Nguyễn Ngọc Chu
Đề xuất của bạn Nguyễn Ngọc Chu xuất phát từ một thiện chí muốn góp phần đa dạng hóa một cách thực chất khối đại biểu Quốc hội lần này để hoạt động của Quốc hội thêm hiệu quả, điều ấy thì ai cũng biết. Nhưng chỗ chưa thể nắm chắc là khi đặt mục tiêu “50 đại biểu ngoài đảng”, bên phía cầm quyền ấp ủ ý định gì. Mà đây mới là chuyện quan trọng hàng đầu.
Hãy cứ xem cách đây mấy năm, nhân dịp TT Obama đến thăm Việt Nam, bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có lên một chương trình mời ông đi tham quan “ao cá Bác Hồ” trong Phủ Chủ tịch, do bà trực tiếp dẫn đường. Một chương trình như thế hẳn cốt làm cho người khách quý hiểu được phong cách sống thanh đạm và nhiều ý vị hiền triết của bậc lãnh tụ đã khuất của ĐCSVN. Ấy thế mà điều rất lạ là bà Chủ tịch Quốc hội đã thực hiện chức trách đó của mình với một tác phong phải nói là hết sức… vội vã. Chủ cùng khách đi bộ đến trên bờ ao cá, nhưng trong lúc khách còn nhìn đây nhìn đó chưa kịp hình dung mọi việc diễn ra nơi này ra sao, cũng chưa kịp hiểu ao cá đối với sinh hoạt hàng ngày của cụ Hồ có một vai trò quan trọng như thế nào, thì bà Chủ tịch đã cầm ngay lấy xô đựng thức ăn cho cá và hất luôn tất cả thức ăn trong xô xuống mặt nước, sau đó lập tức quay mặt bước đi ngay mà chẳng hề một lần liếc con mắt xuống bầy cá, mặc cho vị khách đứng trơ lại phía sau thoáng một chút ngỡ ngàng rồi cũng đành bước theo. Người xem truyền hình hôm ấy không khỏi băn khoăn suy nghĩ: bà Chủ tịch đã trình diễn rất đúng với chương trình mình xếp đặt từ đầu, nhưng chỗ quan trọng nhất là làm sao cho khách thấu hiểu được nội dung cốt lõi của chương trình ấy thì lại không mảy may nghĩ cách đáp ứng.
Thì giờ đây cũng vậy, muốn có 50 đại biẻu Quốc hội ngoài đảng tất sẽ có ngay, không khó khăn gì cả. Tuy vậy, không biết đây là muốn có năm mươi suất ngoài đảng cho Quốc hội khóa này để Quốc hội có danh nghĩa nhiều thành phần dân chúng, hay muốn có 50 cái đầu có trí tuệ để đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Mục tiêu thứ hai e không thể nào đạt được khi cung cách “tuyển đại biểu” của Quốc hội vẫn chẳng có chút gì khác xưa (thậm chí nếu người có nhiệt tình tự ra ứng cử thì đều được phường xã sở tại cho “kiểm điểm” tới bến, như các ông TS Nguyễn Quang A, LS Lê Văn Luân và nhiều người khác cách đây 4 năm). Mà nếu đặt vấn đề thay đổi thì thử hỏi, Đảng có cho phép hay không?
Bauxite Việt Nam
Sắp hết hạn nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá 15 vào ngày 14/3/2021 nhưng tương lai 50 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng vẫn chưa rõ ràng.
Từ các thông tin của hội nghị hiệp thương các tỉnh thành thì được biết ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đều dành từ 10%-11,58% cho các ứng viên là người ngoài đảng. Thông tin chi tiết hơn như sau:
+ Ngày 10/2/2021 báo điện tử của Quốc hội là quochoi.vn đưa tin:
“Sáng 09/02, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026”.
“Theo kế hoạch, dự kiến phân bổ số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ có 30 đại biểu Quốc hội Khóa XV được bầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, 15 đại biểu từ giới thiệu của Thành phố và 15 đại biểu từ giới thiệu của Trung ương.
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất dưới sự chủ trì của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố, các đại biểu đã thảo luận, thông qua số lượng đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là 45 đại biểu.
Trong đó, cơ cấu giới thiệu gồm 2 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của Thành phố; 2 đại biểu chuyên trách, 6 đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, 8 đại biểu từ lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, 2 đại biểu tự ứng cử…
“Hội nghị cũng đồng thuận thông qua các tiêu chí định hướng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ X đảm bảo tỷ lệ giới thiệu đại biểu nữ đạt trên 38%; đại biểu ngoài Đảng trên 10%; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt trên 16%; trên 30% đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tái cử và giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ IX…”.
(http://quochoi.vn/…/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx…)
Như vậy TP HCM có 30 ghế ĐBQH. Có 45 ứng viên để bỏ phiếu tức là tỷ lệ 1,5 lấy 1. Theo tỷ lệ 10% người ngoài đảng thì TP HCM có 3 ĐBQH là người ngoài đảng.
Từ đó suy ra:
– Nếu không chỉ rõ 3 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng nằm ở đơn vị bỏ phiếu nào
– Và nếu không tăng suất tự ứng cử cho người ngoài đảng lên 5 suất,
thì mục tiêu 10% ĐBQH là người ngoài đảng sẽ không trở thành hiện thực ở TP HCM.
+ Báo điện tử Công An Nhân dân là cand.com.vn ngày 05/2/2021 đưa tin:
“Hà Nội giới thiệu 45 người để bầu 29 đại biểu Quốc hội khóa XV”.
“Trong khi đó, đại biểu HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 95 đại biểu. Hội nghị đã thống nhất giới thiệu 190 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI với cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng giới thiệu gồm: Dưới 40 tuổi là 29 người, tỷ lệ 15,26%; nữ 69 người, tỷ lệ 36,32%; người ngoài Đảng 22 người, tỷ lệ 11,58%; đại biểu đương nhiệm tham gia tái cử là 53 người”.
(http://cand.com.vn/…/Ha-Noi-gioi-thieu-45-nguoi-de-bau…/).
+ Trong một tin khác của vietnamnet.vn ngày 06/2/2021 thì Hà Nội dự kiến đề cử 59 người để bầu 29 ĐBQH (https://vietnamnet.vn/…/ha-noi-du-kien-gioi-thieu-59…).
Như vậy theo tỷ lệ đã thông báo là người ngoài đảng chiếm 11,58% thì Hà Nội có từ 3-4 ghế ĐBQH là người ngoài đảng.
Cần chỉ rõ 3-4 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng nằm ở những đơn vị bầu cử nào và cũng dành 6-8 ghế tự ứng cử cho người ngoài đảng để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trở thành hiện thực.
Đề xuất
1. Để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trở thành hiện thực, thì cả 63 tỉnh thành phải dành cho người ngoài đảng tối thiểu là 10% số ghế ĐBQH. 50 ghế ĐBQH này phải chỉ rõ ở từng đơn vị bầu cử. Kèm theo đó là danh sách tự ứng cử của người ngoài đảng, cũng theo tỷ lệ 2 ứng cử viên cho 1 ghế ĐBQH.
2. Các ứng cử viên cho ghế ĐBQH là người ngoài đảng phải để cho người ngoài đảng tự do ứng cử. Tránh sự hiểu nhầm là người do đảng sắp xếp.
3. Đề nghị Uỷ ban bầu cử chuyển thông báo tự ứng cử và phiếu đăng ký tự ứng cử đến từng hộ gia đình để người ngoài đảng đăng ký ứng cử ĐBQH.
4. Để thấy đảng chủ trương dành 50 ghế ĐBQH cho người ngoài đảng là mục tiêu thực sự, đề nghị Uỷ ban bầu cử kêu gọi quần chúng ngoài đảng ra ứng cử ĐBQH trên các phương tiện truyền thông của đảng và nhà nước.
Hiện nay 63 tỉnh thành đã đưa danh sách 1045 người ứng cử vào ĐBQH, nhưng đại đa số quần chúng ngoài đảng vẫn không được biết để ra ứng cử vào ĐBQH. Trong khi đó thì ngày hết hạn nộp hồ sơ 14/3/2021 đến rất gần. Nếu thực hiện 4 đề xuất trên đây, dứt khoát mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng sẽ trở thành hiện thực.
Không ít người hoài nghi về tính khả thi của mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng trong kỳ bầu cử QH khoá 15 này. Nhưng nếu nhớ lại thì nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn mà đảng còn dành được thắng lợi, huống chi là mục tiêu 50 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng. Đảng muốn là được.
N.N.C.
Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu