EU thông qua Đạo luật Magnitsky – ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

VOA Tiếng Việt

Hôm 7/12, Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua một quyết định mang tính bước ngoặt, còn gọi là Đạo luật Magnitsky, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Hôm 7/12, Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua một quyết định mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên thiết lập khuôn khổ trừng phạt nhân quyền toàn cầu, còn gọi là Đạo luật Magnitsky, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh.

Tên đầy đủ của đạo luật mới này tạm dịch ra tiếng Việt là Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu, viết tắt theo tiếng Anh là EUGHRSR. Việc thiết lập đạo luật này là một phần trong Kế hoạch Hành động của EU về Nhân quyền và Dân chủ cho giai đoạn 2020-2024 đã được Hội đồng EU thông qua vào tháng trước.

Quyết định có tính đột phá này của EU được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, còn được gọi là Ngày Nhân quyền 10/12/1948-10/12/2020.

“Kế hoạch Hành động này là một cơ hội để phục hồi hoạt động nhân quyền và dân chủ của chúng ta”, EU cho biết trong thông cáo ngày 9/12. “Việc thiết lập Đạo luật trừng phạt nhân quyền toàn cầu của EU là một biện pháp hữu hình khác sẽ giúp tăng cường hơn nữa hành động tập thể của chúng ta về nhân quyền”.

EU cho biết các vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới với mức độ thường xuyên mà thủ phạm không bị trừng phạt. “Việc thiết lập EUGHRSR là một sáng kiến mang tính bước ngoặt nhấn mạnh quyết tâm của EU trong việc nâng cao vai trò của mình nhằm giải quyết các vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới”.

EU cho biết đã lên danh sách hơn 200 cá nhân và thực thể vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền và sẽ sử dụng biện pháp trừng phạt theo đạo luật EUGHRSR như một công cụ để giải quyết các vi phạm và xâm hại nhân quyền, song song với các công cụ khác là đối thoại chính trị, và quan hệ đối tác đa phương.

Ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, có trụ sở tại Đức, cho VOA biết thêm một số thông tin về Đạo luật của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu.

“Với thủ tục này thì 27 quốc gia thành viên EU có chế tài bất cứ cá nhân hay tổ chức nào vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới”.

“Thủ tục mới này dự trù có 3 biện pháp chế tài đối với thủ phạm: phong tỏa tài sản của thủ phạm, cấm thủ phạm nhập cảnh vào các quốc gia EU, cấm chuyển tiền cho các thủ phạm”, ông Vũ Quốc Dụng cho biết.

“Thủ phạm có thể là các cá nhân, hoặc tổ chức, doanh nghiệp và ngân hàng, được liệt kê với 12 tội danh, chia thành 2 nhóm: các tội và thủ phạm đương nhiên bị chế tài như diệt chủng, tra tấn, hành vi trừng phạt dã man, vô nhân đạo… và nhóm để diễn ra hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng, rộng khắp và có hệ thống, có liên quan đến tội buôn bán nô lệ, buôn người, bạo lực tình dục, vi phạm quyền tự do hội họp ôn hòa, vi phạm quyền tự do ngôn luận, vi phạm quyền tự do tôn giáo”.

Khác với Đạo luật Magnitsky của các nước khác, Đạo luật Magnitsky của EU không bao gồm các tội tham nhũng.

Ông Vũ Quốc Dụng nêu nhận định về ý nghĩa của Đạo luật Magnitsky của EU đối với phong trào hoạt động nhân quyền ở Việt Nam:

“Khối EU thông qua Kế hoạch Hành động cho Nhân quyền và Dân chủ với một sự đồng thuận tuyệt đối để bày tỏ quyết tâm chống vi phạm nhân quyền. Với thủ tục mới này thì không còn một thủ phạm trên toàn thế giới có thể an tâm được nữa vì 27 quốc gia EU sẽ liên kết với Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc để đan một mạng lưới chế tài rộng khắp thế giới”.

“Chúng tôi nghĩ rằng tín hiệu của EU sẽ làm cho giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam càng thêm tin tưởng vào chính nghĩa nhân quyền phổ quát, trong đó mọi quốc gia đều có nghĩa vụ chống vi phạm nhân quyền ở bất cứ quốc gia nào”.

“Lâu nay chúng ta biết rằng kẻ vi phạm nhân quyền càng ngày càng lộng hành và không bị trừng phạt. Với Kế hoạch này của EU, và luật Magnitsky ở các nước, giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam sẽ có trong tay một phương tiện rất tốt”.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền Trần Bang nói với VOA:

“Khi EU ra Đạo luật Magnitsky để chế tài thủ phạm vi phạm nhân quyền thì sẽ rất tốt cho phong trào nhân quyền Việt Nam”.

“Từ trước đến nay Việt Nam ký rất nhiều công ước quốc tế về nhân quyền… và hàng năm họ đều báo cáo rằng họ thực hiện tốt, nhưng thực sự nhân quyền Việt Nam là không có”.

“Ví dụ như quyền lập hội, ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa phát biểu rằng sẽ không để cho hình thành các hội, tổ chức đối lập. Cứ có một tổ chức xã hội dân sự nào mà độc lập với Đảng hay họ không khống chế được thì họ dựng lên vụ án và bắt đi tù, như Nhóm Hiến pháp, Hội Anh em Dân chủ, Liên minh Dân tộc Việt Nam, hay gần đây là Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Nhà Xuất bản Tự do…”

“Các quyền khác như quyền biểu tình, quyền họp hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt… cũng vậy. Họ bắt bớ đưa vào tù và ghép vào những tội danh rất phi lý”.

“Việc có một đạo luật trừng phạt những quan chức chịu trách nhiệm, có tên tuổi, chức vụ, địa vị để khống chế họ việc đi ra nước ngoài, phong tỏa tài sản… thì may ra việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam mới được thực hiện. Có được đạo luật như thế là một điều quá tốt”.

Nhân ngày Nhân quyền, ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Uỷ ban BPSOS, một tổ chức nhân quyền tại Mỹ, nêu ý kiến trong một bài viết hôm 10/12: “Muốn cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, phải vận dụng song hành luật nội địa và luật quốc tế”. Ông cho rằng việc vận động quốc tế chỉ hiệu quả khi phối hợp với hành động pháp lý ở quốc nội.

Đến nay, Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước quan trọng nhất của LHQ về nhân quyền, ký Nghị định thư Palermo về chống buôn người, và chấp nhận các điều kiện về quyền lao động, về thể chế pháp trị và về tính minh bạch trong chính quyền trong một số hiệp ước mậu dịch song phương hoặc đa phương.

Ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất rằng nên vận động quốc tế áp lực Việt Nam cam kết các điều kiện về nhân quyền, pháp trị, minh bạch; cùng với quốc tế theo dõi mức độ luật hoá các cam kết ấy của chính quyền Việt Nam, và hỗ trợ pháp lý cho một số trường hợp điển hình để làm phép thử, và vận động quốc tế theo dõi và can thiệp.

Giới hoạt động nhân quyền Việt Nam tin rằng Đạo luật Magnitsky của EU và các nước, bên cạnh việc tăng cường vận động quốc tế, sẽ là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước.

Năm 2012, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, đặt theo tên của một người Nga bị chính quyền giam cầm, và Tổng thống Barack Obama ký ban hành đạo luật này ngày 23/12/2016.

Một đạo luật tương tự được Quốc hội Canada thông qua vào tháng 10/2017, và Anh cũng đã giới thiệu đạo luật này vào tháng 7/2020. Australia dự kiến sẽ đưa dự luật này ra quốc hội vào năm sau.

Ông Vũ Quốc Dụng chia sẻ rằng Đạo luật Magnitsky của EU được xem như một cơ hội mà cũng là một thách chức cho các nhà tranh đấu nhân quyền về chuẩn mực hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

“Chúng tôi biết rằng việc làm hồ sơ đề nghị chế tài không phải đơn giản vì đòi hỏi phải thu thập nhiều bằng chứng xác đáng. Đối tượng bị chế tài là những người đầu sỏ nhưng cần phải chứng minh trách nhiệm hình sự của họ trong chuỗi chỉ huy, vì thế, giới hoạt động nhân quyền Việt Nam cần phải được huấn luyện về kỹ thuật điều tra, làm hồ sơ đúng thủ tục”.

“Chúng tôi xem thủ tục chế tài mới này như là một thử thách về cách làm việc hữu hiệu của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam”.

“Riêng đối với VETO, chúng tôi rất mừng khi có thêm một phương tiện hoạt động và biết rằng EU tỏ ra dấn thân hơn trong việc bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, nhất là trong giai đoạn mà tình hình nhân quyền đang xuống dốc như hiện nay”.

“Cùng với các tổ chức nhân quyền khác, chúng tôi sẽ vận động EU để cởi mở hơn trong việc tiếp nhận hồ sơ và có thủ tục lập hồ sơ khả thi, minh bạch”.

“Chúng tôi cần biết là EU sẽ kết hợp Kế hoạch Hành động này với các hiệp định đối tác và hợp tác, cũng như với Hiệp định Thương mại Tự do EU và Việt Nam (EVFTA) như thế nào”.

“Một trong những mục tiêu vận động lâu dài của chúng tôi là quyết định chế tài cần được thông qua bằng đa số, chứ không phải là bằng đồng thuận tuyệt đối nữa, vì như hiện nay nếu có một quốc gia thành viên bỏ phiếu chống thì quyết định chế tài sẽ bị trì hoãn. EU cần bỏ lề luật cũ để vượt qua cản trở này”.

EU và Hoa Kỳ thường xuyên lên tiếng việc chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và kêu gọi Hà Nội phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm, những người bị bỏ tù chỉ vì lên tiếng ôn hòa bảo vệ các quyền căn bản của con người.

Hôm 10/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố Nhân ngày Nhân quyền: “Hôm nay, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết luôn đoàn kết với những người đấu tranh cho quyền của họ, và kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ các giá trị nhân quyền mà chúng ta đều trân trọng”.

Cũng nhân Ngày Nhân quyền năm nay, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam có bài xã luận, viết rằng ở Việt Nam, việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền luôn được khẳng định là “một trong những mục tiêu hàng đầu”.

Cơ quan ngôn luận của Đảng viết: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để nhân quyền luôn thuộc về nhân dân, vì nhân dân”.

Báo Đảng viết thêm: “Đảng có quan niệm hết sức khoa học, đúng đắn khi đặt nhân quyền trong quan hệ biện chứng với độc lập dân tộc, với bản chất chế độ xã hội”.

VOA

Nguồn: voatiengviet.com

This entry was posted in Đạo luật Magnitsky. Bookmark the permalink.