Một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi Tổng thống Donald Trump đọc thông điệp liên bang hồi năm 2018
Bất chấp nỗ lực từ Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa để thách thức thắng lợi của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, con đường lật ngược kết quả tại phiên kiểm phiếu ở Quốc hội Mỹ hầu như không có cơ hội thành công trong khi một nhà quan sát nói với VOA rằng nỗ lực này là ‘phản dân chủ’.
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ nhóm họp vào thứ Tư ngày 6/1 để kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri bầu Tổng thống của mỗi bang mà theo đó ông Joe Biden giành được 306 phiếu so với 232 của ông Donald Trump để đắc cử Tổng thống thứ 46.
Đây là một công việc phần nhiều mang tính thủ tục trong các cuộc bầu cử từ trước đến nay, nhưng năm nay nó lại thu hút sự chú ý của công luận vì ông Trump và các đồng minh quyết thách thức kết quả tại phiên họp này và coi đây là cơ hội có thể lật ngược thế cờ.
Trong các nỗ lực đó có việc phe Cộng hòa ở các tiểu bang mà ông Trump có tranh chấp đã cử ra ‘cử tri đoàn thay thế,’ bên cạnh cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu cho ông Biden. Bản thân ông Trump cũng đã kêu gọi các ủng hộ viên tập hợp về thủ đô Washington D.C. trong ngày 6/1 để gây sức ép với Quốc hội. Một dân biểu Cộng hòa còn kiện ra tòa đòi cho phép Phó Tổng thống Mike Pence được toàn quyền quyết định phiếu đại cử tri các bang.
Nhưng quan trọng nhất là nỗ lực của các dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội phản đối kết quả kiểm phiếu ở những bang tranh chấp vào ngày 6/1.
Không phải lần đầu
Việc các dân biểu Hạ viện ở bên thua cuộc tiến hành một cuộc chiến mang tính biểu tượng để chống lại kết quả bầu cử Tổng thống đã trở thành thường xuyên sau các cuộc bầu cử vừa qua.
Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ tham gia vào các nỗ lực này ít xảy ra hơn, nhưng lần này thì có hơn một chục thượng nghị sĩ sẽ tham gia bên phía ông Trump. Các thượng nghị sĩ Josh Hawley và Ted Cruz sẽ dẫn đầu nhóm nghị sĩ thử thách kết quả kiểm phiếu bầu và kêu gọi kiểm toán khẩn cấp để điều tra cáo buộc gian lận mặc dù không có bằng chứng về gian lận lan rộng.
Thách thức này chỉ có thể trì hoãn điều không thể tránh khỏi là Quốc hội sẽ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Nhưng nó sẽ buộc Quốc hội phải biểu quyết và đặt Phó Tổng thống Pence vào tình thế khó xử là cuối cùng phải tuyên bố chính thức chiến thắng của Biden.
Trình tự kiểm phiếu ở Quốc hội
Trong suốt tháng 11 và tháng 12, các tiểu bang đã chứng nhận kết quả ở bang họ. Sau đó, cử tri đoàn đã bỏ phiếu vào ngày 14/12 dựa trên những kết quả đó. Các tiểu bang đã gửi tổng số phiếu đại cử tri của họ đến Quốc hội khóa mới để được kiểm đếm và xác nhận. Việc này chủ yếu là hình thức, vì luật bầu cử quy định Quốc hội phải coi kết quả của các bang được hoàn thành trước thời hạn chót 8/12 là ‘chung cuộc’.
Sau bước xác nhận của Quốc hội, tất cả những gì còn lại sau đó là lễ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1.
Quốc hội kiểm phiếu như thế nào?
Lưỡng viện sẽ họp chung. Phó Tổng thống Pence sẽ chủ trì phiên họp này. Ông ấy có thể giao việc này cho một thượng nghị sĩ khác, nhưng nhiều khả năng ông Pence sẽ không làm như vậy.
Họ sẽ kiểm phiếu các bang theo thứ tự bảng chữ cái. Đối với từng bang, các thư ký ngồi bên dưới sẽ trao cho ông Pence các phong bì, nói cho ông biết số phiếu, và ông phải đọc to lên. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu về để chấp nhận kết quả của các bang.
Làm sao kiện phiếu đại cử tri?
Để thách thức được xem xét, ít nhất một nghị sĩ từ mỗi viện Quốc hội phải phản đối phiếu đại cử tri của bang nào đó. Hơn hai chục thành viên Cộng hòa tại Hạ viện cho biết họ sẽ cố gắng thách thức kết quả và hơn chục thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ tham gia cùng họ – mặc dù Lãnh đạo khối Đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, đã kêu gọi các thượng nghị sĩ bên đảng ông đừng dây vào chuyện này.
Các nghị sĩ không cần phải giải thích chi tiết lý do tại sao họ phản đối; họ chỉ cần phản đối bằng văn bản và ông Pence sẽ đọc to cho mọi người nghe.
Nếu có ý kiến phản đối đối với cử tri đoàn của tiểu bang nào đó được đưa ra từ cả Hạ viện và Thượng viện, các việnphải chia ra để bỏ phiếu về sự phản đối đó và họ có tới hai tiếng đồng hồ để tranh luận.
Dự đoán cách Quốc hội bỏ phiếu
Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát có đủ số phiếu nhấn chìm mọi đơn kiện.
Trong khi tại Thượng viện, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã không thể giữ cho đảng họ đoàn kết trong việc này, nhưng họ dự kiến sẽ có đủ phiếu bầu trong đảng để xác nhận chiến thắng của ông Biden, mặc dù có tới cả chục thượng nghị sĩ Cộng hòa bất tuân. Thượng nghị sĩ John Thune, lãnh đạo số 2 của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, hồi tháng trước đã nói rằng bất kỳ thách thức phiếu đại cử tri nào cũng sẽ thất bại thảm hại. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Mitt Romney và Ben Sasse gọi thách thức của các đồng nghiệp đối với kết quả bầu cử là ‘nguy hiểm’.
Ít nhất một người Cộng hòa chỉ trích những thách thức này đã chỉ ra cuộc điện đàm kéo dài một giờ của Tổng thống Trump với Bộ trưởng Hành chính bang Georgia mà trong đó Tổng thống tìm cách đảo ngược thất bại của ông ở Georgialà lý do cho Đảng Cộng hòa đứng lên đối đầu với ông Trump và bỏ phiếu chứng nhận kết quả hợp pháp của các bang. “Gửi tới mọi thành viên Quốc hội đang cân nhắc việc phản đối kết quả bầu cử”, dân biểu Cộng hòa Adam Kinzinger viết trên Twitter. “Quý vị không thể – trước việc này – làm vậy với lương tâm trong sạch”.
Thái độ không đồng tình của các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trước việc thách thức kết quả bầu cử cho ông Biden là đáng chú ý vì phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa phải mất hơn một tháng sau ngày bầu cử mới công nhận ông Biden là người chiến thắng. Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng hòa dường như không muốn thông qua Quốc hội để đảo ngược nguyện vọngcử tri.
Cũng không có cơ sở pháp lý để các thượng nghị sĩ nổi loạn chất vấn kết quả cử tri đoàn, vì tất cả các bang bị ông Trump kiện tụng đều đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý để phiếu đại cử tri của họ được Quốc hội công nhận.
Nếu một viện bỏ phiếu chấp nhận thách thức thì sao?
Nếu Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát quyết định bỏ phiếu ủng hộ một thách thức phiếu đại cử tri của một bang, thì vẫn còn nhiều rào cản ngăn việc lật ngược chiến thắng của ông Biden.
Luật yêu cầu lưỡng viện Quốc hội đều phải bỏ phiếu dứt khoát để phản đối kết quả phiếu đại cử tri của bang đó, chứ không phải mỗi Thượng viện. Điều này sẽ không xảy ra ở Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát.
Ngay cả khi bằng cách nào đó cả hai viện đều đồng ý chấp nhận kiện thưa này, quyết định chung cuộc sẽ thuộc về thống đốc các bang. Và tất cả các thống đốc ở các bang tranh chấp đều đã chứng nhận kết quả mà ông Biden đã giành được.
Vì vậy, ngay cả khi chúng ta đi sâu vào các khả năng giả định cho việc này xảy ra, vẫn còn rất nhiều chốt chặn để bảo vệ chiến thắng của ông Biden.
Tại sao chuyện này có thể kéo dài đến đêm khuya?
Ông Trump đã thua ở sáu tiểu bang dao động trải dài khắp bảng chữ cái – từ Arizona đến Wisconsin. Các thành viên Cộng hòa thách thức kết quả bầu cử đã cho biết họ sẽ thách thức tất cả các bang này. Mỗi khi có một thách thức được ít nhất một thành viên của mỗi viện ủng hộ, Quốc hội phải tách ra để biểu quyết. Sau đó họ trở lại họp chung và tiếp tục đếm phiếu.
Vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence
Phần việc của ông Pence là việc hành chính. Ông ấy không có thẩm quyền để từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Nếu ông Pence làm vậy, điều đó sẽ vi phạm pháp luật trắng trợn. Ông thậm chí có thể bị kiện ra tòa. Đa số Quốc hội có thể sẽ nhanh chóng bỏ phiếu bác bỏ bất kỳ thách thức nào mà ông Pence đưa ra.
Dân biểu Louie Gohmert mới đây đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để yêu cầu cho ông Pence có toàn quyền kiểm soát việc kiểm phiếu từ các bang và sau đó trao chiến thắng cho ông Trump. Các chuyên gia luật bầu cử nói rằng điều này không có cơ sở trong luật pháp cũng như Hiến pháp, và đội ngũ pháp lý của ông Pence cho biết họ không đồng ý với vụ kiện. Thẩm phán bác bỏ vụ kiện này chỉ sau vài ngày.
Ông Pence đã nói với ông Trump rằng ông không có quyền cản trở chiến thắng của Biden và các phụ tá cho biết ông Pence vẫn dự định bám theo vai trò chiếu lệ của mình.
Nhưng sau một thời gian kín tiếng, văn phòng của ông Pence vào cuối tuần qua đã khích lệ những thách thức đối với kết quả bầu cử của các bang. Tuyên bố của ông Pence nói rằng ông ‘hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện sử dụng thẩm quyền của họ theo luật để đưa ra phản đối và trình ra bằng chứng.’
Điều gì đã xảy ra trong những lần thách thức trước đây?
Các thành viên của đảng thua cuộc trong các cuộc bầu cử Tổng thống đã phản đối sau gần như mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2000. Tất cả đều thất bại và chỉ có một lần thách thức này thành công trong việc buộc lưỡng viện phải tranh luận.
Khi chứng nhận cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2000, các dân biểu Dân chủ đã cố gắng thách thức phiếu đại cử tri của Florida để tìm chiến thắng cho Phó Tổng thống Al Gore, nhưng họ không có ai đồng lòng ở Thượng viện để làm chuyện này.
Năm 2005, các dân biểu Dân chủ đã thách thức chiến thắng tái đắc cửa của Tổng thống George W. Bush theo cách tương tự đối với kết quả ở Ohio. Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer đã tham gia cùng họ, nhưng nỗ lực đã bị dập tắt khá nhanh chóng, trong những người bỏ phiếu chống có cả những người đồng Đảng Dân chủ của bà Boxer tại Thượng viện. Các dân biểu Dân chủ đã cố gắng một lần nữa vào năm 2016 để thách thức chiến thắng của ông Trump, nhưng không có thượng nghị sĩ nào sẵn sàng đứng cùng với họ.
Chính Phó Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ là người chủ trì phiên họp lưỡng viện trao chiến thắng cho ông Trump. “Mọi chuyện đã an bài”, ông Biden khi đó nói với các dân biểu bên đảng ông.
‘Phi dân chủ’
Trao đổi với VOA từ bang Georgia, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, người từng được Đảng Cộng hòa chọn là một trong 16 đại cử tri của bang bỏ phiếu cho ông Donald Trump làm Tổng thống hồi năm 2016, mô tả nỗ lực lần này của phía ông Trump là ‘phi dân chủ’ và ‘không theo luật lệ gì hết’.
Ông nói việc thách thức ở Quốc hội dẫn đến thay đổi kết quả bầu cử ‘chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ’ và những ai thách thức cũng không thể viện lý do là ‘bầu cử gian lận’.
“Bao nhiêu vụ kiện của ông Trump ở các cấp tòa án đều đã bị bác bỏ vì chúng không có gì đáng để xem xét”, ông Kỳ nói.
Ông dẫn ra việc lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, ‘thừa biết việc thách thức kết quả bầu cử là phi dân chủ và đi ngược lại những điều luật trong Hiến pháp Hoa Kỳ’. Ngoài ra, ông McConnell cũng biết là Đảng Cộng hòa không thể có đủ số phiếu để lật ngược kết quả nên không đồng tình với hành động này.
Ông Kỳ nhận định rằng các vị dân biểu và thượng nghị sĩ thách thức kết quả vì họ ‘muốn giữ được tư thế của họ với ông Trump và các ủng hộ viên của ông Trump trong Đảng Cộng hòa’.
Về vai trò của ông Mike Pence, ông Kỳ nói ‘không còn quyền gì hết ngoài việc buộc phải phê chuẩn (rubberstamp) kết quả được chính thức nộp lên.
“Việc này tạo mâu thuẫn cho ông Pence. Dĩ nhiên ông ấy biết việc của mình theo Hiến pháp nhưng đồng thời ông ấy cũng muốn giữ được sự ủng hộ của các phe phái ủng hộ Trump”, ông Kỳ nói và dự đoán ông Pence sẽ cần sự ủng hộ từ những cử tri của ông Trump nếu ông muốn ra ứng cử Tổng thống trong tương lai.
Về các ‘đại cử tri thay thế’ của Đảng Cộng hòa, ông Kỳ nhận xét: “Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ có thể thay đổi danh sách đại cử tri như vậy”.
Theo giải thích của ông thì phiếu đại cử tri các bang đã được các Thống đốc phê chuẩn theo quy định Hiến pháp nên không thể có cái gọi là ‘đại cử tri thay thế’. “Nếu đại cử tri có ai rút ra vào phút chót không thể đi bầu được thì mới cử người thay thế”, ông nói.
Sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 thì các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ ‘sẽ có cách’ nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng, ông Kỳ nói. Chẳng hạn như Bộ Quốc phòng chỉ sẽ nghe lệnh từ ông Biden chứ không nghe lệnh ông Trump nữa, ông dẫn chứng.
“Bầu cử đã xong xuôi, không thể thay đổi gì được hết”, người cựu đại cử tri này nói. “Ông Trump không thể nào đánh phá toàn bộ nề nếp dân chủ của Mỹ được vì nó đã ăn sâu vào nước Mỹ lâu nay rồi và những người đang vận hành trong nền dân chủ Mỹ cũng không chấp nhận điều này.
Nguồn: voatiengviet.com