Nạn buôn người với nạn nhân là người Việt Nam – Bị cầm tù trong chế độ nô lệ hiện đại

Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức của Việt Nam đã đưa lậu đồng bào mình vào châu Âu và bóc lột nạn nhân của họ tại đây, nạn nhân bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Đài Berlin-Brandenburg (RBB), Cục hình sự Liên bang (BKA) hiện đang tìm cách chống lại vấn nạn buôn người này.

Nghi phạm “buôn người ” người Việt Nam bị cảnh sát Đức bắt giữ tại Berlin

Chung* là một cậu bé yếu đuối. Trong một thời gian ngắn sống tại một địa điểm bí mật ở Warsawa (Balan). Khi nỗi sợ hãi đã qua, cậu bắt đầu vẽ. Việc này làm cho cậu bình tĩnh lại, cậu nói. Những kẻ hành hạ cậu bé từ lâu đã bị kết án.

Chung là một đứa trẻ mồ côi. Sau cái chết của cha mẹ, bà ngoại đã đưa em về nuôi cho đến khi bà cũng qua đời. Để tồn tại, cậu bé đã phải đi nhặt trai, ốc, củi và vỏ chai để kiếm sống. Một ngày nọ, một người đồng hương tiếp cận cậu bé 15 tuổi và hứa sẽ đưa cậu sang châu Âu để gây dựng một cuộc sống tốt hơn. Chung đồng ý.

Nhưng ngay trong chuyến đi đưa cậu bé đến Ba Lan qua Nga và các nước vùng Baltic, nhiều việc đáng ngờ đã đến với cậu. Cậu bé luôn bị giam hãm trong hầm nhà và bị bắt phải làm việc.

“Ngay từ khi đó, tôi đã có cảm giác rằng có thể tôi đã bị đưa vào bẫy. Tôi đã cố gắng để tự vệ, nhưng họ đã đánh tôi”. Trên đường từ Warsawa đến Berlin, giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của Chung đã đột ngột kết thúc. Chiếc xe tải chở 12 người Việt Nam gặp tai nạn. Tài xế người Ba Lan đã bỏ chạy và để lại một số người bị thương nặng, phó mặc họ cho số phận.

Còn một mảng tối rất lớn

“Chúng tôi cho rằng có một mảng tối rất lớn”, ông Carsten Moritz, nhân viên của Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA) khẳng định. Lĩnh vực mà nhân viên cấp cao của BKA này nói đến trong cuộc phỏng vấn của RBB (Rundfunk Berlin-Brandenburg) là vấn nạn buôn người: Chủ yếu là thanh thiếu niên Việt Nam bị dụ dỗ đến châu Âu với hy vọng về một cuộc sống khá giả hơn. Một khi họ đã đến nơi, họ phải làm việc ở đây trong điều kiện nghịch cảnh nhất. “Tại các studio massage, nhà hàng, tiệm làm móng”, Moritz giải thích, nhưng “còn cả trong việc buôn lậu thuốc lá, trong ngành công nghiệp giết mổ”. Người Việt nam cũng bị phát hiện tại các nhà thổ và trong việc buôn bán ma túy.

Sau vụ tai nạn, Chung bị bắt, cậu ta khai ở Ba Lan. Những kẻ buôn lậu cũng đã bị bắt, bao gồm Andrzej*. Tên tội phạm nghiêm trọng người Ba Lan đã chỉ huy một nhóm ba người, theo đặt hàng của Mafia Việt Nam, đã đưa hàng trăm người Việt từ Litva đến Warsawa và từ đó đến Bỉ, Hà Lan và Pháp – với giá 400 Euro mỗi người, bị nhồi nhét vào xe bán tải.

Andrzej không hề lo ngại về số phận của những nạn nhân: “Dù sao thì tất cả họ đều da vàng, nhỏ và gầy gò”. Y sẽ không bao giờ “đánh họ như vậy”, Andrzej nói trong cuộc phỏng vấn khi bị cáo buộc vì “sợ sẽ giết họ” – và cười lớn. Tên này hiện đang bị giam giữ, bị kết tội buôn người, cùng những kẻ cộng sự của mình và một người Việt Nam đứng sau.

13 tuổi bị bắt làm gái mại dâm

“Có tính chuyên nghiệp rất cao, có cấu trúc thứ bậc với một Bố già ở phía sau, giống như một doanh nghiệp hoạt động có tính quốc tế” – đây là cách thức mà Markus Pfau, Trưởng phòng chống tội phạm tại Cảnh sát Liên bang ở Halle, mô tả các tổ chức tội phạm Việt Nam làm việc cùng với nhau trong các mạng lưới toàn châu Âu. Theo ông được biết, những kẻ buôn người đòi tới 20.000 Euro cho hành trình đến Tây Âu. Số tiền mà các gia đình hoặc những người trẻ tuổi như Chung thường không có – và do đó được ghi vào sổ nợ của các mạng buôn người này.

“Bạn đang bị phụ thuộc, rất rõ ràng”, Pfau nói. “Tổ chức nắm họ trong tay, và nếu họ không chịu nhảy theo tiếng còi của họ, thì câu chuyện sẽ nhanh chóng “kết thúc” đối với họ. Cuối cùng, đây là chế độ nô lệ hiện đại”.

Trẻ vị thành niên cũng bị bắt làm nô lệ

Markus Pfau cho biết: “Đã có những trường hợp chúng tôi tìm thấy các bé gái 13, 14 tuổi là gái mại dâm đã bị đưa sang vì nghề này. “Và chúng tôi đã gặp cả một trường hợp, nơi trẻ vị thành niên bị bắt vào làm tại các trại trồng cần sa”.

Berlin được coi là “trọng điểm và trục trung tâm”

Đối với những kẻ buôn người, Berlin được coi là “trọng điểm và là trục trung tâm”, người đứng đầu bộ phận BKA Moritz khẳng định. Trên một khu công nghiệp và thương mại ở phía đông thành phố, hầu hết những người được đưa lậu từ Việt Nam được “giao” và được phân chia – KHẮP NƯỚC ĐỨC.

Nhưng chính tại Berlin, người ta không muốn công nhận vấn đề buôn người của người Việt Nam. Sebastian Laudan, điều tra viên trưởng trong lĩnh vực tội phạm có tổ chức tại Cục Cảnh sát Hình sự Bang Berlin giải thích: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trong bối cảnh đưa lậu thế này thường không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về buôn người”. Khi làm như vậy, ông không chỉ phản đối đánh giá của Sĩ quan Cảnh sát Liên bang Markus Pfau, mà còn phản đối cả cách đánh giá của Cục hình sự Liên bang (BKA). “Những hoạt động đưa người lậu”, theo người đứng đầu Cục cảnh sát hình sự Berlin Moritz, “luôn luôn phục vụ một mục đích: BUÔN NGƯỜI”.

Sự thất bại mang tính hệ thống

Theo quan điểm của cảnh sát Berlin thì đây không phải là một trường hợp đơn lẻ. Các cuộc điều tra về nạn buôn người rất phức tạp và đòi hỏi các cơ cấu thích hợp. Nhưng đây chính xác là những gì còn thiếu ở Đức, Kevin Hyland chỉ trích. Nhân vật này là thành viên của nhóm chuyên gia của Hội đồng châu Âu về chống buôn người. Đức đã cam kết theo luật pháp quốc tế vào năm 2005 sẽ hành động chống lại nạn buôn người, nhưng những đòi hỏi chính vẫn chưa được thực hiện. “Cho đến nay, vẫn chưa có phái viên quốc tế về buôn người và cũng không có cả chương trình bảo vệ nạn nhân xuyên quốc gia – Nhiệm vụ thực hiện điều tra chủ động không được đáp ứng”, Hyland tuyên bố.

Tại quê hương của Hyland, Vương quốc Anh, sự việc lại hoàn toàn khác. Ở đó, ông đã là phái viên chống nô lệ đầu tiên của Chính phủ. Năm 2015, nước Anh đã thông qua một đạo luật đầu tiên trên thế giới về chống chế độ nô lệ hiện đại và buôn người. Trong nhiều cuộc điều tra “chủ động” đã cho thấy rằng người Việt Nam LÀ NHÓM NẠN NHÂN KHÔNG PHẢI NGƯỜI ÂU LỚN NHẤT – gần 900 người trong năm 2019, gần một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Ngay cả trong năm Corona 2020, 500 nạn nhân có thể đã được xác định trong 3 quý đầu tiên. Con đường của họ hầu như luôn luôn được dẫn qua Đức.

Nhưng Cục Hình sự Liên bang (BKA) chỉ xác nhận có 7 người Việt Nam trong năm 2019. BKA cũng nói rõ rằng con số này không phản ánh thực tế. Đây là lý do tại sao điều này đang làm cho nạn buôn người Việt Nam ở Đức và châu Âu trở thành trọng điểm từ năm 2021, cùng với 13 cơ quan điều tra thuộc các nước châu Âu khác. Bởi vì, theo Moritz, đây là “vấn đề liên Âu” và điều này chỉ có thể được chống lại ở cấp độ châu Âu.

*Tên nhân vật đã được biên tập viên thay đổi.

Nguồn bản gốc: https://www.tagesschau.de/investigativ/rbb/menschenhandel-kinder-101.html

Video: https://www.daserste.de/information/reportage-dokumentation/dokus/videos/handelsware-kind-video-102.html

Nguồn bản dịch: thoibao.de

This entry was posted in Buôn người. Bookmark the permalink.