Rừng xanh Tây Nguyên kêu cứu: Chính sách còn kẽ hở, rừng còn bị phá tàn bạo

Ngọc Hân

“Thiết nghĩ đã đóng cửa rừng thì chính sách nhà gỗ cũ chở về xuôi nên dẹp, mà có lẽ đây là cơ chế phục vụ cho lợi ích của một nhóm người trong ngành gỗ thì đúng hơn”, quan điểm của bạn đọc báo Dân trí.

Như Dân trí đã thông tin về việc rừng phòng hộ Đăk Đoa thuộc địa bàn xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa tỉnh Gia Lai bị các nhóm lâm tặc thay nhau “tận diệt”, qua mặt các lực lượng chức năng.

Rừng xanh Tây Nguyên kêu cứu: Chính sách còn kẽ hở, rừng còn bị phá tàn bạo - 1

Lâm tặc phá “tan hoang” cánh rừng Đăk Đoa

Điều khiến dư luận bức xúc hơn cả là: “Tuy nhóm PV đã phát hiện các nhóm lâm tặc phá rừng ở những điểm rải rác tại cánh rừng Hải Yang, nhưng vẫn còn rất nhiều nhóm khác vẫn đang “tung hoành”, bởi tiếng cưa vẫn thét gầm không dứt.

Vì để lực lượng thuận tiện trong việc phát hiện và bắt giữ các đối tượng, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng huyện Đăk Đoa nhằm phối hợp xác định vị trí các đối tượng phá rừng. Trao đổi nhanh với PV Dân trí, ông Vũ Anh Văn (Phó ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa) thông tin: “Lâm phần mà phóng viên thông tin khả năng thuộc tiểu khu 154 do ban quản lý. Hiện chúng tôi đã cử lực lượng lên phối hợp để truy bắt đối tượng và xác định số lượng. Ngay khi có thông tin cụ thể chúng tôi sẽ thông báo rõ cho báo”.

Vì sao phóng viên biết, kiểm lâm không biết?

Và câu hỏi lớn đầu tiên được dư luận đặt ra là: Kiểm lâm ở đâu? Tại sao phóng viên biết mà cơ quan quản lý: công an, kiểm lâm, chính quyền đều không biết? Lực lượng kiểm lâm quá mỏng hay vô tình, thờ ơ? Sao lại để lâm tặc hoành hoành như không người thế này?

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn đọc Dân trí đã đưa ra một loạt những giả thiết:

Bạn đọc Nguyễn Hiền:“Không có vấn đề gì gọi là “quan trọng”, phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái phép là “chuyện thường ngày ở huyện”. Lâm tặc phá rừng là chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”, bởi chính quyền địa phương “chưa nhận được báo cáo”, các lực lượng kiểm lâm “lực lượng mỏng, lâm tặc tinh vi…” và …không biết, không nghe, không thấy!” (?!).

Hài hước hơn, bạn đọc Chuẩn Hoàng cho rằng: “Một hình thức khai thác mới: để lâm tặc thật vào cưa xong đem ra, kiểm lâm bắt giữ số gỗ trên rồi thanh lý. Thế là gỗ bẩn thành gỗ sạch”;

Bạn đọc Mai Anh Bảo tiếp lời: “Bạn nói rất đúng với thực tế đã từng xảy ra nhiều lần: chỉ cho lâm tặc hạ gỗ lớn rồi kiểm lâm đấu giá. Nghĩ ức không chịu nổi”.

Bạn đọc Tuấn La với kinh nghiệm bản thân cho rằng: “Mình cũng từng làm bảo vệ rừng. Mình thấy có một thực trạng là diện tích rừng thì lớn, điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn, nguy hiểm mà đồng lương lực lượng bảo vệ rất thấp, trung bình khoảng 4 đến 5 triệu/ tháng. Muốn giữ rừng tốt thì nhà nước phải có chính sách nâng cao thu nhập cho cán bộ bảo vệ rừng, nâng cao quyền lợi cho họ, có chế độ đãi ngộ bảo vệ để họ yên tâm công tác”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Uy Liem Ho: “Cũng có thể do công việc của kiểm lâm đầy khó khăn và nguy hiểm, mà lương lai bèo bọt, nên anh em kiểm lâm không gắn bó với rừng, với trách nhiệm bảo vệ rừng”.

Chắc các cơ quan chức năng của địa phương vẫn “chưa nhận được báo cáo”… Và trên các trang báo cáo tổng kết của các bác ấy thì vẫn: “Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chú trọng, quan tâm chỉ đạo sát sao…”, bạn đọc Bùi Như Lạc.

Đội hình kiểm lâm vào rừng lâu năm bị cận thị hết rồi, không nhìn được chỉ phóng viên mắt sáng mới thấy bọn lâm tặc. Phá rừng như thế thì làm sao mà chẳng lũ to, lũ quét, sạt lở. Bọn này bất chấp cả lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, nên đưa hết vào tù và xem xét trách nhiệm cá nhân và cấp ủy chính quyền địa phương nơi đó còn xứng đáng không để xử lý theo pháp luật”, bạn đọc Hà Trọng Lượng.

Đề xuất chế tài xử phạt “kịch khung” cho tội phá rừng!

Bạn đọc Lê Quang Tú cho rằng không thể khoan nhượng với loại giặc này: “Phải chăng chế tài quá nhẹ với nạn lâm tặc, nên mới thành căn bệnh trầm kha mãn tính này. Thủ tướng chỉ thị trồng 1 tỷ cây rừng, nhưng nếu trồng không bằng phá thì hiệu quả sẽ không có. Biến đổi khí hậu đang đe dọa sự sống loài người, là mối quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo thế giới. Không khoan nhượng với loại giặc này nếu chúng ta không muốn Trái Đất sớm chấm dứt sự tồn tại vì Biến đổi khí hậu”.

Cứ xử lý hành chính thì bệnh phá rừng sẽ mãi là căn bệnh trầm kha. Cần tăng thành mức hình sự, thí dụ: mức độ, tính chất, quy mô… có thể kết tội phá hoại đất nước. Xử chung thân hoặc tử hình và tịch thu gia sản, bồi thường số tiền để trồng lại rừng và tiền bán gỗ. Đền xong mới được ra tù!”, bạn đọc Jennynguyen.

Bạn đọc David Phung:”Theo quan điểm của tôi thì cứ phạt gấp 10 lần giá trị số gỗ thu được. Sau khi tịch biên tài sản phần tiền nào còn nợ thì qui ra số năm tù ví dụ còn nợ 100 triệu thì tù một năm còn nếu không có tiền để trả thì cứ quy số tiền bị phạt thành số năm trong tù nếu cần cả đời trong tù để làm gương. Tất nhiên là khi vào tù thì nhà nước cũng nên tổ chức những chương trình trồng rừng để những người này phải trồng để trả lại cho xã hội trong tương lai chứ không phải cứ ngồi trong tù để toàn dân trả thuế cho họ cứ ngồi trong tù mà không làm gì”.

Bạn đọc Lê Tô Ngọc:”Đã coi là giặc thì cần phải cương quyết như đánh giặc, nên chăng cần sự giúp đỡ của lực lượng mạnh hơn và kỉ luật nặng với những người đứng đầu địa phương! Chỉ đạo của Thủ tướng đã bị phớt lờ, thật nguy hiểm”

Chỉ rõ “khe hở” của chính sách, bạn đọc Đặng Bằng:”Phá rừng cũng như tham nhũng, khi tiền sử dụng không bị truy nguồn gốc và sử dụng thoải mái thì không ngăn được tham nhũng, còn gỗ khi ra khỏi rừng cũng được dùng thoải mái nghĩa là gỗ do phá rừng vẫn bán được thì rừng vẫn bị phá. Chính sách chúng ta vẫn có khe hở cho vận chuyển gỗ từ miền núi về xuôi đó là cho phép chuyển nhà gỗ với tuổi đời nhà qua sử dụng hình như là 20 năm, nhưng việc xác định tuổi nhà do chính quyền cấp xã và đơn vị kiểm lâm sở tại chứng nhận nhưng không có chế tài kiểm soát, vậy gỗ núp bóng nhà đi đàng hoàng về xuôi. Thiết nghĩ đã đóng cửa rừng thì chính sách nhà gỗ cũ chở về xuôi nên dẹp, mà có lẽ đây là cơ chế phục vụ cho lợi ích của một nhóm người trong ngành gỗ thì đúng hơn”.

Cần ứng dụng công nghệ vào việc quản lí rừng, là quan điểm của bạn đọc Bui Thanh:“Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái, thì ông Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp sau mỗi chu kỳ 15-30 phút hay hàng tiếng biết ngay tình trạng chặt phá rừng thôi mà. Nếu còn dựa vào cách truyền thống thì tài thánh kiểm soát nổi. Quản lý không dựa vào công nghệ, thiết bị thì luôn theo sau các vấn nạn xã hội thôi”.

N.H. tổng hợp

Nguồn: Dân Trí

This entry was posted in Bảo vệ rừng. Bookmark the permalink.