Chính sách đối với Trung cộng của Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden

Vũ Ngọc Yên

Xây dựng lại một nước Mỹ đang chia rẽ đến cực độ để trở thành một sức mạnh gắn kết, có nền dân chủ tốt đẹp và lấy lại vai trò tiên phong trên toàn cầu là điều hết sức cần thiết. Khôi phục lại mối quan hệ truyền thống với các đồng minh nhằm tái lập một mặt trận hòa bình vững mạnh trên thế giới cũng là ý tưởng rất hay. Giành lại vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với các tổ chức của LHQ không để chúng lọt hết vào tay kẻ xấu, từ lâu những ai có tầm hiểu biết đều thấy điều đó phải là ưu tiên đối với cường quốc số một thế giới này. Nhưng, đây là chữ nhưng vô cùng hệ trọng: nhận thức về một nước Trung Hoa Cộng sản đang chuyển hóa sang phát xít đe dọa sự sống toàn cầu trong thế kỷ XXI này bằng cách lấy trừng phạt về nhân quyền làm biện pháp chính yếu, ngoài ra vẫn coi đấy là một đối tác hàng đầu có sức thúc đẩy lẫn nhau tiến lên trong xây dựng kinh tế, văn hóa và nhất là trong vai trò điều hành thế giới thì trước sau thế nào cũng hỏng, nói trắng ra là thất bại.

Về mặt chiến lược, mục tiêu bá chủ thế giới của Cộng sản từ khi thể chế độc tài đó sinh ra (1917) cho đến tận hôm nay chưa có mảy may nào thay đổi. Hai vũ khí thâm hiểm của Cộng sản giúp nó giành chính quyền là “chuyên chính” và “bạo lực” trong hơn 100 năm qua cũng cho thấy đã được dùng rất hữu hiệu, không chỉ để nô dịch nhân dân nước nó mà còn từng bước đưa nhân loại vào vòng nô lệ. Cứ thử ngẫm mà xem, từ khi Tổng thống Nixon và ông Kissinger “tháo cũi sổ lồng” cho Trung Cộng, nhà nước sắt máu đó đã mở rộng dân chủ được đến đâu, đã đóng góp cho loài người được những gì? Và các thế hệ Tổng thống Hoa Kỳ từ Nixon đến nay đã lấy chính sách trừng phạt nhân quyền làm cho Trung Cộng rụng được những mảy lông nào? hay là chỉ càng giúp nó biết hết tài phép của phe dân chủ để càng giở hết mọi trò hung hăng trong việc nô lệ hóa Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và chiếm đoạt biển Đông, chặn đường huyết mạch giao thương từ xưa của nhân dân thế giới?

Nếu ngài Biden không sớm tỉnh táo trong nhận thức để bổ sung vào đường lối đối phó Trung Quốc của mình cái phần mạnh của ngài Trump thì nếu như ngài được ngồi vào chiếc ghế Tổng thống, không chóng thì chầy, chúng tôi e nước Mỹ sẽ nhận lấy những bài học cay đắng, không phải đối nội mà là đối ngoại, cụ thể là đối với con quỷ đỏ đang mang lốt người có tên Trung Cộng, và đang sẵn sàng giở mọi mưu kế ấp ủ trong mấy chục năm qua để nhanh chóng đẩy Hoa Kỳ xuống chiếc chiếu hạng nhì để nó lên ngôi nắm cương toàn cầu.

Bauxite Việt Nam

Ngay sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày 29/9, nhiều hãng truyền thông đã tiến hành các cuộc thăm dò dư luận nhằm đánh giá khả năng thể hiện của mỗi ứng cử viên.Theo đó, ứng viên Dân chủ Joe Biden được đánh giá cao hơn so với đương kim Tổng thống Donald Trump. uộc thăm dò do CBS News thực hiện cho biết 48% khán giả cho rằng Biden đã giành chiến thắng, trong khi tỉ lệ này đối với Tổng thống Trump là 41%. Cuộc thăm dò của kênh truyền hình CNN  cũng cho thấy 60% khán giả nhận định Joe Biden đã thắng cuộc tranh luận, trong khi Tổng thống Trump chỉ nhận được 28%.

Tin tổng Thống Donal Trump bị nhiễm dịch Coid-19 vào ngày 2.10  là một sư kiện bất ngờ của tháng Mười (october surprise). Một làn sóng thương cảm Trump được khơi động nhưng đã không thể  xoay chiều dư luận. Trong các cuộc thăm dò dư luận ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden luôn dẫn trước đương kim ổng thống  Donald  Trump.

Ngày 4.10. nhật báo Wall Street Journal và đài truyền hình NBC  công bố kết quả cuộc thăm dò mức độ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống  vào đầu tháng 11. Theo đó  Joe Biden dẫn trước  Donald Trump với  tỷ lệ 53% so với 39%.

Ngày 6.10  cuộc thăm dò mới nhất của đài CNN loan tin  Biden dẫn trước 57% so với 41%  cho Trump .

Nói chung trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận ứng cử viên tổng thống Dân chủ Joe Biden luôn dẫn trước đương kim Tổng thống Cộng hoà  Donald  Trump. Tuy các kết quả thăm dò của các cơ quan truyền thông  và học viện khảo sát ý dân cuối cùng  chưa hẳn sẽ đồng nhất với kết quả  bầu cử, nhưng  có ý nghĩa như một chỉ dấu có xác suất cao dành cho chiến thắng  của một ứng viên được lòng dân. Đại dịch Covid-19 ( 7.776.796 người nhiễm bệnh,  216.788 người tử vong) đã làm giảm cơ hội tái đắc cử của Donald Trump.

Thế giới đã quá rõ việc làm trong bốn năm cầm quyền của Donald Trump nên nay muốn biết Tân Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đưa ra những định hướng gì cho chương trình cầm quyền, đặc biêt về các vấn đề an ninh, đối ngoại?

Tiêu điểm chính trong chương trình cầm quyền  

Chủ trương „Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại“ đã không thể  thực hiện được một khi nhân dân còn bị phân hoá vì chủng tộc, giai cấp, tôn giáo và bạo loạn. Biden đã tuyên bố trong các cuộc tranh cử rằng  Ông sẽ là Tổng thống của nước  Hợp chủng quốc và là Tổng thống của mọi người dân Mỹ. Tân chính quyền Biden-Harris sẽ nỗ lực  tái thiết quốc gia và phục hồi nền dân chủ Mỹ đã bị “phá hỏng” dưới thời của Trump. Công bằng xã hội, hài hoà chủng tộc, y tế toàn dân, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ khí hậu và môi sinh là trọng điểm của chương trình cải cách toàn diện nước Mỹ.

Sách lược an ninh, đối ngoại của Biden là xây dựng lại các mối quan hệ ngoại giao, đối tác quốc tế và đồng minh đã bị Trump xóa bỏ qua đường lối „nước Mỹ trước hết“. Biden chủ trương kết hợp sức mạnh của các đối tác và đồng minh lại với nhau sẽ giúp Mỹ duy trì được vị thế siêu cường số một trên toàn cầu thay vì rút lui hoặc hành động đơn phương.

Biden chủ trương “không quân sự hóa” chính sách đối ngoại và không hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cho dù Nga – Hoa đang mở rộng năng lực hạt nhân của mình ở quy mô lớn.

Biden sẽ xét lại chính sách áp thuế trong lãnh vực ngoại thương vì chính sách này gây hại cho người dân Mỷ và không mang lại tác dụng cải thiện cán cân  thương mại.

Một số ưu tiên trong chính sách an ninh - đối ngoại được dự bị tiến hành

Triệu tập  “Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ” để thảo luận cách nước Mỹ hợp tác với các quốc gia khác hướng tới hòa bình và thịnh vượng.

Trở lại hợp tác với châu Âu, Nga, Trung Quốc và  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong Thỏa thuận Hạt nhân Ba Tư, vốn đã bị  Trump bãi bỏ năm 2018.

Tái gia nhập Thỏa thuận Biến đổi Khí hậu Paris và đòi xét lại các quy định gây tốn kém nặng cho nền kinh tế Mỹ.

Cải thiện quan hệ với một số nước trong khối quân sự  NATO  với hy vọng thiết lập một mặt trận thống nhất hơn để chống lại mối đe dọa từ Nga.

Cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu – EU, đặc biệt là liên quan đến thương mại, an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu..

Tái cam kết với các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Ủy ban Nhân quyền và Tòa án Hình sự Quốc tế – đây là những tổ chức mà  Trump đã đơn phương  ngừng tài trợ hoặc rút lui.

Thiết lập lại quan hệ ngoại giao và kinh tế bình thường với Cuba và có lẽ cả với Venezuela bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tẩy chay, đồng thời mở rộng thương mại và du lịch.

Triển hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) với Nga,

Tăng cường hợp tác với  Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc

Tăng cường đối thoại khu vực với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình triển khai vũ khí hạt nhân.

Chính sách đối với Trung cộng

Ứng cử viên Dân chủ Biden có 50 năm kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, chủ yếu trong thời gian giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (từ 2007-2009) và  là Phó Tổng thống của  Barack Obama (2009-2017). Hơn nữa ông cũng có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với Trung cộng.

Trọng tâm chính sách Trung cộng của Biden là các vấn đề thương mại, nhân quyền, hạn chế xuất khẩu công nghệ, xung đột khu vực và biến đổi khí hậu.

Joe Biden từng chỉ trích Tổng thống Trump đã để mất ảnh hưởng toàn cầu vào tay Bắc Kinh bằng cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ người dân ở Nhật Bản và Úc có cái nhìn tích cực về Mỹ đã giảm xuống lần lượt 41% và 33% – mức thấp kỷ lục. Những mức hỗ trợ giảm mạnh này có thể là do nhận thức rộng rãi của công chúng xếp hạng phản ứng của Mỹ đối với đại dịch COVID-19 là thấp nhất trên thế giới và đặc biệt là sự thiếu tin tưởng vào Donald Trump. Sự tin tưởng của Hàn Quốc đối với Trump vào năm 2020 chỉ ở mức 17%, so với 88% đối với Tổng thống Barack Obama vào năm 2016. Nhìn chung, phần lớn người dân có quan điểm tiêu cực với Mỹ. Tại  Nhật Bản  54%  và Úc 64% .

Để chống lại bá quyềnTrung Cộng, Mỹ cần huy động sự ủng hộ toàn cầu. Kế hoạch của Biden là  hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng như trong các tổ chức đa phương và quốc tế như ASEAN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức khác.

Chính sách Trung cộng của Biden sẽ  chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Biden cho rằng điều này giúp cho Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu về giá trị chứ không chỉ về thương mại. Đây là khuôn khổ chính sách truyền thống của Mỹ mà chính quyền Trump đã xem nhẹ. Biden công bố ý định sẽ thành lập một liên minh quốc tế làm tăng sức cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng.

Trong các cuộc tranh luận gần đây, Biden tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt về vấn đề nhân quyền. Cụ thể là áp dụng Đạo luật Magnitsky, một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2016 cho phép chính phủ xử phạt các cá nhân bằng cách đóng băng tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh vào Mỹ.

Chính sách thương mại của Biden sẽ không xây dựng trên chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, Biden vẩn buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về các cam kết của mình theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết vào tháng 1 năm 2020. Không tuân thủ các quy định thỏa thuận có thể gây ra phản ứng chính trị mạnh mẽ. Biden bác bỏ ý kiến ​​cho phép các công ty Trung cộng tham gia vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Chiến lược chính trị ngăn Trung cộng tiếp cận cơ sở hạ tầng và công nghệ quan trọng vì lý do an ninh quốc gia đã xuất hiện dưới thời chính quyền Obama. Chính quyền Trump chỉ đơn giản là tuân theo những xu hướng do Obama đặt ra và củng cố chúng.

Để tăng cường vai trò của Hoa Kỳ trong chính sách thương mại đa phương, toàn cầu, Biden dự tính tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc đề xuất một liên minh kinh tế khác thay thế.

Biden tưng khẳng định “Tôi sẽ cứng rắn với vấn đề nhân quyền ở Trung cộng cùng với các hành vi quân sự hóa của nước này trên Biển Đông và một loạt vấn đề khác “. Chính quyền Biden sẽ duy trì các hoạt động quân sự và các biện pháp chế tài để chống lại  các động thái ngang ngược, hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.

Bất chấp sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung cộng, vẫn có những lĩnh vực mà hai quốc gia có thể cộng tác một cách xây dựng. Biden đề nghị Trung Quốc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực như A Phú Hãn, Ba Tư và Triều Tiên. Mỹ và Trung cộng cùng chia sẻ trách nhiệm  trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thay lời kết

Nếu liên danh Dân chủ Biden Harris thắng cử.Nước Mỹ sẽ thay đổi thực sự.

Nền dân chủ pháp quyền sẽ được phục hồi. Hoà bình xã hội được tái lập để mọi công dân Mỹ không phải tranh chấp nhau vì chủng tộc,tôn giáo và cách biệt giầu nghèo để cùng nhau sát cánh phục hưng sớm nền kinh tế thảm hại hiện tại Có thể sự thay đổi quan trọng nhất mà Tổng thống Biden tìm kiếm là quay trở lại chủ nghĩa đa phương và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ trong việc phục vụ hoà bình thế giới cũng như giải quyết sự cạnh tranh chiến lược với Bá quyền Trung cộng.               

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in bầu cử Mỹ. Bookmark the permalink.