37 năm tù giam: Món quà đầu năm dành cho các nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Chi Mai 

“Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên”.

Lời nói sau cùng

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam ngày 05/01/2021.

PHẠM CHÍ DŨNG:

Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền “tự do báo chí” của Việt Nam.

Một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này của Đất nước.

NGUYỄN TƯỜNG THỤY:

Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc.

Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.

LÊ HỮU MINH TUẤN:

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.

Gã hình dung những Nhà cách mạng yêu nước như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu khi ra pháp trường đều hừng hực khí phách vì trong họ duy nhất: Tình yêu Tổ quốc và Lý tưởng Cách mạng.

Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn đứng trước vành móng ngựa cũng tràn khí phách của những người thực sự nhiệt huyết với Đất nước như thế.

Họ chỉ nghĩ đến sự tiến bộ, dân chủ, tự do và lợi ích của Đất nước. Lời cuối cùng của họ trước khi tù đày hơn 10 năm là những lời dành cho Đất nước. Khác hoàn toàn với những quan chức tham nhũng ra toà tái nhợt và khóc lóc van xin mà trước đó trên các diễn đàn chúng là những kẻ hô hào nhiều nhất khẩu hiệu vì Nước ,vì Dân.

Riêng với Dũng.

Gã nhớ những lần Dũng cafe với gã, thân hom hem tưởng chừng gió thổi nhẹ cũng liêu xiêu, ấy vậy mà khi đụng đến chuyện Nước non, Đồng bào, Dân tộc, cặp mắt sâu của Dũng rực lên cùng bao ý tưởng nồng nhiệt tâm huyết.

15 năm tù đày. Dũng ơi, gã tin sẽ lại có một ngày chúng ta ngồi bên nhau, gã sẽ nghe Dũng đọc thơ, thơ tình của bản tính thằng đàn ông đa tình khát khao yêu của Dũng.

Lưu Trọng Văn

VNTB – 37 năm tù giam: Món quà đầu năm dành cho các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam

Sáng 5/1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn (vụ án Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam).

Dựa theo cáo trạng, các báo trong nước đồng loạt đưa tin sáng hôm nay nhà báo Phạm Chí Dũng được xác định là chủ mưu vụ án, là người thành lập “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” để lôi kéo các đối tượng tham gia tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Theo đó những đồng nghiệp của ông trở thành “những đối tượng có tư tưởng bất mãn về chính trị” thường xuyên viết các bài viết “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc “còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các cơ quan truyền thông nước ngoài với mục đích nhằm “đấu tranh” làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam”.

Viện Kiểm sát nhận định, hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trên của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước”.

Theo đó Viện Kiểm Soát đề nghị mức án cho các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường ThụyLê Hữu Minh Tuấn lần lượt là 15-16 năm, 10-11 năm và 12-13 năm tù giam.

Nhằm khẳng định hơn cho những cáo buộc trên, các nhà báo đã “được” xuất hiện trong những chiếc áo nâu nhàu nhĩ chứ không được mặc những chiếc áo sáng màu thẳng thớm như các bị cáo khác trong các vụ án hình sự của các quan chức được đưa ra xét xử gần đây.

Tuy nhiên trước toà các nhà báo rất bình tĩnh, ung dung và sắc bén không chấp nhận cáo buộc “hoạt động nhằm thay đổi thể chế chính trị”, kêu gọi đa nguyên, đa đảng. Họ ý thức rằng những gì họ viết là thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.

Với việc thể hiện quyền viết báo của công dân trên diễn đàn ngôn luận của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – một tổ chức xã hội dân sự hoạt động công khai với tiêu chí không đối kháng với nhà nước Việt Nam, các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã có trách nhiệm trong đóng góp các ý kiến phản biện đa chiều về những chính sách quản trị quốc gia.

Các nhà báo mong muốn đảng chính trị duy nhất này, cần luôn được gìn giữ trạng thái ổn định nhất ở vai trò phụng sự nhân dân, luôn tuân thủ chủ trương bất đối kháng của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Các bài viết của các nhà báo luôn không hướng đến việc công kích chống đối đảng chính trị ở Việt Nam.

Qua bài viết phản biện ôn hòa, các nhà báo mong muốn củng cố uy tín, củng cố sức mạnh quản trị quốc gia, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính thể hiện tại.

Tất cả những điều này hoàn toàn trái ngược với các cáo buộc trong cáo trạng của Viện Kiểm Sát đưa ra.

Viện Kiểm Sát đã bác bỏ mọi luận cứ của các Luật sư bào chữa, thậm chí còn liên tục cắt lời, không cho phép các luật sư phân tích các biên bản Giám định tư tưởng các bài viết bị cho là chống nhà nước của các nhà báo vốn có thể làm thay đổi quyết định của toà về mức án đã được đề nghị.

Với phiên xử sơ thẩm công khai nhưng lại kín hoàn toàn dự kiến diễn ra trong vòng 1 ngày nhưng đã kết thúc ngay trước đầu giờ chiều. Sau khi nghị án, vào lúc 1:15 ngày 5/1/2021, Toà án Nhân dân Tp. HCM tuyên án nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam và 3 năm quản chế, hai nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người với mức án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Ngoài ra toà còn yêu cầu các nhà báo phải truy nộp lại khoản tiền nhuận bút đã nhận trong suốt thời gian từ năm 2014 đến cuối năm 2018 với lý do đó là các khoản thu nhập phi pháp.

Các nhà báo có thời hạn 15 ngày để kháng cáo, một bước tiếp theo của quy trình xét xử bỏ túi; cho dù có kháng cáo, cũng sẽ không đem lại nhiều thay đối gì cho bản án đã được chỉ đạo của Toà.

Những bản án nặng nề dành cho các nhà báo không phải là một điều lạ trong những năm gần đây khi hầu hết những người bất đồng chính kiến đều phải chịu các bản án vô cùng khắc nghiệt chỉ vì một vài bài viết, một vài câu trạng thái trên Facebook hay thậm chí chỉ vì một bài hát.

Trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp diễn ra vào cuối tháng Giêng này, với những bản án ngày càng khắc nghiệt là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không nương tay với những ai có ý định phản biện, chỉ trích nhà nước và đảng chính trị cầm quyền.

Lời cuối trước toà

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho đăng những lời cuối trước toà của ba nhà báo trên Facebook cá nhân.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, đĩnh đạc, hiên ngang ngỏ lời cảm ơn các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán đã quan tâm đến nền báo chí Việt Nam.

Ông nói: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.

Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này”.

Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ “đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Ông tuyên bố: “Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc. Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường”.

Lê Hữu Minh Tuấn, ung dung và điềm tĩnh đề nghị “Tòa xem xét lại mục đích của chúng tôi”.

Tôi có niềm tin nhà nước sẽ thực tâm đối với các quyền dân sự.

Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên,” ông Tuấn nói.

C.M.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Tự do báo chí, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.