Từ Rào Trăng 3 nhìn lại “loạn” thủy điện nhỏ

Tô Văn Trường

Thủy điện không chỉ cung cấp nguồn năng lượng tái tạo mà còn cắt lũ, chứa lũ và điều tiết dòng chảy, nhưng cũng gây nên các mặt bất cập như phá rừng, phải di chuyển dân cư, tác động đến môi trường thủy sinh tự nhiên… Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có hai mặt “được và mất”, vì thế từ khâu quy hoạch đã phải quan tâm đánh giá sao cho cái lợi là lớn nhất và cái hại ít nhất và có các giải pháp giảm thiểu các tác động bất lợi đến môi trường sinh thái.

Công trình thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Internet

Thủy điện nhỏ băm nát lưu vực sông, phá hủy rừng đầu nguồn…

Vấn đề môi trường của thủy điện đã được chú ý từ mấy năm trước khi có phong trào làm thủy điện nhỏ và vừa ở các địa phương. Các tỉnh thi nhau làm thủy điện mà không chú ý đến môi trường, phá rừng, không trồng lại như đã cam kết, nhân cơ hội để phá thêm rừng, nguồn nước hạ lưu cạn kiệt, nhiều dòng sông suối trơ đá, hệ sinh thái bị phá hủy.

Sự cố công trình xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế sạt lở, trực tiếp và gián tiếp khiến đến 30 người bị chết, trong đó có cả lực lượng ứng cứu (13 cán bộ, chiến sĩ) thật đau thương.

Với thủy điện nhỏ, từ lâu rồi đã có nhiều nhà khoa học lên tiếng cảnh báo nhiều vấn

đề từ quan điểm, chính sách, luật lệ đến thực hiện.

Thủy điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư vào tháng 11-2008. Dự án được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp 1 của sông Bồ), thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư. Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất lắp máy 11 MW. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 héc ta; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 héc ta.

Đối với nước nghèo như Việt Nam, lại nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, bão lũ xảy ra thường xuyên, vấn đề thiên tai càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Nhà nước đã có nhiều giải pháp và bài học kinh nghiệm phòng tránh thiên tai, nhưng xem ra đây vẫn là một thách đố lớn!

Đúng như người đời đã cảnh báo: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Không chỉ Thừa Thiên Huế, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, thủy điện đã và tiếp tục để lại hậu quả nặng nề, bắt đầu từ nhận thức, quan điểm và chính sách về thủy điện.

Lạm dụng thủy điện nhỏ là phá vỡ cân bằng địa chất, sinh thái và cả đời sống văn hóa muôn đời của các dân tộc ít người. Quy hoạch thủy điện đã băm nát các lưu vực sông, phá hủy nhiều khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn; hình thành những dòng sông chết, nhiều phong cảnh lưu vực sông và thác nước bị phá hủy.

Nguy cơ sạt lở này đã được cảnh báo

Theo tôi hiểu, việc phân cấp cho các tỉnh thẩm định, phê duyệt thủy điện nhỏ là sai lầm. Tỉnh không có khả năng này và không loại trừ khả năng bị lợi ích nhóm chi phối. Lợi nhuận từ thủy điện rất cao nên thu hút cả những doanh nghiệp không chuyên vào đầu tư. Lợi nhuận này có được chính từ việc phá vỡ, hủy hoại môi trường tự nhiên và xã hội.

Sông Rào Trăng dài chưa đến 30 ki lô mét nhưng phải cõng trên mình bốn bậc thủy điện với tổng công suất lắp máy 89 MW. Điều này cho thấy những bất cập trong quy hoạch thủy điện thượng nguồn của Thừa Thiên Huế.

Riêng đối với thủy điện Rào Trăng 3, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đã cảnh báo là khu vực này có nguy cơ trượt lở đất đá cao, các yếu tố nguy hiểm về địa hình như: hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài…

Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết vào năm 2019, đơn vị đã điều tra hiện trạng trượt lở tại huyện Phong Điền, trong đó có khu vực thủy điện Rào Trăng 3 với tỷ lệ 1:50.000. Theo ông Hòa, kết quả điều tra cho thấy tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài; thống kê có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy – sườn nhân tạo.

“Khu vực trọng điểm Nhà máy Thủy điện A Lin 1 – Rào Trăng 3 đã được đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000. Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá sẽ được đề án tiến hành trong năm 2021”, ông Hòa cho biết. Đáng lưu ý, là trong tháng 6-2020, nhóm nghiên cứu đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh cáo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” nói trên đã chuyển giao sản phẩm này cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ những tin tức trên, ta cần tìm hiểu thêm: (1) Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của thủy điện Rào Trăng 3 có ghi nhận ý kiến về cảnh báo năm 2019 hay không? (2) Nếu báo cáo ĐTM lập trước năm 2019 thì sau này thủy điện Rào Trăng 3 có những động thái nào nhằm đáp ứng với cảnh báo đó? (3) Đã có đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000. Từ đó đến nay, có động thái nào đáp ứng với đề xuất này? Nếu không thì tại sao đối với đề xuất quan trọng như thế mà không ai làm gì cả? Nếu có thì ai đã hoặc đang làm những gì? Kết quả ra sao?

Nộp báo cáo ĐTM rồi là xem như hết trách nhiệm?

Ba câu hỏi trên không phải để bắt lỗi ai, mà để tìm hiểu tại sao vụ việc xảy ra và rút tỉa bài học cho tương lai.

Vụ việc này cho thấy không phải nộp báo cáo ĐTM rồi là xem như hết trách nhiệm. Nhà tài trợ một số dự án ODA không chỉ đòi hỏi ĐTM như quy định của Việt Nam, mà sau đó còn phải có một nghiên cứu quản lý môi trường dự án nhằm đưa vào những thông tin mới nhất và đề ra những phương cách quản lý môi trường theo đề xuất trong ĐTM và những đề xuất khác. Tài liệu quản lý môi trường dự án phải được cập nhật mỗi khi có thông tin mới, và hệ thống quản lý môi trường của dự án phải được bổ sung tùy theo những cập nhật đó.

Nếu thủy điện Rào Trăng 3 làm theo bài bản về nghiên cứu quản lý môi trường dự án thì hẳn tai nạn thương tâm dẫn đến 30 người chết có thể tránh được. Thiết nghĩ đã đến lúc đưa vào pháp quy những quy định chặt chẽ hơn cho các công tác hậu ĐTM. Bài học vừa qua chứng minh điều này. Các sự cố dù đã được cảnh báo nhưng không được xử lý, hoặc xử lý quá chậm và vụng về, không chuyên nghiệp, kể cả ở tầm cỡ quốc gia.

Hệ thống các công trình thủy điện, thủy lợi, ngoài các lợi ích đem lại đã thấy rõ, đồng thời cũng gia tăng rủi ro không chỉ cho công trình mà cả các vùng phụ cận.

Vì vậy, công tác nghiên cứu, lập quy hoạch cần được chú trọng một cách nghiêm túc, đảm bảo phát triển bền vững, tránh dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp. Cần có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, phải thật sự phù hợp quy hoạch điện lực của tỉnh và bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.

Các công trình thủy điện nhỏ thường xây dựng tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở mạnh vào mùa mưa lũ, cho nên rất khó khăn và dễ gặp nhiều rủi ro khó lường trong quá trình thi công xây dựng, đặc biệt là mùa mưa lũ. Cần phải hết sức chú ý và phải có các biện pháp an toàn cho người và công trình trong quá trình thi công.

Trong lịch sử, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn. Công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất nặng nề và thường xuyên xảy ra, nên cần phải tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên môn, công tác cảnh báo, dự báo, các thiết bị chuyên dụng để kịp thời ứng phó chủ động khi sự cố xảy ra.

Từ thủy điện Rào Trăng 3, nhìn lại thủy điện nhỏ đúng là hỗn loạn, dễ gây tác hại đến kinh tế – xã hội và môi trường, đúng là “lợi bất cập hại”! Thiên tai cộng với nhân tai là thảm họa tàn khốc, là bài học đắt giá mà nước nào cũng phải nằm lòng.

Công tác phòng tránh thiên tai từ khâu chuẩn bị, đến đối phó trực tiếp khi xảy ra và khắc phục hậu quả là công việc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Trong quy hoạch phát triển dài hạn, các hệ thống cơ sở hạ tầng phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật, trước mắt và lâu dài tùy theo khu vực, hoàn cảnh kinh tế để có các giải pháp căn cơ, khoa học và thực tế.

T.V.T.

Nguồn: https://diaoc.thesaigontimes.vn/309688/tu-rao-trang-3-nhin-lai-loan-thuy-dien-nho.html

This entry was posted in Thủy điện và môi trường. Bookmark the permalink.