Luật về quyền biểu tình: bao giờ lại được trình Quốc hội?

Lynn Huỳnh

Dự thảo Luật biểu tình được Chính phủ giao cho Bộ Công an soạn thảo đã xong và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, nhưng có ý kiến khác nhau về cách nghĩ liên quan ‘nhạy cảm chính trị’ nên thời hạn xem xét dự Luật biểu tình chưa biết đến khi nào mới tái trình lại.

VNTB – Luật về quyền biểu tình: bao giờ lại được trình Quốc hội?

Vì hiện tại chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh, nên việc thực hiện quyền biểu tình của công dân vẫn chưa được thực thi. Nhà nước vẫn chần chừ trong ban hành những quy định rõ ràng, cụ thể, làm sao để đảm bảo được quyền công dân, lại không phải lo lắng điều mà trong các diễn văn của quan chức hay nhắc tới là tránh bị các thế lực đối lập dựa vào quyền này mà gây mất trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Phúc, giảng viên Khoa Luật, Đại học Duy Tân biện luận rằng nếu mai đây Quốc hội chỉ bàn luận về Dự luật Biểu tình, thì điều đó là chưa đủ, mà còn phải ‘kéo’ theo nhiều luật chuyên ngành cần thiết liên quan.

Giảng viên Nguyễn Văn Phúc lập luận:

“Ta có thể thấy rằng giữa biểu tình và tự do ngôn luận có những điểm tương đồng là đều thể hiện ý kiến quan điểm của người tham gia trước vấn đề được bày tỏ. Sự khác nhau giữa hai khái niệm này ở chỗ:

Tự do ngôn luận gắn với cá nhân thường mang màu sắc cá thể, phản ánh những gì mà một chủ thể ghi nhận được và muốn bày tỏ nó. Trong khi đó, biểu tình là một hoạt động mang tính tập thể, ý kiến quan điểm được bày tỏ là quan điểm của số đông được tập hợp lại trên cơ sở những quan điểm cá nhân cùng mục đích.

Thứ nhất, xét trong mối quan hệ giữa quyền biểu tình với quyền tự do hội họp, thì tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người và được ghi nhận rộng rãi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ở khoản 1, Điều 20 của Tuyên ngôn này: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và tham gia hội họp một cách hòa bình”. Đây được xem là cơ sở quan trọng để hình thành nên quyền biểu tình của người dân.

Từ những quy định trên ta có thể nhận thấy rằng bản thân quyền biểu tình và quyền tự do hội họp có mối quan hệ gắn kết với nhau. Nếu không có quyền hội họp thì sẽ không thể có được quyền biểu tình hợp pháp, một cuộc biểu tình thường trải qua một giai đoạn chuẩn bị, họp lại và thống nhất để đưa ra đường lối và cách thức tiến hành cuộc biểu tình.

Thứ hai, xét mối quan hệ giữa Quyền biểu tình với Quyền tự do lập hội có thể thấy rằng quyền tự do lập hội (freedom of association), cùng với Quyền tự do hội họp một cách hòa bình, đầu tiên được ghi nhận trong điều 20 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Cũng trong khoản 2 điều 20 của Tuyên ngôn có quy định: “không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào”.

Khi xem xét Quyền tự do lập hội với Quyền biểu tình, chúng ta thấy nó mối tương quan với nhau. Biểu tình là một hoạt động mang tính cộng đồng, có sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần, tuy nhiên, những người tham gia biểu tình đều có cùng chung mục đích là bày tỏ thái độ, quan điểm của mình về một vấn đề.

Lập hội cũng vậy mục đích chủ yếu cùng nhằm cùng nhau tìm đến một quan điểm để góp phần nói tiếng nói chung, cùng sở thích, cùng chí hướng với nhau. Cho nên, trong trường hợp này, để tìm kiếm những người có cùng chung mục đích với nhau thì khả năng người biểu tình tổ chức, thành lập các hội là điều đương nhiên.

Việc Việt Nam gia nhập các công ước các quyền con người này chỉ là bước đầu của việc quốc tế hóa quyền con người tại Việt Nam, đằng sau đó là việc tuân thủ các công ước này để đảm bảo thực hiện các quyền con người – quyền được biểu tình cho người dân và việc xây dựng và ban hành luật biểu tình là một sự thể hiện rõ nhất!”.

L.H.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Luật biểu tình. Bookmark the permalink.