Vũ Thư
Hình minh hoạ. Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận, một dự án vay vốn của Trung Quốc. AFP
Các thách thức an ninh cho Đông Nam Á trước dòng vốn đầu tư của Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ, sự phát triển kinh tế của các thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Vấn đề là các nước này không có khả năng tiếp cận vốn và đầu tư. Tìm kiếm đầu tư trực tiếp nước ngoài cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một thách thức đặc biệt đối với các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, “phép màu” kinh tế của Trung Quốc đã giúp ASEAN giải quyết thách thức trên. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã đổ vào khu vực này từ trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) năm 2013, và sự ra đời của BRI chỉ là một bước ngoặt trong lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng của ASEAN.
Đến năm 2015, với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nhà lãnh đạo ASEAN không những có thể cam kết về tầm nhìn kinh tế khu vực mà còn có thể triển khai các biện pháp nhằm đạt được hội nhập gắn kết trên thực tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kuala Lumpur năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục hội nhập khu vực và thông qua Tầm nhìn 2025. Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 được thực hiện nhằm tạo ra một nền kinh tế gắn kết và hội nhập cao; một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; tăng cường kết nối và hợp tác ngành; một ASEAN kiên cường, toàn diện, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; và một ASEAN toàn cầu. Từ năm 2016, các nỗ lực phát triển này đã được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư bổ sung từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Kể từ năm 2016, phần lớn các nước thành viên ASEAN đã có thể tìm ra nguồn vốn đầu tư nước ngoài cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á.
Hình minh hoạ: Người nước ngoài trên biểu tượng nổi tuyến đường sắt tốc hành Trung Quốc thuộc sáng kiến Vành Đai Con Đường trong lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh TQ ở Bắc Kinh hôm 1/10/2019. Reuters
Nâng cấp các liên kết giao thông trên bộ – mạng lưới đường sắt và đường bộ tạo nên các hành lang kinh tế chính của ASEAN – luôn là một ưu tiên hàng đầu. Thành công ở đây một phần không nhỏ nhờ vào nguồn tài chính và các dự án BRI của chính phủ Trung Quốc. Cho đến khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào kết nối khu vực – đường sá, cầu, đường ray và cảng – đã tạo ra các cấp độ kết nối khu vực hoàn toàn mới. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là gì? Có ba yếu tố cần xem xét: chất lượng và tính bền vững của các khoản đầu tư; các khoản nợ liên quan; và các lỗ hổng tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng mà các khoản đầu tư này đã tạo ra. Phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn ASEAN, đặc biệt là ở khu vực sông Mekong, đã diễn ra với tốc độ chóng mặt. Việc nhanh chóng có được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù được hoan nghênh, đã làm dấy lên những lo ngại chung về chất lượng và tính bền vững của các dự án cơ sở hạ tầng. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư chính phủ nước ngoài đã hưởng quyền miễn trừ quốc gia, vì vậy sẽ chịu rất ít trách nhiệm nếu có các vấn đề về chất lượng gây rủi ro xảy ra.
Điều đáng quan tâm hơn là tác động lâu dài của các điều kiện liên quan đến nhiều khoản đầu tư này. Trong nhiều trường hợp, các điều khoản của các khoản vay không rõ ràng. Có thể cho rằng đối với một số quốc gia liên quan – đặc biệt là Myanmar, Lào và Campuchia – việc hoàn trả các khoản vay, bất kể có các điều khoản hào phóng đến đâu, sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Những thỏa thuận kiểu này sẽ làm dấy lên lo ngại trong ASEAN về khả năng sử dụng ngoại giao bẫy nợ, đặc biệt là của chính phủ Trung Quốc.
Các thách thức an ninh quốc gia lớn hơn liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi của quốc gia. Các nhà phát triển cơ sở hạ tầng thu được rất nhiều thông tin về các quốc gia nơi họ hoạt động. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính phủ của các quốc gia như Trung Quốc có thể nắm được thông tin chuyên sâu về cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và các điểm yếu cố hữu của nó. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn của khu vực đã làm giảm sự quan tâm chính sách về các vấn đề an ninh.
Mối quan hệ không rõ ràng giữa các công ty xây dựng và kỹ thuật Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc là nguyên nhân gây lo ngại. Các công ty quốc doanh của Trung Quốc có quyền truy cập vào lượng lớn thông tin kinh tế và an ninh có giá trị. Những thông tin như vậy mang lại lợi thế chiến lược trong mọi giai đoạn của một cuộc xung đột tiềm tàng. Một chính phủ thù địch có thể lợi dụng giá trị quan trọng từ các thông tin này để thúc đẩy quyền lực mềm và quyền lực cứng. Loại thông tin này rất quan trọng đối với những kẻ muốn phá vỡ chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của quốc gia. Với lợi thế đó, một quốc gia thù địch hoặc thậm chí một quốc gia có lợi ích cạnh tranh có thể làm suy yếu sâu sắc khả năng phục hồi quốc gia của đối thủ cạnh tranh.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm giảm mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nó cũng tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá lại một cách nghiêm túc các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và giảm thiểu rủi ro của đầu tư nước ngoài. ASEAN có cơ hội tận dụng các nỗ lực hội nhập kinh tế của mình để ứng phó với rủi ro cơ sở hạ tầng của các quốc gia thành viên. Một cơ quan hoặc mạng lưới khu vực có thể giám sát và chứng nhận các khía cạnh của sự phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai để giải quyết các mối lo ngại về chất lượng, tính bền vững và an ninh.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt, các thị trường toàn cầu đang điều chỉnh để thích ứng với các tác động kinh tế của đại dịch. Lãi suất đang ở mức thấp lịch sử và kỳ vọng về lợi tức đầu tư đã thay đổi. Cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch vẫn đang diễn ra, nhưng giống như tất cả các cuộc khủng hoảng, nó cũng sẽ qua đi. Và khi đó, đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN sẽ lại tăng tốc, đó là lý do tại sao bây giờ là thời điểm tốt nhất để đồng bộ hóa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Việt Nam cần thận trọng
Đường sắt Cát Linh Hà Đông ở Hà Nội vay vốn Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thực hiện
Chưa kể, các khoản vay của Trung Quốc không hề rẻ, thường đi kèm rất nhiều điều kiện, ví dụ phải sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, mua trang thiết bị từ phía Trung Quốc để phục vụ các dự án đó. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam tại vì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vay vốn từ Trung Quốc.
Những dự án đó gây ra rất nhiều tai tiếng, ví dụ trễ tiến độ, đội vốn, công nghệ thiết bị không hiện đại, lạc hậu, gây ra chi phí bảo dưỡng lớn; các nhà thầu Trung Quốc thuê lao động phổ thông mang từ Trung Quốc sang, gây ra những vấn nạn ở địa phương. Một ví dụ cụ thể về việc vay vốn của Việt Nam , đó là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo giới phân tích, vụ Trung Quốc thâu tóm cảng Hambantota có thể đặt ra một tiền lệ xấu cho Sri Lanka và không ít nước khác đang vay tiền Trung Quốc. Theo đó, họ có thể chấp nhận những thỏa thuận bất lợi để gán nợ, thậm chí phải hy sinh cả chủ quyền ở một số vùng lãnh thổ hay tài sản quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trước các khoản vay này từ Trung Quốc.
V.T.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nguồn: rfa.org/vietnamese