Phạm Đình Trọng
Triều đại Lê Thanh Hải đã để lại cho Sài Gòn bầu trời âm u, nặng nề, ngột ngạt, oan nghiệt Thủ Thiêm. Về trị nhậm đất Sài Gòn, ông Nhân không thể không về Thủ Thiêm. Nhưng chui ra khỏi ô tô, ông Nhân đi giữa hai hàng công an mặc dân sự nắm tay nhau giăng thành hai dây xích người. Ngăn cách với dân bởi hai hàng bạo lực công an đã từng đánh đổ máu dân Thủ Thiêm, làm sao ông Nhân về được với dân! Đi trong hàng rào bạo lực công an rồi ông Nhân tọt vào nhà kín có vòng trong vòng ngoài công an, mật vụ chìm nổi dày đặc bủa vây. Dân oan không được bén mảng đến gần. Chỉ có ít dân được công an chọn lọc kĩ càng mới được vào nhà kín gặp quan toàn quyền Nguyễn Thiện Nhân. Hình ảnh ông Nhân về Thủ Thiêm đi giữa hai hàng xúc xích bạo lực công an cùng với những lời hứa gió bay của ông Nhân đã làm tê tái niềm hi vọng, chờ đợi của người dân Thủ Thiêm, đã làm ngỡ ngàng, tưng hửng người dân Sài Gòn về Triều đại Nhân.
Chỉ là thành phố phương Nam nhưng Sài Gòn là nơi tụ nghĩa của những khí phách đi mở cõi. Nơi kẻ chợ phồn hoa của vùng đất mới, trẻ trung, giầu có và năng động để một thời được mang danh Hòn ngọc Viễn Đông, hòn ngọc của phương Đông xa xôi so với phương Tây tràn đầy ánh sáng. Với thế lực chính trị, với sức mạnh kinh tế và đặc thù văn hóa độc đáo, riêng biệt, Sài Gòn thực sự là một cõi riêng. Người đứng đầu cõi riêng Sài Gòn với cá tính mạnh mẽ của người mở đất sẽ tạo ra một triều đại riêng mang dấu ấn của lãnh chúa phương Nam.
Lãnh chúa phương Nam là người tử tế, có tầm vóc tương xứng với vị thế cõi riêng Sài Gòn, một lòng vì dân vì nước sẽ hạn chế, giảm bớt được sự tàn phá đất nước, kìm hãm kinh tế, tha hóa con người của học thuyết cộng sản tội lỗi, mở ra triều đại tốt đẹp cho mảnh đất Phương Nam, nêu gương sáng cho cả nước. Sau 1975, Sài Gòn đã có một thời ngắn ngủi như vậy. Thời Tổng bí thư Trường Chinh phải vào học cách tổ chức xã hội, quản lí sản xuất của Sài Gòn áp dụng cho cả nước. Chế độ tem phiếu thắt dạ dày người dân bị bãi bỏ. Sức sản xuất của nền kinh tế, sức sáng tạo của người dân được giải phóng.
Lãnh chúa phương Nam tầm vóc nhỏ bé, đầu óc tăm tối, lòng dạ tham lam độc ác sẽ kích hoạt, khuếch đại cái tệ hại, cái man rợ của học thuyết cộng sản lên cao nhất. Triều đại Lê Thanh Hải ngự trị suốt mười năm đầu thế kỉ 21 là một điển hình.
Triều đại Lê Thanh Hải là triều đại đẫm máu và nước mắt người dân Sài Gòn. Nơi đau thương nhất, nơi ghi tội ác rõ nhất triều đại Lê Thanh Hải là bãi gạch vụn mênh mông ở Thủ Thiêm. Nơi mộ táng những người mở đất cũng bị xe máy xúc bới tung lên. Nơi những bệ thờ Phật linh thiêng của những ngôi chùa trăm năm cũng bị xe ủi san bằng. Bình hương, hũ tro cốt người chết bị xích sắt xe ủi nghiền nát.
Triều đại Lê Thanh Hải, tập đoàn quan chức nhà nước bị tha hóa, tội phạm hóa đông đảo nhất, ghê tởm nhất. Bí thư, phó bí thư thành ủy, chủ tịch, phó chủ tịch thành phố, giám đốc sở mặc sức lộng hành, mặc sức vơ vét, mặc sức phạm tội. Hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác tiền của dân của nước tuồn vào túi nhóm lợi ích là đám quan chức tội phạm liên kết với lũ tư bản hoang dã.
Hà Nội ngàn năm văn hiến của văn minh sông Hồng. Với trầm tích văn hóa quá khứ tầng tầng lớp lớp, Hà Nội luôn tự ngắm mình, nặng lòng hướng nội. Là miền đất mới, lịch sử mở cõi chưa xa, chiều sâu quá khứ không lớn, không quá nặng lòng với hôm qua để ngoái lại tự ngắm mình, Sài Gòn vươn vai đứng lên, phóng tầm mắt nhìn ra thế gới và được thế giới ngỡ ngàng nhận ra. Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông là sự ngỡ ngàng của thế giới khi nhận ra Sài Gòn. Hòn ngọc Viễn Đông tỏa sáng ra thế giới. Là miền đất mới không hoài cổ, mang sức vóc khai phá, Sài Gòn tự tin nhìn ra thế giới, tư tin hướng ngoại, mang bản sắc Sài Gòn làm giàu có tinh hoa nhân loại.
Hướng nội, Hà Nội chỉ là trung tâm của tam giác châu thổ sông Hồng, là thủ đô của nước Văn Lang, nước Đại Việt, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền đồn khối cộng sản thời Hồ Chí Minh. Hướng ngoại đã cho Sài Gòn danh xưng Hòn ngọc Viễn Đông, sẽ cho Sài Gòn trở thành trung tâm của Đông Nam Á.
Trong địa chính trị, Sài Gòn là trung tâm Đông Nam Á. Trong phát triển đất nước, Sài Gòn thực sự là trung tâm phát triển sôi động nhất của dải đất hình chữ S. Từ lâu Sài Gòn đã là trung tâm kinh tế của cả nước. Kinh tế quyết định chính trị, quyết định đời sống văn hóa, quyết định cả vận nước. Trong tương lai không xa, Sài Gòn xứng đáng là thủ đô của nước Cộng hòa Việt Nam không cộng sản, hòa nhập thực sự với loài người, nhịp bước với thế giới văn minh.
Chuyển thủ đô vào Sài Gòn là trân trọng giao cho lịch sử lưu giữ, bảo tồn nền văn minh lúa nước sông Hồng lung linh nhưng ngưng đọng, khép kín, quẩn quanh, tù túng, nền văn minh mà con người quá nhỏ bé, thụ động, phụ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh xã hội và biến động thiên nhiên. Con người lúc nào cũng phải “Trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm / Trông cho chân cứng, đá mềm / Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”.
Chuyển thủ đô vào Sài Gòn là thái độ dứt khoát bỏ lại phía sau quá khứ cộng sản giả dối và tàn bạo. Bỏ lại cho quá khứ ngôi mộ đá lạnh lẽo của người rước đại họa cộng sản về giết hại con cháu Vua Hùng. Bỏ lại cho lịch sử những bảo tàng cách mạng và chiến tranh lưu giữ hiện thực một thời đẫm máu khủng bố giai cấp. Bỏ lại nhà đỏ Ba Đình nơi tạo ra một thời lịch sử đau đớn giống nòi để mạnh mẽ bước vào kỉ nguyên văn minh tin học, trung thực viết những trang sử mới huy hoàng.
Sơ qua một chút về vị thế Sài Gòn để thấy đất Hà Nội là vàng thì đất Sài Gòn bất kì chỗ nào cũng là đất kim cương. Triều đại Lê Thanh Hải đã biến hết mảnh đất kim cương này đến mành đất kim cương khác của Sài Gòn thành đất kim cương của những doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp là sân sau của đám quan chức tội phạm, giúp cho những kẻ bất lương từ vô sản, túi rỗng, làm thuê trở thành những đại gia tàn ác, kệch cỡm và vênh váo
Triều đại Lê Thanh Hải là triều đại đau đớn nhất của người dân Sài Gòn, cũng là triều đại mất mát ngọc ngà khủng khiếp nhất, đau xót nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông. Triều đại Lê Thanh Hải để lại cho Hòn Ngọc Viễn Đông những bãi tha ma gạch vụn ngổn ngang khắp Sài Gòn, những Thủ Thiêm lớn, Thủ Thiêm nhỏ. Để lại những phận người ai oán, những bóng ma dân oan vật vờ bên những khu đô thị ngạo nghễ của những đại gia giầu có nhờ cướp được những mảnh đất kim cương mênh mông. Để lại những gia đình li tán, bơ vơ, màn trời chiếu đất. Sau triều đại ác Lê Thanh Hải, sau triều đại nhố nhăng Đinh La Thăng, người dân Sài Gòn khấp khởi đặt rất nhiều kì vọng vào triều đại mới, triều đại Nguyễn Thiện Nhân mà người dân quen lối nói gọn là Triều Đại Nhân.
Có nhiều cơ sở tin cậy, nhiều căn cứ xác đáng để người dân chờ đợi một Triều Đại Nhân sáng sủa, tươi đẹp sẽ đến với Sài Gòn. Không như những quan chức cộng sản tiến thân bằng lí lịch, ba đời ở đợ, làm thuê, học bổ túc công nông, học đại học tại chức, bằng cấp đầy mình nhưng học vấn vẫn trống rỗng. Nguyễn Thiện Nhân là con nhà nòi khoa bảng, được học hành tuần tự, nề nếp từ các trường phổ thông trong nước đến các trường đại học danh tiếng thế giới, có luận văn khoa học được hội đồng khoa học thế giới công nhận.
Trong khi đảng viên có chức quyền hối hả vơ vét, làm giàu; chỉ chủ tịch xã, giám đốc sở cũng dinh thự lớn, dinh thự nhỏ; Ủy viên bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân chỉ ở căn nhà bình dị được cấp giữa khu phố đông, sống giản dị, khiêm nhường, không bon chen, không điều tiếng, tì vết. Thay cái ác Lê Thanh Hải, thay cái nhí nhố, ồn ào phong trào, cái màu mè làm cảnh Đinh La Thăng bằng cái dung dị, chân chất Nguyễn Thiện Nhân, làm sao người dân Sài Gòn không mở to mắt trông chờ, mở rộng lòng hi vọng về một triều đại tốt đẹp mang tên Triều đại Nhân
Về với dân, về với sự mỏi mòn trông đợi, khắc khoải hi vọng của người dân Sài Gòn nhưng Nguyễn Thiện Nhân không nhìn xuống những khắc khoải của dân, chẳng có gì để nói với dân. chẳng cần nói gì với đám dân mang danh Sài Gòn nhưng là dân tứ chiếng. Ngồi ghế Bí thư thành ủy Sài Gòn, quan toàn quyền một cõi phương Nam, Nguyễn Thiện Nhân vẫn chăm chăm ngoái nhìn ra triều đình cộng sản Ba Đình, Hà Nội rồi rập đầu hứa hẹn với Ba Đình rằng Thành ủy Sài Gòn hứa với Bộ Chính trị không để xảy ra biểu tình!
Trời đất! Người dân là chủ đất nước. Người dân cử ra nhóm người quản lí đất nước, quản trị xã hội. Nhóm người đó được gọi là chính quyền, là công bộc của dân. Công bộc phải làm theo ý chí người chủ là người dân. Người dân là số đông. Số đông thể hiện ý chí bằng biểu tình ôn hòa, trật tự để điều chỉnh chính sách của chính quyền khi chính sách đó không hợp lòng dân. Đó là điều bình thường, lành mạnh và cần thiết của một xã hội có dân chủ. Chính quyền xây dựng chính sách quản lí đất nước, điều hành xã hội. Chính sách của chính quyền tử tế, đúng đắn, công minh, vì dân vì nước thì dân răm rắp chấp hành. Nhưng chính sách sai trái, méo mó, chỉ mang lại lợi ích cho nhóm quyền lực mà hại dân, hại nước thì dân phải lên tiếng.
Chính quyền và người dân là hai thực thể, hai pháp nhân bình đẳng trước pháp luật. Là hai pháp nhân bình đẳng, trong khi chính quyền có sức mạnh cai trị là quân đội, công an, tòa án, nhà tù thì người dân chỉ có sức mạnh của số đông. Và Hiến pháp đã cho người dân quyền dùng sức mạnh của số đông, quyền biểu tình để bày tỏ ý chí với chính quyền.
Quyền biểu tình cùng với quyền tư do ứng cử, bầu cử, quyền tự do ngôn luận là những quyền công dân cơ bản nhất, quan trọng nhất của người dân trong xã hội văn minh. Tỏ ra là chính quyền văn minh, nhà nước cộng sản cũng ghi rành rành trong Hiến pháp quyền biểu tình của người dân, điều 25. Nay ông Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân có hàm Giáo sư, từng qua hết trường đại học này đến trường đại học khác ở các nước văn minh phương Tây lại ngang nhiên chà đạp lên Hiến pháp, tước quyền công dân cơ bản của người dân Sài Gòn. Lãnh chúa của cái ác Lê Thanh Hải sắt máu huy động tất cả công cụ bạo lực nhà nước ra đàn áp đổ máu dân Sài Gòn biểu tình hợp pháp, chính đáng cũng không dám hé răng nói không để xảy ra biểu tình ở Sài Gòn. Vậy mà người được chờ đợi mang lại quyền dân cho dân Sài Gòn lại có thể nói điều ngang ngược tước quyền cơ bản của người dân.
Miệng hứa tay làm. Từ khi có những cuộc biểu tình chống Tàu cộng xâm lược, 2007, chưa có cuộc biểu tình nào lực lượng công an cộng sản Sài Gòn rải quân dày đặc, đàn áp khốc liệt như hai cuộc biểu tình chủ nhật 10.6. 2018 và chủ nhật 17.6.2018 trong Triều đại Nhân. Công an dựng hẳn trại giam dã chiến ở công viên Tao Đàn sát nơi cuộc biểu tình sôi sục của lòng yêu nước, của ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ý chí bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của người dân Sài Gòn, phản đối luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng. Người dân đầu trần, tay không biểu tình ôn hòa, hợp pháp phải hứng mưa dùi cui, roi điện, đấm, đá của công an đến ngất xỉu, bị ném lên xe bịt bùng đưa về trại giam dã chiến Tao Đàn, tiếp tực bị hành hung. Hàng trăm người dân Sài Gòn đã bị giam giữ và bị hành hung man rợ trong trại giam dã chiến Tao Đàn. Chỉ ở Triều đại Nhân mới có phát minh Trung cổ trại giam dã chiến!
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng nhìn ra sông Sài Gòn là nơi những ngày lịch sử đau thương, ngày 19.1, Tàu cộng đánh cướp quần đảo Hoàng Sa, (năm 1974), ngày 17.2, Tàu cộng mở đầu cuộc chiến tranh biên giới xâm lược nước ta, (năm 1979), ngày 14.3, Tàu cộng đánh chiếm mỏm san hô Gạc Ma và sáu mỏm san hô khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, (năm 1988), người dân Sài Gòn đều đến thắp hương tưởng nhớ những cháu con của Đức Thánh Trần đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống Tàu cộng xâm lược. Để không cho người dân trong những ngày lịch sử đau thương đó được làm nghi lễ của lòng yêu nước như những cuộc biểu tình nhỏ, chính quyền Sài Gòn Triều đại Nhân đã hèn hạ đến mức đã lén lấy đi lư hương trước tượng Đức Thánh Trần.
Như mọi năm, sớm ngày 17.2.2019 người dân Sài Gòn đến tượng đài Đức Thánh Trần với hương hoa trong tay bỗng ngơ ngác, bàng hoàng và phẫn nộ khi thấy lư hương đồng linh thiêng không còn nữa. Chềnh ềnh nơi đăt lư hương linh thiêng là chiếc xe đẩy gom rác vo ve ruồi nhặng.
Triều đại Lê Thanh Hải đã để lại cho Sài Gòn bầu trời âm u, nặng nề, ngột ngạt, oan nghiệt Thủ Thiêm. Về trị nhậm đất Sài Gòn, ông Nhân không thể không về Thủ Thiêm. Nhưng chui ra khỏi ô tô, ông Nhân đi giữa hai hàng công an mặc dân sự nắm tay nhau giăng thành hai dây xích người. Ngăn cách với dân bởi hai hàng bạo lực công an đã từng đánh đổ máu dân Thủ Thiêm, làm sao ông Nhân về được với dân! Đi trong hàng rào bạo lực công an rồi ông Nhân tọt vào nhà kín có vòng trong vòng ngoài công an, mật vụ chìm nổi dày đặc bủa vây. Dân oan không được bén mảng đến gần. Chỉ có ít dân được công an chọn lọc kĩ càng mới được vào nhà kín gặp quan toàn quyền Nguyễn Thiện Nhân. Hình ảnh ông Nhân về Thủ Thiêm đi giữa hai hàng xúc xích bạo lực công an cùng với những lời hứa gió bay của ông Nhân đã làm tê tái niềm hi vọng, chờ đợi của người dân Thủ Thiêm, đã làm ngỡ ngàng, tưng hửng người dân Sài Gòn về Triều đại Nhân.
Người dân cả nước đau nỗi đau Thủ Thiêm cũng như nỗi đau Đồng Tâm. Nắm toàn quyền cõi riêng Sài Gòn nhưng trái tim cộng sản sắt đá trơ lì Nguyễn Thiện Nhân không còn khả năng rung động với nỗi đau của người dân. Không có nỗi đau của người dân bị cướp đất phải sống kiếp vô gia cư, ông Nhân không chấm dứt được nỗi đau cho dân Thủ Thiêm mà còn gây thêm nỗi đau Thủ Thiêm cho dân nghèo Lộc Hưng, phường Sáu, quận Tân Bình. Giáp tết Kỉ Hợi 2019 ông Nhân cho lũ sai nha ầm ầm xe ủi, xe cẩu, dùi cui, roi điện, đến san bằng những căn nhà yên ấm của sáu trăm cư dân Lộc Hưng đang dọn dẹp nhà cửa, bày biện bàn thờ Chúa, bàn thờ tổ tiên đón tết Kỉ Hợi. Ông Nhân đã nhân rộng nỗi oan mất đất từ người dân mở đất Thủ Thiêm đến người dân công giáo di cư Lộc Hưng.
Và sự thất vọng ê chề, cay đắng lớn nhất của người dân Sài Gòn, sự sụp đổ hoàn toàn, sụp đổ thảm hại Triều đại Nhân trong mắt người dân là khi sắp hết nhiệm kì, ông Nhân đã dùng quyền lực Bí thư đảng bộ Sài Gòn khép lại hồ sơ tội ác cho kẻ tội phạm Tất Thành Cang. Lấy cớ hết thời hiệu kỉ luật, Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân chỉ phê bình nhẹ nhàng kẻ nợ máu lớn nhất với dân Thủ Thiêm, kẻ cướp nhiều nhất đất kim cương Sài Gòn ở Thủ Thiêm, ở Phước Kiển, kẻ rút ruột tiền của dân của nước nhiều nhất trong số những tội phạm tham nhũng của triều đại Lê Thanh Hải. Kết thúc hồ sơ tội ác Tất Thành Cang bằng bàn tay vỗ về phê bình vui vẻ, quyền lực toàn quyền Nguyễn Thiện Nhân đã cúi mặt đầu hàng tội ác triều đại Lê Thanh Hải, đã treo nỗi oan ngút trời của người dân Thủ Thiêm vào thời gian vô tận và đã để lại món nợ máu Thủ thiêm vào lịch sử đảng cộng sản.
Triều Đại Nhân được người dân Sài Gòn, người dân lương thiện cả nước tràn trề hi vọng đã kết thúc thảm hại thì Nguyễn Văn Nên hay bất kì một tên tuổi cộng sản nào cũng chẳng có gì để mong đợi!
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN