Công an TP.HCM bắt giam ông Diệp Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op

Huân Cao

Từ lâu, khi đọc Luật Hình sự rồi theo dõi nhiều vụ án, tôi cứ thắc mắc: Tiền mà sao lại thất thoát? Câu này tôi từng hỏi công khai một trưởng phòng cảnh sát kinh tế khi xảy ra vụ án tham nhũng tại trường tôi. Anh ấy không trả lời mà chỉ nói: Tao không biết! Mày đi hỏi chuyên gia làm luật.

Tôi đọc Tư bản luận của K. Marx, rồi đọc các sách kinh tế luận, tài chính luận của bọn tư bản, không hề thấy khái niệm “thất thoát” mà chỉ thấy khái niệm “trao đổi” và “lưu thông”. Với quy luật trao đổi và lưu thông, tiền chỉ đẻ ra tiền. Nếu không thì phải tuân theo định luật bảo toàn: đồng tiền không mất đi mà chỉ chuyển từ túi người này sang người khác.

Rất nhiều vụ án liên quan đến các quan đều “gây thất thoát” số tiền hoặc tài sản đến hàng ngàn tỷ. Tiền hàng ngàn ngàn tỷ của nhà nước và nhân dân thất thoát đi đâu? Tiền đang sử dụng làm bằng polymer, còn tài sản thì là chất rắn, không phải bằng chất lỏng có thể bốc hơi.

Hay là hàng ngàn ngàn tỷ ấy thuộc tiền âm phủ, còn tài sản thì là hàng mã. Đúng, chỉ có tiền âm phủ hay hàng mã thì khi cúng xong bị đốt thành than mới gọi là “thất thoát”. Các đại biểu quốc hội nghĩ sao khi có một số điều luật gọi là gây “thất thoát”?

Chu Mộng Long

Ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), vừa bị Cơ quan điều tra Công an TPHCM khởi tố, bắt giam.

Ngày 16.12, Cơ quan điều tra – Công an TP.HCM đã tiến hành khởi tố, bắt giam ông Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Ông Dũng bị bắt, vì có liên quan đến sai phạm trong việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op.

Trước đó, ngày 27.7, ông Diệp Dũng bị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đình chỉ các vai trò Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy tại Đảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op).

Ông Diệp Dũng được Thành ủy chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op từ cuối tháng 8.2015.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM xác định: Ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật; Tổ chức Đại hội Thường niên trái pháp luật; Thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.

Trước đó, Thanh tra TPHCM đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Saigon Co.op theo quyết định thanh tra triển khai từ ngày 3.4.2020. Theo kết luận thanh tra đã được công bố, có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm tại Saigon Co.op.

Cụ thể, dù chưa được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận, Saigon Co.op đã huy động 20/26 Hợp tác xã (HTX) thành viên góp vốn gần 3.600 tỉ đồng. Đến ngày 30.1.2020, Đại hội thành viên bất thường thông qua phương án huy động vốn để tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên gần 6.800 tỉ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op được thực hiện chưa đúng quy định khi huy động nguồn vốn từ bên ngoài mà không phải là thành viên của HTX. Đồng thời, các HTX thành viên góp vốn trước khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận, cũng không cung cấp các hồ sơ liên quan việc góp vốn và huy động vốn.

Đặc biệt, một số HTX thành viên đạt mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỉ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn HTX có lợi nhuận chỉ 24-500 triệu đồng lại góp hàng trăm tỉ đồng. Trong các năm 2018, 2019, 6 HTX thành viên kinh doanh không hiệu quả.

Phân tích tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đầu tư của các HTX thành viên, cơ quan thanh tra nhận thấy tỉ suất lợi nhuận đạt được từ 26 – 39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Điều này cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên thì Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Từ cơ sở này, Thanh tra TPHCM nhận định có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TPHCM, việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Thanh tra TPHCM xác định các dấu hiệu sai phạm này thuộc trách nhiệm của HĐQT liên hiệp, thành viên liên hiệp, ban tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.

Do đó, Thanh tra TPHCM kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM cho phép chuyển giao hồ sơ, tài liệu về dấu hiệu sai phạm của các cá nhân liên quan cho cơ quan điều tra Công an TPHCM để điều tra, xử lý nghiêm.

H.C.

Nguồn: Lao Động online

This entry was posted in Tội phạm tham nhũng. Bookmark the permalink.