Con trai ông Lê Đình Kình muốn kêu oan nhưng không được

Feb 27, 2021

N.H.K.

Tôi không được triệu tập tham dự phiên toà?

Theo thông tin tôi có được từ các đồng nghiệp, ngày 08/3/2021 tới đây Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Đồng Tâm cách đây hơn một năm về trước. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, khi mà hầu hết đồng nghiệp từ Nam tới Bắc đều đã nhận được Thông báo mở phiên toà và Giấy triệu tập của toà thì riêng tôi chưa nhận được bất kỳ một tài liệu nào dù tôi là luật sư đầu tiên đăng ký tham gia vụ án này, là một trong những luật sư bào chữa cho nhiều bị cáo nhất, đồng thời cũng là người có văn phòng làm việc gần trụ sở của Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nhất (cách chỉ khoảng 500m). Điều đáng buồn là điều này không phải là lần đầu tiên xảy ra với tôi mà tại chính toà án này, trong một vụ án trước đó không lâu, họ còn quên triệu tập tôi tới tham gia phiên toà, khiến cho khi mở phiên toà ra lại phải hoãn vì dù tôi có nghe người nhà thân chủ báo nhưng tờ không gọi tôi thì tôi sẽ không đến (vụ án của nhà báo Trương Duy Nhất).

Do thư ký toà bận rộn nên việc sai sót trong khâu thủ tục là điều có thể cảm thông được. Tuy nhiên, khi sai sót xảy ra nhiều lần và lại toàn rơi vào tôi nên tôi không thể không nghi ngờ về động cơ không trong sáng của họ. Tôi nghi ngờ rằng vì tôi là người hay đưa thông tin chính thống về vụ án, là “cái loa” chính nên người ta không muốn gửi cho tôi sớm mà luôn tìm cách trì hoãn để thông tin được người khác đưa rồi, khi tôi có và đưa tin lại sẽ không còn ai muốn đọc nữa. Trước đó, tại ngày cuối cùng của phiên toà xét xử sơ thẩm, tôi bị ngăn cản không cho sao chép tài liệu ra máy tính cá nhân sau khi tôi đã đánh máy ngay tại trong phiên toà khiến cuộc tranh cãi giữa tôi và lực lượng an ninh xảy ra sau đó.

Sáng nay, một nữ thư ký toà, chị này đã từng làm việc trong một vài vụ án khác trước đó có hỏi tôi đã nhận được thông báo chưa, có phải là địa chỉ abc (chị đọc địa chỉ ở đâu tân quận Thanh Xuân trong khi từ trước tới giờ tôi có mỗi một địa chỉ mà trước chị đã gửi rồi). Sau khi tôi nói chị sai rồi thì chị xin lỗi và báo sẽ gửi lại sớm nhưng chưa biết chính xác lúc nào tôi mới nhận được trong khi ngày xét xử đã cận kề.

Có một số điểm thiếu sót trong thông báo mở phiên toà mà các đồng nghiệp tôi đã nêu và cũng đã có kiến nghị, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chỉ nhắc tới tình huống hơi hy hữu chỉ rơi đúng vào mình tôi. Không biết số tôi nhọ hay tại tôi “lắm mồm” nên người ta cố tình chơi khăm tôi? Chỉ biết rằng, nếu không nhận được giấy triệu tập thì chắc chắn tôi sẽ không tới tham dự phiên toà dù trong thông báo mở phiên toà có ghi tên tôi.

Tuấn Ngô

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mười ngày trước phiên xử phúc thẩm vụ “chống đối ở Đồng Tâm,” một trong các luật sư bào chữa cho sáu người kháng cáo, tiết lộ trên mạng xã hội rằng ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, muốn kêu oan nhưng không được.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi Tháng Chín, 2020, ông Công cùng với em trai, ông Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình với cáo buộc “Giết người.”

Ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ án Đồng Tâm. (Hình: Việt Trung/Lao Động)

Vụ tấn công võ trang của nhà cầm quyền CSVN diễn ra ở Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng, 2020, khiến ông Lê Đình Kình bị bắn chết với rất nhiều vết đạn trên người trong lúc ba viên công an được ghi nhận thiệt mạng nhưng công luận “không rõ nguyên do thật sự.”

Luật sư Phạm Lệ Quyên, trong nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, cho biết trên trang cá nhân: “Ông Công kháng cáo kêu oan nhưng nội dung đơn được viết với nội dung kháng cáo là ‘giảm nhẹ hình phạt.’ Vì bị cáo được giải thích là phải viết đơn kháng cáo theo mẫu chung của trại tạm giam. Ông Công cho hay đã phải viết tới bốn lần đơn kháng cáo.”

Luật sư Quyên cũng thuật lại lời ông Công trong buổi gặp tại trại giam: “Tôi luôn tin tưởng các luật sư đã bào chữa cho tôi và tôi sẽ giữ nguyên quan điểm của mình. Tôi có tội, nhưng chỉ là tội ‘Chống người thi hành công vụ,’ tôi không chỉ đạo ai và phân công ai cũng như bàn bạc với ai. Mọi người đều đến để bảo vệ bố tôi là cụ Kình. Tôi mong rằng các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét kỹ lưỡng và đúng pháp luật.”

Cũng theo nữ Luật sư, ông Công “bật khóc, nghẹn lời” khi nghe những lời nhắn của gia đình muốn ông “giữ vững tinh thần mạnh mẽ đến cùng” trong phiên tòa diễn ra hôm 8 Tháng Ba.

“Nhưng cảm xúc bao ngày kìm nén trong chốn lao tù, cảm xúc kìm nén sau những biến cố xảy với cả gia đình, những tang thương ập đến làm đảo lộn tất cả, những nỗi đau sự mất mát đã xảy ra với gia đình ông: Bố chết, hai anh em bị kết án tử, một con trai bị kết án chung thân, một con trai bị kết án 6 năm tù, thì làm sao ông có thể ngăn được cảm xúc đó,” theo Facebook Luật sư Lệ Quyên.

Trong một diễn biến khác, Luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng thuộc nhóm luật sư bào chữa vụ án nêu trên, cho biết trên trang cá nhân rằng ông không được giấy triệu tập tham dự phiên tòa phúc thẩm.

“Không biết số tôi nhọ hay tại tôi ‘lắm mồm’ nên người ta cố tình chơi khăm tôi? Chỉ biết rằng, nếu không nhận được giấy triệu tập thì chắc chắn tôi sẽ không tới tham dự phiên tòa dù trong thông báo mở phiên tòa có ghi tên tôi,” Luật Sư Tuấn viết trên trang cá nhân.

Vị luật sư này từng là người tường thuật trên trang Facebook Tuan Ngo về chi tiết diễn biến mỗi ngày xử trong phiên sơ thẩm.

Giới xã hội dân sự đến viếng mộ ông Lê Đình Kình nhân ngày giỗ đầu của ông. (Hình: Facebook Đặng Bích Phượng)

Sau khi vụ tấn công diễn ra, bà quả phụ Dư Thị Thành, vợ ông Kình, từng làm đơn tố cáo công an giết người, cướp tài sản khi tấn công xã Đồng Tâm. Dân Đồng Tâm là nạn nhân của một vụ cướp của giết người, thủ phạm là nhà cầm quyền, thì bị biến thành thủ phạm của vụ chống đối để bị áp đặt các bản án bất công với án nặng nhất đến tử hình.

Vụ đàn áp đêm 9 Tháng Giêng, 2020, làm rúng rộng dư luận trong và ngoài nước, nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là một tội ác “trời không dung, đất không tha.”

N.H.K.

Nguồn: nguoi-viet.com

This entry was posted in Luật pháp cộng sản, Đồng Tâm. Bookmark the permalink.