Phan Thúy Hà
Hóa ra “hòa hợp hòa giải” là một vấn đề vô cùng khó khăn nhưng cũng rất dễ giải quyết, mà điều kiện tiên khởi để làm được chuyện đó là người chủ trương hòa hợp hòa giải nhất thiết… phải sâu nặng tính người. Bài viết dưới đây là một minh chứng cụ thể. Trách gì mấy chục năm nay nhiều vị đã lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn đề này, nhưng loay hoay mãi mà rốt cuộc vẫn không lần ra đầu mối.
Bauxite Việt Nam
Một sỹ quan Việt Nam Cộng hoà làm mọi cách để che chở một anh lính Cộng sản trong suốt 7 năm.
Năm 1966 anh lính bị thương trong một trận đụng độ với quân đội Mỹ ở Tây Nguyên, anh bị bắt, đưa về sư đoàn 23 Bộ binh VNCH. Tại đây người sỹ quan tên là Hùng đã hỏi cung anh lính cũng tên Hùng. Sau hai ngày trò chuyện, người lính không thể nào hiểu được, từ lúc đó trở đi anh được hưởng một chế độ quan tâm đặc biệt, suốt 7 năm bị bắt làm tù binh, từ Tây Nguyên về trại Lê Văn Duyệt rồi nhà tù Biên Hoà và cuối cùng là đảo Phú Quốc. (Câu chuyện phải được kể ra bằng một bài viết dài chứ không chi tiết logic được qua một đoạn stt)
Mỗi lần quản lý trại giam gọi anh lính Hùng lên đều để cho biết sỹ quan Hùng điện đến hỏi thăm sức khỏe anh, hỏi anh có cần gì không. Lần cuối cùng là trước ngày được trao trả vài ngày, anh lính Hùng nhờ quản lý trại giam nhắn cho sỹ quan Hùng rằng anh khỏe, chuẩn bị được trao trả. Từ đó anh lính không còn tin về người sỹ quan.
Gần chục năm sau anh lính Hùng vào Nam tìm người sỹ quan ân nhân. Không tìm được. Anh đi Tây Nguyên, anh vào Sài Gòn. Cả ba lần đi đều không tìm được.
Tình cờ anh quen một người bạn giữ hồ sơ sỹ quan đi cải tạo. Cuối cùng họ đã tìm được hồ sơ của người sỹ quan.
Trần Khắc Thiện (Hùng) sinh ngày 31. 7-1926. Quê quán: Vân Nam – Trung Quốc. Đại uý an ninh. Cư trú tại cư xá sỹ quan Pleiku.
Địa chỉ hai ngôi nhà của ông ở Sài Gòn là 67/3 Trần Xuân Soạn và 268/8 Trần Xuân Soạn.
—-
Anh lính Hùng không biết mặt cha. Cha anh rời nhà đi chiến đấu chống Pháp khi anh mới được bảy tháng. Giấy báo về nhà cho biết ông hy sinh năm 1950 tại Yên Bái, không tìm thấy xác.
Học xong lớp 8 Hùng đi bộ đội, vào năm 1965. Mẹ chỉ có một mình anh.
Khi hỏi cung Hùng chỉ nói cha chết sớm, hai mẹ con ở với nhau.
Trước khi về Sài Gòn Hùng viết cho ông sỹ quan một lá thư dài ba trang, bày tỏ cảm xúc của mình trong những ngày qua, nói rằng mình may mắn được gặp ông. Cùng bị bắt với Hùng đợt đó có sáu người. Một người bạn đã đưa lá thư của Hùng cho ông sỹ quan. Người bạn nói lại rằng, lúc đó ông sỹ quan đã lên xe máy chuẩn bị đi, nhận lá thư ông ngồi yên trên xe mở ra đọc luôn, máy xe vẫn nổ.
—-
Chiều nay bác Hùng gọi tôi đến nhà bác. Cháu đi nhiều, thử hỏi xem có thể tìm được thông tin về ông Thiện không. Năm nay ông Thiện 94 tuổi. Nếu ông sống một mình các con của bác muốn đưa ông ra Hà Nội sống cùng gia đình bác. Nếu ông Thiện không còn nữa, bác muốn tìm mộ ông, bác sẽ đến ngồi bên mộ ông. Sao ông lại tốt với bác như vậy.
Chưa tìm được ông Thiện bác chết không thanh thản cháu ạ. Bác không có cha. Bác coi ông như là cha của mình.
Bức ảnh trong bộ hồ sơ của sỹ quan Trần Khắc Thiện. Bác Hùng phóng to, treo trong nhà.
P.T.H.
Nguồn: FB Phan Thúy Hà
(*) Đầu đề do BVN thêm