Chính trị của địa danh: Tên đường, quyền lực và danh tính của cộng đồng

Võ Văn Quản

Cái tên được trân quý khi nó là văn hóa cộng đồng, thay vì là thứ chính trị áp đặt.

Ngày 9/12/2020, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết bổ sung tên và đặt tên mới cho 224 tuyến đường ở 13 quận, huyện của thành phố.

Trong số tên đường được đề xuất đặt mới, có khoảng 150 tuyến đường ở Củ Chi có tên các mẹ Việt Nam anh hùng của vùng đất thép thành đồng này.

Các tên đường lạ nhưng quen thuộc thân thiết với người dân địa phương tại Sài Gòn. Ảnh: Tổng hợp từ Zing. Thanh Niên

Ngoài ra, các nhân vật nổi tiếng khác cũng được ghi nhận, như Trần Bạch Đằng là nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tố Hữu thì đã quá… nổi tiếng, là một nhà thơ cách mạng, và từng làm đến chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Bùi Thiện Ngộ là một thượng tướng, sinh tại Tân Định, Sài Gòn, từng là bộ trưởng Bộ Công an.

Nhưng cái tên đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận là giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành. Tên ông được đặt cho con đường ven sông (R3) dài gần 2,8km. Ông từng là phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật của Quốc hội khóa VII. Quan trọng hơn, ông cũng là cha của Nguyễn Thiện Nhân – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua.

Về mặt thẩm quyền của luật thực định, khó có gì để bàn cãi về việc thông qua các tên đường nói trên. Quỹ tên đường được xem xét và quyết định bổ sung thông qua Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Những chỉ trích “con đặt tên cha” có vẻ không công bằng lắm với ông Nguyễn Thiện Nhân lẫn cha của ông.

Tuy nhiên, kết quả của việc đặt tên đường theo tên của không chỉ những nhân vật lịch sử đáng chú ý, mà còn theo tên của những cá nhân đơn thuần từng có chức vụ trong nhà nước cầm quyền, gợi mở cho chúng ta nhiều thảo luận về sự phát triển của địa danh học tại Việt Nam, về danh tính cộng đồng và quyền lực chính trị của Việt Nam đương đại.

Tính chính trị của tên gọi đường phố

Nếu chúng ta hỏi các nhà nghiên cứu địa danh học (từ tiếng Anh là “toponymy”, và những người nghiên cứu ngành này được gọi là “toponymist”), ai cũng sẽ đồng ý về tính chính trị của các tên gọi địa danh nói chung, và tên gọi đường phố nói riêng.

Một khu vực địa lý nhất định, một nơi chốn, là những khái niệm nhân định, đính kèm theo đó là các ý nghĩa và giá trị đối với cộng đồng đặt tên cho nó.

Địa danh từng được hình thành thông qua một quá trình dài phát triển và mang tính chất tự phát của các cư dân, người di cư và giao thoa ngôn ngữ giữa các sắc tộc với nhau, vốn rất ít màu sắc chính trị.

“Kanco” trong tiếng Miên được đọc trại thành Cần Giờ, Cần Giuộc từ gốc “Kantuộc”, Gò Vấp từ gốc “Kompăp”…

Hay tên gọi thủ đô London của Vương quốc Anh ngày nay, được cho là bắt nguồn từ gốc Latin “Londinium”, bản thân nó cũng là một cách đọc trại khác của tên gọi “Plowonida” thời kỳ tiền Celtic, kết hợp đơn giản từ các chữ “nejd” (dòng sông tuôn chảy) and “plew” (rộng), ám chỉ sông Thames.

Ngày nay, khó có địa danh mới nào mà còn bắt nguồn từ cộng đồng.

Cùng với dân số gia tăng, theo sau là quá trình chuyên nghiệp hóa và tinh vi hóa quản trị công, dán nhãn tên gọi cho một tuyến phố, một con đường trở thành độc quyền của nhà nước, một đặc quyền của “bên thắng cuộc”.

Tiên đề “lịch sử được viết nên bởi kẻ chiến thắng” (history is written by the victors) có lẽ cũng bao hàm nội dung rằng kẻ chiến thắng sẽ có quyền xác lập lại địa danh, đặc biệt khi mà địa danh luôn kèm theo nó những hành trang văn hóa, xúc cảm, chính trị của những giá trị xung đột giữa các cộng đồng, sắc tộc và dân tộc.

Sau mỗi biến động chính trị lớn, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ở quốc gia nào cũng sẽ diễn ra quá trình mà họ gọi là “thanh tẩy địa danh” (toponymic cleansing, một biến thể theo từ thanh tẩy sắc tộc – ethnic cleansing). Theo đó, sự tồn tại biểu trưng của một chế độ cũ bị chấm dứt, đi kèm là nỗ lực giành lại hay chiếm hữu không gian công cộng của chính quyền mới, cho dù chỉ đơn giản một bảng tên đường bị tháo, hay đến cả một tượng đài bị giật sập.

Khó có thể chỉ trích một cộng đồng vì những thói quen và kỳ vọng như thế.

Quảng trường Hòa hợp (Place de la Concorde) của Paris đã thay đổi tên nhiều lần vì quá trình “thanh tẩy địa danh” giữa các nhóm bảo hoàng và các nhóm cách mạng cực đoan: từ Quảng trường Louis XV (Place Louis XV) cho đến Quảng trường Cách mạng (Place de la Revolution), nơi các máy chém được chuẩn bị để xử tử Hoàng gia Pháp, rồi lại đổi tên trở lại thành Quảng trường Louis XVI (Place Louis XVI) khi chính quyền bảo hoàng giành lại thắng lợi, để cuối cùng… vẫn dùng tên cũ là Quảng trường Hòa hợp khi chính quyền cộng hòa được dựng nên.

Tại nước Đức sau Đệ nhị Thế chiến, người Đức cũng gặp rất nhiều khó khăn để “dọn dẹp sạch sẽ” những cung đường hỗn loạn mà Đức Quốc xã để lại, trong đó có những con đường mang tên Adolf-Hitler-Platz hay Horst-Wessel-Strasse. Các hội đồng địa phương của thành phố Berlin cũng phải xem xét việc loại trừ tên đường đặt theo các vị tướng lãnh thời kỳ đế quốc ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt Prussian.

Địa danh cần “sống” cùng cộng đồng

Những phân tích, tổng hợp ở trên không phải để nói rằng cộng đồng lúc nào cũng quá để tâm về địa danh hay tên đường. Thị dân thường sử dụng tên đường đơn giản vì họ đã quen thuộc và gắn liền kỷ niệm cá nhân của mình với nó. Họ không nhất thiết phải quan tâm đến tuyên bố ý thức hệ to tát đằng sau những cái tên là gì.

Chỉ cần quan sát sơ qua, có thể khẳng định hầu hết người dân thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều sử dụng các tên đường như Ký Con, Phan Văn Trị, Hồ Huấn Nghiệp, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Chí Thanh… như những chỉ dẫn phương hướng mà không hề quan tâm đến sự khác biệt về thời đại, tư tưởng, và chí hướng của những cá nhân nói trên. Quan sát này được khá nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới ủng hộ.

Trong nghiên cứu có tên gọi “Changing Symbols: The Renovation of Moscow Place Names” của giáo sư Graeme Gill, Đại học Sydney, ông tổng hợp và cho thấy rất nhiều địa danh, tên đường như “Lenin Street” hay “Red Army Street” đều được giữ lại sau khi chính quyền Soviet chính thức sụp đổ. Tương tự, dù tên Leningrad bị xóa bỏ để trở lại với Saint Petersburg, cái tên vốn có đã tồn tại trước đó hàng trăm năm của thành phố, các địa danh như “Lenin Square”, “Dictatorship of the Proletariat Square” hay tên đường như “Communist Youth Street” bên trong thành phố tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay.

Theo các nghiên cứu, người dân không hẳn luyến tiếc thể chế hay mơ mộng về một ngày Soviet sống dậy. Lý do họ không có nhu cầu đổi tên đường đơn giản chỉ bởi vì nhiều thế hệ (trong gần 100 năm tồn tại của chính quyền cộng sản) đã làm quen với những địa danh, tên đường nói trên. Trong khi đó, nhiều loại giấy tờ cá nhân, địa chỉ kinh doanh dính tới những cái tên này cũng đã được in ấn và sử dụng lâu đời.

Các tình huống nói trên đều chỉ đến một vấn đề, rằng địa danh mất đi sự sống và tính gắn kết của nó với cộng đồng. Cũng từ đó, chúng dần trở thành một thị trường cho lợi ích nhóm, ý thức hệ và danh tiếng cá nhân hơn là sản phẩm của một quá trình lịch sử, kinh nghiệm và niềm tin của các dân cư đang sinh sống.

Nghiên cứu “Place names and identities” của giáo sư Botolv Helleland, trường Đại học Oslo, Norway, có ghi nhận khá cụ thể về vấn đề này. Ông chia các địa danh thành hai dạng: (1) tên có thể tham chiếu, nhưng không có ý nghĩa; (2) tên có thể tham chiếu và có tầng ý nghĩa riêng cho một cộng đồng. Theo đó, tên gọi của địa danh có chức năng tham chiếu là điều hiển nhiên, nhưng nó cũng cần có ý nghĩa vượt trên cả chức năng đó.

Những cái tên có thể tham chiếu hoàn thành chức năng của mình như là một giao kết xã hội về cách thức định hướng và vị trí địa lý của nơi chốn. Song theo ông, chỉ có những cái tên đóng vai trò cầu nối giữa con người đương đại với quá khứ mới được yêu mến và tồn tại lâu hơn cả.

Địa danh, tên đường phố được trân quý khi nó là đại diện cho phần sống lâu đời nhất của di sản văn hóa một cộng đồng, hay cả nhân loại. Chúng không chỉ là những con chữ vô tri được áp đặt bằng những quyết tâm chính trị. Chúng là điểm khởi đầu của những thần thoại, những câu chuyện, những bài học lịch sử, những chuyến di cư và mối liên hệ thật sự của chúng ta với quá khứ.

Từ lý do này, có thể lý giải vì sao những cái tên như Sài Gòn lại sống lâu đến như vậy, mặc cho hàng loạt các nỗ lực chính trị “dìm chết” nó.

Sài Gòn không chỉ là một cái tên vô hồn được đặt nhằm kỷ niệm một chiến thắng chính trị nào đó, bên trong nó là hàng trăm năm khai phá, khẩn hoang; của giao thoa ngôn ngữ; gợi nhớ cho người sử dụng quá trình phát triển và tồn vong của nhiều triều đại hay nền cộng hòa, là sự tự hào, và cũng là sự chua chát.

***

Chấp nhận tính chính trị của địa danh, và sự thật rằng địa danh đã và luôn là một phần sản phẩm của các chính quyền và lợi ích chính trị cho giới cầm quyền, là một điều cần thiết để chúng ta nhìn nhận và ghi chép lịch sử phát triển của đô thị. Tuy nhiên, tước đoạt quyền đối thoại và sự hình thành dân chủ của địa danh cũng đồng nghĩa với việc tước đi sức sống và sự gắn kết của cộng đồng với những con đường, khu phố, địa danh mà họ đang sinh sống.

Nó cũng gợi mở cho chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về một tương lai khác của địa danh, của đường phố và cách mà chúng ta tương tác với môi trường đô thị. Đặc biệt, nếu có những biến động chính trị trong tương lai, giữa hàng ngàn vấn đề xã hội, liệu chúng ta có thật sự cần dùng năng lượng của mình để tranh cãi về những cái tên, suy xét xem liệu họ xứng đáng hay không xứng đáng được đặt tên, để rồi lại đi vào con đường chính trị hóa nơi chốn và ký ức của cộng đồng.

Nhật Bản, từ thời Minh Trị, là một trong những quốc gia đầu tiên đi đầu trong việc sáng tạo và vận hành một hệ thống địa chỉ (addressing system) loại bỏ hoàn toàn tên đường. Bằng cách chia các địa giới hành chính ra thành các phần nhỏ hơn và đặt số cho các cụm nhà, block nhà, người Nhật định hướng xuyên khắp các thành phố đáng sống nhất hành tinh của đất nước họ mà không bao giờ dùng đến tên đường.

Sẽ có những khen chê dành cho một hệ thống lạ lùng như vậy, song dường như cũng nhờ đó mà họ nhẹ nhàng vượt qua những khủng hoảng và thay đổi chính trị sau Đệ nhị Thế chiến trong các vấn đề liên quan đến địa danh và danh tính cộng đồng.

V.V.Q.

Nguồn: Luật khoa

This entry was posted in Quản trị quốc gia, Văn hóa tên đường. Bookmark the permalink.