Oan cho “Cánh Buồm”!

Lê Phú Khải

Gần đây, tôi luôn nhận được những cú điện thoại của những người không quen biết, có vị còn kết luận ngay: Các ông soạn sách “Cánh Buồm” dở quá, bị phê phán dữ quá!

Số là, người ta đã nhầm lẫn sách “Cánh Buồm” với sách Tiếng Việt 1 của nhóm “Cánh Diều” do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên theo Chương trình Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm 2020!

Sở dĩ người ta gọi điện cho tôi để chê trách vì biết, tôi đã nhiều năm tham gia biên soạn các sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên. Sách Cánh Buồm được vừa biên soạn vừa dạy cho học sinh từ năm 2009 đến nay. Các sách giáo khoa Tiếng Việt, Văn, Lối sống, Khoa học, Tiếng Anh được soạn cho học sinh Tiểu học. Riêng sách Tiếng Việt và Văn đã có sách dạy đến lớp 9.

Điều phải nói ngay, nói cho rõ ràng là, nhà giáo Phạm Toàn đã dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ông đã bằng uy tín và tài năng của mình đứng lên kêu gọi trí thức trong và ngoài nước tham gia soạn sách giáo khoa với ông, và không một ai đòi một đồng nhuận bút nào cả, trong 8-9 năm ròng.

Một lần bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, gặp gỡ một số nhà báo, nhà văn… ông kêu gọi và đưa ra một số nội dung cho các cuốn sách sắp được biên soạn, đề nghị các vị ấy tham gia. Ông bảo tôi: Biết cậu từng dạy học 8-9 năm nên giao cho cậu soạn bài “Vì sao viết văn phóng sự?” cho sách Văn lớp 6. Chủ đề của sách Văn lớp 6 này là Cảm hứng nghệ thuật”. Dĩ nhiên là tôi phải hoàn thành nhiệm vụ “cấp trên giao”. Bài này được in trong sách Văn lớp 6, trang 215-223 (Nhà Xuất bản Tri Thức, 2015).

Trong 9 trang sách đó, có phần giới thiệu nhà văn Tam Lang và thiên phóng sự: “Tôi kéo xe”, cùng trích dẫn thiên phóng sự đó.

Thật bất ngờ, hơn một năm sau ông lại vào Sài Gòn và bảo tôi: Giao cho cậu soạn bài: “Vốn từ Tiếng Việt ngày một thêm phong phú” trong đó có phần “Một số từ gốc Pháp trong tiếng Việt” cho sách Tiếng Việt lớp 7. Tôi ngạc nhiên quá và cãi: Sao bao nhiêu người giỏi tiếng Pháp cụ không nhờ, lại sai một thằng tiếng tây trình độ enfantin làm việc này! Phạm Toàn trừng mắt và rất “độc đoán” ra lệnh: Quyết tâm và tự tin là sẽ làm được!

Thế là tôi phải bò ra tra các sách Từ điển Pháp-Việt, Việt-Pháp để chọn ra hơn 100 từ tiếng Việt có gốc là từ Pháp. Và, chính tôi cũng không ngờ, có những từ tiếng Việt mà ta quen nói hằng ngày lại có gốc là tiếng Pháp, hay nói khác đi, chúng ta đã “đồng hoá” những từ đó thành Việt. Ví dụ từ “xiếc” (ví dụ: đi xem xiếc), có gốc Pháp là “cirque”; từ “nét” (ví dụ: bức ảnh chụp rất nét), có gốc Pháp là “net” v.v.

… Kể những chuyện trên, tôi chỉ muốn nói một điều, hàng ngàn cuốn sách giáo khoa Cánh Buồm từ lớp 1 đến lớp 9 được ra đời từ “tổng đạo diễn” Phạm Toàn không hề tốn một xu tiền thuế nào của dân cả. Một số trường ở Hà Nội đã dạy “chui” sách Cánh Buồm của Phạm Toàn nhiều năm nay. Học sinh và phụ huynh rất muốn cho con học theo các sách giáo khoa Cánh Buồm vì các em thấy đến trường “vui quá”!

Bài “Vốn từ tiếng Việt ngày một thêm phong phú” tôi soạn, đã được in trong sách Tiếng Việt lớp 7 (NXB Tri Thức, 2016) từ trang 142 đến trang 160).

Thấy Phạm Toàn chủ biên nhiều sách, có vị “trí thức” Hà Nội hỏi: Bằng cấp gì mà nhà giáo Phạm Toàn dám soạn sách giáo khoa?! Phạm Toàn đã cười phá lên và trả lời: Có ai hỏi bằng của lực sĩ bao giờ? Lực sĩ thì cứ ưỡn ngực mà đi thôi!!!

Phạm Toàn là như thế, bản lĩnh và ngang tàng. Có lẽ vì thế mà Cánh Buồm không thể thu mình bé lại thành Cánh Diều được.

Bản chất của những bi kịch sách giáo khoa ở nước ta có cội nguồn là nền chính trị độc quyền toàn trị (totalitarisme). Nhà nước độc quyền thò bàn tay vào tất cả các hoạt động của xã hội, từ kinh tế, đến văn hoá, giáo dục… Ở các nước dân chủ pháp quyền, ai muốn soạn sách giáo khoa thì cứ mặc sức, miễn là phải theo đúng chương trình nhà nước đã ban hành, và phải bỏ tiền túi ra mà in, mà phát hành. Soạn sách không hay, sách không ai mua thì tác giả phá sản. Giáo viên muốn dạy theo sách giáo khoa của tác giả nào cũng được. Nhưng điều cực kỳ quan trọng là đề thi tốt nghiệp các cấp do nhà nước (cơ quan phụ trách giáo dục) ra. Làm được bài văn, giải được bài toán… trong các đề thi đó thì các em phải có những kiến thức tối thiểu, cần thiết mà xã hội yêu cầu. Như vậy bộ máy giáo dục sẽ tinh gọn, dân không mất một khoản tiền thuế cực lớn cho việc in sách giáo khoa hàng triệu bản hằng năm.

Có lần, trong một phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố: “nếu ai cũng soạn sách giáo khoa thì… loạn”. Một ông chủ tịch Quốc hội mà phát biểu… như thế thì dân khổ là phải!

Vì, chúng ta đã sống ngoài nhân loại quá lâu rồi! Cái gì nhân loại đã làm một cách bình thường từ lâu thì với chế độ toàn trị nó bị xem là… “loạn”!

Các vị trong nhóm Cánh Diều đã bán phá giá lương tâm để làm ra những cuốn sách giáo khoa lớp 1 có hại cho những đứa trẻ mới bước chân đến trường. Vì cái gì? Nếu không phải vì những chương trình, dự án quốc gia được chi những món tiền khổng lồ từ mồ hôi nước mắt tiền thuế của dân.

Sài Gòn, 10/2020

L.P.K.

Tác giả gửi BVN 

This entry was posted in Phá hoại môi trường. Bookmark the permalink.