Lưu Trọng Văn
HÃY ĐẾN XEM MÁU CHẢY TRÊN ĐƯỜNG
Theo dõi tình hình quân đội làm đảo chính và đàn áp biểu tình của người dân, bắn chết dân thường ở Myanmar (2021) nhớ lại Tây Ban Nha (1937) trong thơ của nhà thơ Chile Pablo Neruda (1904 – 1973).
Lũ tướng già phản bội:
Hãy nhìn kỹ ngôi nhà ta đã chết
Hãy nhìn kỹ nước Tây Ban Nha thương tích
Nhưng từ mỗi ngôi nhà đã chết
Sẽ vụt lên thanh sắt đỏ thay hoa
Nhưng từ mỗi vết thương của đất nước Tây Ban Nha
Lại sẽ có Tây Ban Nha nổi dậy
Những khẩu súng cùng với đôi mắt cháy
sẽ nảy lên từ em bé hi sinh
Nhưng từ mỗi tội ác của chúng bay
sẽ nảy ra vô số đạn
Một ngày kia
sẽ nằm giữa tim bay
Bạn sẽ hỏi vì sao thơ tôi
Không nói đến mộng mơ, hoa lá
Không nói đến những hoả diệm sơn hùng vĩ
Của đất nước quê hương?
Hãy đến xem máu chảy trên đường
Hãy đến xem
Máu chảy trên đường
Hãy đến xem máu chảy
Trên đường!
(Nguồn: Thơ Pablô Nêruđa, nhiều người dịch, NXB Văn học, 1974)
Tìm hiểu Myanmar gã nghi ngờ việc giới lãnh đạo quân sự chủ động lệnh cho nổ súng thảm sát đồng bào mình.
Các tướng lĩnh làm đảo chính liệu có dại dột đổ lửa thêm dầu khi họ cam kết sẽ tổ chức bầu cử dân chủ và trao chính quyền cho ai thắng cử trung thực sau một năm?
Cần phải rất tỉnh táo nhận định tình hình Myanmar hiện nay để thấy rõ đâu là nguyên nhân chính tạo ra khủng hoảng đau lòng này.
Đến giờ giới quân sự chưa hề nói về cái chết của hơn 50 người biểu tình trong khi chính họ ra lệnh quân đội không được bắn đạn thật và chỉ được bắn đạn cao su dưới chân người biểu tình thôi.
Nếu đây là lệnh thật sự của họ thì tại sao lại có hơn 50 người biểu tình bị nã đạn thật và hàng trăm người bị thương nặng vì bị nã đạn cao su ở phần trên?
Phải chăng họ đã không kiểm soát được chính lực lượng của họ? Và kẻ nào đã chủ động thảm sát người biểu tình?
Hãy bình tâm xem xét kẻ nào được lợi do Myanmar hỗn loạn? Kẻ nào mong muốn quân đội bắn giết đồng bào mình để bị thế giới trừng phạt?
Có thể kẻ mong muốn thế giới trừng phạt Myanmar do thực sự cũng không nắm được quân đội Myanmar nên cố tình tạo ra các thảm cảnh để thế giới trừng phạt Myanmar buộc Myanmar phải lệ thuộc mình.
Nếu tìm hiểu lịch sử quân đội Myanmar thì thấy họ có ba giá trị cốt lõi mà họ cam kết bảo vệ. Đó là toàn vẹn liên bang, đoàn kết các dân tộc trong liên bang. Chính vì vậy họ không khoan nhượng trong việc đàn áp các dân tộc, bộ tộc đòi ly khai. Và vì việc này họ bị thế giới lên án vi phạm nhân quyền. Giá trị thứ ba là toàn vẹn lãnh thổ cùng độc lập tự chủ. Cũng chính vì vậy họ chống lại bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài, họ chống lại cả các công trình xây dựng của Trung Quốc nếu không đem lại lợi ích quốc gia, họ cũng không chịu trở thành con rối của Trung Quốc để Trung Quốc thao túng.
Hơn ai hết Trung Quốc biết rõ điều này. Chính vì vậy, không ai khác Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để lái con thuyền Myanmar vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Nhưng liệu lãnh đạo quân đội Myanmar có dễ dàng lọt vào quỹ đạo của Tập không?
Theo gã không dễ, vì tính nguyên tắc ba giá trị cốt lõi mà chính họ cột trong Hiến pháp Myanmar năm 2008 kia. Và cũng chính nhân danh bảo vệ các giá trị đó mà quân đội và cảnh sát sát cánh bên nhau, mà có sự tương đối thống nhất của đa số chỉ huy quân đội, cảnh sát.
Nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu về Myanmar đã đưa ra lời khuyên muốn giải quyết vấn đề Myanmar phải hiểu tính đặc thù tồn tại hơn 50 năm của các thể chế Myanmar cùng vị trí địa lý chính trị ngàn đời nay bên các nước lớn Trung Quốc, Ấn Độ.
Thực tế có tình hình khủng hoảng như hiện nay ngoài tính bảo thủ và quyền lực muốn chi phối của quân đội nhân danh bảo vệ ba giá trị cốt lõi, có sự non yếu của chính quyền dân chủ do bà Sang Kui Syi không chính danh lãnh đạo. Nhưng dù bất cứ lý do gì thì hành động đảo chính một chính thể qua bầu cử dân chủ cũng là tội ác. Và tội ác ấy nhân lên gấp bội khi tình hình không được kiểm soát dẫn đến cái chết của người biểu tình.
Mọi tội ác đều phải lên án và căm giận.
Mọi tội ác đều phải bị trừng phạt.
Nhưng giải quyết khủng hoảng mới là điều quan trọng. Vai trò của các nước lớn ra sao? Vai trò của LHQ ra sao? Vai trò của ASEAN ra sao? Những ngày qua đã bộc lộ phần nào sự bất lực.
Vậy, cần làm gì lúc này? Liệu các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar sẽ đem việc nếu các anh dồn ép tôi, tôi sẽ ngả vào phe Trung Quốc cộng sản đối nghịch của các anh đấy để làm con bài ngã giá?
Chính vì lường trước con bài này mà Mỹ cùng EU, Nhật, Ấn Độ chưa tung ra những quả đấm sắt trừng phạt phe quân đội.
Và dù có tung ra các đòn trừng phạt đến đâu chăng nữa như trừng phạt Bắc Triều Tiên, Iran thì cũng khó làm thay đổi thời cuộc vì thế giới thực tế đã phân hai cực trong đó cộng sản Trung Quốc nghiễm nhiêm làm chủ một cực.
Vậy thì lối thoát chỉ còn ở chính nội bộ Myanmar mà thôi. Tất cả rồi sẽ đến thoả hiệp vì lãnh đạo quân sự Myanmar không dại gì rúc vào tầm trói buộc của Trung Quốc, kẻ mà họ quá hiểu về dã tâm bành trướng, để tính chính danh bảo vệ ba giá trị cốt lõi của họ không còn nữa, dẫn đến các cuộc lật đổ ngay trong lực lượng của họ. Và phe dân chủ biểu tình cũng sẽ hiểu rằng dân chủ thực sự là cả một quá trình dài lâu phụ thuộc vào chính dân tộc của họ trong quá trình trưởng thành cùng các lãnh tụ thực sự xuất sắc.
Bài giải chỉ còn là thời gian một năm theo cam kết lãnh đạo quân sự sẽ tổ chức bầu cử để có một chính quyền dân chủ mức nào đó mà mọi phe và thế giới chấp nhận được.
Để rồi thời gian và sự trưởng thành sẽ phân xử.
Tất nhiên sẽ còn các phương án khác đó là không khoan nhượng để rõ ai thắng ai. Sẽ có tắm máu khủng khiếp nhưng ai đó cũng có lý cho rằng cái giá của Tự do, Dân chủ không bao giờ rẻ.
Và cũng có phương án có đảo chính trong giới quân sự để lực lượng ôn hoà lên tạo hình ảnh chấp nhận được cho việc trả tự do các chính khách và sớm bầu cử.
Cách này là tốt nhất.
Nhưng ai là lực lượng hậu thuẫn cho họ?
Chưa có hy vọng để tìm chính xác câu trả lời.
L.T.V.
Tác giả gửi BVN
Đọc thêm
1. Chính quyền quân phiệt Myanmar: Khủng bố chống lại chính người dân của mình
Till Fähnders
Hiếu Bá Linh dịch
Cuộc biểu tình để tưởng nhớ cô Kyal Sin, là người biểu tình bị bắn ở Mandalay Ảnh: Reuters
Nhiều người bị bắn chết ở Myanmar – Người biểu tình đau buồn nhưng vẫn tiếp tục phản kháng
Hôm qua, thứ Tư là ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu ở quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà hoạt động nhân quyền suy đoán rằng, có một chiến lược quân sự phối hợp đằng sau việc này. Đó là cuộc khủng bố chống lại chính người dân của mình.
Bắn các phát súng mà hầu như không có cảnh báo trước. Trong nhiều trường hợp, các viên đạn đã bay thẳng vào đầu người biểu tình. Hàng chục người đã thiệt mạng theo cách này. Trong số đó có cô Ma Kyal Sin, 19 tuổi. Lập tức, cô ấy đã trở thành thiên thần bất tử của cuộc tắm máu này ở Myanmar.
Có lẽ vì cô ấy còn quá trẻ, hoặc vì người ta nhanh chóng nhận ra cô ấy là ai. Có thể chỉ vì dòng chữ trên áo phông của cô ấy, nghe giống như một câu nói đùa với thông điệp lạc quan: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi“. Trong những bức ảnh chụp từ quê hương Mandalay của cô, xác chết của cô nằm cạnh xác của một người đàn ông 37 tuổi bị bắn chết vào ngực. Hàng trăm người đã tham dự tang lễ của cô gái trẻ hôm nay thứ Năm 4/3. Họ hát và hô khẩu hiệu.
Bất chấp đổ máu nghiêm trọng, mọi người đã xuống đường một lần nữa vào ngày thứ Năm để đòi hỏi dân chủ. Vào những giờ quá tối, bất chấp lệnh giới nghiêm hàng đêm, họ vẫn gặp nhau để tưởng niệm và biểu lộ sự thương tiếc.
Hôm qua thứ Tư 3/3 là ngày đẫm máu nhất cho đến nay kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu và phản ứng tàn bạo của quân đội. Theo bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ, 38 người đã bị bắn chết trong ngày hôm qua. Số người bị thương ước tính khoảng 100 người.
Theo tổ chức nhân quyền Fortify Rights, tính đến nay, đã có tổng cộng 61 người chết ở bảy khu vực và tiểu bang. Trước đó, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã nói về con số 23 người chết tính từ ngày đảo chính 1/2 cho đến ngày 1/3.
Cô Ma Kyal Sin mặc áo có dòng chữ “every thing will be ok” (Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi)
Trong số nạn nhân bị bắn chết cũng có trẻ em
Các trường hợp bị bắn chết được báo cáo hôm thứ Tư, xảy ra ở các thành phố Monywa, Myingyan, Mandalay, Salin và Mawlamyine. “Cảnh sát và quân đội đã bắn chết đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Trong số những nạn nhân có các sinh viên, một thợ mộc, một kỹ sư, một giáo viên và những người khác”, tổ chức Save the Children đưa tin hôm thứ Năm.
Theo tổ chức này, ít nhất bốn người bị bắn chết là trẻ vị thành niên. Bởi vì hiện tại không thể nhập cảnh vào Myanmar do các hạn chế về virus corona và các hạn chế khác kể từ cuộc đảo chính, cho nên để đánh giá toàn bộ mức độ của thảm kịch, thế giới bên ngoài phải dựa vào các tường thuật từ các đại diện báo chí địa phương và đánh giá các video và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch phân tích một số tài liệu ảnh chụp cảnh sát bắn vào người biểu tình ở thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon, hôm thứ Tư. Kết quả là, tổ chức này xác định, có 3 vụ nổ súng của lực lượng an ninh xảy ra dọc theo Đường Thudhamma, gần Công viên Okkala Thiri ở Yangon hôm thứ Tư. Hàng trăm người biểu tình được nhìn thấy trên một đoạn video, họ ẩn nấp trước làn đạn bắn liên tục.
Các viên đạn xuất phát từ hướng của một cây cầu, nơi có ít nhất năm xe quân sự đang đậu. Đạn có lẽ được bắn từ súng trường tự động và bán tự động. Mục tiêu là những người biểu tình, họ đang đưa một người bị thương hoặc thiệt mạng ra khỏi khu vực. Trong một trường hợp khác, một người đàn ông bị lực lượng an ninh bắt giữ khi họ bắn vào lưng ông ở cự ly gần.
LHQ sẽ họp bàn vào thứ Sáu
Những điểm giống nhau trong việc sử dụng vũ lực quá mức và gây chết người của lực lượng an ninh cho thấy rằng, có một sự phối hợp giữa các đơn vị khác nhau và một chiến lược quốc gia đằng sau việc này, tổ chức Fortify Rights báo cáo. Tất cả các sĩ quan quân đội và cảnh sát trong ban chỉ huy phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ đã gây ra đối với người dân Myanmar. Tổ chức này kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (UNSC) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội và các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân đội. Ủy ban của UNSC sẽ họp vào thứ Sáu để thảo luận về các sự kiện.
Fortify Rights cũng kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra. Ismail Wolff, giám đốc khu vực của tổ chức này cho biết: “Các binh lính và cảnh sát ở Myanmar hành xử như những đội tử thần và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Tướng đảo chính Min Aung Hlaing và “quân hàm sát nhân” của hắn đã khủng bố dân chúng.
Bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ, trước đó đã cảnh báo rằng tình hình có thể phát triển thành một “cuộc chiến thật sự”. Bà ấy cũng đã báo cáo về các video “rất đáng lo ngại“. “Có lẽ cảnh sát đang sử dụng vũ khí như súng tiểu liên 9 ly, tức là bắn đạn thật“, bà nói trong một cuộc họp báo.
Đặc phái viên LHQ cũng cho biết, bà đã liên lạc với quân đội. Trong cuộc nói chuyện với Phó Chỉ huy quân sự Soe Win, bà nhấn mạnh rằng quân đội phải tính đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. “Chúng tôi đã quen với các biện pháp trừng phạt và đã tồn tại“, đó là câu trả lời. Ngoài ra, bà lưu ý ông ta rằng, quân đội có nguy cơ bị quốc tế cô lập. “Chúng tôi phải học cách hòa nhập với chỉ một vài người bạn“, vị tướng này trả lời.
T.F.
Ghi chú: Tựa đề do người dịch đặt
Nguồn: Baotiengdan
2. Hàng chục cảnh sát Myanmar chống lệnh, vượt biên sang Ấn Độ
Nguyên Hạnh
TTO – Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ để trốn mệnh lệnh từ chính quyền quân sự, một sĩ quan cảnh sát Ấn Độ nói với Hãng tin Reuters.
Người biểu tình Myanmar tại Yangoon ngày 4-3 – Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, 19 người là con số mới nhất kể từ khi truyền thông đưa tin ít nhất 3 cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ.
Nguồn tin của Reuters cho biết những người này vượt biên đến Champhai và Serchhip, 2 quận nằm ở phía đông bắc bang Mizoram, Ấn Độ và giáp ranh Myanmar. Tất cả đều không mang vũ khí và có hàm thấp.
“Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều người đến đây”, nguồn tin của Reuters cho biết dựa trên các báo cáo tình báo.
Cũng theo quan chức này, các cảnh sát Myanmar vượt biên vì sợ bị kỷ luật do kháng lệnh. Chính quyền Ấn Độ sẽ tạm thời sắp xếp nơi ở cho họ. “Họ không muốn nhận lệnh chống lại phong trào bất tuân xã hội”, ông nói.
Phong trào biểu tình dậy sóng tại Myanmar sau khi quân đội giành lại quyền lực và bắt các lãnh đạo của chính quyền dân sự hôm 1-2.
Trong khi phía quân đội tuyên bố đây là phản ứng của họ trước các nghi vấn về gian lận bầu cử 2020 tại Myanmar, các nước phương Tây gọi đây là cuộc đảo chính.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-3 đình chỉ các chương trình hỗ trợ phát triển dành cho Myanmar để tránh giúp đỡ về tài chính cho quân đội nước này. Trong năm ngoái, EU đóng góp hơn 240,7 triệu USD cho nhiều chương trình riêng biệt tại Myanmar, với thời hạn thường kéo dài lên đến 4 năm.
Một sĩ quan cảnh sát Ấn Độ khác cho biết chính quyền địa phương đang kiểm tra sức khỏe của 3 trong số những người vượt biên tới đây. Ba người này vượt biên sang thành phố Bắc Vanlaiphai, quận Serchhip hôm 3-3.
“Họ nói họ nhận được chỉ đạo từ các lãnh đạo quân đội mà họ không thể tuân theo. Vì thế họ trốn chạy. Họ tìm nơi tị nạn vì chính quyền quân sự ở Myanmar”, giám đốc cảnh sát Serchhip Stephen Lalrinawma nói với Reuters.
Ít nhất 54 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương trong biểu tình tại Myanmar
TTO – “Quân đội Myanmar phải dừng việc giết chóc và bắt giam người biểu tình”, bà Bachelet tuyên bố và phản đối việc sử dụng vũ khí chống lại người biểu tình ôn hòa tại Myanmar.
N.H.
Nguồn: tuoitre.vn