Kinh phí công đoàn là phải dành cho người lao động

Mai Lan

Cần có một cơ quan nhà nước độc lập thuộc Chính phủ, tách biệt với tổ chức công đoàn để quản lý nguồn kinh phí công đoàn, và quyết định việc sử dụng, chi tiêu một cách hiệu quả nhất cho lợi ích của người lao động.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII nhấn mạnh “trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa…” (*)

Như vậy, căn cứ Hiến pháp 2013, “Điều 4.1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, cho thấy sắp tới đây để “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”, cần thiết dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Kinh phí công đoàn sao lại dành nuôi bộ máy Tổng Liên đoàn?

Hiện tại, mức phân bổ kinh phí công đoàn như sau: 69% tổng số thu kinh phí công đoàn do công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp sử dụng; 31% tổng số thu kinh phí công đoàn nộp công đoàn cấp trên.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán của Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đang có những vấn đề bất ổn như sau:

Một, nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, và không có thu khác từ tài chính công đoàn tích lũy, trong khi các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ, do đó, công đoàn cấp dưới bị hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.

Hai, chi lương phụ cấp và quản lý hành chính chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi công đoàn, đồng nghĩa với việc cứ chi cho người lao động 1 đồng lại mất 0,5 đồng chi lương và hành chính. So sánh với cùng cơ quan quản lý hành chính thì định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn rất nhiều so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước khác (chỉ từ 43,7 – 60,7 triệu đồng), tức là hơn từ 500% tới cả nghìn %.



Một số cấp công đoàn sử dụng nguồn tích lũy chưa hiệu quả do chưa cân đối giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi, nên chỉ gửi các khoản tiền ngắn hạn hoặc không kỳ hạn. Hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh – liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn còn chưa có cơ chế cho vay rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Từ đó, nhiều đơn vị đầu tư khó có khả năng thu hồi vốn. Thêm vào đó, việc đầu tư các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy, nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.

Như vậy, khoản kinh phí công đoàn phải được đối xử đúng ý nghĩa của nó là chăm lo đời sống của người lao động, đầu tư vào các hoạt động cho người lao động. Toàn bộ hoặc tối đa kinh phí công đoàn phải được dành cho các lợi ích của người lao động. Điều đó có nghĩa là cần xem xét lại phương thức quản trị lâu nay là dùng kinh phí công đoàn làm kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong khi đảm bảo kinh phí hoạt động này thuộc về ngân sách nhà nước đã được quy định rõ trong Luật Ngân sách Nhà nước.

Khoản tiền này cũng không nên được tiếp tục gọi là kinh phí công đoàn, vì nó sẽ tạo ra sự nhầm lẫn và mâu thuẫn về mục đích ý nghĩa của khoản thu như đã nêu trên.

Quyền tự do công đoàn và tự do về các khoản phí

Trong bối cảnh Bộ Luật lao động Việt Nam sẽ cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác của họ ngoài công đoàn. Điều đó đòi hỏi công đoàn phải chứng minh được tính độc lập, sự hấp dẫn, và hiệu quả hoạt động của mình để thu hút, cạnh tranh tầm ảnh hưởng của mình với các tổ chức đại diện người lao động khác – các tổ chức không nhận được kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

Do vậy cần có một cơ quan nhà nước độc lập thuộc Chính phủ, tách biệt với tổ chức công đoàn để quản lý nguồn kinh phí công đoàn này, và quyết định việc sử dụng, chi tiêu một cách hiệu quả nhất cho lợi ích của người lao động.

Vấn đề đặt ra ở trên được hiểu theo bối cảnh sẽ có các tổ chức đại diện người lao động khác ngoài công đoàn, độc lập và bình đẳng với công đoàn. Do vậy cần phải có một cơ chế công bằng và minh bạch, rạch ròi về khoản tiền này, nhằm tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các tổ chức đại diện của người lao động hoạt động.

Song song đó, còn là đòi hỏi xây dựng kế hoạch chi tiêu và quản lý hiệu quả tài chính công đoàn, và tinh gọn bộ máy nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và tối đa hóa chi phí, ưu tiên cho các hoạt động dành cho người lao động như các quốc gia khác trong lãnh vực công đoàn – mặc dù sự khác biệt ở đây rất có thể chỉ là tên gọi của yêu cầu mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa…”.

_________

Chú thích:

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-chu-trong-nhieu-hon-den-bao-dam-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-1289297.html

M.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Công đoàn CS. Bookmark the permalink.