng.

Án phúc thẩm, nếu tuyên, sẽ nhẹ hơn án sơ thẩm, sẽ được dàn loa ca ngợi về “tính nhân văn” (!).

Nhưng có át được tiếng nói của tòa án Lịch sử?

N.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.