WHO thăm bệnh viện đầu tiên ở Vũ Hán dành cho những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19

Leo Ramirez Hector Retamal

(Chi nhánh hãng Truyền thông Pháp)

Nguyễn Huệ Chi dịch

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới đây ra chỉ thị khuyến cáo không kèm theo trừng phạt kêu gọi dân chúng giữ đúng tên “covid-19” mà không nói chệch sang “cúm Tàu” (chinese virus), nhằm bảo vệ người Mỹ gốc Á thoát khỏi những ám thị không hay, bởi từ sau khi cựu Tổng thống Donald Trump dùng danh xưng đó vào khoảng cuối tháng Ba năm 2020 cốt chĩa mũi dùi vào Trung Quốc có ngờ đâu trên nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã sinh ra một cơn sốt kỳ thị sắc tộc rất bất lợi cho người da vàng sinh sống ở Mỹ.

Trớ trêu thay, đối với phần đông người Việt Nam quốc nội hôm nay – và không chỉ ở quốc nội, cũng không chỉ là người Việt Nam – lại đang nóng lòng mong chờ cuộc điều tra của đoàn chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc (WHO) vừa tiến hành tại Vũ Hán vào những ngày cuối tháng Giêng 2021 sẽ dẫn đến cơ may lật tẩy được “chiếc lá nho” trên khuôn mặt ông Tập Cận Bình, mặc dầu trong thâm tâm ai cũng thừa biết xác suất cho hy vọng này chỉ được 1% là cùng.

Thôi thì nói như một câu ca quan họ… “dầu lòng vậy, đành lòng vậy”!

Bauxite Việt Nam

Chuyến thăm của các chuyên gia WHO tới Bệnh viện Kim Ngân Đàm diễn ra cách xa báo chí và với sự kiểm soát tối đa của chính quyền Trung Quốc. Đây, nhân viên an ninh đứng trước Bệnh viện sau khi các chuyên gia đến thăm. © Thomas Peter, Reuters

Bệnh viện Kim Ngân Đàm của Vũ Hán là cơ sở đầu tiên tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm virus bí ẩn, tại thành phố nơi đại dịch coronavirus bắt đầu khởi phát vào cuối năm 2019.

Hôm thứ Bảy, các chuyên gia của WHO đã đến thăm bệnh viện đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, vào ngày thứ hai của cuộc điều tra thực địa về nguồn gốc của coronavirus tại Vũ Hán (miền Trung Trung Quốc).

Trung Quốc – quốc gia đầu tiên bị tác động bởi dịch bệnh, hầu như im lặng trong chuyến thăm Bắc Kinh cực kỳ nhạy cảm về mặt chính trị này – vốn bị cáo buộc là đã phản ứng chậm trước những trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19.

Lịch trình chính xác của các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn chưa rõ ràng: thông điệp của họ cũng như của WHO trên mạng xã hội chứa đựng rất ít nguồn thông tin.

Được ra khỏi nơi cách ly sau 14 ngày vào hôm thứ Năm, các nhà điều tra đã xuất hành vào buổi sáng, với sự hộ tống “chu đáo” và tránh xa báo chí, đến bệnh viện Kim Ngân Đàm của Vũ Hán, AFP cho biết.

Đây là cơ sở đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus bí ẩn tại thành phố nơi đại dịch coronavirus bắt đầu vào cuối năm 2019.

Chuyến thăm là “cơ hội quan trọng để nói chuyện trực tiếp với các Bác sĩ có mặt tại chỗ vào thời điểm quyết định trong cuộc chiến chống lại COVID!”, Peter Daszak, một trong những thành viên của phái đoàn đã viết.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một sự ngờ vực sâu sắc về giá trị của những bằng chứng mà các nhà điều tra có khả năng thu thập được, hơn một năm sau khi đại dịch bắt đầu và khi đối mặt với các nhà chức trách Trung Quốc từng nổi tiếng về sự mờ ám của họ trên các đề tài gây tranh cãi.

“Chương trình làm việc rất, rất bận rộn”

Bị hoen ố bởi việc quản lý gây tranh cãi trong những tuần đầu tiên của dịch bệnh, chính quyền cộng sản đã mở một cuộc trưng bày rộng rãi ở Vũ Hán nhằm khôi phục hình ảnh của họ và biểu dương chiến thắng đã được tuyên bố của Trung Quốc đối với coronavirus.

Những bức chân dung khổng lồ của Chủ tịch Tập Cận Bình ngự trị trên toàn bộ quần thể, trong khi các tấm nhỏ hơn bày tỏ lòng kính trọng đối với những người chữa bệnh đã chống chọi lại virus, đặt xen giữa những manequin trưng bày các bộ quần áo và những khẩu hiệu về sự vinh quang của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới đã cố gắng làm giảm thiểu những trông đợi xung quanh sứ mệnh của mình.

“Tôi muốn cảnh báo với mọi người: thành công trong một cuộc điều tra về sự lây truyền từ động vật sang người không cần phải đo lường một cách hiển nhiên bằng cách hoàn toàn tìm ra được nguồn gốc trong chuyến khảo sát đầu tiên”, Michael Ryan, Giám đốc Những hoạt động khẩn cấp của WHO, tuyên bố với các phóng viên.

Mặc dù có “lịch trình rất, rất bận” của nhóm chuyên gia ở Vũ Hán, Ryan vẫn mập mờ trong việc thông báo chương trình làm việc cụ thể của họ.

Tuy nhiên, ông cũng đã đề cập đến những chuyến thăm, nhất là ở Viện Vi rút học Vũ Hán và ở một khu chợ trong thành phố, nơi những động vật từ bên ngoài đưa vào được bán khi còn sống và đó là chỗ virus có thể lây truyền sang người.

Chính quyền Trump từng đưa ra giả thuyết rằng virus COVID-19 có thể đã thoát ra khỏi Viện Virus học bằng cách lây nhiễm cho các nhà nghiên cứu.

L.R. & H.R.

Bản gốc: La Presse

Dịch giả gửi BVN

Đọc thêm:

1. Nhóm chuyên gia WHO bắt đầu “vén màn sự thật” tại Vũ Hán

Phạm Nghĩa | 30/01/2021 10:00 PM

Một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu hôm 30-1 đến thăm một bệnh viện ở TP Vũ Hán – Trung Quốc.

TP Vũ Hán được xem là nơi bùng phát đại dịch Covid-19, sau đó lan ra toàn thế giới. Theo Reuters, vào ngày thứ hai sau 2 tuần bị cách ly, nhóm chuyên gia của WHO đã tới bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân đầu tiên bị viêm phổi không rõ nguyên nhân hồi cuối năm 2019.

“Đây là cơ hội quý giá khi được nói chuyện trực tiếp với các bác sĩ có mặt tại thời điểm quan trọng của cuộc chiến chống lại Covid-19” – thành viên nhóm chuyên gia Peter Daszak viết trên mạng xã hội Twitter.

Nhóm chuyên gia WHO bắt đầu vén màn sự thật tại Vũ Hán - Ảnh 1.

Nhóm chuyên gia của WHO tới bệnh viện Kim Ngân Đàm hôm 30-1. Ảnh: Reuters

Khi rời bệnh viện, cả nhóm không trả lời truyền thông. Một thành viên khác, Marion Koopmans, viết: “Vừa trở về sau chuyến thăm tại bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi chuyên về bệnh truyền nhiễm và được chỉ định điều trị những ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở TP Vũ Hán. Những câu chuyện khá giống với những gì tôi đã nghe từ các bác sĩ hồi sức tích cực của chúng tôi”.

Lịch trình của nhóm chuyên gia chưa được công bố nhưng WHO cho biết họ lên kế hoạch đến thăm chợ hải sản ở tâm dịch cũng như Viện Virus học Vũ Hán. Một giả thuyết bị Trung Quốc bác bỏ là virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm của chính phủ nước này.

Chiều 30-1, nhóm chuyên gia tới một trung tâm triển lãm ghi lại nỗ lực chống dịch ở TP Vũ Hán, bao gồm 76 ngày bị phong toả khiến 11 triệu cư dân bị ảnh hưởng.

Nhóm chuyên gia của WHO muốn đến TP Vũ Hán từ lâu nhưng chính phủ Trung Quốc trì hoãn chuyến đi của họ, làm cho lãnh đạo WHO buông lời chỉ trích công khai.

Bắc Kinh tuyên bố virus SARS-CoV-2 tồn tại ở nước ngoài trước khi được phát hiện ở TP Vũ Hán. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin virus này xuất hiện trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, trong khi một số tài liệu khoa học cho biết nó “lây lan ở châu Âu từ năm 2019”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ám chỉ việc quân đội Mỹ bất ngờ đóng cửa phòng thí nghiệm tại Fort Detrick, bang Maryland vào tháng 7-2019 có liên quan tới đại dịch.

P.N.

Nguồn:  soha.vn

2.  Nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO đến bệnh viện Vũ Hán

January 30, 2021

T.H.

WUHAN, Trung Quốc (Reuters) – Nhóm nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu đang điều tra nguồn gốc của COVID-19 trong một sứ mệnh bị chủ quản Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ đã đến thăm một bệnh viện ở thành phố trung tâm Vũ Hán, nơi điều trị sớm cho các bệnh nhân nhiễm coronavirus.

Vào ngày thứ hai sau hai tuần bị cách ly, nhóm nghiên cứu đã đến Bệnh viện Jinyintan, nơi các bác sĩ đã thu thập các mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân vào cuối năm 2019.

“Cơ hội quan trọng để nói chuyện trực tiếp với các bác sĩ đã có mặt tại thời điểm quan trọng đó để chống lại COVID!”, Thành viên nhóm Peter Daszak nói trên Twitter.

Các thành viên trong nhóm rời bệnh viện đã không nói chuyện với các nhà báo, những người đã được giữ khoảng cách kể từ khi nhóm rời khỏi khách sạn cách ly vào thứ Năm.

“Vừa trở về sau chuyến thăm tại bệnh viện Jinyintan, nơi chuyên về các bệnh truyền nhiễm và được chỉ định điều trị những ca đầu tiên ở Vũ Hán. Những câu chuyện khá giống với những gì tôi đã nghe từ các bác sĩ ICU của chúng tôi”, thành viên nhóm Marion Koopmans đã tweet.

Cuộc điều tra do WHO dẫn đầu đã bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về khả năng tiếp cận và tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington, vốn cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát ban đầu và chỉ trích các điều khoản của chuyến thăm, theo đó các chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành giai đoạn đầu của nghiên cứu. .

WHO, đã tìm cách quản lý các kỳ vọng cho sứ mệnh, cho biết hôm thứ Sáu rằng các thành viên trong nhóm sẽ bị hạn chế tham gia các chuyến thăm do Trung Quốc  tổ chức và sẽ không có bất kỳ liên hệ nào với các thành viên cộng đồng, do hạn chế về sức khỏe.

Cách đây đúng một năm, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC), mức báo động cao nhất của tổ chức này.

Hành trình của nhóm chưa được công bố nhưng WHO cho biết nhóm có kế hoạch đến thăm thị trường hải sản ở trung tâm ổ dịch sớm cũng như Viện virus học Vũ Hán. Một giả thuyết bị Trung Quốc bác bỏ là do rò rỉ tại phòng thí nghiệm chính phủ.

Cuối ngày thứ Bảy, nhóm của WHO đã đến một trung tâm triển lãm có triển lãm kỷ niệm những nỗ lực ban đầu để chống lại dịch bùng phát ở Vũ Hán, trong đó có 76 ngày bị khóa chặt thành phố 11 triệu dân.

Trước đó, nhóm điều tra đã được chuẩn bị đến Vũ Hán vào đầu tháng Giêng và việc Trung Quốc trì hoãn chuyến làm việc của họ đã thu hút sự chỉ trích hiếm hoi từ người đứng đầu WHO, nơi mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

Trung Quốc đã thúc đẩy ý kiến ​​cho rằng vi rút đã tồn tại ở nước ngoài trước khi nó được phát hiện ở Vũ Hán, với truyền thông nhà nước trích dẫn sự hiện diện của vi rút trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu và các tài liệu khoa học cho biết nó đã lưu hành ở châu Âu vào năm 2019.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ám chỉ rằng việc đóng cửa bất ngờ một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ tại Fort Detrick ở Maryland vào tháng 7 năm 2019 có liên quan đến đại dịch.

T.H.

Nguồn: baocalitoday.com

3.  Lịch trình “lạ” của nhóm chuyên gia WHO vừa đến Vũ Hán: Sáng thăm bệnh viện, chiều đi… bảo tàng

Hồng Anh | 31/01/2021 07:00

Lịch trình "lạ" của nhóm chuyên gia WHO vừa đến Vũ Hán: Sáng thăm bệnh viện, chiều đi... bảo tàng

Đoàn chuyên gia WHO xuất phát từ bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán. Ảnh: AP

Đoàn chuyên gia của WHO dự kiến sẽ đến thăm Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, chợ đầu mối hải sản Hoa Nam và Phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đưa tin, trong buổi sáng ngày 30/1 vừa qua, một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến thăm một trong những bệnh viện đầu tiên ở Vũ Hán tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là một trong những hoạt động của đoàn chuyên gia trong ngày thứ hai của cuộc điều tra đã bị trì hoãn trong một thời gian dài, do những tranh cãi chính trị về nguồn gốc của đại dịch.

Theo đó, đoàn 13 chuyên gia quốc tế của WHO đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của bệnh viện Jinyintan [Kim Ngân Đàm], Vũ Hán trong buổi sáng ngày 30/1.

Peter Daszak, một chuyên gia thuộc phái đoàn này đã đăng trên Twitter rằng chuyến thăm là “cơ hội quan trọng để trao đổi trực tiếp với các Bác sĩ đã chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong thời điểm nguy cấp”.

Marion Koopmans, một nhà virus học người Hà Lan, cũng đã chia sẻ trên Twitter rằng những câu chuyện mà chuyên gia này được nghe trong chuyến thăm Bệnh viện Jinyintan [Kim Ngân Đàm] “khá giống với những câu chuyện của các Bác sĩ khoa chăm sóc đặc biệt [ICU] tại Hà Lan”.

Sau khi kết thúc chuyến thăm tại bệnh viện Jinyintan [Kim Ngân Đàm], đoàn chuyên gia của WHO đã đến thăm Bệnh viện Đông-Tây Y kết hợp của tỉnh Hồ Bắc, nơi Bác sĩ Trương Kế Tiên đã được truyền thông nhà nước ghi nhận là Bác sĩ đầu tiên báo cáo về các ca bệnh nhiễm loại virus chưa xác định cho cấp trên vào cuối tháng 12/2019.

Thông tin trên tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhật báo Nhân dân – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho biết đoàn chuyên gia đã dành thời gian buổi chiều ngày 30/1 để “thăm một số bảo tàng”, trước khi tham gia các cuộc thảo luận trong buổi tối.

Được biết, chuyến điều tra thực địa của đoàn chuyên gia WHO tại Vũ Hán sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng, và diễn ra vào thời điểm hơn 1 năm sau khi Vũ Hán có báo cáo chính thức về các ca bệnh đầu tiên.

Sự chậm trễ trong việc tiến hành cuộc điều tra này đã dấy lên những nghi ngại về việc liệu cuộc điều tra có bắt đầu quá muộn hay không, cùng với đó là tính minh bạch trong các báo cáo và nghiên cứu trong nước của Trung Quốc.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, nhưng nhiều ý kiến tin rằng virus này lây nhiễm từ động vật sang người, và vật chủ trung gian có thể là dơi.

WHO cho biết đoàn chuyên gia dự kiến sẽ đến thăm Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, chợ đầu mối hải sản Hoa Nam và Phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán trong chuyến điều tra thực địa này.

Vào đầu tuần này, WHO đã thông báo trên Twitter: “Tất cả các giả thuyết đang được đưa ra bàn luận khi nhóm chuyên gia tìm hiểu về nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19. Họ sẽ trao đổi với những chuyên gia, bác sĩ đầu tiên xử lý dịch bệnh và một số bệnh nhân COVID-19 đầu tiên”.

H.A.

Nguồn: soha.vn

4. Bộ Ngoại giao Mỹ tung tài liệu mới về hoạt động tại Viện Virus học Vũ Hán

TTO – Ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên trang web của bộ một tập thông tin sự thật (fact sheet) với chủ đề ‘Hoạt động tại Viện Virus học Vũ Hán’. Hãng tin Bloomberg cho biết đây là thông tin mới.

Bộ Ngoại giao Mỹ tung tài liệu mới về hoạt động tại Viện virus học Vũ Hán - Ảnh 1.

Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 17-4-2020 – Ảnh: AFP

“Gần 2 triệu người đã chết. Gia đình của họ xứng đáng được biết sự thật. Chỉ thông qua sự minh bạch chúng ta mới có thể biết được những gì đã gây ra đại dịch này và cách để ngăn chặn đại dịch tiếp theo” – tập thông tin mở đầu.

Theo thông tin này, chính phủ Mỹ lúc đầu không biết chính xác địa điểm, thời gian và cách thức COVID-19 lây sang người. Họ không xác định liệu dịch bắt đầu do con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hay do sự cố tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng một thông tin đáng chú ý dường như không được truyền thông chính thống hoặc các cơ quan chính phủ Mỹ đăng tải trước đây, liên quan những nghi vấn về nguồn gốc của COVID-19.

Bộ Ngoại giao Mỹ tung tài liệu mới về hoạt động tại Viện virus học Vũ Hán - Ảnh 2.

Ảnh chụp bên ngoài một hang dơi ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào năm 2004. Bà Thạch Chính Lệ lúc đó thả một con dơi đi sau khi đã lấy mẫu máu – Ảnh: Scientific American/Shuyi Zhang

“Chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một vài nhà nghiên cứu bên trong Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu 2019, trước ca nhiễm đầu tiên được nhận diện, với các triệu chứng giống cả COVID-19 và những bệnh mùa thông thường” – tập thông tin viết.

“Điều này làm dấy lên những nghi vấn về sự đáng tin của tuyên bố từ nhà nghiên cứu cao cấp WIV Thạch Chính Lệ (Shi Zheng Li), vốn cho các nhân viên và nhà nghiên cứu SARS-CoV-2 hoặc những virus liên quan SARS tại WIV ‘không nhiễm bệnh'”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc đã ngăn giới chức y tế toàn cầu, các nhà điều tra, nhà báo độc lập phỏng vấn những nhà nghiên cứu tại WIV, gồm những người bị bệnh vào mùa thu 2019.

Thông tin được công bố trong bối cảnh nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có mặt tại Vũ Hán, Trung Quốc từ hôm 14-1 để điều tra nguồn gốc của COVID-19.

Trước đây, đáp trả cáo buộc COVID-19 được tạo ra tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói một số người ở Mỹ đang “thổi phồng vấn đề nguồn gốc đại dịch” và khẳng định việc truy tìm nguồn gốc là vấn đề của khoa học.

Chuyên gia WHO đến Vũ Hán tìm lời giải đáp

Dominic Dwyer, nhà nghiên cứu virus của Úc thuộc nhóm chuyên gia WHO đến Vũ Hán, cho biết ông cùng các nhà khoa học khác đang nỗ lực gạt chính trị sang một bên khi thực hiện chuyến đi này và họ muốn lấp đầy “khoảng trống khoa học” bằng những lời giải đáp.

Với việc phải trải qua cách ly 14 ngày, lịch trình cho phần còn lại của chuyến đi vẫn đang được sắp xếp. Tuy nhiên, ông hy vọng sẽ được đến các viện nghiên cứu, bệnh viện và khu chợ ở Vũ Hán từng xuất hiện những ca COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019.

Nguồn: tuoitre.vn

5. Nhóm điều tra WHO tới chợ hải sản Vũ Hán

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO hôm nay tới chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, nơi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện.

Xe chở các thành viên của nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu đi vào bên trong khu chợ có rào chắn, trong khi bảo vệ nhanh chóng chặn lối, không cho những người khác vào.

Nhóm chuyên gia không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo chí. Bảo vệ yêu cầu các phóng viên bên ngoài rời đi và lắc cái thang cao, trên đó có một nhiếp ảnh gia đang ngồi để có tầm nhìn rõ hơn.

Xe chở nhóm điều tra WHO vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm nay. Ảnh: AFP.

Xe chở nhóm điều tra WHO vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm nay. Ảnh: AFP.

Việc tiếp cận chợ Hoa Nam, hiện được bảo vệ túc trực suốt ngày đêm, bị hạn chế nghiêm trọng từ khi địa điểm này bị đóng cửa. Trước đó, đây là một khu chợ nhộn nhịp gồm hàng trăm gian hàng được chia thành các khu bán thịt, hải sản và rau.

Ngày 31/12/2019, sau khi Trung Quốc ghi nhận 4 ca viêm phổi bí ẩn liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, chợ đã bị đóng cửa chỉ sau một đêm. Đến cuối tháng 1/2020, Vũ Hán bị phong tỏa 76 ngày. Các chuyên gia cho biết chợ Hoa Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm nguồn gốc của virus.

Trung Quốc đang cố viết lại câu chuyện rằng Vũ Hán không phải nơi đại dịch khởi phát, cho rằng Covid-19 đã bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới. Một số nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc ủng hộ giả thuyết virus có thể có nguồn gốc từ một nước khác. Đầu tuần này, Global Times công bố báo cáo đánh giá thấp tầm quan trọng của Hoa Nam, tuyên bố “các cuộc điều tra tiếp theo” cho thấy chợ không phải nguồn gốc của sự bùng phát.

Cuộc điều tra do WHO dẫn đầu tại Vũ Hán đã bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về việc tiếp cận và tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn cáo buộc Bắc Kinh che giấu quy mô dịch bệnh ban đầu và chỉ trích các điều khoản của chuyến thăm. Việc Trung Quốc trì hoãn chuyến thăm của nhóm đã thu hút sự chỉ trích công khai hiếm hoi từ người đứng đầu WHO.

H.L.

Nguồn: vnexpress.net

This entry was posted in Virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.