Đại hội phụ huynh

Trịnh  Khả  Nguyên

Đại hội (ĐH) là cuộc hội họp lớn có đông người, cùng thuộc một tổ chức hay cùng quan tâm đến vấn đề nào đấy tham dự. Trong sinh hoạt xã hội, (kính thưa) có rất nhiều kiểu ĐH. Và cứ đến hẹn lại lên theo thông lệ hay chu kỳ các thành viên tổ chức đại hội. Có những  ĐH vô thưởng vô phạt như hội đồng hương, hội ái hữu …Các người dự hội nầy “vô tư”, không có gì để tranh giành, không lo chuyện hơn thua, được, mất, “ai đi ai ở”. Họ gặp nhau, giao lưu, thăm hỏi, trao đổi về kinh nghiệm làm ăn, kể cả những mánh mung, chạy chọt hoặc thông tin về con cái thành đạt, du học ở Âu –Mỹ. Màn cuối thường là liên hoan hát hò, ngâm thơ, kể chuyện tiếu lâm, nói tục giảng thanh, nói thanh giảng tục, hầu hết là xoay quanh “cái nớ, chuyện ấy”, xong là tan hàng. 

Nhưng có rất nhiều ĐH quan trọng, được dự kiến sẽ là “chìa khóa” cho nhiều việc. ĐH có chương trình làm việc, những bài diễn văn (dài), những lời phát biểu về mục đích chính của ĐH là vấn đề nhân sự và kế hoạch, tức bầu chọn một số nhân vật chủ chốt và quyết định một số vấn đề quan trọng cho thời gian tới. ĐH kiểu nầy tổ chức long trọng trong hội trường có cờ xí, khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” hay “đoàn kết-quyết tâm” chẳng hạn. Xong ĐH là thành công tốt đẹp (!) Kinh phí để tổ chức ĐH thường là tiền đóng gạo góp từ các thành viên. Chứ lấy đâu ra?  Ngay Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng hoạt động theo nguyên tắc nầy.

Còn đại hội phụ huynh (ĐHPH) thì sao?

Một năm học, nhà trường có nhiều buổi họp phụ huynh học sinh, nhưng cuộc họp phụ huynh  đầu năm được xem là đại hội phụ huynh (ĐHPH) vì nó quan trọng hơn các buổi họp khác. ĐH   cũng có hai mục đích chính là bầu ban đại diện (BDD) phụ huynh và bàn việc dạy-học. Có lúc người ta dùng từ “đại hội cha mẹ học sinh”, nhưng thấy chữ “phụ huynh” bao quát hơn chữ “cha mẹ” nên dùng từ “phụ huynh”, không cần chữ “học sinh” theo sau. Bởi  khi nói “phụ huynh” là người ta nghĩ đến phụ huynh của học sinh, không ai  nghĩ đến phụ huynh của người lớn, của cán bộ, mặc dù lớn đến đâu, cán bộ cấp nào cũng có phụ huynh. Nếu làm “lớn” mà xem thường, ngược đãi người cao tuổi, như đã xảy ra, thì bị cho là “thứ mất dạy không biết kẻ lớn, người nhỏ”.

ĐHPH có quan trọng không?

Về lý luận, ĐHPH quan trọng quá đi chứ (lỵ), đó là sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình  trong việc giáo dục con em. Từ trung ương đến địa phương, từ các vị lãnh đạo tối cao tới mỗi phụ huynh đều  nói như cháo chảy. Những câu  “hết ý”, không thể hay hơn được  như “giáo dục  đào tạo ra con người cho xã hội, giáo dục là nầy, là kia của đất nước, giáo dục là quốc sách…”,  còn “sách” gì thì lại là vấn đề khác (!).

Hãy nghe Nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của trung ương về giáo dục của ĐCSVN – “…Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội….”.



Nếu ai bảo, vẽ, ĐHPH có gì mà quan trọng, thì người đó xem nhẹ giáo dục, mà xem thường giáo dục là xem thường văn hóa, học thuật của đất nước. Không đơn giản, tội nầy nặng lắm, là tội phản quốc (sách). Nó không phải là phản động. Phản động đôi khi là hành động cần thiết, tạo ra một lực trái chiều để đẩy một vật tiến tới. Máy bay siêu thanh, tên lửa bay được là nhờ phản lực.  Phản động đâu phải là tội. Nếu phản lại những điều xấu như độc tài, tham nhũng, thủ cựu, mê tín… thì đấy là lực tốt, cần thiết cho xã hội tiến  lên. Ngược lại, cố chấp không chịu từ bỏ những tư duy, thể chế lỗi thời, thì đích thị là phản bội. Chính Thủ tướng cũng nói “ Nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy. Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là “bình mới rượu cũ”, không thể có đột phá (1).

Còn thưc tế thì ĐHPH như thế nào?

ĐHPH đầu năm có hai việc, bầu BDD, thì rất nhanh, và  nghe các khoản tiền đầu năm thì than thở. Tiền đầu năm có những khoản chính, theo qui định theo công văn, thông báo và các khoản  tự nguyện. Khoản tự nguyện nầy “linh động”, nhà trường không biết, do hội PH vận động, là các khoản phụ thu. Tiếng là “phụ” nhưng tiền thì không phụ tí nào. Chính phụ gì cũng từ túi tiền của phụ huynh. Vì tương lai con em chúng ta, nhiều người méo mặt mà nộp, mà không nộp cũng không được. Báo Giáo dục viết, đi họp đầu năm để nghe nộp tiền trường “Nhưng, vì vừa mới bước vào đầu năm học nên thực tế cũng chẳng có chuyện gì quan trọng ngoài việc phổ biến một số nội quy của trường, của lớp nên vấn đề then chốt nhất của các buổi họp này là nhắc nhở, vận động phụ huynh đóng các khoản tiền trường.”.

Đặc biệt, năm nay phụ huynh rất “tâm tư” về bộ sách giáo khoa lớp 1 và chương trình. Gía bộ sách thì quá cao nhưng lại có nhiều khuyết điểm. Các điểm nầy đã được nhiều người chỉ rõ, khỏi phải nhắc lại.  Chương trình thì nặng, dài dòng, ôm đồm, nhồi nhét nhiều thứ vào đầu con trẻ. Những ông tiến sĩ ngôn ngữ, tiến sĩ toán, sinh học … thừa sức để soạn những bài khó. Trẻ bị học rất nhiều, học không hết, về nhà, cha mẹ phải học giúp con, nếu không dạy được thì phải nhờ gia sư hay chở con đi học thêm với cô thầy. Mới học tò te mà phải đưa đi học thêm, học kèm nhiều môn, nhiều chỗ, mất thời gian, tiền bạc của phụ huynh đã đành mà còn hao tổn sức khỏe của trẻ con, nhưng không như thế thì …không được. Học chính ở lớp là phụ, học thêm ở lớp phụ là chính. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính phụ huynh tạo ra một cuộc “chạy đua vũ trang” về học tập của con em. Họ xem đấy là đầu tư, là thành tích của gia đình, xã hội. Ngay những “người lớn” cũng “chạy” cho được một tấm bằng để thêm cái danh ngoài cái lợi  kia mà.

Các khuyết điểm trong SGK đã được chỉ rõ, tưởng chừng các soạn giả tiếp thu rồi sửa chữa nhưng các vị lại cho rằng đó là ý kiến bầy đàn, hành động của đám đông nên không quan tâm. Khi viết bài nầy thì được biết Thủ tướng chỉ đạo xem lại SGK lớp 1, chắc là rút kinh nghiệm và sửa thôi (2). Mừng, nhưng nghĩ, đúng là dân nói trăm câu, dù hợp lý, không bằng quan phán một lời.

Nhớ lại, trước đây, trong rất nhiều việc về văn hóa, giáo dục, kinh tế, luật pháp, đất đai, môi trường,…  nhiều người đã gởi các kiến nghị đến ông nầy, ông nọ góp ý, đề nghị phải cải cách để đưa đất nước tiến lên. Nhưng rồi vẫn biệt vô âm tín, nói chi đến “nghe”. Mặc dù lãnh đạo cũng nhiều lần kêu gọi người dân phản biện, hiến kế (3). Có tư tưởng cho rằng “nghe” là thua, là theo đuôi quần chúng, là tạo ra tiền lệ xấu. Một số cho rằng kiến nghị là đòi hỏi, gây áp lực hay là do thế lưc nầy thế lực nọ chủ mưu.  Sao lại đặt vấn đề “hơn-thua” với  nhân dân? Không muốn nhắc  câu ý dân là ý trời, bởi Trời cao quá, có thấy gì đâu “xanh kia thăm thẳm tầng trên/ vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy” (Chinh Phụ Ngâm).“Dưới đất” nầy chỉ có người với người, lãnh đạo và dân hay theo lý thuyết chính trị thì có giai cấp cai trị  và giai cấp bị trị.Và ai gây ra “nỗi nầy”?  Dân là dân. Dân không giành ghế của lãnh đạo, nhưng dân có ý kiến về sự lãnh đạo. Từ xưa nay, dân nuôi lãnh đạo.

Mong lần này thì khác.   

Chú thích

1-…. https://vneconomy.vn/thu-tuong-nut-that-lon-nhat-han-che-su-phat-trien-la-the-che-nut-that-ve-tu-duy-20200117153711627.ht

2-https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-da-co-chi-dao-ve-sach-giao-khoa-lop-1-d482414.html

3-https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-mong-muon-co-nguoi-phan-bien-sac-sao-cho-dang-chinh-quyen-20190919114448515.htm

T.K.N.

Tác giả gửi BVN

.

1 https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-ngai-di-hop-dau-nam-vi-tien-tien-tien-post212450.gd:Đồng ý kiến trên, báo Pháp Luât có bài “Giaos dục cần tiền và vì tiền https://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/giao-duc-can-tien-va-vi-tien-544892.html
https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-da-co-chi-dao-ve-sach-giao-khoa-lop-1-d482414.html

3- https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/hien-ke-cai-cach-co-che-chinh-sach-thu-tuc-hanh-chinh-giup-doanh-nghiep-khoi-phuc-san-xuat-kinh-d-1491865609

-

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam. Bookmark the permalink.