Trần Văn Chi
Những ai, trong chúng ta, ở độ tuổi 60 trở về trước, hẳn còn nhớ bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Có thể đã từng đọc qua hoặc đã nghe đâu đó kể, hoặc đọc qua một vài đoạn, vài bài trong đó. Ðã nửa thế kỷ qua đủ để chúng ta quên nó. Và đủ để chúng ta nhớ nó; nhưng dù thế nào nay đọc lại cũng gây cho chúng ta ít nhiều hoài niệm về thời thơ ấu. Thời mà ngày hai buổi cấp sách đến trường, thời ăn chưa no, lo chưa tới của tuổi học trò.
Ngày xưa người mình sanh ra ở đâu chỉ biết ở đó. Có người cả đời chưa biết tỉnh thành, phố chợ là gì! Ở xứ Nam Kỳ từ khi Tây vào thì hai hoặc ba làng mới có một cái chợ. Hồi còn nhỏ, được mẹ dẫn đi chợ là mừng húm; vì đi chợ là cái gì ‘ghê lắm’. Hồi đó chưa có khái niệm ‘văn minh’, ‘thành thị’. Người dân ở ruộng rẫy, nông dân nói chung được Tây gọi là “nhà quê” có nghĩa là quê mùa, dốt nát, nghèo khổ… trong đó có ý khi thị! (le nhà quê).
Ở quê tôi, mỗi sáng sớm người ta hay gởi đi chợ, nghĩa là thấy người xóm giềng đi chợ thì nhờ mua đồ giùm mình. Có người lãnh đi chợ mua đồ dùm hai, ba người là thường. Ði chợ, ngoài mua đồ nấu ăn, mẹ tôi thường mua bánh về cho chị em tôi. Bánh là chỉ chung quà ở chợ, như xôi, củ mì, củ lang, bánh bèo, bánh bò… và ít khi mua bánh ở tiệm Tàu như cốm, kẹo, bánh in… vì rất mắc tiền.
Con nít nhà quê không có gì hạnh phúc cho bằng trông mẹ đi chợ về. Mẹ vừa về tới cổng thì con nít la ó lên: “má về, má về…”.
Ngày nay trong dân gian có câu nói “trông như trông má đi chợ về”, là như vậy đó.
Tuổi trẻ lớn lên, thế hệ chúng tôi chỉ sống với ruộng rẫy, sông rạch, ao làng, đình, chùa, cầu tre, cầu khỉ… và do vậy cảnh nhà quê để lại cho thế hệ chúng tôi nhiều ấn tượng sâu đậm, khó quên.
Cái đó tôi cho là chỗ quê hương. Bạn sống ở vườn quanh năm cây xanh mát, cam quít trĩu nặng trên cành. Khi lớn lên, lưu lạc đó đây, bôn ba vì cuộc sống, nhưng không làm sao bạn quên được chỗ quê hương ấy của bạn.
Có bạn sống ở đồng (1), lớn lên gần gũi với vườn cà, líp rau, líp cải hay nộc trầu…; có bạn quanh năm sống trên ghe, trên tam bản, xuôi ngược sông hồ; còn tôi lớn lên ở ruộng rẫy (2); sông nước 6 tháng ngọt, 6 tháng nước mặn, quen bắt cồng, bắt cua, chăn vịt… Mỗi người chúng ta có một chỗ quê hương trong lòng. Ðúng như bài hát “quê hương mỗi người có một” là như vậy.
Nhớ lại năm xưa, lên tỉnh học, cuối tuần mới được về nhà; đạp xe trên đường làng, qua hai ba khúc quẹo, nhìn xa xa, xóm nhà mình hiện ra… lòng rộn lên nỗi vui mừng khó tả!!!
Tình cảm ấy ngày càng sâu đậm hơn mãi khi sau này tôi lên Sài Gòn học hành và làm việc.
Càng đi xa, càng bôn ba đây đó, càng đi thăm viếng đó đây, thì càng thấy yêu thương chỗ quê hương mình hơn.
Nay đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư, mới thấy thương cho các tác giả và thông cảm nỗi lòng yêu quê hương của quý ông. Bài tả câu chuyện Người đi du lịch về nhà; xin trích ra đây:
“Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giếng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”.
Người du lịch đáp lại rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất củ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được” – (Hết trích)
Tác giả chọn tựa cho bài trên là “chỗ quê hương đẹp hơn cả”.
Tựa của bài tập đọc nói về “Người đi du lịch về nhà” thật đơn giản nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đọc ai cũng hiểu và đúng với tình cảm của mọi người chúng ta.
Trên năm mươi năm, đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư trong tâm cảnh làm người ly hương, thì thật vô cùng cảm động, và thấm thía biết chừng nào với câu “Chỗ quê hương đẹp hơn cả”.
Chỗ quê hương trong mỗi chúng ta rất nhỏ bé, đơn sơ, không cần ai tô vẽ, bảo ta thương, bảo ta nhớ… nhưng sao nó mãi mãi chiếm trong tim ta một chỗ to lớn và mãi mãi bắt ta phải nhớ, phải thương.
Phải chăng chính chỗ quê hương ấy nó nuôi lớn chúng ta, giúp chúng ta sống mãi mãi như là người Việt Nam?
Nên dầu ở đâu, tôi vẫn thấy quê hương Việt Nam của tôi là đẹp hơn cả…
T.V.C.
_________
Chú thích:
(1) Ðồng: là vùng đất khô, nước sông không lên tới, làm ruộng nhờ mùa nước mưa, trồng rau, cải vào mùa nắng tưới bằng nước ao, nước giếng.
(2) Ruộng rẫy: ruộng vùng nước mặn, mùa mưa tưới ngập, đẩy nước mặn ra biển như vùng Gò Công Ðông Tiền Giang và một phần ở Bến Tre.
VNTB gửi BVN