Trương Công Hùng
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung Quốc. AP
Tình hình biển Đông ngay từ đầu năm 2021 đã cho thấy độ “nóng” dữ dội với các sự kiện như sau:
Nhật Bản gửi công hàm lên Liên hợp quốc
Ngày 19/01/2021, Nhật Bản đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối Công hàm CML/63/2020 của Trung Quốc thể hiện lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông như sau:
“Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), phản đối lập trường của Trung Quốc rằng “Trung Quốc vẽ đường cơ sở đối với các đảo và đá tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung”. UNCLOS đặt ra một cách cụ thể và đầy đủ các điều kiện để áp dụng các đường cơ sở, tuy nhiên Trung Quốc không thể dẫn ra được các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở trên. Không hề có một cơ sở nào để một quốc gia thành viên biện hộ cho việc áp dụng những đường cơ sở không thỏa mãn các điều kiện UNCLOS nêu ra.
Trung Quốc cũng đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông tại Công hàm số CML 63/2020. Tự do hàng hải và hàng không cần được đảm bảo tại vùng biển và vùng trời xung quanh, cũng như phía trên các cấu trúc nửa nổi, nửa chìm, không có lãnh hải và vùng trời của riêng chúng, như Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016 đã nêu. Phán quyết này là chung thẩm đối với các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết, và khẳng định rằng họ có “chủ quyền” đối với vùng biển, vùng trời xung quanh và phía trên các cấu trúc nửa nổi, nửa chìm đó. Trên thực tế, Trung Quốc đã phản đối việc tàu bay Nhật bay qua vùng trời xung quanh Đá Vành Khăn và có ý định hạn chế quyền tự do hàng không ở Biển Đông”.
Các chuyên gia cho biết, Nhật Bản gửi công hàm vào thời điểm này thể hiện sự quan tâm đến vấn đề tranh chấp biển với Trung Quốc sau khi Trung Quốc càng ngày càng thể hiện sự hung hăng khi liên tiếp điều các tàu xâm phạm vùng biển Hoa Đông mà Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp xung quanh đảo Senkaku.
Trung Quốc công bố luâjjt hải cảnh mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/1 đã ký Lệnh công bố Luật Hải cảnh (sửa đổi) của quốc gia này. Luật Hải cảnh của TQ bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2021.
Trung Quốc đã lấy ý kiến về dự thảo luật này từ cuối năm 2020, tuy nhiên, thời điểm công bố luật này chỉ hai ngày sau khi ông Trump giã từ chức vụ Tổng thống và ông Biden nhậm chức Tổng thống. Việc công bố Luật hải cảnh vào thời điểm này thể hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất, Trung Quốc muốn tận dụng thời cơ. Nếu như khi ông Trump còn giữ chức vụ Tổng thống thì Trung Quốc không dại gì “chọc giận” ông Trump, vốn ra quyết định rất bất ngờ và khó lường hậu quả. Đối với Tổng thống Biden, ông khó có thể quan tâm đến các chính sách đối ngoại khi chưa ổn định được các vấn đề trong nước như Đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và các vấn đề chính trị hậu Trump. Đây chính là thời cơ tuyệt vời để Trung Quốc có thể tận dụng mà không sợ bị Mỹ – đối thủ lớn nhất của Trung Quốc phản ứng.
Thứ hai, đây cũng có thể coi là đòn “đánh phủ đầu” để răn đe với các quốc gia có các tranh chấp biển với Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải. Trong số này, đặc biệt kể đến Nhật Bản và Việt Nam.
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Manila, Philippines hôm 16/1/2021. Reuters
Năm 2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đi thăm 5 nước ASEAN. Đầu năm 2021, Vương Nghị tiếp tục đi thăm 4 quốc gia còn lại, duy nhất Việt Nam là không ghé thăm. Điều đó cho thấy thái độ “không hài lòng” của Trung Quốc đối với Việt Nam. Báo chí Trung Quốc còn đe doạ, Việt Nam đừng “đu đưa với Mỹ”. Năm 2020 chứng kiến các hoạt động tích cực trong quan hệ của hai quốc gia vốn là cựu thù này. Và Trung Quốc muốn dùng Luật hải cảnh này để “cảnh cáo” Việt Nam.
Thứ ba, đây cũng là hành động “thăm dò” phản ứng của Hoa Kỳ với tân chính quyền Hoa Kỳ xem khả năng quan tâm và can dự đối với biển Đông đến mức độ nào?
Đe dọa từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc
Luật hải cảnh của Trung Quốc tạo ra nhiều lo ngại cho thế giới. Điều 19 của luật này trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp. Vấn đề là Trung Quốc luôn giải thích các vùng biển rộng lớn là biển thuộc chủ quyền quốc gia của mình, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
Luật hải cảnh Trung Quốc cũng cho phép lực lượng hải cảnh đưa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông (trong đó có 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa và một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa) vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này, cho phép họ tham gia thực thi pháp luật trên tất cả các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cả trên không. Thậm chí, dự luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc “quyền quản lý” của lực lượng này. Ngoài ra, Luật hải cảnh còn cho phép hải cảnh được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ “xâm phạm trái phép vùng biển” của Trung Quốc.
Hải cảnh Trung Quốc đã trở thành lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới. Trong suốt thời gian vừa qua, các vùng biển quanh Trung Quốc đã bị khuấy động bởi hoạt động của các đội tàu từ Trung Quốc. Ở biển Hoa Đông, các tàu Trung Quốc đang thăm dò vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ, những mỏm đá không người ở mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ở Biển Đông, Trung Quốc biến các thực thể mà họ đang nắm giữ tại Trường Sa và Hoàng Sa thành các căn cứ quân sự kiên cố.
Mỹ và các đồng minh lần lượt cử một đoàn tàu chiến ngày càng lớn đến vùng biển này để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, cũng đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lực lượng Hải cảnh nước này, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tranh chấp biển.
Năm 2013, Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật hàng hải dân sự thành một cơ quan thống nhất mới, gọi là Cục Hải cảnh Trung Quốc. 5 năm sau, lực lượng này được đặt dưới quyền kiểm soát của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự báo cáo cho Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự tối cao của Trung Quốc. Trên thực tế, việc này đã biến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc thành một nhánh của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Hiện tại, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có hơn 500 tàu, đứng đầu về tiềm lực trong khu vực. Nhật Bản đứng thứ hai, thua xa Trung Quốc, với 373 tàu. Các nước khác có tiềm lực rất xa so với Trung Quốc. Đài Loan có 161 tàu, Philippines 86 tàu và Indonesia chỉ 41 tàu. Các tàu của Trung Quốc cũng mạnh hơn. Một thập kỷ trước, Trung Quốc chỉ có 10 tàu có lượng giãn nước ít nhất 1.500 tấn (tương đương với quy mô của một tàu chiến nhỏ). Nhưng đến năm 2015, Trung Quốc đã có 51 tàu như vậy. Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (tổ chức tư vấn có trụ sở tại London) cho biết, hiện tại, Trung Quốc đã có 87 tàu.
Nhiều tàu Hải cảnh Trung Quốc giờ đây đã vượt xa các tàu chiến lớn nhất trong các lực lượng hải quân nhỏ nhất của khu vực. Ví dụ tàu lớp Zhaotou (Chiêu Đầu) của cảnh sát biển Trung Quốc là một tàu có trọng lượng 12.000 tấn. Đây là tàu lớn nhất thế giới được chế tạo cho mục đích như vậy. Boong tàu rộng, chứa được 2 trực thăng, 1 khẩu pháo 76 mm và 1 kho vũ khí. Trung Quốc có 2 chiếc tàu như vậy. Một tàu được triển khai trên bờ biển phía đông. Chiếc tàu mới nhất, CCG 3901 (viết tắt của “Hải cảnh Trung Quốc”), bắt đầu hoạt động vào năm 2017 trong chuyến tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, đây là khu vực hoạt động của tàu này. Sự xuất hiện của con tàu khổng lồ này nhằm một mục đích: Trung Quốc hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền của nước này trong khu vực trên bằng “khối thép” như vậy.
Đặc điểm này rất có lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc sử dụng Hải cảnh không chỉ để thực thi luật hàng hải thông thường như bắt những kẻ buôn lậu mà còn để phô trương sức mạnh. Năm 2019, khi Trung Quốc cử tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nước này cử một đội tàu Hải cảnh đi hỗ trợ, trong đó có cả tàu CCG 3901. Một số tàu Trung Quốc đã ngăn chặn tàu cảnh sát biển của Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
Hồi tháng 4/2020, khi tàu Hải Dương 8 được cử đến vùng biển kinh tế Malaysia, tàu CCG 3901 lại được cử đi kèm. Một báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington công bố năm 2019 cho biết 14 tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông đã phát sóng vị trí của mình trên Hệ thống nhận dạng tự động, một mạng lưới theo dõi tàu quốc tế, để chứng tỏ “sự hiện diện thường xuyên, rõ ràng của Trung Quốc”. Việc Hải cảnh Trung Quốc gần như liên tục canh gác trên Biển Đông là nhờ nguồn cung ứng mà lực lượng này nhận được từ các tiền đồn mới xây dựng của Trung Quốc ở khu vực đó.
Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên tuần tra trong vùng lân cận của các đảo trong vùng biển Hoa Đông và thường xuyên ra vào khu vực lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku, tạo nên những lần rượt đuổi với các tàu Nhật Bản có nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát các thực thể của Tokyo. Trong khi đó, Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) tuần tra quanh quần đảo Senkaku và các hòn đảo phía Nam của Nhật Bản dẫn đến việc thường xuyên xuất kích ngăn chặn của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản…
Nhiều quốc gia, trong số đó có Mỹ, lo lắng về vai trò ngày càng lớn của Hải cảnh Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh biển của họ. Năm 2019, một đô đốc Mỹ đã ám chỉ rằng, trong trường hợp xảy ra đụng độ, hải quân Mỹ sẽ đối xử với các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc không khác gì các tàu của hải quân nước này. Tháng 10/2020, Mỹ cho biết sẽ tìm hiểu khả năng triển khai các tàu tuần duyên của riêng mình đến Samoa, ở Nam Thái Bình Dương để đối phó với “hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát cũng như quấy rối tàu thuyền các quốc gia khác” của Trung Quốc.
Với việc tiến tới sẽ công bố Luật Hải cảnh mới như vậy, điều này sẽ khiến an ninh trong khu vực biển Đông thời gian tới sẽ tiếp tục tình trạng căng thẳng, bất ổn.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
T.C.H.
Nguồn: rfa.org/vietnamese