Là đồng chí sao lại đối xử với nhau như thế?

An Viên

“Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

VNTB – Là đồng chí sao lại đối xử với nhau như thế?

Chiều tối ngày 31.01.2021 khi đi thị sát công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Chí Linh, Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố: “Chúng ta đã cùng nhau cam kết trong 10 ngày cơ bản khống chế, dập được ổ dịch ở Chí Linh, đến hôm nay còn 6 ngày nữa, mọi người phải tiếp tục tinh thần đó”.

Ông Đam được biết đã đưa ra kỳ vọng “6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, giữ đúng cam kết dập dịch trong 10 ngày”.

Công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã từng được ca ngợi là hình mẫu của cả thế giới, khiến Việt Nam trở thành một ngôi sao sáng về kinh tế khi toàn cầu kể cả các cường quốc phải lao đao vì dịch bệnh.

Công lao đó nói cho công bằng là công rất lớn của ông Vũ Đức Đam, người đứng đầu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch. Người ta hẳn còn nhớ hình ảnh một Vũ Đức Đam cô đơn trong sảnh ở Ba Đình, nơi hơn 1.500 đang nhóm họp mật hội Diên Hồng để “bầu dàn lãnh đạo mới”.

Hôm 2.2.2021, trong cuộc họp báo thường kỳ với báo giới khi được hỏi về nhận định sau 10 ngày nước ta có thể dập được dịch, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng trả lời: “Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa Chính phủ”.

Câu nói của ông Mai Tiến Dũng có những điều làm cho người dân thật hoang mang quá sức! Hoá ra theo ý ông Chánh Văn phòng thì Phó Thủ tướng không phải là người đại diện cho Chính phủ nên câu nói của Phó Thủ tướng không được xem là “danh nghĩa của Chính phủ”? Hay là nội tình có gì hục hặc đến độ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Ý kiến của một người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch được xem là ý kiến cá nhân. Trong lúc Chính phủ đang kêu gọi chống dịch như chống giặc thì lệnh của tướng cầm quân ra trận được coi là ý kiến cá nhân thì quân nào chịu nghe theo lời tướng?

Theo lời của ông Mai Tiến Dũng tôi lại suy đoán chẳng lẽ việc dập ổ dịch Chí Linh trong 10 ngày là bất khả thi khi mà có cả học sinh tiểu học, trẻ mầm non và trẻ sơ sinh lây nhiễm Covid biến thể Anh? Và như thế thì nguy cơ dịch bệnh lan tràn cả nước là điều không thể tránh khỏi?

Nếu không phải vậy thì ý ông Chánh Văn phòng muốn thể hiện điều gì? Ông muốn phê bình hay nhắc nhở ông Vũ Đức Đam? Phê bình hay nhắc nhở gì ở đây cũng không đúng nữa. Người mình có câu đóng cửa dậy nhau. Trong khi ông Chánh Văn phòng là thuộc cấp mà lại cao giọng phê bình cấp trên trước báo giới thì quả là không phải một tẹo nào.

Trên mạng người ta đang cười ông Mai Tiến Dũng vì vụ đòi “đàn hặc” cấp trên của mình này trong khi lúc này hơn bao giờ hết là lúc cần đoàn kết, tập trung nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Ngô Nguyệt Hữu, Facebooker có trên 110.000 người theo dõi viết “khi mà một vị tướng đang xông pha ngoài trận mạc, thì mong các bậc đại thần ở triều ca khoan tính chuyện đàn hặc. Bởi, ai ở dưới hàng hiên lại trách người đương dầm mưa hộ đê bao giờ”.

Ông Chánh Văn phòng cũng rất khôn khi đẩy hết trách nhiệm cho cấp trên, vì lỡ chẳng may không dập được ổ dịch Chí Linh trong vòng 10 ngày thì ông Phó Thủ tướng vịt què, từng lao đao cả năm chống dịch cho Chính phủ được thơm lây sẽ là người lại phải chịu búa rìu của dư luận.

Mạng xã hội còn cay độc hơn khi cho rằng ông Chánh Văn phòng muốn tranh công đổ tội hay thậm chí là ghen ăn tức ở.

Ông Mai Tiến Dũng từng có câu nói đáng ghi bia miệng về vụ việc Đồng Tâm năm 2017. Khi ấy ông tuyên bố: “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nay trước khi về làm người tử tế, ông lại làm dậy sóng mạng xã hội lần 2 khi đâm sau lưng cấp trên của mình.

Là đồng chí sao lại đối xử với nhau như thế?

A.V.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Kình chống, Phe nhóm. Bookmark the permalink.