VOA
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu trình bày chủ trương chính sách đối ngoại của ông trước các nhà lãnh đạo thế giới, hối thúc các nền dân chủ hợp sức để thách thức những hành vi nhũng lạm của các nước chuyên quyền như Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Joe Biden tham gia một sự kiện trực tuyến với Hội nghị An ninh Munich ở Phòng Đông của Nhà Trắng, ở Washington, ngày 19 tháng 2, 2021.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trong tư cách tổng thống trên trường quốc tế, một “chuyến thăm ảo” trực tuyến tới Châu Âu, ông Biden tìm cách tái xác lập tư cách của Mỹ là một nước chủ trương đa phương sau bốn năm theo đường lối “Nước Mỹ Trên hết” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich, tổng thống Đảng Dân chủ từ bỏ chính sách đối ngoại mang tính đổi chác nhiều hơn của cựu tổng thống Đảng Cộng hòa, người đã khiến các đồng minh tức giận bằng việc rời bỏ các thỏa thuận toàn cầu và đe dọa chấm dứt hỗ trợ quốc phòng trừ phi họ thuận theo ý ông.
“Tôi biết những năm qua đã gây căng thẳng và thách thức mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta, nhưng Hoa Kỳ vẫn quyết tâm – quyết tâm – tái giao tiếp với Châu Âu, tham vấn quý vị, để giành lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy của chúng tôi,” ông nói.
“Nước Mỹ đã trở lại,” ông nói trước khán giả theo dõi trực tuyến.
Các mối quan hệ đối tác của Mỹ tồn tại được vì chúng “bắt nguồn từ sự phong phú của các giá trị dân chủ chung của chúng ta,” ông Biden nói. “Chúng không phải là những thứ để đổi chác. Chúng được xây dựng dựa trên viễn kiến tương lai mà trong đó mọi tiếng nói đều quan trọng.”
Ông nói rằng các đồng minh của Mỹ phải đứng vững trước những thách thức do Trung Quốc, Iran và Nga đề ra.
“Điện Kremlin tấn công các nền dân chủ của chúng ta và vũ khí hóa sự nhũng lạm để tìm cách phá hoại hệ thống quản trị của chúng ta,” ông nói. “[Tổng thống Nga Vladimir] Putin tìm cách làm suy yếu cơ đồ Châu Âu và liên minh NATO của chúng ta. Ông ta muốn phá hoại sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và quyết tâm của chúng ta.”
Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận bất cứ hành động nào như vậy.
Ông Biden nhấn mạnh điều mà ông gọi là cam kết “không thể lay chuyển” của Mỹ đối với liên minh NATO gồm 30 thành viên, một sự chuyển hướng khác từ thời ông Trump, người đã gọi NATO là lỗi thời và thậm chí có lúc gợi ý rằng Washington có thể rút khỏi liên minh này.
Ông Biden cũng cam kết hỗ trợ 4 tỉ đôla cho các nỗ lực chủng ngừa virus corona toàn cầu, đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris cũng như nêu triển vọng về một dự luật chi tiêu gần 2 ngàn tỉ đôla có thể vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ của Mỹ và toàn cầu.
Ông Biden nói rằng thế giới đang ở thời điểm quyết định, nhưng ông tin rằng các nền dân chủ, chứ không phải các chế độ chuyên chế, mới là con đường tốt nhất cho thế giới.
Ông cho rằng các nền kinh tế thị trường và nền dân chủ lớn cần hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức do các cường quốc đối thủ cạnh tranh như Nga và Trung Quốc đề ra, cũng như các vấn đề toàn cầu từ phổ biến hạt nhân đến biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
Ông đặc biệt nhắm mục tiêu chỉ trích Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và việcc nước này không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Ông lập luận rằng các nền dân chủ phải định hình các quy tắc để chi phối sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
“Chúng ta phải đẩy lùi các hành vi lạm dụng và cưỡng ép kinh tế của chính phủ Trung Quốc làm suy yếu các nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế,” ông nói.
Ông nói các công ty Trung Quốc phải tuân theo các tiêu chuẩn tương tự áp dụng cho các công ty Mỹ và Châu Âu.
“Chúng ta phải ủng hộ các giá trị dân chủ vốn giúp chúng ta có thể thực hiện được bất kì điều gì trong số này, đẩy lùi những ai muốn độc quyền và bình thường hóa sự đàn áp,” ông nói.
Chính quyền Biden đang duyệt lại chính sách về Trung Quốc trên mọi mặt, bao gồm việc Trung Quốc tăng cường binh lực và các chính sách thương mại, các hành động của họ ở Hong Kong, sự đối xử với người Uighur thiểu số ở Tân Cương và cách ứng phó vụ bùng phát virus corona.
Về thách thức do chương trình hạt nhân của Iran đề ra, ông Biden nói Mỹ trông đợi tái giao tiếp ngoại giao giữa nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã từ bỏ.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Đọc thêm:
Joe Biden quyết tâm đối phó thách thức Trung Quốc ‘dù khó khăn’
20 tháng 2 2021
Ông Joe Biden hôm 19/2. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xuất hiện qua Diễn đàn an ninh Munich, tổ chức trực tuyến ngày 19/2, để khẳng định Mỹ sẽ giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới và tôn trọng các liên minh chiến lược.
“Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại,” ông Biden dõng dạc.
“Dân chủ không xảy ra một cách tình cờ. Chúng ta phải bảo vệ nó, chiến đấu cho nó, củng cố nó, làm mới nó”, tổng thống Mỹ nói.
Tổng thống Joe Biden rõ ràng đang muốn chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ tìm các quan hệ đồng minh sau 4 năm chia rẽ với chính sách “Nước Mỹ Trên hết” dưới thời ông Trump.
“Tôi biết vài năm qua rất căng thẳng và thử thách mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng tra, nhưng nước Mỹ quyết tâm tái giao tiếp với châu Âu, tham khảo với quí vị, để lấy lại vị thế lãnh đạo khả tín của chúng tôi,” ông nói.
Hoa Kỳ thời Joe Biden đã ngừng rút quân đồn trú khỏi Đức như ông Donald Trump từng yêu cầu và coi quyết định này là rất quan trọng để củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu.
Các lãnh đạo thế giới gặp nhau qua hội nghị online hôm 19/2. Ảnh: Reuters
Ông trấn an các đồng minh Nato.
“Mỹ sẽ trung thành với Điều 5”, ông Biden nói. “Đó là sự đảm bảo rằng nếu một nước bị tấn công, chúng ta sẽ coi như tất cả bị tấn công. Đó là lời thề không gì có thể lay chuyển của chúng ta”.
Ông Biden nói: “Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.”
“Cách Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á cùng hợp tác để bảo đảm hòa bình, bảo vệ các giá trị chung, thúc đẩy thịnh vượng ở Thái Bình Dương sẽ nằm trong số những nỗ lực quan trọng nhất mà chúng ta phấn đấu.”
“Cạnh tranh với Trung Quốc sẽ khó khăn. Tôi biết, tôi cũng hoan nghênh nó, vì tôi tin vào hệ thống toàn cầu mà châu Âu, Hoa Kỳ, cùng các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã nỗ lực xây dựng 70 năm qua.”
“Chúng ta cần đẩy mạnh việc chống trả những vi phạm và hiếp đáp kinh tế của chính phủ Trung Quốc phá hoại nền tảng của hệ thống kinh tế thế giới,” ông nói.
Tổng thống Biden lo lắng về cáo buộc Nga tấn công mạng máy tính.
“Đối phó sự liều lĩnh của Nga và tình trạng xâm nhập vào mạng máy tính ở Mỹ cũng như trên khắp châu Âu và thế giới đã trở nên quan trọng trong việc bảo vệ an ninh tập thể.”
Nguồn: BBC tiếng Việt