Hoan hô việc lắp camera giám sát giao thông

Chu Mộng Long

Không phải công an giao thông ở đâu cũng xấu. Nhiều địa phương làm nghiêm, tình trạng tai nạn giao thông giảm hẳn.

Nhưng cũng phải nói thẳng thắn, chính những con sâu trong ngành cảnh sát giao thông là nguyên nhân của những tai nạn thảm khốc.

Nhiều lần đi công tác, những khi bị nhồi nhét chật ních đến nghẹt thở, tài xế lại chạy vượt đến trên 100 km/h, có đến vài lần các xe va nhau toé lửa, tôi hoảng hốt muốn gọi điện đến công an, thậm chí đến đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông. Nhưng rồi vô vọng vì chỉ nghe… sự im lặng từ lãnh đạo và chỉ được nghe tài xế thách thức, thậm chí có lần bị doạ đánh. Nhiều người nói với tôi, rằng mấy cái nhà xe này đã mua đường rồi. Không chỉ mua đường mà còn nuôi công an mỗi khi xe bị chặn. Các trạm chặn xe kiểu gì? Chặn từ xa. Tôi chờ có công an đến để tố, nhưng không có ai cả. Tài xế thì nhanh chân đến trạm đưa quyển sổ cho công an rồi lên xe phóng tiếp. Mọi sự diễn ra nhanh như chớp.

Một lần, tôi nằm sau lưng bác tài, xe đang chạy giữa chừng thì tài xế thắng xe đến giật cả mình. Anh ta thét lên: “Đ. mẹ, mới xin xong bây giờ lại xin nữa!” Anh ta vừa chửi vừa kẹp tiền vào sổ và lại nhanh thoăn thoắt đến chỗ tốp công an đang chờ. Và lại nhanh thoăn thoắt trở về buồng lái và chạy tiếp, dù trong xe hành khách nằm kín đến nghẹt thở cả hai hành lang.

Tôi cực kỳ khó chịu, nhiều lần phản ứng nhưng rồi đành mặc cho số phận vậy! Mà số phận rong ruổi trên những con đường ấy có lúc như ngàn cân treo sợi tóc.

Không tin điều tôi nói thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm hay Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông thử một lần “vi hành” trên những tuyến đường đó mà xem. Tôi chỉ điểm luôn cái tuyến đường tai tiếng nhất là các tuyến lên Tây Nguyên. Các anh công an rất hăng ra đứng đường, thậm chí thao thức cả nửa đêm gà gáy, nhưng họ đã làm gì? Nhiều xe nhét khách và chạy tốc độ vượt quy định nhưng vẫn chạy tuồn tuột. Trong khi những xe thuộc công ty lớn, chở khách đúng quy định, chạy đúng tốc độ thì bị cản trở và hạch sách đủ điều.

Vào đêm Chủ Nhật tuần trước, tôi đi xe Sơn Tùng từ Buôn Ma Thuột về Quy Nhơn. Lúc ấy đêm đã khuya, xe bị thổi phải dừng lại. Một cảnh sát giao thông leo lên xe, dùng camera quay hành khách, kiểm tra vé và phỏng vấn hành khách. Xe giường trống khá nhiều, vì Sơn Tùng không bao giờ nhét khách. Nhưng xe vẫn bị phạt vì công an có phỏng vấn một người mới lên mà phụ xe chưa kịp trao vé. Vậy là đôi co cãi nhau mất gần cả tiếng, vì tài xế Sơn Tùng… không chịu nộp phạt. Không phải không nhận lỗi mà tài xế yêu cầu ghi biên bản chính thức và nộp phạt ở kho bạc, nhưng công an không chịu mà đòi phải đưa tiền nóng (!?). Là sao? Công an giữ trật tự và an toàn giao thông hay cản trở giao thông và gây phiền đến hành khách bằng trò dựng dậy từng người đang ngủ để hỏi vé?

Nhiều tài xế nói với tôi đoạn đường này biển báo giao thông như cái bẫy. Đang được phép chạy 90 km/h, bỗng rơi xuống 45, 50 km/h, chỉ cần sơ suất hãm phanh không kịp là bị phạt tốc độ. Những đoạn có vạch liền thì thỉnh thoảng xuất hiện một xe công nông khệnh khạng đi choáng hết đường hoặc một xe tải to tướng nằm chình ình án ngự hết không gian vượt. Muốn vượt qua là phải cắn vạch và phải nộp phạt.

Ở xứ vùng cao này, công an phường cũng hăng hái ra đường kiểm soát giao thông. Một lần các nữ học viên nài nỉ tôi đi ăn chè, khi đến ngả ba có học viên vượt đèn vàng, thế là công an ở đâu từ trong bóng tối chui ra “dẫn độ” về phường. Mất một tiếng, tôi và các bạn ngồi chờ ở quán chè. Khi học viên trở lại, mặt thất thần vì vừa nộp phạt 400.000 đồng. Tôi an ủi rằng đã vi phạm thì nộp phạt cho nhớ để lần sau không phạm lỗi và hỏi biên lai đâu? Học viên nói các anh ấy dẫn vào phòng kín rồi nói lẽ ra phạt bạc triệu, nhưng cứ đưa cho anh ấy 400.000 đồng thôi là anh ấy tha. Tôi cay đắng ngẫm cái lương 3 triệu một tháng của cô giáo mầm non. Chỉ còn biết giúp các em bằng cách dành trả tiền chè.

Việc Bộ Công an chủ trương lắp camera giám sát giao thông là cần thiết. Nhưng theo tôi, không chỉ giám sát xe cộ mà còn phải giám sát luôn cả cảnh sát giao thông. Nghiêm cấm và xử phạt nghiêm khắc cảnh sát giao thông núp lùm và phạt chỗ kín. Và để làm nghiêm, người xử lý thông tin từ camera phải là người đáng tin cậy, bởi nếu không thì camera cũng bị lạm dụng để phạt một cách bất minh và bất công.

VTV hôm qua có đưa thông tin lạc quan rằng tai nạn giao thông đã giảm đi một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong một năm chỉ có tai nạn và tử vong khoảng 7000 người. Tôi không lạc quan mà nghĩ, không phải do ý thức giao thông, cũng không phải do luật nghiêm minh mà do dịch Covid người ta ít đi lại hơn. Và con số 7000 người chết ấy có khủng khiếp hơn dịch Covid không mà lãnh đạo không kiên quyết chống thứ giặc ấy như chống dịch?

C.M.L.

Không có mô tả ảnh.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Công an trị, Phạt giao thông. Bookmark the permalink.