Nguyễn Ngọc Chu
I. CẨN THẬN TRONG TRÍCH LỜI PHÁT BIỂU
Sáng 05/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và phát lệnh khởi công xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) giai đoạn 1. Giai đoạn 1 xây dựng 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, tổng mức đầu tư là 109.111,742 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự án SBLT có tổng mức đầu tư ch là 336.630 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, SBLT có 4 nhà ga hành khách, 4 đường cất hạ cánh, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập: “Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo một đánh giá của tổ chức Úc, sau khi hoàn thành, Long Thành có thể đóng góp từ 3- 5% GDP” (https://vietnamnet.vn/…/thu-tuong-long-thanh-la-1-trong…).
Sau lời phát biểu của Thủ tướng tại lễ khởi công, một số báo đã giật tít kiểu: “Thủ tướng: Long Thành là 1 trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới” (https://vietnamnet.vn/…/thu-tuong-long-thanh-la-1-trong…),“Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới” (https://laodong.vn/…/long-thanh-nam-trong-top-16-du-an…).
Cách đưa đầu đề bài báo như thế này có thể dẫn đến hiểu nhầm. Cần phải hiểu cho đúng ý Thủ tướng. Nên phải làm rõ hai điều sau đây.
1. Một là, Thủ tướng có phát biểu “Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới”.
Ở đây câu “Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới” không được hiểu là thế giới mong chờ nhất vào SBLT và 15 sân bay khác. Thế giới không ai mong chờ vào SBLT cả, ngoại trừ Việt Nam.
Đây có thể là lỗi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Dự đoán rằng trong nguyên bản tiếng Anh về xếp hạng top 16 dùng từ “expect”. Nghĩa “expect” của tiếng Anh phải hiểu là trong các dự án sân bay đang triển khải và sắp triển khai trên toàn thế giới thì SBLT được xếp vào top 16 sân bay có “dự đoán”, “nghĩ rằng”… trở thành hiện thực hay có ý nghĩa v.v…chứ không phải là SBLT thuộc tọp 16 sân bay mà thế giới mong chờ nhất.
2. Hai là, Thủ tướng có đề cập: “Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay”.
Ở đây, có lẽ ý Thủ tướng trong câu “cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay” là lớn nhất của Việt Nam, chứ không phải lớn nhất thế giới? Vì nếu lớn nhất thế giới thì hoá ra dự án SBLT không hiệu quả. Bằng chứng là sân bay lớn nhất thế giới về hành khách hiện nay là Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ) với số khách năm 2018 đạt tới 107 394 030. Sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta có 5 đường băng, 192 cổng (152 nội địa, 40 quốc tế) nhưng cũng chỉ chiếm 1902 héc ta. Trong khi SBLT có 4 đường băng, 5000 héc ta đất mà chỉ có 100 triệu hành khách/ năm mà tổng số vốn dầu tư lớn nhất thì rõ ràng SBLT không hiệu quả. Còn trong trường hợp tổng vốn đầu tư SBLT là lớn nhất thế giới từ trước tới nay thì càng chứng tỏ SBLT không hiệu quả.
Từ đó để thấy cần phải rất cẩn thận trong trích dẫn lời phát biểu làm tiều để của bài báo.
II. BA ĐIỀU ƯỚC VỀ SÂN BÂY LONG THÀNH
Vị thế và tầm cỡ phát triển của TP HCM thì không thể chỉ có 1 sân bay duy nhất là Tân Sơn Nhất (TSN). Cho nên, không ai phản đối xây dựng sân bay thứ 2 ở khu vực TP HCM. Chỉ là thời điểm, vị trí, diện tích đất, tổng vốn đầu tư, ai xây, xây như thế nào là những vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng.
Việc góp ý chưa xây dựng SBLT vào thời điểm hiện tại mà phải mở rộng sân bay TSN – dù rất mạnh với nhiều luận cứ xác đáng – nhưng cuối cùng đã không được tiếp nhận. SBLT đã chính thức phát lệnh khởi công vào ngày 05/1/2021. Nhưng trên thực tế thì đất ở khu vực SBLT đã được chia bán từ hàng chục năm về trước. Đây là một trong 3 nguyên nhân chính bắt buộc SBLT phải được xây dựng.
Nay thì việc xây dựng SBLT đã trở thành chuyện không thể trì hoãn. Xin ước ba điều sau đây về SBLT.
1. Một là xây đúng giá.
Điều này không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Nhưng điều ước là khát vọng nên phải ước.
2. Hai là, dẫu có đắt gấp 2,3 lần nhưng thiết bị và vật liệu hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, công năng hợp lý, thiết kế khoa học và đẹp, chất lượng công trình đảm bảo.
Đắt mà dùng được, chứ đắt mà phải sửa chữa, phải bỏ đi là tai hoạ. Đây cũng là điều ước khó thành hiện thực.
3. Ba là, có một bộ máy quản lý SBLT giỏi.
Việc có một bộ máy quản lý SBLT giỏi là vô cùng quan trọng. Vì đó là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của SBLT. Bộ máy quản lý giỏi sẽ giúp cho SBLT từng bước hoàn vốn, tiến dần đến thời điểm không lỗ, và dành được vị trí xứng đáng trong số các sân bay ở Đông Nam Á.
III. NẾU TƯ NHÂN LÀ CHỦ SỞ HỮU SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT?
Nếu tư nhân là chủ sở hữu sân bay TSN thì SBLT vĩnh viễn lỗ, không bao giờ có thể hoàn vốn.
May cho SBLT là con đẻ của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa.
N.N.C.
Nguồn: https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2227426074057477