Luật bảo vệ môi trường hay là luật bảo vệ ai khác đây?

Trần Tuấn

Đây là câu hỏi tôi đưa ra vào giờ “G” cho các Đại biểu Quốc hội, trước khi thảo luận thông qua “Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường 2020” trong phiên ngày 17/11/2020!

Câu trả lời của tôi là: bản Dự thảo Luật hiện tại đang có trong tay các đại biểu, với nội dung và chất lượng như vậy, thực chất là LUẬT BẢO VỆ “LỢI ÍCH CỦA CHỦ DỰ ÁN ĐẦU TƯ”, chứ không phải bảo vệ cho MÔI TRƯỜNG sinh thái, an toàn môi sinh, phát triển bền vững, sức khoẻ cho tất cả!

TẠI SAO VẬY?

Không muốn các đại biểu mất nhiều thời gian đọc, hãy chú ý vào mấy gợi ý của tôi dưới đây:

  1. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một hoạt động nghiên cứu khoa học, đòi hỏi có chuyên môn sâu, đa ngành, có phương pháp hướng dẫn cụ thể của quốc tế, đặc biệt từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là thành viên. Đã có tài liệu chính thức của Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… hướng dẫn cụ thể từng bước về đánh giá tác động môi trường của các dự án can thiệp cộng đồng (dự án phát triển, dự án đầu tư…).

Nhưng hiện Luật không đi theo các hướng dẫn kỹ thuật này!

  1. Chất lượng của đánh giá tác động môi trường (sơ bộ hay chính thức) hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên môn và đạo đức bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện.

 Dự thảo luật hiện quy định CHỦ ĐẦU TƯ “tự” chịu trách nhiệm thực hiện “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” (Điều 29, Mục 2, Chương IV) cũng như “đánh giá tác động môi trường” (Điều 31, Mục 3, Chương 4).

Kết hợp (1) và (2), thể hiện: nội dung Dự thảo Luật hiện hành vi phạm nghiêm trọng cả về chuyên môn và đạo đức, không đảm bảo khách quan, khoa học, thiên lệch cho lợi ích của chủ đầu tư.

  1. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực chất là thẩm định một báo cáo nghiên cứu khoa học. Yêu cầu cao nhất là phải có thiết kế chuẩn thức, thu thập thông tin khách quan, phân tích phải đảm bảo chuyên môn phù hợp, độc lập. Các quy định hiện tại trong Luật đang rất yếu về phần đảm bảo quy định thẩm định khoa học khách quan, khiến phải sửa lại.

Ba điểm trên phối hợp thêm các phần khác của dự luật, chẳng hạn như sự tham gia của công chúng (thu hẹp thành tham vấn cộng đồng) đang bị giới hạn chỉ cho 2 loại đối tượng:

  1. a) Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư;
  2. b) Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, (Điều 33, Mục 3)… thể hiện Dự thảo Luật đã làm thay đổi bản chất “nghiên cứu khoa học, khách quan” của hoạt động đánh giá tác động môi trường.

Nguy cơ một khi chủ dự án đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư, thẩm định được quyết định bởi người xa thực tế (trên Bộ), dự án đầu tư tài liệu chuyên môn đánh giá tác động lại đa ngành, liệu thời gian quy định (1 tháng, 1,5 tháng) có đủ để “người của Bộ” đọc hiểu và ra được quyết định khách quan, chính xác, trên cơ sở “vì lợi ích môi trường” hay không?

Liệu khi chủ đầu tư lại có gắn nối với bộ phận thẩm định, thì lợi ích bảo vệ môi trường ai đứng ra bảo vệ? Khi mà, phản biện độc lập không được quy định trong luật là điều kiện bắt buộc với các dự án đầu tư nhóm 1, nhóm 2?

CÓ NÊN THÔNG QUA BẢN DỰ THẢO LUẬT “BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA CHỦ DỰ ÁN ĐẦU TƯ”?

Câu trả lời lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức của người đại biểu nhân dân.

Bởi về mặt chuyên môn, còn quá nhiều bằng chứng nữa, đã đưa ra trong các thư kiến nghị của các liên minh, đặc biệt thư của liên minh NCDs-VN ngày 9/11 và thư của 6 liên minh vừa gửi ngày hôm qua 16/11/2020, thể hiện DỰ THẢO LUẬT HIỆN TẠI MẤT CƠ BẢN NỀN TẢNG KHOA HỌC LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, “biến tướng” trở thành “LUẬT BẢO VỆ LỢI ÍCH CỦA CHỦ DỰ ÁN ĐẦU TƯ”.

Mong các Đại biểu Quốc hội trước giờ phút lịch sử này cân nhắc, và tin rằng, thà chưa thông qua, tổ chức lại tiến trình sửa đổi, đưa sang nghị trình kỳ họp thứ 11 năm 2021, còn hơn “thông qua” để rồi chịu ô danh để đời trước phán xét của giới khoa học.

T.T.

Nguồn: Baotiengdan

 

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.