Mytel và Viettel liên quan đến các cáo buộc phạm tội của quân đội Myanmar như thế nào?

Kiến An

Cơ chế pháp lý trong cáo buộc với quân đội Myanmar, cùng trách nhiệm liên đới của Mytel và Viettel.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel vào năm 2017, trao tặng “Bảng ghi nhận đặt tên thương hiệu Mytel cho Công ty Liên doanh Viễn thông Myanmar”

cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Báo Đầu tư.

Các phát hiện từ báo cáo điều tra về Mytel của tổ chức vận động nhân quyền Justice for Myanmar (“Công lý cho Myanmar” hay JFM) gợi ý khả năng là cả Mytel và Viettel (cổ đông nắm 49% cổ phần của Mytel) đang trợ giúp quân đội Myanmar thực hiện các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài ngườitội diệt chủng.

Ẩn sau những cáo buộc nghe “đao to búa lớn” này là những tiêu chuẩn pháp lý cụ thể trong luật hình sự quốc tế.

Theo những tiêu chuẩn đó, các doanh nghiệp, tuy không trực tiếp tham gia vào việc thực hiện các hành vi phạm tội hình sự, vẫn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý gián tiếp.

Vậy những gì từ báo cáo điều tra Mytel có thể dùng làm bằng chứng chống lại Mytel và Viettel?

XUẤT PHÁT ĐIỂM: TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA QUÂN ĐỘI MYANMAR

Tuy đây không phải là trọng tâm điều tra trong báo cáo Mytel của JFM, phải làm rõ một điểm: hiện nay, các cáo buộc chống lại quân đội Myanmar trong báo cáo điều tra Mytel của JFM đều vẫn đang hoàn toàn dựa trên các báo cáo điều tra hành vi phạm tội của quân đội Myanmar. Những báo cáo này đến từ:

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council);

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International);

• Các tổ chức nhân quyền địa phương tại Myanmar.

Khó có thể đưa các cáo buộc chống lại Mytel và Viettel đi xa hơn nếu không thể bước đầu chứng minh rõ ràng, rằng quân đội Myanmar đang thực sự trực tiếp có các hành vi mang tính tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Luật quốc tế có một số cơ chế nhất định cho việc quy kết trách nhiệm hình sự một số cá nhân là lãnh đạo của các lực lượng quân sự, cụ thể như Tòa Hình sự Quốc tế (International Criminal Court).

Myanmar không phải là thành viên của Quy chế Rome năm 1993 – văn bản sáng lập ra Tòa Hình sự Quốc tế. Vì vậy, thẩm quyền xét xử của tòa này không bao phủ lên các hành vi phạm tội nằm trong lãnh thổ Myanmar.

Bên cạnh đó, nếu một quốc gia là thành viên của Công ước Ngăn ngừa và Xử phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948 của Liên Hợp Quốc, quốc gia đó cũng có thể bị một quốc gia thành viên khác kiện ra Tòa Công lý Quốc tế (International Court of Justice).

Các thẩm phán tại Tòa Công lý Quốc tế đang xét xử một vụ kiện giữa Chile và Peru vào năm 2014. Ảnh: Reuters/ Michael Kooren

Myanmar đã là một thành viên của Công ước ngăn ngừa và xử phạt tội ác diệt chủng năm 1948 từ năm 1956.

Hiện nay, Myanmar đã nằm trong tầm ngắm của cả hai tòa nói trên:

• Tòa Hình sự Quốc tế đã bắt đầu tiến hành điều tra các cáo buộc Myanmar đàn áp và giết hại người Rohingya từ ngày 14/11/2019. Tòa này cho rằng có “cơ sở hợp lý” cho việc các lực lượng vũ trang Myanmar đã tiến hành các hành vi bạo lực rộng khắp và có hệ thống, chống lại người Rohingya xuyên qua biên giới giữa Myanmar và Bangladesh, buộc từ 600.000 đến một triệu người Rohingya phải rời Myanmar sang Bangladesh. Bangladesh trở thành thành viên của Quy chế Rome từ năm 2010. Theo đó, Tòa Hình sự Quốc tế có thẩm quyền xét xử với các hành vi phạm tội trên phần lãnh thổ Bangladesh.

• Tòa Công lý Quốc tế hiện đang thụ lý đơn kiện ngày 11/11/2019 của Gambia chống lại Myanmar, với cáo buộc là Myanmar vi phạm Công ước Ngăn ngừa và Xử phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948. Vụ kiện này dự tính sẽ mất nhiều năm để xử lý. Tuy nhiên, các động thái ban đầu tại tòa cho thấy phía Gambia đang nắm thế chủ động trước một Myanmar bị động. Gambia có sự phục vụ và trợ giúp của một công ty luật hàng đầu của Mỹ là Foley Hoag và một giáo sư luật người Anh chuyên về tội ác diệt chủng là Philippe Sands.

Cả hai tòa án quốc tế nói trên đều chưa có phán quyết cuối cùng về các trách nhiệm hình sự của quân đội Myanmar. Tuy nhiên, nếu như các trách nhiệm hình sự đó được minh chứng tại các tòa này, rủi ro phải chịu trách nhiệm hình sự gián tiếp của các doanh nghiệp có liên quan đến các hành vi phạm tội của quân đội Myanmar sẽ tăng cao hơn.

TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI CỦA MYTEL VÀ VIETTEL

Báo cáo Mytel của JFM xây dựng một “tam đoạn luận” quy kết trách nhiệm cho Mytel như sau:

1. Mytel cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông cho quân đội Myanmar;

2. Nhờ dịch vụ và thiết bị viễn thông của Mytel, quân đội Myanmar có thể liên lạc điều khiển lực lượng tiến hành các hành vi bạo lực và giết chóc chống lại dân thường tại Myanmar, cụ thể là các cộng đồng dân thiểu số như người Rohingya;

3. Theo đó, có một rủi ro cao là Mytel gián tiếp trợ giúp hoặc tạo điều kiện cho các hành vi bạo lực và giết chóc của quân đội Myanmar.

Viettel – đơn vị nắm 49% cổ phần trong Mytel – theo đó cũng có rủi ro cao phải chịu một phần trách nhiệm cho hành vi gián tiếp phạm pháp của Mytel.

BẰNG CHỨNG TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI CỦA MYTEL VÀ VIETTEL

Báo cáo Mytel của JFM xác định vai trò của Mytel dựa vào hai nguồn bằng chứng chính:

• Các tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ đơn vị Myanmar của Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction), bao gồm những sơ đồ vị trí các cơ sở hạ tầng viễn thông do Viettel Construction xây dựng và lắp đặt cho Mytel;

• Thông tin xác minh vị trí các cơ sở hạ tầng viễn thông từ các nguồn thông tin mở (open-source) như bản đồ vệ tinh từ công cụ Google Maps.

Các “cơ sở hạ tầng viễn thông” này cụ thể là 37 trạm thu phát sóng di động (base transceiver station), tức là các “tháp tín hiệu” cung cấp sóng di động 4G hay 5G cho các thiết bị thông tin liên lạc như điện thoại cầm tay, điện đài, hay máy tính, v.v.

Nếu 37 trạm thu phát sóng di động này nằm trong các khu trung tâm thành phố hay gần các khu nghỉ mát thì đã không có chuyện gì đáng để bàn.

Vấn đề mà báo cáo Mytel của JFM chỉ ra là cả 37 trạm thu phát sóng di động này đều nằm trong hoặc gần các doanh trại quân đội và căn cứ quân sự bí mật.

Một số doanh trại và căn cứ quân sự này – theo những báo cáo của các tổ chức nhân quyền đã chỉ ra – thì lại nằm gần các khu vực quân đội Myanmar đã và đang tiến hành các hoạt động bạo lực, giết chóc có tổ chức chống lại thường dân.

Ví dụ, trạm thu phát sóng di động của Mytel gần thị trấn Laukkai ở vùng Kokang, phía Bắc bang Shan của Myanmar.

Một sơ đồ vị trí trạm thu phát sóng ở thị trấn Laukkai do Viettel Construction Myanmar để lộ và được JFM sử dụng. Khu vực đất xây trạm thu phát sóng được khoanh đỏ, đồn lính gác được khoanh xanh dương. Các khoanh vùng bằng màu ở đây là của Luật Khoa. Nguồn: Báo cáo điều tra về Mytel của JFM

Trạm này nằm gần một khu doanh trại và có hẳn một đồn lính canh gác nằm ngay kế bên trạm. JFM cho rằng chi tiết này cho thấy các công trình xây dựng của Mytel và Viettel có vẻ thường là các công trình được xây một cách có tính toán, dựa trên việc quân đội Myanmar sẽ trực tiếp bảo vệ các công trình đó.

Theo JFM, có các bằng chứng cụ thể từ các tổ chức dân sự cho thấy tại khu vực Kokang, từ năm 2017 đã có hơn 20.000 thường dân bị quân đội dùng bạo lực cưỡng bức chuyển đi nơi khác. Đã có nhiều báo cáo về các trường hợp giết người trái pháp luật, tra tấn và bắt cóc người dân.

Nếu các trạm thu phát sóng di động của Mytel đã và đang trực tiếp giúp quân đội Myanmar tiến hành các hành vi giết chóc, tra tấn và bắt cóc một cách có tổ chức, thì khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới theo luật quốc tế của Mytel sẽ tăng cao.

CÁC TIÊU CHUẨN PHÁP LÝ CÓ THỂ ÁP DỤNG ĐỂ QUY KẾT TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI CỦA MYTEL VÀ VIETTEL

Myanmar, nguyên quán của Mytel, và Việt Nam, nguyên quán của Viettel, đều không phải là thành viên Quy chế Rome năm 1993.

Theo đó, sẽ rất khó để Tòa Hình sự Quốc tế có thể tiến hành điều tra các hành vi phạm pháp tại các khu vực trên lãnh thổ Myanmar mà quân đội Myanmar đang bị cáo buộc có hành vi phạm pháp với sự trợ giúp trực tiếp của Mytel.

Nhìn từ cách tiếp cận của Tòa Hình sự Quốc tế thông qua các diễn biến trên biên giới Myanmar – Bangladesh đã nói ở trên, có thể suy ra là để chứng minh vai trò trợ giúp trực tiếp của Mytel, phải chứng minh được có ít nhất một trạm thu phát sóng di động nào đó của Mytel gần biên giới Myanmar – Bangladesh có vai trò phát sóng giúp một đơn vị quân đội Myanmar có thể dùng bạo lực đẩy dân thường từ Myanmar qua biên giới với Bangladesh.

Nếu có thể chứng minh một chi tiết như thế, thì vấn đề tiếp theo là áp dụng các tiêu chuẩn pháp lý nào để chứng minh hành vi vi phạm gián tiếp của các cá nhân lãnh đạo Mytel.

Tòa Hình sự Quốc tế chỉ có thể truy tố các cá nhân (individuals) chứ không thể truy tố các pháp nhân (legal entities), tức là các doanh nghiệp, công ty.

Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: Marina Riera/ Human Rights Watch

Tiêu chuẩn chứng minh trách nhiệm hình sự cá nhân của tòa này (nằm ở Điều 30 – Quy chế Rome) chính là tiêu chuẩn thường thấy trong luật hình sự quốc tế: chứng minh đồng thời yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan trong hành vi phạm tội của một cá nhân.

• Yếu tố khách quan (objective element): Hành vi (act) hay chuỗi hành vi phạm tội, ở đây là cung cấp dịch vụ sóng di động và trạm thu phát sóng di động cho các hoạt động bạo lực, giết chóc có tổ chức;

• Yếu tố chủ quan (subjective element): Ý thức hay ý định (intent) điều khiển hành vi phạm tội với nhận thức (knowledge) rõ ràng về hậu quả của hành vi phạm tội, ở đây là ý thức chủ động thực hiện hành vi kể trên và nhận thức của một cá nhân hiểu rõ hành vi mình đang làm có thể gây ra hệ quả gì (gián tiếp tạo điều kiện cho việc gây ra cái chết hay thương tật cho những người vô tội).

Bắt buộc phải chứng minh được cả hai yếu tố thì mới có thể kết án hình sự một cá nhân tại Tòa Hình sự Quốc tế.

Một vị lãnh đạo Mytel theo đó hoàn toàn có thể được chứng minh là vừa có hành vi trợ giúp tạo điều kiện cho quân đội Myanmar phạm pháp, vừa ý thức rõ ràng về hệ quả của hành vi phạm pháp đó.

Để tạo mối dây trách nhiệm liên đới từ vị lãnh đạo Mytel trên tới một vị lãnh đạo Viettel thì lại là một câu chuyện dài với vô vàn câu hỏi khác.

Tuy nhiên, rõ ràng là rất khó để có thể chứng minh các vị lãnh đạo Mytel chỉ là những “con rối” trong tay các vị lãnh đạo Viettel, khi mà phía Viettel chỉ nắm 49% cổ phần Mytel (51% cổ phần do các doanh nghiệp quân đội và thân quân đội Myanmar nắm).

Do đó, ngay cả khi các tòa án quốc tế đi đến cùng trong việc chứng minh các hành vi phạm tội hình sự quốc tế của quân đội hay chính phủ Myanmar, thì nhiều khả năng là Viettel vẫn có thể chứng minh rằng họ không hề dính dáng gì đến các hành vi phạm tội trên.

Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là Viettel có thể đường hoàng đứng trước tòa án công luận với đôi bàn tay sạch sẽ nhất.

K.A.

Nguồn: luatkhoa.org

This entry was posted in kinh tế, Nhân Quyền. Bookmark the permalink.