Trần Đình Dũng
Ảnh hai nạn nhân đã chết tức tưởi ở tuổi thanh xuân
Đại hội 13 Ban chấp hành TW Đảng CS Việt Nam đã đưa Chánh án Tối cao Nguyễn Hoà Bình vào Bộ chính trị, nơi có quyền lực toàn diện, cao nhất của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội Việt Nam.
Vụ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan đã được khắp trong và ngoài nước biết đến, nhiều ngàn bài viết phân tích về vụ án.
Trong bài viết này tôi không bàn đến qui trình công tố và xét xử đã đưa Hồ Duy Hải vào án tử với nhiều vấn đề cần xem xét lại bằng thủ tục huỷ án để điều tra lại.
Tôi muốn nói đến một góc độ khác của hoạt động tư pháp nói riêng và hoạt động hệ thống nhà nước CHXHCN Việt Nam nói chúng. Đó là hoạt động tuân theo “ý kiến chỉ đạo”.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, chỉ những thủ tục rất bình thường thì công chức, cán bộ có thể hành xử hoàn toàn theo chức năng quyền hạn của họ. Còn lại tất cả những gì được coi là “có vấn đề” đều phải xin ý kiến chỉ đạo. Nhiều hoạt động còn phải lập “Ban chỉ đạo”. Điều này ở nhiều lĩnh vực đã được luật hoá, như ông Chủ tịch UBND (hoặc Phó) tỉnh là Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án của tỉnh.
Việc cơ quan Đảng chỉ đạo những việc được coi là “có vấn đề” là hoạt động qui định từ Hiến pháp ra. Tại Điều 4 Hiến pháp 2013 nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Một vụ án căng thẳng như vụ Hồ Duy Hải kêu oan, nếu không có chỉ đạo từ Bộ chính trị thì không thể có cơ quan nào xem xét, trong khi về mặt thủ tục chỉ còn chờ ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng thật khó để Thường vụ Quốc hội tự quyết mà không có ý kiến của lãnh đạo từ Bộ chính trị.
Trong vụ Hồ Duy Hải kêu oan, ai quan tâm tới vụ án đều biết quan điểm của Chánh án Nguyễn Hoà Bình là “không có căn cứ huỷ án”, tức tiếp tục thi hành tử hình em Hải. Quan điểm của Chánh án Nguyễn Hoà Bình “rất cứng” trong vụ này, mặc cho hai người nặng ký yêu cầu huỷ án là Viện trưởng Tối cao Lê Minh Trí và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, nhưng vẫn không làm lung lay ông Nguyễn Hoà Bình. Trong khi nếu huỷ án, trên lý thuyết cũng chưa thể coi là oan, còn phải chờ điều tra lại.
Nay Chánh án Nguyễn Hoà Bình vào Bộ chính trị, nên việc có chỉ đạo từ Bộ chính trị để xem xét lại vụ án càng bội phần khó khăn như mò kim đáy bể?
Viện trưởng Tối cao Lê Minh Trí và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đều trở thành Uỷ viên Trung ương của Đại hội thứ 13 này. Nhưng trên thực tế so với Uỷ viên Bộ chính trị thì “còn xa mới với tới” về mặt xúc tiến quyền lực nhà nước trong vụ Hồ Duy Hải. Hơn nữa, khó có áp lực nào để hai vị Uỷ viên TW “cố sức làm mất lòng” một Uỷ viên Bộ chính trị là ông Nguyễn Hoà Bình.
Nhìn lại ở góc độ “quyền lực Đảng chỉ đạo” như thế này thì chúng ta nghĩ rằng con đường kêu oan của Hồ Duy Hải đi vào ngõ cụt chăng?
Như vậy, con đường nào cho Hồ Duy Hải kêu oan?
Con đường đó, nếu có, chỉ có thể từ áp lực dư luận và các tổ chức quốc tế lên Nhà nước Việt Nam chăng?
T.Đ.D.
Nguồn: FB Trần Đình Dũng