Trình độ tính toán của cán bộ quản lý!

Sơn Trà

Phải chăng nhận định về mức độ an toàn được căn cứ theo trình độ tính toán của nhà quản lý?

Bộ Công Thương chiều 16-10 khẳng định các hồ chứa thủy điện hiện nay đang vận hành an toàn, tuân thủ các quy định về xả lũ.

Chiều 16-10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho biết qua công tác rà soát cũng như báo cáo của địa phương cho thấy các hồ chứa thủy điện đều đang bảo đảm an toàn.

Theo ông Bảo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du. Đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ.

Thắc mắc: phải chăng nhận định về mức độ an toàn được căn cứ theo trình độ tính toán của nhà quản lý?

Một liên tưởng cho niềm tin về vấn đề trình độ kiến thức chuyên ngành, đó là từ hệ lụy của chuyện các giáo sư soạn sách giáo khoa lớp một, sau đó được một hội đồng thẩm định cũng toàn học hàm giáo sư, tiến sĩ ngồi lại với nhau để phê chuẩn, và cuối cùng là bộ trưởng với phẩm hàm ủy viên Bộ Chính trị bút phê để bộ sách có thể chuyển sang phát hành rộng rãi.

Với ban bệ toàn chức danh học thuật lẫn chính trị, mấy ai ngờ là nhiều bộ sách giáo khoa lớp một đang ‘đầy sạn’.

Nhà báo tự do Bạch Hoàn, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, kể:

“Sau khi dành hai ngày đọc hết tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thật sự xót xa và hoảng sợ. Con cháu chúng ta bị nhồi sọ từ những bước đầu đời, bị dạy dỗ những điều sai trái, những tư duy độc hại, phản giáo dục, phản văn minh.

Không chỉ Bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, sách của Nhà xuất bản Giáo dục – điển hình là Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” – cũng đang tồn tại vô số lỗi sai và các thông điệp giáo dục độc hại.

Ví dụ:

- Lỗi dạy trẻ giải quyết vấn đề bằng đe doạ và bạo lực. Điển hình là câu chuyện “Mèo con đi học”. Vì mèo con không muốn đi học nên đã lấy lý do cái đuôi bị ốm. Thay vì tìm hiểu vì sao mèo con không muốn đi học, thay vì khích lệ, gợi mở về những điều mới mẻ, hấp dẫn ở lớp học để mèo có động lực đi học, thì bác cừu trong câu chuyện đã lập tức mang kéo đến doạ cắt đuôi mèo.



- Làm giáo dục, lẽ ra phải dạy trẻ lấy yêu thương để cảm hoá sự xấu xa, thì họ dạy trẻ trả thù, dạy trẻ làm điều sai trái, dạy trẻ ăn miếng trả miếng. Đó là trang 35, bài “Cò và Cáo”. Cáo mời cò đến ăn tối, nhưng lại chỉ có cháo loãng đổ ra đĩa. Cáo ăn được còn cò thì không. Cò trả thù bằng cách mời cáo đến nhà ăn tối nhưng để thức ăn vào cái lọ cổ hẹp. Cò ăn được còn cáo thì không. Đây là thông điệp giáo dục tồi, làm hỏng nhận thức của trẻ, triệt tiêu lòng nhân, triệt tiêu sự bao dung, tha thứ.

- Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” còn tệ hại ở chỗ áp đặt tư duy, đào tạo ra những con người khuôn mẫu, những “con gà công nghiệp”. Bài “Tô màu cho đúng” dạy trẻ bầu trời phải xanh lơ, biển phải xanh thẫm, tán cây phải xanh lá… Tại sao biển không thể có biển màu xanh ngọc? Tại sao lá phải xanh mà không vàng, không tím, không đỏ? Tại sao phải xanh lơ mà không là màu xám trời mưa, không loang lổ màu đỏ trời chiều?

Thông điệp giáo dục đúng – sai kiểu này sẽ gò bó trẻ, ép trẻ phải nhìn, phải cảm nhận và suy nghĩ theo người khác, triệt tiêu trí tưởng tượng của trẻ, triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ. Hậu quả là một xã hội ăn theo nói leo, kém phát minh, nghèo sáng tạo.

- Bộ sách vướng lỗi chính trị. Bài “Vì sao”, có nội dung da đen không đẹp. Tại sao da đen lại không đẹp? Tại sao lại phân biệt đẹp xấu qua màu da? Cách định hình tư duy như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc, màu da, đi ngược lại với những giá trị văn minh, tiến bộ.

- Bộ sách này cũng dính lỗi dùng từ em chả, mẹ chả, cô chả, bà chả… nhiều câu chuyện nhạt nhẽo, vô vị, nhiều từ vô nghĩa.

- Bộ sách còn dính lỗi dạy trẻ chê cười bạn bè nếu bạn kém hơn mình, thay vì tìm hiểu vấn đề của bạn, động viên bạn cố gắng.

- Thay vì dạy trẻ về sự lắng nghe, yêu thương, chia sẻ, nhân văn, nhân ái, thay vì bồi đắp tâm hồn trẻ, lại đề cao sự nhanh trí, thông minh, mưu mẹo, thủ đoạn và thậm chí là dối trá.

- Bộ sách quá thiếu vắng lời cảm ơn, xin lỗi. Trong khi đây là chuẩn mực giao tiếp cơ bản của con người văn minh. Câu chuyện “Chớ để mẹ lo”, trong đó thằn lằn nhí không nghe lời mẹ ở nhà giữ nhà, tự ý đi chơi, bị trượt ngã, mẹ phải đỡ dậy nhưng lại không biết nói cảm ơn và xin lỗi mẹ.

Bài “Giữ ấm”, bé bị cảm lạnh, cả ông, bố, mẹ đều ân cần chăm sóc. Bé khỏi bệnh nhưng sách không dạy bé nói cảm ơn. Bài “Bênh vực bạn”, ễnh ương bị cò bắt nạt, ếch bênh vực, nhưng ễnh ương không cảm ơn ếch.

Còn vô số lỗi sai nghiêm trọng khác về tư duy giáo dục mà tôi không đủ thời gian để liệt kê hết. Tôi thật sự không hiểu tại sao người ta có thể làm giáo dục một cách cẩu thả đến thế? Và tôi cũng không biết, họ còn muốn phải thêm bao nhiêu thế hệ người Việt bị nhồi sọ và mặc đồng phục tư duy?

Nhà xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liệu Bộ Giáo dục có đọc sách trước khi nhét nó vào cặp học trò và nhồi vào đầu con trẻ hay không?”.

Đó là câu chuyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giờ trở lại với câu chuyện thời sự ở Bộ Công Thương mùa mưa bão.

Ngày 16-10, Trung tâm báo tin động đất Viện Vật lý địa cầu cho biết lúc 7 giờ 19 phút sáng cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.184 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Khu vực xảy ra trận động đất trên có thủy điện Sông Tranh 2. Trước đó, vào ngày 14-10, tại huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) – giáp ranh với huyện Bắc Trà My cũng xảy ra liên tiếp 4 trận động đất chỉ trong vòng 5 giờ. Điều khá trùng hợp, 5 trận động đất này xảy ra khi thủy điện Sông Tranh 2 đang tích đầy nước. Theo đó, sau đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 12-10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 đã dâng thêm hơn 20 m. Cụ thể, vào ngày 7-10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 chỉ tích được 145 m nhưng mực nước chiều 16-10 là 170 m.

Theo số liệu cập nhật lúc 17 giờ chiều 16-10, thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ về sông Thu Bồn với lưu lượng khoảng 800 m3/s; 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang xả lũ về sông Vu Gia hơn 1.300 m3/s.

Câu hỏi cũ lại được đặt ra: lúc các dự án thủy điện kể trên bắt đầu được đưa tin trên báo chí, nhiều ý kiến phản biện cảnh báo về khả năng đứt gãy địa chất sẽ tạo nên động đất đe dọa sự an toàn của hồ chứa nước. Tuy nhiên, Bộ Công thương mãi cho tới nay vẫn khẳng định về sự an toàn; và mai này rất có thể giả dụ khi tình huống tang thương xảy đến, chắc hẳn các vị quan chức lại viện dẫn “thiên tai bất khả kháng” …

S.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam, Sách giáo khoa. Bookmark the permalink.