Alexander Cooley và Daniel H. Nexon, Foreign Affairs,
tháng Bảy/tháng Tám 2020
Trần Ngọc Cư dịch
[ALEXANDER COOLEY là Giáo sư Chính trị học Ngạch
Claire Tow tại Barnard College và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Harriman tại
Columbia University.
DANIEL H. NEXON là Phó Giáo sư tại Phân khoa Chính quyền
tại Trường Nghiệp vụ Nước ngoài Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown.
Hai ông là tác giả cuốn Exit From Hegemony: The
Unraveling of the American Global Order (Chấm dứt bá quyền: Sự rã rệu của
trật tự toàn cầu Mỹ).]
Nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn
ra trong trật tự toàn cầu. Phản ứng quốc tế thiếu phối hợp trong việc đối phó đại
dịch COVID-19, suy thoái kinh tế tiếp sau đó, sự hồi sinh của chính trị dân tộc
chủ nghĩa và chính sách cứng rắn về biên giới quốc gia hình như báo trước sự xuất
hiện của một hệ thống quốc tế thiếu hợp tác và mong manh hơn. Theo nhiều nhà
quan sát, những phát triển này nêu bật sự nguy hiểm của chính sách “nước Mỹ trước
hết” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc ông rút lui khỏi vai trò lãnh đạo
toàn cầu.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch coronavirus, Trump vẫn
thường xuyên chỉ trích giá trị của các liên minh và các định chế như NATO, ủng
hộ sự tan rã của Liên Minh Châu Âu, rút khỏi một loạt các hiệp định và tổ chức
quốc tế, và quay sang chiều chuộng các nhà độc tài như Tổng thống Nga Vladimir
Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đặt nghi vấn về giá trị của việc
đưa các giá trị tự do như dân chủ và nhân quyền vào trung tâm của chính sách đối
ngoại. Việc Trump rõ ràng dành ưu tiên cho chính trị giao dịch tổng số bằng
không [có kẻ thắng người thua] chứng minh thêm khái niệm Mỹ đang từ bỏ cam kết
thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do.
Tổng
thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vladivostok,
Nga, tháng Chín 2018. Ảnh: Mikhail Metzel / TASS Host Photo Agency / Reuters
Một số nhà phân tích tin rằng Hoa Kỳ vẫn còn có thể
quay trở lại, bằng cách khôi phục các chiến lược mà Mỹ đã vận dụng, từ cuối Thế
chiến II đến sau Chiến tranh Lạnh, để xây dựng và duy trì một trật tự quốc tế
thành công. Nếu một nước Mỹ thời hậu Trump có thể nắm lại các trách nhiệm về
quyền lực toàn cầu của mình, thì thời đại này – bao gồm cả đại dịch sẽ định
tính cách cho nó – chỉ là một sự chệch hướng tạm thời chứ không phải là một bước
trên con đường dẫn đến xáo trộn vĩnh viễn.
Dẫu sao, những dự đoán về sự xuống dốc của Mỹ và sự
thay đổi trong trật tự quốc tế chẳng có gì mới lạ – và thường xuyên sai lầm.
Vào giữa những năm 1980, nhiều nhà phân tích tin rằng sự lãnh đạo của Mỹ đang
trên đường kết thúc. Hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ vào những năm 1970; Hoa Kỳ
phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế châu Âu và Đông Á, đặc biệt từ Tây Đức và Nhật Bản;
và Liên Xô lúc bấy giờ trông giống như một thực thể trường tồn của chính trị thế
giới. Tuy nhiên, đến cuối năm 1991, Liên Xô đã chính thức tan rã, Nhật Bản bước
vào “thập kỷ mất mát” vì sự trì trệ kinh tế và nhiệm vụ hợp nhất tốn kém đã
tiêu hết nguồn lực của một nước Đức thống nhất. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trải
qua một thập kỷ bùng nổ đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế cao bất ngờ. Kết
quả là điều mà mà nhiều người ca ngợi là “một thời điểm đơn cực” [a unipolar
moment] của bá quyền Mỹ.
Nhưng lần này thực sự là khác. Chính các lực tác động
làm cho bá quyền Mỹ trở nên vững vàng trước đây ngày nay đang thúc đẩy sự giải
thể của nó. Có ba sự phát triển đã từng thúc đẩy trật tự hậu Chiến tranh Lạnh
do Mỹ lãnh đạo. Một là, với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ không còn phải
đối diện với một dự án ý thức hệ toàn cầu quan trọng nào có thể cạnh tranh với
Mỹ. Hai là, với sự tan rã của Liên Xô và cơ sở hạ tầng của các định chế và quan
hệ đối tác của chế độ Xô Viết, các quốc gia yếu hơn không còn lựa chọn đáng kể
nào ngoài việc hướng tới Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây nhằm đảm bảo hậu
thuẫn quân sự, kinh tế và chính trị. Và ba là, các nhà hoạt động và phong trào
xuyên quốc gia đang truyền bá các giá trị và chuẩn mực tự do vốn đã củng cố trật
tự tự do.
Ngày nay, những động lực tương tự đã quay lại chống
Hoa Kỳ: một chu kỳ độc hại làm xói mòn quyền lực Mỹ đang thay thế chu kỳ tốt
lành đã từng củng cố nó. Với sự trỗi dậy của các cường quốc như Trung Quốc và
Nga, các dự án chuyên quyền và phi tự do đang cạnh tranh với hệ thống quốc tế tự
do do Mỹ lãnh đạo. Các nước đang phát triển, và thậm chí nhiều nước phát triển,
có thể tìm kiếm những cường quốc bảo trợ mới thay vì tiếp tục phụ thuộc vào sự
hào phóng và hậu thuẫn của phương Tây. Và các mạng lưới xuyên quốc gia phi tự
do, thường là cánh hữu, đang ra sức chống lại các quy tắc và các tín lý của trật
tự quốc tế tự do mà trước đây dường như không thể bị lung lạc. Nói tóm lại, vai
trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không chỉ thoái hoá, mà nó đang rã rệu. Và sự xuống
dốc này không có tính chu kỳ mà là vĩnh viễn.
THỜI ĐIỂM ĐƠN CỰC BIẾN MẤT
Thật có vẻ lạ lùng khi ta nói về một sự xuống dốc vĩnh
viễn của Mỹ khi Mỹ chi tiêu một ngân sách quốc phòng nhiều hơn so với bảy đối
thủ tiếp theo kết hợp lại và duy trì một mạng lưới các căn cứ quân sự vô song ở
nước ngoài. Sức mạnh quân sự đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và
duy trì thế ưu việt của Hoa Kỳ trong những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ
này; không một quốc gia nào khác có thể nới rộng những bảo đảm an ninh đáng tin
cậy trên toàn bộ hệ thống quốc tế. Nhưng sự thống trị của quân đội Mỹ ít phụ
thuộc vào ngân sách quốc phòng – trên thực tế, chi tiêu quân sự của Mỹ đã giảm
trong những năm 1990 và chỉ gia tăng đột biến sau vụ tấn công 11 tháng 9. Ưu thế
quân sự của Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào một số yếu tố khác như sự biến mất của
Liên Xô như một đối thủ cạnh tranh, sự gia tăng lợi thế công nghệ mà quân đội Mỹ
hưởng được và việc hầu hết các cường quốc hạng hai trên thế giới sẵn sàng dựa
vào sức mạnh Hoa Kỳ thay vì xây dựng lực lượng quân sự của riêng mình. Nếu sự
trỗi dậy của Mỹ như một cường quốc đơn cực chủ yếu phụ thuộc vào sự giải thể của
Liên Xô, thì sự kéo dài của tính đơn cực đó trong thập kỷ tiếp theo là do việc
các đồng minh châu Á và châu Âu đồng
tình chấp nhận vai trò bá quyền của Mỹ.
Nếu ta chỉ nói về khoảnh khắc đơn cực thì sẽ làm lu mờ
thêm các đặc điểm quan trọng của chính trị thế giới đã hình thành nền tảng cho
sự thống trị của Mỹ. Sự tan rã của Liên Xô cuối cùng đã khép lại cánh cửa của dự
án duy nhất về trật tự toàn cầu có thể cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa
Mác – Lênin (và các phó sản của nó) hầu hết đã biến mất như một nguồn cạnh
tranh ý thức hệ. Cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia liên hệ nó – các tổ chức, các tập
quán và các mạng lưới, bao gồm Hiệp ước Warsaw, Hội đồng Tương trợ Kinh tế và
chính bản thân Liên Xô – tất cả đều sụp đổ từ bên trong. Không có sự hỗ trợ của
Liên Xô, hầu hết các quốc gia liên kết với Moscow, các nhóm nổi dậy và các
phong trào chính trị phải quyết định hoặc bỏ cuộc hoặc gia nhập liên minh với
Hoa Kỳ. Vào giữa những năm 1990, chỉ còn lại một khuôn khổ nổi bật cho các quy
tắc và chuẩn mực quốc tế, đó là hệ thống các liên minh và định chế quốc tế tự
do thả neo tại Washington.
Hoa Kỳ và các đồng minh của mình – được gọi tắt là
phương Tây – cùng nhau hưởng độc quyền bảo trợ trên thực tế [a de facto
patronage monopoly] trong thời kỳ đơn cực này. Với một số trường hợp ngoại lệ
hiếm hoi, phương Tây đã cung ứng nguồn an ninh quan trọng duy nhất, các lợi ích
kinh tế, hậu thuẫn chính trị và tính hợp pháp cho nhiều quốc gia. Các nước đang
phát triển không còn có thể dùng đòn bẩy chính trị với Washington bằng cách đe
dọa quay qua Moscow hoặc đưa ra nguy cơ bị cộng sản chiếm chính quyền để giúp họ
khỏi phải tiến hành cải cách trong nước. Sự bành trướng nhanh chóng sức mạnh và
ảnh hưởng của phương Tây không có gì cản trở đến mức nhiều nhà hoạch định chính
sách đã tin vào chiến thắng vĩnh viễn của chủ nghĩa tự do. Hầu hết các chính phủ
đều thấy rõ không có một phương án thay thế khả thi nào khác.
Không có nguồn hỗ trợ nào khác, các nước càng có nhiều
khả năng tuân thủ các điều kiện của viện trợ phương Tây mà họ nhận được. Các
lãnh đạo độc tài phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế nghiêm khắc và các yêu
sách nặng nề từ các tổ chức quốc tế do phương Tây kiểm soát. Vâng, các cường quốc
dân chủ tiếp tục bảo vệ một số quốc gia chuyên chế (như Ả Rập Saudi giàu dầu mỏ)
khỏi những yêu sách như vậy vì lý do chiến lược và kinh tế. Và các nền dân chủ
hàng đầu, kể cả Hoa Kỳ, chính họ cũng vi phạm các quy tắc quốc tế liên quan đến
nhân quyền, dân quyền và các quyền chính trị, đáng kể nhất là dưới hình thức
tra tấn và giam giữ tù nhân một cách khác thường [ở những địa phương nằm ngoài
luật pháp Mỹ] trong cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng ngay cả những
ngoại lệ đạo đức giả này cũng đã củng cố quyền bá chủ của trật tự tự do, bởi vì
chúng châm ngòi cho sự lên án mạnh mẽ giúp khẳng định các nguyên tắc tự do và bởi
vì chính các quan chức Hoa Kỳ cũng phải tiếp tục lên tiếng cam kết các quy tắc
tự do.
Trong khi đó, số lượng mạng lưới xuyên quốc gia ngày
càng mở rộng – thường được mệnh danh là “xã hội dân sự quốc tế” – đã chống đỡ
cho một kiến trúc mới xuất hiện của trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh. Các nhóm và cá nhân này
đóng vai trò những người lính chân chính của bá quyền Mỹ bằng cách truyền bá
các quy tắc và tập quán tự do rộng rãi. Sự sụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch
tập trung trong thế giới hậu cộng sản đã mở đường cho các làn sóng tư vấn và
nhà thầu phương Tây giúp mang lại các cải cách thị trường, đôi khi có hậu quả
tai hại, như ở Nga và Ukraine, nơi trị liệu sốc do phương Tây hậu thuẫn
[Western-backed shock therapy]đã làm cho hàng chục triệu người trở nên bần cùng
trong khi tạo ra một lớp đầu sỏ giàu có, những người đã biến tài sản nhà nước
trước đây thành các đế chế cá nhân. Các tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan quản
lý chính phủ, ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế đã nỗ lực xây dựng một sự
đồng thuận của giới chóp bu [an elite concensus] ủng hộ thương mại tự do và sự
chuyển dịch vốn qua các biên giới quốc gia.
Các nhóm xã hội dân sự cũng tìm cách lèo lái các nước
hậu cộng sản và đang phát triển theo mô hình dân chủ tự do phương Tây. Các toán
chuyên gia phương Tây đã tư vấn cho các chính phủ về việc thiết kế hiến pháp mới,
cải cách pháp lý và hệ thống đa đảng. Các nhà quan sát quốc tế, hầu hết trong số
họ đến từ các nền dân chủ phương Tây, đã theo dõi các cuộc bầu cử ở các nước xa
xôi. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) ủng hộ việc mở rộng quyền con người, bình
đẳng giới và bảo vệ môi trường, đã tạo được liên minh với các nhà nước và các
cơ quan truyền thông có thiện cảm. Công việc của các nhà hoạt động xuyên quốc
gia, các cộng đồng học thuật và các phong trào xã hội đã giúp xây dựng một dự
án tự do bao trùm lên các nỗ lực hội nhập kinh tế và chính trị thế giới. Trong
suốt những năm 1990, các lực lượng này đã giúp tạo ra một ảo tưởng về một trật
tự tự do vô địch dựa trên bá quyền toàn cầu của Mỹ. Ảo ảnh đó bây giờ đã bị
rách nát.
SỰ TÁI HIỆN CỦA CÁC ĐẠI CƯỜNG
Ngày nay, các đại cường khác đang đưa ra các quan niệm
cạnh tranh về trật tự toàn cầu, thường là các cường quốc theo chế độ độc tài có
sức thu hút đối với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia yếu hơn. Phương Tây không
còn chủ trì độc quyền bảo trợ [a monopoly of patronage]. Các tổ chức khu vực mới
nổi và các mạng lưới xuyên quốc gia phi tự do đang ra sức cạnh tranh ảnh hưởng
với Hoa Kỳ. Những thay đổi dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự
trỗi dậy của Trung Quốc, là nguyên nhân của nhiều phát triển có tính cạnh tranh
này. Những thay đổi này đã làm thay đổi cục diện địa chính trị.
Vào tháng 4 năm 1997, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch
Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã cùng nhau cam kết “thúc đẩy đa cực hóa
thế giới và thiết lập một trật tự quốc tế mới.” Trong nhiều năm, nhiều học giả
và các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã khinh thường hoặc bác bỏ những
thách thức này, coi chúng là giọng điệu nói lấy được [wishful rhetoric]. Họ lập
luận rằng Bắc Kinh vẫn cam kết tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực của trật tự do
Mỹ lãnh đạo, bằng cách chỉ ra rằng Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ hệ thống hiện
tại. Ngay cả khi Nga ngày càng trở nên quyết đoán trong việc lên án Hoa Kỳ
trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này và kêu gọi một thế giới đa cực hơn, các
nhà quan sát không tin rằng Moscow có thể vận dụng được hậu thuẫn từ bất kỳ đồng
minh quan trọng nào. Các nhà phân tích phương Tây đặc biệt không tin rằng Bắc
Kinh và Moscow có thể vượt qua hàng thập kỷ ngờ vực và ganh đua nhau để hợp tác
chống lại các nỗ lực của Mỹ để duy trì và ảnh hưởng trật tự quốc tế.
Sự hoài nghi này là có lý do vào thời cao điểm của bá
quyền toàn cầu Mỹ trong những năm 1990 và thậm chí vẫn còn hợp lý trong suốt thập
kỷ tiếp theo. Nhưng tuyên bố năm 1997 của hai nhà lãnh đạo nói trên, bây giờ
nhìn lại, thấy giống như một bản thiết kế cho đường lối theo đó Bắc Kinh và
Moscow đã cố gắng sắp xếp lại chính trị quốc tế trong suốt 20 năm qua. Trung Quốc
và Nga hiện đang trực tiếp thách thức các khía cạnh tự do của trật tự quốc tế,
từ bên trong các định chế và diễn đàn của chính trật tự đó; đồng thời, họ đang
xây dựng một trật tự thay thế thông qua các định chế và địa điểm mới, trong đó
họ có ảnh hưởng lớn hơn và có thể coi nhẹ quyền con người và các quyền tự do
dân sự.
Tại Liên Hợp Quốc, chẳng hạn, hai nước thường xuyên
tham khảo ý kiến về phiếu bầu và các sáng kiến được đưa ra. Là thành viên thường
trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hai nước đã phối hợp sự chống đối của họ
nhằm chỉ trích các can thiệp và các kêu gọi thay đổi chế độ do phương Tây đưa
ra; hai nước đã phủ quyết các đề xuất về Syria và nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng
phạt đối với Venezuela và Yemen do phương Tây bảo trợ. Tại Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc, từ năm 2006 đến 2018, Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu giống nhau 86% thời
gian, thường xuyên hơn so với 78% số lần bầu theo thỏa thuận hai bên từ năm
1991 đến 2005. Ngược lại, kể từ năm 2005, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý chỉ 21
phần trăm thời gian. Bắc Kinh và Moscow cũng đã dẫn đầu các sáng kiến của Liên
Hợp Quốc nhằm thúc đẩy các chuẩn mực mới, đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực
không gian mạng, đặt ưu tiên chủ quyền quốc gia lên trên quyền cá nhân, hạn chế
học thuyết về trách nhiệm bảo hộ [responsibity to protect] và hạn chế quyền lực
của các nghị quyết nhân quyền do phương Tây bảo trợ.
Trung Quốc và Nga cũng đã đi đầu trong việc tạo ra các
định chế quốc tế mới và các diễn đàn khu vực nhằm loại trừ Hoa Kỳ và phương Tây
một cách rộng lớn hơn. Có lẽ nổi tiếng nhất trong số này là nhóm BRICS, bao gồm
Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ năm 2006, nhóm này đã xuất hiện
như một bối cảnh năng động nhằm thảo luận các vấn đề về trật tự quốc tế và lãnh
đạo toàn cầu, bao gồm xây dựng các phương án thay thế cho các định chế do
phương Tây kiểm soát trong các lĩnh vực quản trị Internet, hệ thống thanh toán
quốc tế và hỗ trợ phát triển. Năm 2016, các quốc gia BRICS đã tạo ra Ngân hàng
Phát triển Mới [New Development Bank] chuyên về tài trợ – cho các dự án cơ sở hạ
tầng ở các nước đang phát triển.
Trung Quốc và Nga mỗi nước cũng đã thúc đẩy rất nhiều
tổ chức an ninh khu vực mới – gồm Hội nghị về các biện pháp xây dựng niềm tin
và tương tác ở châu Á, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, và Cơ chế điều phối và
hợp tác tứ giác – gồm cả Ngân hàng Đầu
tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc điều hành và Liên minh kinh tế
Á-Âu (EAEU) do Nga hậu thuẫn. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một tổ chức an
ninh, thúc đẩy hợp tác giữa các dịch vụ an ninh và giám sát các cuộc tập trận
quân sự hai năm một lần – được thành lập năm 2001 theo sáng kiến của cả Bắc
Kinh và Moscow. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã nhận thêm Ấn Độ và Pakistan làm
thành viên đầy đủ vào năm 2017. Kết quả cuối cùng là sự xuất hiện của các cấu
trúc song song của việc quản trị toàn cầu, những cấu trúc này bị chi phối bởi
các quốc gia độc tài và cạnh tranh với các cấu trúc cũ hơn, tự do hơn.
Các nhà phê bình thường coi BRICS, EAEU và SCO là những
“nơi nói chuyện suông”, trong đó các quốc gia thành viên không thực sự giải quyết
vấn đề hoặc tham gia hợp tác có ý nghĩa. Nhưng hầu hết các tổ chức quốc tế khác
cũng không khác bao nhiêu. Ngay cả khi chúng cho thấy không thể giải quyết các
vấn đề tập thể, các tổ chức khu vực cho phép các thành viên khẳng định các giá
trị chung và nâng cao tầm vóc của các cường quốc đủ sức triệu tập các diễn đàn
này. Chúng tạo ra mối quan hệ ngoại giao dày đặc hơn giữa các thành viên của
mình, do đó, giúp các thành viên này dễ dàng hơn trong việc xây dựng các liên
minh quân sự và chính trị. Nói tóm lại, các tổ chức này tạo thành một phần quan
trọng của cơ sở hạ tầng trật tự quốc tế, một cơ sở hạ tầng trước đây bị chi phối
bởi các nước dân chủ phương Tây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thật vậy, mảng
mới này của các tổ chức không phải phương Tây [non-Western organizations] đã
đưa các cơ chế quản trị xuyên quốc gia vào các khu vực như Trung Á, trước đây vốn
thiếu kết nối với nhiều tổ chức quản trị toàn cầu. Từ năm 2001, hầu hết các quốc
gia Trung Á đã tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập
thể do Nga đứng đầu, EAEU, AIIB và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được
gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trung Quốc và Nga hiện cũng đang xâm lấn vào các khu vực
có truyền thống được Hoa Kỳ và các đồng minh lãnh đạo; ví dụ, Trung Quốc triệu
tập nhóm 17 + 1 với các quốc gia ở Trung và Đông Âu và Diễn đàn Trung Quốc-CELAC
(Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean) ở Mỹ Latinh. Các nhóm này cung
cấp cho các quốc gia trong các khu vực này những đấu trường mới để giành lấy sự
hợp tác và hỗ trợ đồng thời thách thức sự đoàn kết của các khối truyền thống
phương Tây; chỉ vài ngày trước khi nhóm 16 + 1 mở rộng để bao gồm thành viên EU
Hy Lạp vào tháng 4 năm 2020, Ủy ban châu
Âu đã gọi Trung Quốc là “một đối thủ mang tính hệ thống” giữa những lo
ngại cho rằng Sáng kiến một Vành đai-một Con đường [BRI] đang phá hoại các quy
định và các chuẩn mực của Liên Âu.
Bắc Kinh và Moscow dường như đang quản lý thành
công liên minh vì lợi ích trước mắt
[alliance of convenience] của mình, bất chấp các dự đoán cho rằng họ sẽ không
thể chịu đựng được các dự án quốc tế khác của nhau. Điều này thậm chí đã xảy ra
trong các lĩnh vực mà lợi ích khác nhau của họ có thể dẫn đến căng thẳng đáng kể.
Nga lên tiếng ủng hộ Sáng kiến một Vành đai-một Con đường của Trung Quốc, mặc
dù đã xâm nhập vào Trung Á, nơi Moscow vẫn coi là sân sau của mình. Trên thực tế,
kể từ năm 2017, luận điệu của Kremlin đã chuyển từ nói về “một phạm vi ảnh hưởng”
rõ ràng của Nga ở khu vực Á-Âu [Eurasia] sang việc chấp nhận một khu vực “Đại
Á-Âu” [Greater Eurasia] rộng lớn hơn, trong đó đầu tư và hội nhập do Trung Quốc
dẫn đầu phù hợp sít sao với những nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của
phương Tây. Moscow theo mô hình tương tự khi Bắc Kinh lần đầu tiên đề xuất
thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vào năm 2015. Bộ Tài
chính Nga ban đầu từ chối hỗ trợ ngân hàng, nhưng Kremlin đã thay đổi hướng đi
sau khi thấy gió đang thổi theo chiều nào; Nga chính thức gia nhập ngân hàng
vào cuối năm.
Trung Quốc cũng tỏ ra sẵn sàng đáp ứng những lo ngại
và nhạy cảm của Nga. Trung Quốc đã cùng với các nước BRICS khác từ chối lên án
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, mặc dù làm như vậy rõ ràng đã đi ngược lại việc
lâu nay Trung Quốc chống chủ nghĩa ly khai và các vi phạm sự vẹn toàn lãnh thổ.
Hơn nữa, cuộc chiến tranh thương mại giữa chính quyền Trump với Trung Quốc đã
mang lại cho Bắc Kinh thêm nhiều động lực để hỗ trợ các nỗ lực của Nga nhằm
phát triển các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do
phương Tây kiểm soát và thương mại bằng đồng đô la, nhằm làm suy yếu phạm vi trừng
phạt toàn cầu của Hoa Kỳ.
CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ ĐỘC QUYỀN BẢO TRỢ CỦA PHƯƠNG TÂY
Trung Quốc và Nga không phải là các quốc gia duy nhất
đang tìm cách làm cho chính trị thế giới thuận lợi hơn đối với các chế độ phi
dân chủ và ít chịu phục tùng bá quyền Mỹ. Kể từ 2007, việc cho vay của “các nhà
tài trợ lừa đảo” trên thế giới, chẳng hạn như Venezuela giàu dầu mỏ đã đưa ra
khả năng rằng sự hỗ trợ không ràng buộc như vậy có thể làm suy yếu các sáng kiến
viện trợ của phương Tây vốn được thiết kế để khuyến khích các chính phủ thực hiện
cải cách tự do.
Kể từ đó, các công ty cho vay của nhà nước Trung Quốc,
như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã mở các dòng tín dụng đáng kể trên khắp
Châu Phi và các nước đang phát triển. Do hậu quả của khủng hoảng tài chính năm
2008, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cho vay và tài trợ khẩn cấp quan trọng
cho các quốc gia không thể tiếp cận hoặc bị loại khỏi các tổ chức tài chính
phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc đã đưa ra hơn 75 tỷ
đô la cho các khoản vay trong các giao dịch năng lượng cho các quốc gia ở Mỹ
Latinh – Brazil, Ecuador, và Venezuela – và cho Kazakhstan, Nga và Turkmenistan
ở Khu vực Á-Âu.
BẢO HÀNH HỆ THỐNG QUYỀN LỰC MỸ
Trung Quốc không phải là nước bảo trợ thay thế duy nhất.
Sau Mùa xuân Ả Rập, các quốc gia vùng Vịnh như Qatar cho Ai Cập vay tiền, cho
phép Cairo tránh chuyển sang Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong thời gian hỗn loạn.
Nhưng Trung Quốc cho đến nay vẫn là quốc gia tham vọng nhất về vấn đề này. Một
nghiên cứu của AidData cho thấy tổng số viện trợ nước ngoài của Trung Quốc từ
năm 2000 đến 2014 đạt 354 tỷ đô la, gần tổng số 395 tỷ đô la của viện trợ Mỹ.
Trung Quốc kể từ đó đã vượt qua các khoản giải ngân viện trợ hàng năm của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, viện trợ của Trung Quốc làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây để truyền
bá các chuẩn mực tự do. Một số nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù các quỹ của
Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển ở nhiều quốc gia, nhưng chúng cũng đã gây
ra tham nhũng trắng trợn và các lề thói của chế độ ô dù. Ở các quốc gia vừa trỗi
dậy từ chiến tranh, như Nepal, Sri Lanka, Sudan và Nam Sudan, viện trợ tái thiết
và phát triển của Trung Quốc đã chảy vào các chính phủ chiến thắng, giúp họ
tránh khỏi các áp lực quốc tế buộc họ phải đáp ứng các đòi hỏi của kẻ thù trong
nước và áp dụng các mô hình hòa bình và hòa giải tự do hơn.
Sự kết thúc độc quyền bảo trợ của phương Tây đã chứng
kiến sự trỗi dậy đồng thời của những người theo chủ nghĩa dân túy dân tộc chủ
nghĩa cuồng nhiệt ngay cả ở các quốc gia được gắn chặt vào quỹ đạo kinh tế và
an ninh của Hoa Kỳ. Những người như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống
Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tự
coi mình là những người bảo vệ chủ quyền trong nước chống lại sự phá hoại của
thế giới tự do. Họ bác bỏ những lo ngại của phương Tây về sự sụp đổ dân chủ ở
nước họ và nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế và
an ninh của họ với Trung Quốc và Nga. Trong trường hợp của Philippines, Duterte
gần đây đã chấm dứt một hiệp ước quân sự hai thập kỷ với Hoa Kỳ sau khi
Washington hủy visa của cựu cảnh sát trưởng quốc gia, người bị cáo buộc vi phạm
nhân quyền trong cuộc chiến tranh đẫm máu và gây tranh cãi của Philippines về vấn
đề ma tuý.
Tất nhiên, một số trong những thách thức cụ thể này đối
với lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ trở nên tồi tệ vì chúng xuất phát từ việc thay đổi hoàn
cảnh chính trị và tính khí của các cá nhân lãnh đạo. Nhưng việc mở rộng các lựa
chọn để thoát ra khỏi khu vực của các nước bảo trợ, tổ chức và các mô hình
chính trị thay thế hiện nay dường như là một đặc điểm thường trực của chính trị
quốc tế. Các chính phủ địa phương được rộng chỗ để điều động. Ngay cả khi các
quốc gia này không chủ động chuyển đổi các thế lực bảo trợ, khả năng này có thể
cung cấp cho họ đòn bẩy lớn hơn. Do đó, Trung Quốc và Nga có tự do hành động
hơn để tranh giành quyền bá chủ của Hoa Kỳ và xây dựng các trật tự thay thế.
Các chế độ chuyên quyền đã tìm ra cách để hạn chế hoặc
thậm chí loại bỏ tầm ảnh hưởng của mạng lưới vận động xuyên quốc gia của phe tự
do và các tổ chức phi chính phủ có đầu óc cải cách. Cái gọi là các cuộc cách mạng
màu trong thế giới hậu Xô Viết trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này và Mùa
xuân Ả Rập những năm 2010-11 ở Trung Đông đã đóng một vai trò quan trọng trong
quá trình này. Chúng gây báo động cho các chính phủ độc tài và phi tự do vốn
ngày càng coi việc bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ là mối đe dọa đối với
sự sống còn của họ. Đáp lại, các chế độ này đã ngăn chặn ảnh hưởng của các tổ
chức phi chính phủ có liên hệ nước ngoài. Họ áp đặt các hạn chế chặt chẽ trong
việc nhận tiền từ nước ngoài, cấm các hoạt động chính trị khác nhau và chụp mũ
một số nhà hoạt động nhất định là “tay sai nước ngoài.”
Một số chính phủ hiện tài trợ cho các tổ chức phi
chính phủ của riêng mình vừa để ngăn chặn áp lực tự do hóa trong nước vừa thi
đua với trật tự tự do từ ngoài. Chẳng hạn, để đáp lại sự ủng hộ của phương Tây
đối với các nhà hoạt động trẻ tuổi trong các cuộc cách mạng màu, Điện Kremlin
đã thành lập nhóm thanh niên Nashi để vận động thanh niên ủng hộ nhà nước. Hiệp
hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, tổ chức phi chính phủ lâu đời nhất Trung Quốc, đã
cung cấp vật tư y tế cho các nước châu
Âu giữa đại dịch COVID-19 như một phần của chiến dịch quan hệ công chúng
theo bài bản cẩn thận. Các chế độ này cũng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và
phương tiện truyền thông xã hội để phá vỡ cuộc vận động và hô hào chống chính
phủ. Một cách tương tự, Nga cũng đã triển khai các công cụ như vậy ở nước ngoài
trong các hoạt động thông tin và xâm nhập phá hoại các cuộc bầu cử tại các quốc
gia dân chủ.
Hai sự phát triển đã giúp thúc đẩy bước ngoặt phi tự
do ở phương Tây: Cuộc Đại suy thoái năm 2008 và cuộc khủng hoảng tị nạn ở
châu Âu năm 2015. Trong thập kỷ qua, các
mạng lưới phi tự do – nói chung chứ không phải chỉ cánh Hữu – đã thách thức sự
đồng thuận của giới cầm quyền ở phương Tây. Một số tổ chức và nhân vật chính trị
đặt nghi vấn về giá trị của việc tiếp tục làm thành viên trong các tổ chức lớn
của trật tự tự do, như Liên minh châu Âu
và NATO. Nhiều phong trào cánh hữu ở phương Tây nhận được cả sự hỗ trợ về tài
chính lẫn khuyến khích tinh thần từ Moscow, vốn ủng hộ các hoạt động “kinh tài
đen tối” nhằm thúc đẩy các lợi ích đầu sỏ hẹp hòi ở Mỹ và các đảng chính trị cực
hữu ở châu Âu với hy vọng làm suy yếu
các chính phủ dân chủ và nuôi dưỡng các đồng minh tương lai. Tại Ý, đảng chống
nhập cư Lega hiện là đảng được lòng dân nhất bất chấp những tiết lộ về âm mưu
giành sự hỗ trợ tài chính bất hợp pháp từ Moscow. Ở Pháp, Tập hợp Dân tộc, vốn
có lịch sử ủng hộ Nga, vẫn là một thế lực mạnh mẽ của chính trị trong nước.
Những sự phát triển này lặp lại đường lối mà các phong
trào “chống lại trật tự” đã giúp thúc đẩy sự xuống dốc của các thế lực bá quyền
trong quá khứ. Các mạng lưới xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cả việc
duy trì lẫn thách thức các trật tự quốc tế trước đó. Ví dụ, các mạng lưới Tin
lành đã giúp làm xói mòn sức mạnh của Tây Ban Nha khi châu Âu bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại, đáng
chú ý nhất là bằng cách hỗ trợ cuộc nổi dậy của Hà Lan trong thế kỷ XVI. Các
phong trào tự do và cộng hòa, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc cách mạng
trên khắp châu Âu vào năm 1848, đã góp
phần phá hoại Đồng thuận Châu Âu [the Concert of Europe], theo đó các Đại cường
cố gắng quản lý trật tự quốc tế trên lục địa này trong nửa đầu thế kỷ XIX. Sự
trỗi dậy của các mạng lưới xuyên quốc gia phát xít và cộng sản đã giúp tạo ra
cuộc đấu tranh quyền lực toàn cầu trong Thế chiến II. Các phong trào chống trật
tự đã đạt được quyền lực chính trị ở các quốc gia như Đức, Ý và Nhật Bản, khiến
các quốc gia này phá vỡ hoặc ra sức tấn công các cấu trúc hiện hữu của trật tự
quốc tế. Nhưng ngay cả các phong trào chống trật tự ít thành công hơn vẫn có thể
làm suy yếu sự gắn kết của các thế lực bá quyền và các đồng minh của họ.
Không phải mọi phong trào phi tự do hay cánh hữu phản
đối trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo đều tìm cách thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ
hoặc quay sang coi Nga như một tấm gương của chủ nghĩa bảo thủ văn hóa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các phong trào này đang giúp phân cực hóa chính trị trong các nền
dân chủ công nghiệp tiên tiến và làm suy yếu sự hỗ trợ cho các định chế của trật
tự quốc tế. Một trong số những phong trào này thậm chí đã chiếm được Nhà Trắng:
Chủ nghĩa Trump, một xu hướng được hiểu rõ ràng nhất là một phong trào phản đối
trật tự với một phạm vi xuyên quốc gia nhắm vào các liên minh và quan hệ đối
tác có vị trí trung tâm đối với bá quyền Hoa Kỳ.
Cuộc tranh giành quyền lực giữa các đại cường, việc chấm
dứt độc quyền bảo trợ của phương Tây và sự xuất hiện của các phong trào phản đối
hệ thống quốc tế tự do đã làm thay đổi trật tự toàn cầu mà Washington đã chủ
trì kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong nhiều khía cạnh, đại dịch
COVID-19 dường như đang đẩy nhanh hơn nữa sự xói mòn của bá quyền Hoa Kỳ. Trung
Quốc đã gia tăng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức
toàn cầu khác do hậu quả của việc chính quyền Trump cắt tài trợ và và đổ lỗi
cho cơ quan y tế công cộng này. Bắc Kinh và Moscow đang mô tả chính mình là các
nhà cung cấp hàng hóa khẩn cấp và vật tư y tế, đến các nước châu Âu như Ý,
Serbia và Tây Ban Nha, và thậm chí đến cả Hoa Kỳ. Các chính phủ phi tự do trên
toàn thế giới đang sử dụng đại dịch để che đậy việc hạn chế tự do truyền thông
và trấn áp phe đối lập chính trị và xã hội dân sự. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn còn hưởng
thế ưu việt quân sự của mình, nhưng địa vị thống trị ấy của Hoa Kỳ đặc biệt
không phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và các hậu quả
dây chuyền của nó.
Ngay cả khi cốt lõi của hệ thống bá quyền Mỹ, bao gồm
hầu hết các đồng minh lâu đời tại châu Á và châu Âu và dựa trên các quy tắc và
định chế được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, vẫn còn vững mạnh, và như nhiều
người bênh vực trật tự tự do sẽ đề xuất, ngay cả khi Hoa Kỳ và Liên minh châu
Âu có thể vận dụng sức mạnh tổng hợp kinh tế và quân sự để tạo lợi thế cho
mình, thực tế là Washington sẽ phải làm quen với một trật tự quốc tế ngày càng
cạnh tranh và phức tạp. Không có cách sửa chữa dễ dàng cho việc này. Không có
khoản chi tiêu quân sự nào có thể đảo ngược các quá trình thúc đẩy sự rã rệu của
bá quyền Mỹ. Ngay cả khi Joe Biden, ứng cử viên Dân chủ giả định, đánh bại
Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay, hoặc nếu Đảng Cộng hoà chịu
từ bỏ chủ nghĩa Trump, sự tan rã vẫn còn tiếp tục.
Các câu hỏi chủ yếu hiện nay liên quan đến tình trạng
tan rã là nó sẽ lan rộng bao xa. Liệu các đồng minh cốt lõi sẽ tách rời khỏi hệ
thống bá quyền Mỹ hay không? Hoa Kỳ có thể duy trì sự thống trị tài chính và tiền
tệ đến bao lâu, và ở mức độ nào? Kết quả thuận lợi nhất sẽ đòi hỏi phải dứt
khoát từ bỏ chủ nghĩa Trump ở Hoa Kỳ và cam kết xây dựng lại các định chế dân
chủ tự do từ cốt lõi. Ở cả cấp độ trong nước lẫn quốc tế, những nỗ lực như vậy
sẽ đòi hỏi phải có các liên minh giữa các đảng và các mạng lưới chính trị trung
hữu, trung tả và tiến bộ.
Những gì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ có thể
làm là lên kế hoạch cho một thế giới sau khi mất vai trò bá quyền toàn cầu. Nếu
họ giúp duy trì được phần cốt lõi của hệ thống quyền lực Mỹ, các quan chức Hoa
Kỳ có thể đảm bảo rằng Hoa Kỳ lãnh đạo liên minh kinh tế và quân sự mạnh nhất
trong một thế giới của nhiều trung tâm quyền lực, thay vì đứng về phía thua cuộc
trong hầu hết các cuộc thi đua về hình dạng
của trật tự quốc tế mới. Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ phải phục hồi lại Bộ
Ngoại giao đang gặp nhiều khó khăn và thiếu nhân viên, xây dựng lại và sử dụng
hiệu quả hơn các nguồn lực ngoại giao của mình. Tài lãnh đạo quốc gia thông
minh sẽ giúp lèo lái một đại cường qua một thế giới được xác định bằng các cạnh
tranh lợi ích và thay đổi liên minh.
Hoa Kỳ thiếu cả ý chí lẫn nguồn lực để qua mặt Trung
Quốc và các cường quốc mới nổi khác trong việc mua chuộc sự trung thành của các
chính phủ. Hoa Kỳ sẽ không thể đảm bảo sự cam kết của một số quốc gia đối với
các viễn kiến của mình về trật tự quốc tế. Nhiều chính phủ trong số đó đã xem
trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo là mối đe dọa đối với quyền tự chủ, nếu không phải
là sự sống còn của họ. Và một số chính phủ vẫn còn hoan nghênh một trật tự tự
do do Hoa Kỳ lãnh đạo hiện đang tranh đấu với chủ nghĩa dân túy và các phong
trào phi tự do khác đang phản đối trật tự này.
Ngay cả ở đỉnh cao của thời điểm đơn cực, Washington
không luôn luôn muốn làm gì thì làm. Bây giờ, để mô hình chính trị và kinh tế của
Hoa Kỳ duy trì sức hấp dẫn đáng kể, Hoa Kỳ trước tiên phải tổ chức lại việc nhà
của mình. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại của chính mình trong việc
tạo ra một hệ thống thay thế; Bắc Kinh có thể gây khó chịu cho các đối tác và
các nước lệ thuộc bằng các chiến thuật gây áp lực và các hợp đồng thiếu minh bạch
và thường xuyên tham nhũng. Một bộ máy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được hồi
sinh sẽ có thể thực hiện ảnh hưởng đáng kể đến trật tự quốc tế ngay cả khi
không có quyền bá chủ toàn cầu. Nhưng để thành công, Washington phải công nhận
rằng thế giới không còn giống với thời kỳ khác thường trong lịch sử những năm
1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Thời khắc đơn cực đã trôi qua, và nó
không quay trở lại./.
A. C. – D.
H. N.
Dịch giả gửi BVN.