Trước cửa giảng đường, nghĩ về tự chủ Đại học

Nguyễn Hồng Lam

Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh ghi ý kiến của GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, về trường hợp của em học sinh cõng bạn Ngô Văn Hiếu. Ông Tú nhìn nhận đó là trường hợp đặc biệt, một tấm gương tốt, cần được xem xét.

“Thế nhưng theo quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD&ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu. Vậy nên Trường ĐH Y Hà Nội phải tuân thủ quy chế tuyển sinh đại học, và không thể đặc cách cho thí sinh này”.

Bây giờ, việc tranh cãi nên hay không đặc cách cho Hiếu đã không còn cần thiết nữa. Hiếu cũng đã bày tỏ: em không mong được đặc cách, nếu được cũng sẽ từ chối. Thêm một lần nữa, sau hành trình 10 năm cõng bạn, Hiếu đáng được khâm phục và gây xúc động với câu trả lời.

Tôi muốn quanh câu chuyện bàn về ý khác: tâm thế để xây dựng quyền tự chủ đại học, tự chủ giáo dục. Giả sử, ngay từ đầu, trước khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng, Trường Y Hà Nội ra quyết định nhận em Hiếu theo nguyện vọng đăng ký, tôi tin chắc cả xã hội sẽ không ai phản đối. Lãnh đạo Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục cũng sẽ không phản đối hay phạt vì Trường có quyết định năm ngoài quy chế. Bởi, điểm học – thi của thí sinh cũng rất tốt, chỉ thiếu 0,25. Hơn nữa, nhận em cũng không tạo ra tiền lệ để khiến có sự so bì, vì tình bạn, sự hết lòng vì bạn như trường hợp Hiếu – Minh không có cơ hội lặp lại ở dạng số nhiều. Nếu nhận Hiếu, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ ghi thêm một dấu son nhân văn.

Trong trường hợp đó, dư luận sẽ đồng tình, mừng cho Trường Y Hà Nội có vinh dự – chứ không phải thí sinh vinh dự – được nhận về một sinh viên sáng ngời phẩm cách, một biểu tượng xúc động. Nó chứng tỏ, việc tuyển chọn sinh viên của trường đầy tính khai phóng, quan tâm đến phẩm chất toàn diện của đối tượng trường sẽ đào tạo, không chỉ tuyển chọn quan liêu, cứng nhắc trên giấy tờ, điểm số. Trong trường hợp đó, không chút mặc cảm, tôi tin em Hiếu sẽ vui mừng, bởi thỏa nguyện vọng.

Nhưng chữ nếu đã không xảy ra. Không có gì sai cả, chỉ là một cơ hội thể hiện tự chủ đại học bị bỏ lỡ khi nhà trường vẫn phải đắn đo chuyện trong – ngoài quy chế để giải thích rằng không thể đặc cách. Chuyện này, xảy ra ở chiều này hay chiều kia cũng không có gì mới mẻ. Các trường ĐH lớn trên thế giới, ngoài kiểm tra thành tích học tập, họ còn đánh giá cao các hoạt động xã hội, thể thao, đóng góp cộng đồng mà học sinh tham gia. Ngoài ra, học sinh dự tuyển còn phải viết bài luận (essay) để tự trình bày suy nghĩ, cảm xúc, thiên hướng của mình.

Trong nhiều trường hợp, cán bộ tuyển sinh còn mời gặp, phỏng vấn trực tiếp để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng, đánh giá năng lực, ý thức xã hội… của học sinh dự tuyển ngay từ khi các em chưa kết thúc chương trình phổ thông để có thể trình ra kết quả điểm số – thước đo duy nhất trong tiểu chuẩn tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Đối với sinh viên nước ngoài, một thư giới thiệu (recommendation) của một nhà giáo, nhà khoa học có uy tín cũng là một lợi thế chắc suất để các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới ở Anh, Mỹ, Pháp, Úc…. tiếp nhận và cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh để bảo đảm kéo được họ về trường mình. Việt Nam, tại sao không?



Nó làm tôi nhớ vài câu chuyện cũ. Họ Lê là một cự tộc ở Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông Lê Văn Kỷ, con trai cử nhân Lê Văn Nhiễu đậu ông Nghè trong khoa thi Nho học cuối cùng của thời phong kiến vào năm 1918. Đó cũng là năm em út – trong 10 anh em trai – Lê Văn Thiêm ra đời. Cụ Nghè Kỷ từng là đốc học Bình Thuận trước khi được thuyên chuyển ra làm Đốc học Quy Nhơn và đưa em út theo nuôi ăn học, nuôi dưỡng giấc mơ tri thức. Dù Lê Văn Thiêm chỉ xếp thứ 6 trong thứ tự tốt nghiệp (mất tổng cộng chỉ 6 năm cho chương trình trung học 9 năm) như quy định, Hiệu trưởng trường Quy Nhơn, một nhà Toán học gốc Do Thái, vẫn ghi tên anh lên đứng đầu trong danh sách tuyên dương. Ông giải thích ngắn gọn: “Vì anh ấy giỏi hơn tôi!”.

Vào năm 1939, cậu học trò Lê Văn Thiêm đã xuất sắc tốt nghiệp chương trình đại cương PCB (Lý – Hóa – Sinh) ở Hà Nội. Với thư giới thiệu của nhà toán học lừng danh Brachet, ông được cấp học bổng sang Pháp du học tại Trường Đại học Sư phạm Paris (école Normale Supérieure). Năm 1943, Lê Văn Thiêm đã lấy xong Thạc sĩ Toán học, đến năm 1945 lấy xong Tiến sĩ Toán học tại Đại học Göttingen, Đức, trước khi Đế chế Quốc xã sụp đổ chỉ 3 ngày. Đến năm 1948, ông trở thành TS quốc gia của Pháp.

Lê Văn Thiêm là con cô, còn Lê Thiệu Huy (con trai GS Lê Thước) là cháu cậu, sinh sau 3 năm (1921). Ở Trường Lycée Albert Sarraut, anh là “nhà vô địch tuyệt đối” trong suốt thời gian học, tốt nghiệp vào năm 1939. Ngày tốt nghiệp, Hiệu trưởng Trường Albert Sarraut đã mời bà Lê Thị Ba, mẹ anh từ Hà Tĩnh ra Hà Nội chứng kiến, mời bà cụ nhà quê lên hàng ghế khách mời danh dự. Ông bày tỏ: “Tôi muốn được diện kiến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ với bà mẹ nào có thể sinh ra một người con xuất sắc đến vậy”. Sau đó, Lê Thiệu Huy cũng thi vào Ban PCB để rồi hoàn tất hạng xuất sắc 3 chứng chỉ Toán đại cương, Vật lý đại cương, và Cơ lý thuyết, chỉ thiếu 1 chứng chỉ nữa là có bằng cử nhân, trước khi vào học Đại học Y Hà Nội vào năm 1942. Thú vị là, ông cũng học toán với GS Brachet và được thầy đánh giá: “Tôi chưa thấy học sinh nào xuất chúng như Lê Thiệu Huy…”. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dạy Cơ lý thuyết thì khẳng định: “Tôi có 2 học trò giỏi đều quê ở Đức Thọ là Lê Văn Thiêm và Lê Thiệu Huy. Các trò khác không sao sánh kịp!”.

Đáng tiếc, Chiến tranh Thế giới thứ hai đã chặn mất con đường du học của Lê Thiệu Huy, khiến anh không thể đi đến tận cùng trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học

Mùa xuân năm 1946, mặt trận Savanakhet bị vỡ, Tham mưu trưởng Liên quân Việt – Lào Lê Thiệu Huy đã lấy thân chắn đạn cho Hoàng thân Suphanuvong khi đang trên thuyền vượt sông Me Kong sang đất Thái Lan. Anh hy sinh khi mới 26 tuổi. Vài năm sau đó, khi bảo vệ TS Quốc gia tại Pháp, Lê Văn Thiêm đã ghi lên trang đầu của bản luận án dòng chữ bằng tiếng Đức: “Để tưởng nhớ bạn Lê Thiệu Huy đã hy sinh cho Tổ Quốc Việt Nam trên sông Me Kong”. Bản luận văn này hiện đang được lưu giữ tại Nhà thờ họ Lê, Trung Lễ, nay đã hợp thành xã Trung Lâm Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Anh cả đậu TS trong khoa thi Nho học cuối cùng thời phong kiến, em út trở thành TS toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đúng 30 năm – độ chênh trong tuổi đời của họ. Ở giữa khoảng cách đó là tình bạn, tình người, là khát vọng khoa học không đến đích với một tài năng đoản mệnh khác. Tên tuổi của họ sẽ còn được lưu truyền rất lâu trong lịch sử đại học Việt Nam như những nét son rực rỡ của tinh thần, khát vọng khoa học và khai phóng.

Dù sao họ cũng may mắn, có được những người thầy thiên tài để ngay từ đầu đã nhận ra, khích lệ tố chất thiên tài của họ. Đó là chữ dũng, là phẩm cách cần thiết, quan trọng ở những người thầy lớn để có thể đi đến một nền giáo dục tiến tiến và phát triển. Với những gì đang xảy ra, tôi nghĩ chúng ta vẫn đang thiếu một chữ dũng để tạo nên tâm thế sẵn sàng cho một nền đại học tự chủ, trước tiên là trong việc nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn con người từ những người thầy.

Dường như, xu thế chung là đại học Việt Nam chỉ thích tự trị, chưa sẳn sàng tự chủ. Tự chủ đại học là giáo dục khai phóng thì muôn vàn khó khăn, lại khó được chấp nhận, không mấy an toàn. Giáo dục đại học đang lẩn quẩn trong vòng thích “tự trị” các khoản thu chi dễ gây tranh chấp, nhưng chưa sẵn sàng “tự chủ” về mặt trách nhiệm quản lý và đào tạo. Tự trị đại học, không như nguyên nghĩa của từ “tự trị”, thật ra là chẳng tự trị, vẫn tuân theo những quy chế, quy định đã lỗi thời một cách cứng nhắc, song lại có điều kiện để mè nheo, vòi vĩnh với bao nhiêu lợi lộc. Chỉ có thành tựu giáo dục và sự phát triển của bao nhiêu thế hệ sinh viên là đã và còn sẽ phải hứng chịu nhiều những thiệt thòi.

N.H.L.

Nguồn: FB Lam Hồng Nguyễn

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam. Bookmark the permalink.