Mai Loan phỏng vấn PGSTS Nguyễn Hữu Đạt
Tôi đã mua sách Cánh diều về để tự đọc, và định sẽ viết bài phân tích khách quan nhất có thể. Nhưng đọc bài của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt trả lời phỏng vấn báo “Khoa học đời sống” thì thấy quá đúng. Tôi chẳng cần viết nữa, chỉ cần copy bài này cho mọi người cùng đọc.
Tôi nghĩ rằng PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, đã phân tích rất chính xác, khách quan về những sai sót cơ bản của sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều. Mời các bạn đọc nhé.
Không phải là sạn, mà là sai cơ bản
(khoahocdoisong.vn) Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, về chất lượng, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều không đạt. Nếu tiếp tục giảng dạy sẽ có hại cho học sinh.
PV hỏi: Sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều vẫn đang tạo ra hai luồng ý kiến tranh luận tranh cãi gay gắt. Là một giảng viên, nhà nghiên cứu có nhiều công trình về tiếng Việt, đồng thời cũng từng tham gia soạn sách giáo khoa, ông đánh giá như thế nào về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến về sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều. Tôi cho rằng, dư luận phản ứng về bộ sách này là hoàn toàn có cơ sở. Tôi đọc thì thấy, bộ sách này có rất nhiều điểm không được.
Trước hết, cần hiểu rằng, chức năng của một cuốn sách dạy Tiếng Việt không phải chỉ là dạy chữ, ghép vần mà phải dạy tiếng Việt có tính bài bản ngay từ đầu.
Đặc biệt, dạy tiếng Việt cho trẻ em cần phải hướng tới mục đích tối thượng là dạy như thế nào đó để các em biết sử dụng tiếng Việt và yêu thích tiếng Việt. Nếu dạy mà để cho học sinh sợ tiếng Việt thì đó là thất bại của người dạy và của sách giáo khoa. Hơn nữa, không chỉ học sinh, mà phụ huynh và giáo viên cũng sợ thì rõ ràng sách soạn ra có nhiều vấn đề cần phải xem xét.
Thứ nhất, liệu sách soạn ra có khó quá không? Có phù hợp với trình độ của giáo viện cũng như năng lực tiếp nhận của học sinh không? Thứ hai, các chủ đề được đưa vào giảng dạy có thích hợp và gắn với cuộc sống thực tiễn không? Một vấn đề đáng quan tâm nữa là phương pháp và cơ sở khoa học để xây dựng bài học… dùng cung cấp kiến thức tiếng Việt cho học sinh.
Nếu nhìn một cách tổng quan như vậy, có thể thấy, một điểm nổi bật ở bộ sách này là, nó còn xa mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cần có của bộ sách công cụ mà ta gọi là sách giáo khoa.
PV hỏi: Liên quan tới những điều ông vừa nói, cụ thể, ông có nhận xét gì về những bài Tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Theo tôi thấy thì có nhiều bài tập đọc rất thiếu tính văn học. Tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ giàu hình ảnh, mượt mà, nhưng người biên soạn không biết có phải yếu về tư duy văn học không mà đọc các bài tập đọc của họ biên soạn đôi khi thấy ngô nghê, thậm chí ngớ ngẩn. Nếu chỉ đánh giá về “chất văn” trong một bài dạy Tiếng Việt thì bộ sách còn thua xa cách dạy Tiếng Việt cho học sinh ngày xưa.
Về phương pháp, chỉ cần đọc một số bài cũng thấy có nhiều sự gán ghép rất tùy tiện. Người biên soạn muốn dạy các âm hoặc vần nào thì cố “gò” các âm và các vần ấy vào các đoạn văn tự nghĩ ra, bất chấp tính logic hay đúng, sai.
Cách làm việc kiểu này dẫn đến một hệ lụy: Nhiều bài đọc hay đoạn văn rất tối nghĩa, lủng củng. Đây là điều gây ra những phương hại cho học sinh. Học Tiếng Việt qua các văn bản lủng củng, rối rắm chưa kể còn nhiều chỗ sai thì người học làm sao yêu thích Tiếng Việt?
PV hỏi: Ông có thể đưa một số ví dụ về việc gò ép, bất chấp đúng, sai đó?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Ví dụ, ở bài về “Cò và quạ”. Khi đọc cụm từ “Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” thì thấy người viết không hiểu nghĩa của từ “chộp”. Con quạ là loài chim. Khi nó muốn bắt gà thì phải sà xuống quắp, chứ không thể “chộp” được. Cần phải biết, với các động từ, mỗi loại lại đòi hỏi chủ thể hành động khác nhau. Ví dụ, “sủa” là động từ dùng cho loài chó. Nói “người sủa” là dùng tu từ rồi. Mỗi một động từ dùng phải có chủ thể phù hợp chứ không dùng lung tung như thế được.
Bài tập đọc Thỏ thua rùa.
Hoặc ở bài tập đọc Thỏ thua rùa, có câu: “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. Ở đây, từ “nhá” dùng không phù hợp, vì “nhá” là động từ thường để chỉ nhai những vật cứng, khó nuốt (ví dụ như chó nhá xương…). Còn con thỏ là loài động vật thường chỉ ăn cỏ, ăn lá… những thứ mềm. Trong văn cảnh của bài cũng là “cỏ, dưa”, sao lại dùng “nhá”?
Bài tập đọc Thỏ thua rùa.
Hay bài “Ve và gà” là một sự gán ghép, phóng tác tùy tiện không theo quy tắc nào cả: “Cả mùa hè, ve chỉ ham múa ca”. Con ve nó kêu, nói nó “ca” thì được, chứ không nên nói “múa”. Mà trong nguyên tác, là kiến chứ không phải gà. Kiến mới tha mồi về tổ, tích lũy thức ăn, gà thì không. Dạy thế này là không đúng kiến thức thực tế, khoa học.
Đặc biệt, trong nhiều bài đọc, các nhà biên soạn đã lạm dụng từ “có”, dùng rất nhiều và cũng rất sai. Ví dụ: Bài Bé Lê: “Bé Lê mê ti vi. Ti vi có sâm cầm”, “ti vi có cá mập”. Ti vi làm sao có sâm cầm, có cá mập được?
Rõ ràng, đó không phải chi là những hạt sạn, mà là cái sai cơ bản, những cái sai không thể cho phép khi dùng nó làm tài liệu dạy cho học sinh.
Về việc có nên dùng từ địa phương (phương ngữ) trong sách tiếng Việt lớp 1, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, có khá nhiều từ địa phương đến nay trở thành khá phổ biến (như: ba, má…), nếu đưa vào sách, trẻ em không hiểu thì các bậc phụ huynh vẫn có thể giải nghĩa cho con. Việc đưa từ địa phương vào sách đúng lúc, đúng chỗ có khi còn gây hứng thú, giúp các em những hiểu biết phong phú về tiếng Việt và các sản vật địa phương (măng cụt, sầu riêng…). Nhưng lạm dụng mà dùng không đúng lúc, đúng chỗ thì phản tác dụng.
Không thể nói dạy Tiếng Việt chỉ để dạy âm, ghép vần
PV hỏi: Một trong những lý do mà nhà biên soạn đưa ra là do các âm, vần chưa học thì chưa thể đưa vào, đành tìm các âm, vần đã học để thay thế. Và cũng có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn đầu lớp 1 thì ưu tiên dạy âm và vần, dạy chữ trước. Sau này biết đọc rồi thì chú trọng nghĩa sau?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Theo tôi, nói như thế là rất sai về phương pháp luận. Dạy tiếng Việt phải chú ý tới mục tiêu, hiệu quả đạt được. Mục tiêu sách lớp 1 phải hướng tới cho các em biết đọc và biết viết. Vậy phải hiểu được nghĩa của từ, lượng từ cung cấp có thể ít hay nhiều, nhưng phải có nghĩa.
Bởi thế, ông cha mình thường nói “chữ nghĩa” là vì chữ phải gắn với nghĩa. Dạy các em điều không có trong thực tế thì dạy vô ích, lãng phí. Còn dạy ghép vần mà ghép lung tung về nghĩa như đã phân tích thì gây hại về mặt tư duy cho học trò.
Nếu cố tình bao biện rằng, nói chỉ cần học âm, ghép vần thì học luôn cách ghép vần của sách cũ, không cần học sách mới làm gì. Vừa tốn tiền, vừa rắc rối và không hiệu quả.
PV hỏi: Cũng có ý kiến cho rằng, dạy những câu văn thơ mượt mà như sách cũ thì sẽ khiến trẻ học vẹt, không nhớ được các âm, vần như học các đoạn văn trúc trắc trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Nói như vậy là sự quá nhầm lẫn, thiếu cơ sở khoa học. Khi dạy những câu trúc trắc, ngô nghê, ngay từ đầu trẻ đã thấy chán Tiếng Việt và thấy Tiếng Việt chẳng hấp dẫn gì cả. Dạy Tiếng Việt thành công là phải tạo ra được sự ham thích, mà sự ham thích phải bắt đầu từ cái đẹp, cái hay.
Còn các câu văn, lời thơ mượt mà khiến người ta nhớ mãi, sao lại nói là học vẹt? Quan niệm như thế nguy quá!
Giáo viên quan trọng, nhưng đầu tiên phải có ngữ liệu tốt
PV hỏi: Trong sách này, việc đưa vào một số những truyện ngụ ngôn, những câu chuyện có chứa đựng cái xấu, ác, mưu mô… cũng gây tranh cãi. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Trẻ em mới cắp sách đi học cũng có thể dạy cái xấu, nhưng phải có sự cân đối, tính toán, đưa bao nhiêu, đưa như thế nào là có lợi. Đặc biệt, khi nói tới cái xấu, cái ác, thì nội dung và phương pháp phải hướng trẻ tới cái thiện, biết phân biệt giữa thiện và ác. Phản ánh cái ác nhưng là để phê phán, để hướng thiện, giáo dục về cái thiện, đó là chính là nghệ thuật của việc dạy người.
Chứ không phải như khi đọc bài “Ước mơ của tảng đá”, người đọc không biết mục đích của nội dung bài học là gì, ủng hộ nhân vật nào? Bác gió được gọi là “bác” – có thể hiểu là nhân vật lớn tuổi hơn tảng đá (xưng con), và qua cách khuyên tảng đá thể hiện sự từng trải, hiểu biết. Nhưng hành động của bác gió lại rất ác độc, đó là đẩy tảng đá xuống biển “mất tích”. Vậy nếu hiểu theo nghĩa bác gió làm vậy chỉ vì tảng đá đã năn nỉ bác gió, để trẻ học theo, sau này cứ nghe năn nỉ đều chiều theo, bất chấp đúng sai, thay vì cư xử có trách nhiệm thì nguy hiểm quá.
Bài tập đọc Ước mơ của tảng đá (sách tiếng Việt 1, Cánh Diều tập 2, kể về một tảng đá với ước mơ được giống như cánh buồm. Khi năn nỉ bác gió được cho xuống biển, bác gió mới đầu can ngăn, nhưng sau đó đã “kênh tảng đá lên, hích một nhát, tảng đá lăn lông lốc. Chỉ nghe một tiếng “ùm”, nó đã lăn xuống biển và mất tích”.
PV hỏi: Có ý kiến cho rằng, quan trọng là giáo viên hướng tới học sinh tới nội dung gì. Nếu giáo viên hướng cho học sinh cái đẹp, thì kể cả nội dung ngữ liệu có chứa đựng cái xấu, cái ác cũng không đáng lo, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Đúng là giáo viên rất quan trọng, nhưng đầu tiên phải là sách giáo khoa. Sách giáo khoa là công cụ chung cho mọi giáo viên. Ở đó, có ngữ liệu. Khi có ngữ liệu tốt, giáo viên dễ xử lý, bài giảng hấp dẫn. Còn khi ngữ liệu không tốt thì chính người giáo viên sẽ gặp khó khăn, đôi khi phải lúng túng, gượng ép. Và khi giáo viên cảm thấy bị gượng ép, tức là thất bại.
PV hỏi: Từ những phân tích như vậy, theo ông, có thể tiếp tục giảng dạy sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Theo tôi, về mặt chất lượng, cuốn sách không đạt. Bộ sách này có một số vấn đề cần phải xem xét lại. Thứ nhất về ngữ liệu sử dụng để biên soạn sách; Thứ 2 là về tri thức về ngôn ngữ học, thể hiện qua việc cung cấp cho các em vốn từ, nghĩa của từ sai rất nhiều; Thứ 3 là rèn luyện tư duy logic cho học sinh, khi những bài học cung cấp có vấn đề về tư duy logic thì sẽ làm cho tư duy logic của trẻ em kém, lệch lạc.
Cá nhân tôi cho rằng, bộ sách này không nên dạy vì dạy không có lợi.
PV hỏi: Giả sử có thể sửa, để dạy tiếp được không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Như tôi đã nói, đây không phải là sạn mà là sai nhiều quá. Sai cơ bản, tựa như nồi cơm còn sống, cố ăn sẽ hại tới sức khỏe. Nếu muốn dùng để dạy, phải biên soạn lại, chứ không thể sửa theo kiểu chắp vá được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: khoahocdoisong.vn
** Hiện tại Chính phủ, Quốc hội đã có sự quan tâm về những sai sót của bộ sách này.
Tôi thiết nghĩ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là một nhà giáo dục, thì phải biết nhận ra điều sai, điều đúng, và quan trọng nhất là phải biết xin lỗi. Giáo sư phải xin lỗi dân vì ở vị trí Tổng Chủ biên, mà chủ biên 1 bộ sách nhiều sai sót và gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Giáo sư phải xin lỗi dân vì đã trả đăng đàn trả lời phỏng vấn một cách ngụy biện, né tránh những sai sót.
Ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải xin lỗi và nhận trách nhiệm về vụ này.Là người lớn, lại là nhà giáo dục mà không biết xin lỗi, thì tệ lắm!
Chào quyết thắng!
(Lâm Minh Chánh)
Nguồn: FB Nhật Ký Yêu Nước