Vũ Quang Việt
Bài của anh Nguyễn Quang Dy tổng kết rất hay nhiều nhận định của các nhà phân tích chiến lược về nhiều vấn đề, nhưng tựu trung là tập trung vào chiến lược quân sự và ngoại giao và mọi người nên đọc.
Nhưng ở dưới, tôi chỉ giới hạn về vấn đề mang tính dài hạn và vì vậy chỉ cắt xén ra 2 nhận định chính sau:
1. Trung Quốc ngày nay là một đối thủ khác hẳn với Liên Xô trước đây: đáng gờm hơn về kinh tế; tinh tế hơn về ngoại giao; linh hoạt hơn về hệ tư tưởng. Trung Quốc đã hội nhập sâu hơn với thế giới và nền kinh tế Mỹ. Chiến lược ngăn chặn của Mỹ được dựa trên dự báo là Liên Xô sẽ đến lúc sụp đổ vì nó mang theo “hạt giống suy tàn” như George Kennan đã tự tin vạch ra chiến lược ngăn chặn. Nhưng ngày nay không thể dự báo Trung Quốc như vậy vì thiếu cơ sở cho một chính sách ngăn chặn mới trên tiền đề là Trung Quốc cuối cùng sẽ sụp đổ. Mặc dù Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức về dân số, kinh tế, và môi trường, nhưng đảng cộng sản (CCP) đã chứng tỏ năng lực đáng kể có thể thích nghi với hoàn cảnh khó khăn. (Bài 3)
2. Theo các nhà phân tích, báo cáo đề cập đến ba đặc điểm nổi bật. Một là toàn cầu hóa không có lợi cho nhiều người Mỹ. Hai là khuyến nghị nhóm đối ngoại phối hợp chặt chẽ với nhóm đối nội và nhóm kinh tế để Mỹ có một chính sách nhất quán hơn. Ba là phải xây dựng “một đồng thuận chính trị mới” trên cơ sở chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu. (Bài 2).
Theo tôi điểm 2 hơi nghiêng về ngoại giao. Vấn đề chính của Mỹ hiện nay không chỉ là xoay chuyển chính sách ngoại thương để có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ (nói chung là tầng lớp đông đảo và rường cột của xã hội Mỹ).
Vấn đề chính của Mỹ là xoay chuyển chính sách đối nội để không chỉ vì người nghèo (thời Obama) hay người giàu (thời Trump) mà là vì tầng lớp trung lưu.
Theo tôi nhận định, hướng phát triển chung của các nền kinh tế hiện nay đặc biệt là Mỹ là ngày càng dựa vào công nghệ cao, dùng ít lao động và lao động được hưởng nhiều nhất là lao động liên quan đến công nghệ số và buôn bán tài chính (chỉ tạo ra thu nhập cao cho một số nhỏ lao động trong xã hội). Xin gửi đường link hai bài trình bày cụ thể nhận định của tôi trên đây kèm theo vài đoạn trích ở phần tóm tắt:
Bài 1. Chuyển biến kinh tế Mỹ và sự thất thế của tầng lớp trung lưu. Đăng trên Thời Đại Mới số 39, tháng 12-2020.
Trích đoạn:
“Lịch sử phát triển kinh tế ở Mỹ cho thấy kinh tế Mỹ đo bằng GDP (gross domestic products) nhìn dài hạn đang trên đà giảm dần. Với năng suất cao và tăng nhanh đặc biệt trong khu vực sản xuất hàng hóa đã đưa dần đến giảm thiểu nhu cầu lao động tay chân không cần nhiều học vấn nhưng lương cao vì lao động được tổ chức thành nghiệp đoàn gây áp lực. Tăng năng suất lao động là yếu tố chính làm kinh tế phát triển và tạo ra tầng lớp trung lưu ở Mỹ nhưng cũng là yếu tố hủy diệt nó. Năng suất cao đưa đến việc giảm thiểu nhu cầu lao động.
“Đồng thời do lao động ngày càng được nghiệp đoàn bảo vệ, để lương phản ánh năng suất lao động, do đó để giảm áp lực phải tăng lương và nhằm tăng lợi nhuận, tư bản Mỹ sẵn sàng đưa tư bản và sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, lợi dụng lao động rẻ của họ, sản xuất rồi đưa hàng về Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ phải mở cửa cho hàng Trung Quốc (cũng như các nước đang phát triển khác), lúc đầu hàng hóa thực chất của chính Mỹ do nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật của công ty Mỹ, nhưng khi Trung Quốc học được kỹ thuật và với vốn thừa thãi do tỷ lệ để dành của dân cao, tới hơn 50% thu nhập, Trung Quốc dần trở thành mối đe đọa với Mỹ. Người Mỹ được hàng rẻ để tăng tiêu dùng, còn Trung Quốc, sản xuất, tạo việc làm, tích lũy vốn và dần học hay đánh cắp để tự phát triển kỹ thuật tiên tiến.
“Kết quả của sự phát triển này là sự thất thế nếu không nói là nghèo đi của tầng lớp trung lưu Mỹ, trước đây nắm 62% thu nhập kinh tế Mỹ tạo ra thì ngày nay chỉ còn nắm 43%. Điều này đưa đến tình trạng phân cách xã hội ngày càng trầm trọng giữa những người lao động trong công xưởng sản xuất hàng hóa đã từng là rường cột tạo dựng tầng lớp trung lưu bị thu nhỏ lại vì nhiều lý do: phát triển kỹ thuật đưa đến việc dùng ít lao động; tư bản Mỹ chuyển đầu tư ra nước ngoài để tăng lợi nhuận; và sự cạnh tranh giá của hàng Trung Quốc; kết quả là đa số người Mỹ bị đẩy vào lao động dịch vụ lương thấp, để chỉ có thiểu số làm dịch vụ cần chuyên môn với học vấn cao và lương hậu có ảnh hưởng lớn trong xã hội về mặt văn hóa và chính trị. Sự phân cách này lại cộng hưởng với sự trỗi dậy trong phân cách lớn trong quá khứ giữa những người da trắng đã từng được quyền kỳ thị, từng là nông dân, chủ yếu sống ở miền Trung Tây và đặc biệt là miền Nam nước Mỹ, rồi một phần chuyển thành tầng lớp trung lưu lao động trong công nghiệp, nhưng ngày nay đang dần mất thế, nên họ dễ dàng trở nên nhạy cảm với sự kiện đầu tiên trong lịch sử là một người da đen trở thành Tổng thống Mỹ.
“Sự phân cách này đã thể hiện cụ thể qua thái độ bất mãn với:
“(a) các chương trình trợ cấp xã hội cho 74 triệu người nghèo (bằng 22.5% dân số Mỹ)(1) tưởng như chỉ có người da màu nhận được nhưng thực tế số người nhận trợ cấp có đến 43% người da trắng (2019) qua các chương trình như Medicare (bảo hiểm y tế cho người cao tuổi), Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo và tàn tật), phiếu mua thực phẩm (food stamp), huấn nghiệp, trợ cấp cho học sinh nghèo, cho vay với lãi suất thấp cho học sinh nghèo đi học đại học, v.v. Các trợ cấp xã hội này thuộc Chiến tranh Chống Nghèo (War on Poverty) là một phần của Chương trình Xã hội Vĩ đại (Great Society) mà Tổng thống Lyndon B. Johnson thuộc Đảng Dân Chủ khởi động từ năm 1965 và sau đó Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford thuộc đảng Cộng Hòa mở rộng thêm để lấy lòng dân Mỹ lúc đó có khuynh hướng chống chiến tranh Việt Nam.
“(b) Và tất nhiên là không ít người trong giới này cũng bất mãn với Đạo luật Dân quyền (Civil Right Act 1964) cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc quốc gia và sau này là khuynh hướng tình dục.
“Trận chiến giữa quá khứ và tương lai này ở Mỹ đã được chính trị gia kiểu Trump lợi dụng làm chiêu bài mà bỏ qua thực tế là nền kinh tế Mỹ hiện nay chỉ làm lợi cho một thiếu số hoạt động trong ngành dịch vụ như tài chính, thông tin và địa ốc. Theo Bloomberg, dựa vào số liệu của Ngân hàng Trung ương Mỹ, 50 người giầu nhất Mỹ nắm giá trị tài sản bằng 165 triệu người có thu nhập thấp (một nửa dân số Mỹ), và trong đó 1% người giầu nhất nắm 50% giá trị cổ phiếu trên thị trường.(2)
“Những nhận xét ở trên khá chủ quan mang tính xã hội và tâm lý chỉ đúng với xã hội Mỹ mà tác giả bài này sẽ không cố gắng lý giải. Bài viết chú trọng vào phân tích thực tế chiều hướng tốc độ phát triển ngày càng chậm lại trong kinh tế Mỹ vì ngày càng ít dựa vào sản xuất hàng hóa và tập trung vào dịch vụ môt khu vực khó tăng năng suất lao động. Nhìn dài lâu thì sự chuyển dịch này là tương lai của mọi nền kinh tế, kể cả của Trung Quốc. Sự chuyển dịch này như đã nói sẽ chỉ làm lợi cho một số nhỏ người và làm mất đi cơ sở tạo ra tầng lớp trung lưu trong xã hội. Thế nào là tầng lớp trung lưu cũng khó định nghĩa nhưng nói chung ở Mỹ nó là tầng lớp người có thu nhập từ lao động đủ để chăm nuôi gia đình có 2 con ăn học xong đại học, có bảo hiểm sức khỏe, có khả năng vay mượn và trả nợ mua xe, mua nhà và đủ sống khi về hưu.(3) Tuy thế, định nghĩa chính thức của chính phủ vẫn là liên quan đến thu nhập hộ gia đình tính bằng tiền (sẽ bàn sau).
“Tác giả cũng không tìm cách lý giải trên cơ sở lý thuyết kinh tế mà chỉ cố gắng vẽ ra một số mặt của bức tranh kinh tế Mỹ từ 1960 đến nay. Nhưng qua phân tích số liệu, điều rất dễ thấy là không thể giải quyết việc làm và thu nhập không đủ sống ở Mỹ bằng cách bảo hộ mậu dịch. Mỹ có thiếu hụt cán cân thương mại về hàng hóa và dịch vụ với cả thế giới là khoảng 1.4% GDP (2019) trong đó một nửa là với Trung Quốc. Dù xóa được thiếu hụt 1.4% này và bù đắp bằng sản xuất nội địa thì cũng không thể đưa trở về thời 1960-70 khi công nghiệp chiếm tới 25% GDP nhưng hiện nay chỉ còn 11% (và 9% số lao động).
“Số liệu thống kê dùng để phân tích được thu thập từ các cơ quan chính thống có trách nhiệm thu thập thống kê như US Bureau of Census (US Census), Bureau of Labor Statistics (BLS), Bureau of Economic Analysis (BEA) và Office of Management and Budget (OMB). Một số ý niệm cần thiết để hiểu về thống kê lao động, việc làm được ghi trong bảng “một số chú thích quan trọng…” ở Mục II và các ghi chú khác khi cần”.(4)
Bài 2. Mô hình khối thế giới dân chủ – tự do – nhân quyền và phát triển kinh tế: đang thoái trào hay tan rã. Công bố tại Hội thảo Hè 2019, Porto, Portugal, June 2019.
Trích đoạn:
“Cho đến nay lịch sử và các yếu tố đưa đến phát triển dường như đã khá rõ. Phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển và kết hợp giữa ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là tư tưởng dân chủ – tự do – cơ sở để phát triển khoa học và kỹ thuật. Yếu tố thứ hai là nền kinh tế thị trường – với vai trò điều tiết của nhà nước, một nhà nước dân chủ dựa trên sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp và hành pháp với sự độc lập của tư pháp nhằm ngăn cản lạm quyền và độc đoán của người cầm quyền đồng thời đảm bảo dân quyền. Và cuối cùng, yếu tố thứ ba là cơ chế đảm bảo sự cạnh tranh và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia, dựa trên sự tuân thủ các qui ước dần dần được thiết chế thành luật pháp quốc tế, hoạt động và giải quyết tranh chấp trong các định chế do các tổ chức quốc tế quản lý như Tòa án Quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) để các quốc gia giải quyết tranh chấp,cạnh tranh và hợp tác trên cơ sở hòa bình, tôn trọng nhân quyền và mọi người cùng có lợi.
“Các định chế này dường như đang bị phá vỡ dần bởi Trump hay chính nước Mỹ, một nước đề xướng và đóng góp vào các qui ước và định chế quốc tế về một thế giới tự do về chính trị, và mở rộng thương mại nhằm để các nước cùng phát triển, nhằm lấy lòng một khối dân chúng bảo thủ Mỹ khoảng 30-40% dân, ủng hộ Trump, không chỉ trong cuộc bầu cử năm 2016 mà còn tiếp tục hiện nay. Khối dân chúng này nghĩ gì? Thứ nhất là sự thất bại hay không thể thắng của các cuộc can thiệp quân sự rất tốn kém vế sức người và sức của, gần như một mình, ở Iraq, Aghanistan, và ở cuộc chiến chống khủng bố của các nhóm Hồi giáo quá khích, và sự thất bại khi hô hào mùa xuân Ả Rập. Thứ hai là nước Mỹ đang dần mất khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, một nước được Mỹ lôi kéo, cho nhiều ưu đãi, nhằm chống Liên Xô, đang muốn vươn lên thách thức Mỹ và thống trị thế giới, bất chấp luật pháp quốc tế. Khối dân chúng theo Trump này một phần lớn là tàn dư của đầu óc bảo thủ tôn giáo, đàn ông trị, và kỳ thị da mầu của quá khứ và sự “nổi loạn” của giới thợ thuyền mất việc, trước đây hoạt động trong các ngành công nghiệp như sắt thép, xe hơi, làm hàng tiêu dùng lâu bền,…, và một thời là xương sườn của giới trung lưu Mỹ. Trump dù thua phiếu cử tri đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 vì phiếu đại cử tri ở 4 bang thường trước đây bầu cho Dân chủ, đó là Michigan, Ohio, Pensylvania, và Wisconsin.
“Như thế, phải chăng thế chế quan hệ quốc tế đã lỗi thời và cần điều chỉnh vì nước Mỹ không thể tiếp tục nhận nhiệm vụ cường quốc số một thế giới mà cần chia sẻ trách nhiệm và Mỹ cũng cần bảo hộ mậu dịch để tự bảo vệ minh? Và Trump là người bắt đầu bằng cách đập phá thể chế cũ dù không đưa ra được viễn kiến về thể chế mới? Làm một cách ý thức hay vô ý thức? Vấn đề gì sẽ xảy ra sau đó? Bài này chỉ nhằm đặt câu hỏi sau khi đánh giá khả năng phát triển của Trung Quốc như một lực lượng kinh tế và qua đó là lực lượng quân sự.
“Bài viết kết luận về khả năng vươn lên về kinh tế của Trung Quốc như là lực lượng hàng đầu sánh ngang Mỹ vào năm 2035 so về khả năng tài chính, qua đó có thể tăng chi cho quân sự ngang bằng Mỹ, dù thu nhập đầu người còn thấp hơn nhiều. Cũng chính khả năng vươn lên của Trung Quốc, vì họ có thể cùng một lúc dùng ưu thế thị trường lớn và tính phi thị trường của nền kinh tế. Sự hấp dẫn của thị trường lớn với tiềm năng doanh thu và lợi nhuận cao cho phép họ đòi hỏi hoặc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ. Tính phi thị trường thể hiện qua việc doanh nghiệp không thể cưỡng lại chỉ thị của Đảng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, trong đó có mục tiêu ngăn chặn cạnh tranh song phẳng. Sức mạnh kinh tế cho phép tăng cường quân sự nhằm áp đảo nước khác. Phải chăng chính thái độ này của Trung Quốc đã đẻ ra hiện tượng Trump? Và thế giới sẽ đối phó như thế nào khi khả năng Trung Quốc sánh ngang Mỹ trở thành hiện thực và nhất là khi các cam kết của Mỹ mất đi tính khả tín?
“Kết quả dự đoán
2017 2035
Tỷ trọng GDP so với thế giới
Mỹ 21.7% 19.3%
Trung Quốc 12.7% 19.3%
GDP đầu người (tính theo giá 2010 USD) % Tăng
Mỹ 53,469 75,486 41%
Trung Quốc 7,207 17,665 145%
Thế giới 10,665 15,556 46%
“Hiện tượng Trump ở Mỹ có thể không phải nhất thời, nhất là khi Trung Quốc trở thành nguy cơ cho hòa bình thế giới. Vì vậy, cần đánh giá khả năng tan rã của cái gọi là thế giới tự do. Trump, đại diện cho một khuynh hướng ở Mỹ, chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi của Mỹ, không chỉ chống Trung Quốc mà chống mọi người. Khuynh hướng Trump không còn đặt vấn đề xây dựng khối đoàn kết hay đồng minh trên thế giới để chống lại lực lượng phản động có thể gây chiến tranh thế giới. Đây là hiện tượng nhất thời hay dài lâu? Cuộc chiến giữa hai con hổ liệu có thể xảy ra? Và cuộc chiến này nếu có không phải là cuộc chiến bảo vệ hòa bình mà vì quyền lợi riêng tư.
“Tình hình này sẽ đi về đâu? Khi bị bỏ rơi, liệu các nước nhỏ có thể liên minh hình thành một lực lượng thứ ba, và liệu liên minh này có thể tự đứng vững hay là đành lép vế trở thành chư hầu của Trung Quốc?
“Và thái độ thích hợp nhất cho Việt Nam? Đồng minh với Trung Quốc thì câu trả lời rõ ràng là không. Đồng minh với Mỹ dựa vào quyết định hai chiều, mà hai bên đều chưa thấy lý do, sự tin cậy và lợi ích để cam kết. Cho nên Việt Nam chỉ có một con đường là sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình theo đúng luật quốc tế, nhất là luật biển, phát động chiến lược và chiến thuật tranh thủ quốc tế ủng hộ mình nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm bằng bạo lực, và đó chính là con đường đi đến tự do, dân chủ, tự do và nhân quyền, vừa lợi cho chính dân tộc mình mà vừa dễ dàng tranh thủ được sự đồng tình của thế giới. Có thể tóm gọi bằng một khẩu hiệu sau: Việt Nam không thân TQ, không thân Mỹ, nhưng cần thân tự do dân chủ nhân quyền”.(5)
***
Như thế, về đối nội, có lẽ đây là lúc mà Mỹ phải có chính sách bảo đảm thu nhập tối thiểu cho mọi người, xây dựng hạ tầng và nhất là vốn xã hội để tầng lớp trung lưu thấy cơ hội thăng tiến và như thế không thể không tăng thuế đối với người giàu và hoạt động kinh doanh tài chính (ngày càng phục vụ người giàu). Những điều đối nội này không dễ thực hiện nếu không có đồng thuận chính trị. Mỹ tiếp tục đi xuống hay chặn được đi xuống là vấn đề khó kết luận vào lúc này.
Nếu không giải quyết được vấn đề đối nội thì tôi sợ rằng Mỹ sẽ là một cường quốc đi xuống không khác nhiều với Nga hiện nay.
Dĩ nhiên là Mỹ vẫn phải điều chỉnh chính sách ngoại thương nhưng nhìn xa thì đây không phải là chuyện thật lớn. Chính sách điều chỉnh phải bảo đảm an ninh quốc gia, nhưng tựu trung là bảo đảm các nước thực hiện đúng cam kết, và xóa bỏ ưu đãi đối với những nước như Trung Quốc được coi là nước “đang phát triển”. Mỹ không thể đóng cửa, cũng không thể có hàng trăm hiệp định với hàng trăm nước.
V.Q.V.
Chú thích:
(1) https://www.medicaid.gov/medicaid/program-information/medicaid-and-chip-enrollment-data/report-highlights/index.html. 74 triệu là con số chính thức của chính phủ về người nhận trợ cấp qua Medicaid và CHIP. Con số này cao hơn con số ở đây: https://fortunly.com/statistics/welfare-statistics/#gref. Sẽ bàn thêm về con số người nghèo trong phụ lục bàn về người nghèo.
(3) https://money.cnn.com/infographic/economy/what-is-middle-class-anyway/index.html.
(4) Phần trích dẫn bài Chuyển biến kinh tế Mỹ và sự thất thế của tầng lớp trung lưu tác giả ủy cho BVN chọn lựa từ bản gốc. Đường link bản gốc: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai39/202039_VQViet.pdf
(5) Phần trích dẫn bài Mô hình khối thế giới dân chủ – tự do – nhân quyền và phát triển kinh tế: đang thoái trào hay tan rã tác giả ủy cho BVN chọn lựa từ bản gốc. Đường link bản gốc: http://hoithao.viet-studies.net/VQViet_Porto.pdf
Tác giả gửi BVN