Trung Quốc chống tham nhũng có giống như Việt Nam?

Hoài Nguyễn

Với Việt Nam dù quyết liệt chống tham nhũng song vẫn phải dựa trên và phải tôn trọng các nguyên tắc pháp quyền, phải bảo đảm hài hòa với các tiêu chuẩn nhân quyền được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận.

VNTB – Trung Quốc chống tham nhũng có giống như Việt Nam?

133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, bao gồm những vụ tồn đọng nhiều năm, đã được cấp cao nhất trong bộ máy phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trong giai đoạn 2013-2020.

Số liệu trên được công bố tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, sáng 12-12. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, Uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng.

Liệu án tham nhũng ở Việt Nam có tương tự như với Trung Quốc – một quốc gia cùng thể chế chính trị với Việt Nam?

Theo các tài liệu liên quan về vấn đề tham nhũng của Bắc Kinh, thì trong quá trình cải cách, các thế lực thù địch bên ngoài đã lợi dụng chính sách mở cửa để thâm nhập vào Trung Quốc, tìm mọi cách làm tha hóa lớp trẻ, lợi dụng, mua chuộc dụ dỗ một số cán bộ thoái hóa biến chất để lôi kéo họ vào con đường phạm tội.

Do tư tưởng phong kiến tồn tại lâu đời ở Trung Quốc như tham quyền, tham thế lực, mặc dù Nhà nước xã hội chủ nghĩa lấy dân làm gốc nhưng một bộ phận lãnh đạo vẫn tồn tại tư tưởng lấy “quan làm gốc”, đã làm quan thì tranh thủ kiếm lợi và tìm cách thâu tóm quyền lực.

Các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn chưa đầy đủ, việc trừng trị thì chưa nghiêm khắc kể cả lập pháp và cả thi hành pháp luật, những người phạm tội thì ngày càng gan lỳ, chưa bị tử hình thì họ không sợ.

Đứng trước tình hình đó, chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đấu tranh triệt để và trừng trị nghiêm khắc đối với các hành vi tham nhũng, dù họ ở bất cứ cương vị nào, và với phương châm là phải dựa vào pháp luật, dựa vào quần chúng và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm dệt nên “lưới trời lồng lộng”, để không một hành vi tham nhũng nào là không bị phát hiện và trừng trị theo đúng pháp luật.

Ở Trung Quốc, đơn tố cáo, tố giác của nhân dân về tham nhũng là nguồn quan trọng nhất, chiếm 60 – 70%, để từ đó phát hiện ra tội phạm. Vì vậy pháp luật của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đấu tranh chống tham nhũng trong việc xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin này, và trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

Mặt khác nếu tội tham nhũng được phát hiện và xử lý thì người tố giác, tố cáo tội phạm được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số giá trị tài sản mà cơ quan đấu tranh chống tham nhũng thu giữ được. Có thể nói đây là những quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Có ý kiến là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam cần học tập Trung Quốc về vấn đề liên quan “trừng trị nghiêm khắc đối với các hành vi tham nhũng, dù họ ở bất cứ cương vị nào”: Thứ nhất, trong điều kiện cải cách kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, việc thành lập cơ quan đấu tranh chống tham nhũng thuộc Viện kiểm sát nhân dân là phù hợp với yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh chống lại loại tội phạm này, nhằm hạn chế và loại trừ các tác động xấu làm ảnh hưởng đến công tác điều tra và xử lý.

Việt Nam cũng nên như vậy thay cho việc đây là quyền lực tối cao thuộc Tổng Bí thư.

Thứ hai, qua thực tiễn hoạt động của cơ quan đấu tranh chống tham nhũng ở Trung Quốc, cho thấy rằng đội ngũ cán bộ của Cục đấu tranh chống tham nhũng thuộc Viện kiểm sát nhân dân, phải là những người tốt nghiệp đại học Luật tử tế – không phải là ‘chạy bằng cấp’, có kinh nghiệm công tác, có trình độ ngoại ngữ, có bản lĩnh và tố chất nghề nghiệp, và được tổng kết thành “ba nên và ba không”; theo đó, “ba nên” là dùng luật pháp để đấu tranh với người phạm tội tham nhũng, không được dùng lời hứa sẽ tha bổng hoặc giảm nhẹ tội; dùng lời lẽ để giáo dục, thuyết phục, không dùng lời lẽ đe dọa; dùng tình nghĩa, trách nhiệm để cảm hóa, không được làm nhục hoặc làm mất danh dự của họ.

“Ba không” bao gồm không sợ sệt trước quyền lực; không vì lợi ích cá nhân; không lợi dụng tình cảm.

Với Việt Nam, cần lưu ý là có học tập Trung Quốc đến đâu đi nữa, dù quyết liệt chống tham nhũng song vẫn phải dựa trên và phải tôn trọng các nguyên tắc pháp quyền và phải bảo đảm hài hòa với các tiêu chuẩn nhân quyền được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Điều này trước hết là bởi Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước cốt lõi về nhân quyền của Liên Hợp quốc, và đã khẳng định rõ ràng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp.

Thêm vào đó, cần thấy rằng Trung Quốc là nước lớn trên thế giới, còn Việt Nam là nước nhỏ hơn. Những “ông lớn” có thể phớt lờ các tiêu chuẩn quốc tế, còn các nước nhỏ hơn thì nên theo cách hành xử khôn ngoan là tuân thủ để tạo ra quyền lực mềm qua đó sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm vũ khí kiềm chế các “ông lớn”.

H.N.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Chống tham nhũng. Bookmark the permalink.