RFA 2020-09-29
Một bản “Báo cáo Đồng Tâm” vừa được công bố ấn bản lần thứ 3 vào cuối hạ tuần tháng 9, được cho biết là bản hoàn chỉnh nhất bằng song ngữ Việt-Anh, sau hai ấn bản trước đó lần lượt được phổ biến vào ngày 16/1/2020 và ngày 9/2/2020.
Báo cáo Đồng Tâm, được thực hiện bởi nữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, từng bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ trong đợt người dân trong nước biểu tình chống hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018.
Báo cáo Đồng Tâm, ấn bản thứ 3 bằng song ngữ Anh-Việt là bản đầy đủ nhất trong 3 bản được phổ biến trong năm 2020. Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited
Nhà báo Phạm Đoan Trang dành cho RFA một cuộc phỏng vấn ngắn về ấn bản thứ 3 của “Báo cáo Đồng Tâm”. Trước hết, cô Phạm Đoan Trang cho biết về mục đích công bố ấn bản thứ 3 của Báo cáo Đồng Tâm, sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đồng Tâm kết thúc.
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Mục đích của Will Nguyễn và tôi khi làm báo cáo này là chúng tôi tin rằng Chính quyền Cộng sản, hay các nhà nước độc tài nói chung, thì họ luôn luôn ghét văn bản. Chúng tôi hay nói đùa rằng “Nhà Sản sợ văn bản”. Tức là, cái gì được ghi lại thì họ ghét và sợ. Bởi vì, họ quen với mọi thứ bằng miệng, chỉ đạo miệng hay bằng tin nhắn, lệnh miệng… mà không phải bằng văn bản để dễ chối tội sau này. Đặc biệt họ rất ghét những hành động sai trái của họ, thậm chí là những tội ác của họ bị ghi chép lại. Ghi lại mà dù chưa bao giờ được công bố thì họ cũng ghét và sợ.
Chính vì thế mà chúng tôi muốn làm báo cáo này. Mục đích đầu tiên là có tác dụng lưu trữ. Họ càng không muốn bị ghi lại (vụ án Đồng Tâm) thì chúng tôi ghi nó lại. Và, ghi lại bằng một ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh để cho người đọc trên thế giới biết đến vụ án. Đồng thời, báo cáo cũng được ghi lại bằng tiếng Việt để cho người Việt Nam đọc. Mục đích báo cáo bằng song ngữ là vậy.
Thứ hai nữa, chúng tôi rất mong đây có thể trở thành một bộ hồ sơ, một công cụ để những người có thể có năng lực và có quan tâm thì có thể đi vận động quốc tế cho vấn đề Đồng Tâm để giúp đỡ cho bà con Đồng Tâm; ít nhất là họ tránh được án tử hình và chấm dứt việc họ bị khủng bố, đe dọa triền miên như thế này.
Chúng tôi rất mong đây có thể trở thành một bộ hồ sơ, một công cụ để những người có thể có năng lực và có quan tâm thì có thể đi vận động quốc tế cho vấn đề Đồng Tâm để giúp đỡ cho bà con Đồng Tâm; ít nhất là họ tránh được án tử hình và chấm dứt việc họ bị khủng bố, đe dọa triền miên như thế này.
Chúng tôi rất muốn quốc tế có thể lên tiếng đề nghị để Nhà nước Việt Nam đồng ý cho phía quốc tế mở một cuộc điều tra độc lập về vụ án Đồng Tâm.
Tôi biết trên thế giới có những tổ chức có thể làm những chuyện đó một cách độc lập. Thật sự, tôi nghĩ vấn đề Đồng Tâm cũng chẳng cần để chuyên gia quốc tế điều tra độc lập. Bởi vì, những sai phạm của công an đã quá rõ ràng trong quá trình tố tụng. Cho nên, thậm chí họ chỉ cần cho phép điều tra độc lập ở trong nước thôi thì cũng tìm ra được sự thật rồi. Hồi ngày 13/1, Tạp chí Luật Khoa đã gửi một bản câu hỏi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Tô Lâm hay Bộ Công an mà trả lời trung thực một trong những câu hỏi đấy thì cũng đầy thông tin. Nghĩa là đối với điều tra độc lập, tôi nghĩ về mặt chuyên môn hay kỹ thuật thì không khó và không cần đến quốc tế. Thế nhưng, chắc chắn khi quốc tế đề nghị thì may ra Nhà nước Việt Nam còn cân nhắc, chứ trong nước thì người dân không thể nào đối thoại với nhà cầm quyền cả.
RFA: Trong nội dung của bản báo cáo có những câu hỏi và câu trả lời. Vì sao lại chọn hình thức báo cáo như vậy?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Như vừa mới nói là chúng tôi muốn báo cáo được lưu trữ lại và có thể tiếp cận đông đảo độc giả. Chúng tôi cũng muốn báo cáo được viết một cách đảm bảo nguyên tắc khoa học, tức là phải chính xác dựa vào sự thật, bằng chứng… nhưng phải được viết bằng cách dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu. Tức là, những người không hiểu biết gì về pháp luật, không cần có hiểu biết gì về lịch sử tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, không cần quan tâm đến quy trình là nhà nước đã đền bù chưa… mà chỉ cần đọc báo cáo này thì có thể hiểu toàn bộ vụ án đấy. Bằng nhận thức thông thường là có thể hiểu toàn bộ bản chất vấn đề vụ án Đồng Tâm.
RFA: Chúng tôi thấy có một điểm nhấn mạnh trong báo cáo mà dường như truyền thông cũng không được biết nhiều. Nhờ chị Đoan Trang cho biết thêm chi tiết, qua báo cáo, khi vụ việc Đồng Tâm xảy ra vào đêm rạng sáng ngày 9/1/2020 thì có những thông tin nào được tiết lộ để cho biết rằng đây là một kế hoạch quy mô của Bộ Công an và Chính quyền Việt Nam tấn công Đồng Tâm?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Theo như trong báo cáo, chúng tôi cũng đã vạch ra một điểm cho thấy rằng là không hề có chuyện công an đi đến bảo vệ việc xây dựng hàng rào Miếu Môn, rồi sau đó bị người dân từ trong làng kéo ra tấn công và công an tấn công ngược lại, truy sát và tiêu diệt các đối tượng, đồng thời vô hiệu hóa cuộc tấn công của bà con trong làng Đồng Tâm. Không có chuyện đó, mà tất cả là kế hoạch gọi là tác chiến đã được công an chuẩn bị từ lâu và họ chuẩn bị trên cả phương diện quân sự, vũ khí, số lượng quân lẫn phương tiện truyền thông.
Tôi nghĩ ít nhất đã có một cuộc diễn tập từ trước. Vào ngày 2/1, một người dân ở làng Đồng Tâm đã quay được một video clip diễn tập của công an giống y như buổi tấn công vào làng Đồng Tâm. Người quay clip đã gửi clip đó cho người dân làng Đồng Tâm. Sau đó, anh này cũng đã bị bắt. Trong cáo trạng có nêu chuyện đó. Clip này đã được gửi từ ngày 2/1, có nghĩa là công an đã tập dượt từ trước.
Ngoài ra, còn rất nhiều các điểm khác cho thấy đã có sự chuẩn bị trước đó. Ví dụ như trên phương diện truyền thông chẳng hạn, họ đã hạn chế nội dung của một số facebooker nổi tiếng như Bùi Văn Thuận bị báo cáo hạn chế nội dung vào đúng ngày 8/1, trước khi xảy ra tấn công một ngày. Những facebooker khác thường hay nhận những lời kêu cứu từ dân làng Đồng Tâm như Phan Văn Bách ở Hà Nội hay Bùi Thị Minh Hằng ở Vũng Tàu cũng đều bị khóa facebook ngay trước giờ họ tấn công.
Thật ra từ lúc buổi tối thì không khí đã rất căng thẳng, đã có rất nhiều tín hiệu SOS từ trong làng Đồng Tâm báo ra và tiếp theo là các trang web của làng Đồng Tâm đều bị đánh sập. Và, từ 3 giờ sáng đã có một làn sóng dư luận viên trên mạng chửi bới bà con Đồng Tâm rồi. Nếu không phải dư luận viên hay những người có nhiệm vụ thì chẳng ai thức từ 3 giờ sáng cả. Tức là đã có sự chuẩn bị từ trước rất kỹ càng.
Các bản án tù dành cho 29 người dân Đồng Tâm, được tuyên trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/9/2020. Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited
RFA: Qua diễn tiến tại phiên tòa sơ thẩm, báo cáo nhấn mạnh những điểm nào để cho thấy phiên tòa này là không hợp pháp?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Ngay từ đầu phiên tòa này đã không hợp pháp vì đã không đảm bảo quyền được xét xử công bằng (right to fair trial) của các bị cáo. Bởi do tất cả các lời khai mà phía công an có được nhờ vào ép cung và tra tấn. Chỉ vì điều đó thì đã khiến cho những lời khai trở thành vô giá trị rồi. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng họ vẫn tiến hành phiên tòa, thậm chí là đây là phiên tòa độc nhất vô nhị trong lịch sử (tư pháp) của thế giới vì phiên tòa kết tội dựa vào phim tài liệu.
Ngay từ đầu phiên tòa, họ đã cho chiếu một phóng sự tài liệu. Không biết đơn vị sản xuất phóng sự tài liệu đó là đơn vị nào, nhưng nó có đủ cắt ghép, dàn dựng, biên tập, lồng cả âm thành và nhạc vào để mô tả lại buổi tấn công-trận đánh của các chiến sĩ công an tối hôm đó. Có cả những nhân vật không rõ mặt ném cái gì đó cháy sáng từ trên xuống. Sau đó nửa cuối phóng sự, mô tả bi kịch của 3 gia đình chiến sĩ bị sát hại với nước mắt của vợ con họ… Đại khái đó là một phóng sự tài liệu và chẳng có tòa án nào trên thế giới dựa vào phóng sự tài liệu được biên tập cẩn thận như thế để kết tội người ta.
Về luật sư, cứ hễ luật sư muốn biện hộ cho bị cáo thì người ta cho chiếu ngay một cái clip nhận tội của bị cáo. Bị cáo nào cũng có clip nhận tội hết. Và họ nhận tội trong bộ dạng mặt mày bị sưng húp hay hình hài biến dạng bị teo tóp, gầy sọp. Nói chung nhìn qua là biết tất cả bị tra tấn.
Ngoài ra còn một điểm nữa chúng tôi nhấn mạnh trong báo cáo là công an vi phạm tố tụng ngay từ đầu, cụ thể đã vi phạm Điều 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tức là, khi công an là một bên gây án, tấn công vào làng, gây ra cái chết cho cụ Lê Đình Kình và công an cũng là bên điều tra.
Chúng ta không thể nào có được kết quả điều tra chính xác vì kẻ gây án lại chính là kẻ phá án, thì làm sao độc lập được? Biên bản được công an lập thật là nực cười, tức là người nổ súng bắn chết cụ Kình thì được gọi là “bị hại” và người đó là cảnh sát hình sự của Công an Hà Nội. Nói chung, tôi không thể hiểu nỗi tại sao lại trắng trợn và trơ trẽn đến như vậy?
RFA: Trong bản báo cáo, chúng tôi cũng thấy tại khoản X liệt kê một số điều cho thấy Chính quyền Việt Nam đang vi phạm nhân quyền qua vụ án Đồng Tâm và phiên tòa xét xử vụ án này. Chị Đoan Trang có thể nêu lên một cách chi tiết về các điều minh chứng vi phạm nhân quyền đó?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Vụ án này là một điển hình rất rõ ràng vi phạm những chuẩn mực tố tụng, vi phạm quyền xét xử công bằng cũng như vi phạm rất nhiều quyền khác, nhân quyền căn bản từ những việc bao gồm đánh đập, tra tấn, ép cung, biệt giam cho đến việc gọi là sử dụng truyền thông để tấn công và bôi nhọ các bị cáo, định hướng dư luận ngay từ đầu. Một trong những cơ quan tham gia tố tụng gồm cả điều tra và xét xử, thậm chí là bên gây án và dấu hiệu bất công đã quá rõ ngay trong phiên tòa. Như là luật sư của bào chữa cho các bị cáo, họ tranh tụng kiểu gì thì tòa án cũng không quan tâm, không trả lời, phớt lờ đi. Họ cứ đưa các clip nhận tội ra để làm bằng chứng rằng đã nhận tội rồi thì còn gì để nói nữa.
Còn phía luật sư của “bị hại”, tức là luật sư của 3 cảnh sát được cho là đã chết trong vụ Đồng Tâm thì nói gì cũng được tòa đồng ý, hưởng ứng và ủng hộ.
Do đó, không chỉ vi phạm những điều về nhân quyền căn bản mà còn vi phạm một cách gọi là trơ trẽn, không màng che đậy. Và đến ngày 10/9 là ngày đỉnh điểm, khi công an và an ninh mặc thường phục có hành động sách nhiễu và tấn công luật sư. Họ đẩy luật sư từ trên cầu thang xuống đất.
Nếu phân tích thêm thì còn nhiều vi phạm lắm. Nhưng trong báo cáo thì chúng tôi chỉ nêu được một số vi phạm căn bản đối với luật pháp Việt Nam cũng như đối với luật pháp quốc tế.
Báo cáo Đồng Tâm, ấn bản thứ 3 được công bố ngày 25/9/2020. Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited
RFA: Dưới góc độ của một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, chị Đoan Trang nhìn nhận qua vụ việc Đồng Tâm và phiên tòa Đồng Tâm diễn ra cho thấy điều gì tại đất nước Việt Nam? Và, nếu vụ án Đồng Tâm trong những ngày sắp tới không được xét xử một cách nghiêm minh thì kết quả sẽ thế nào?
Nhà báo Phạm Đoan Trang: Vụ án Đồng Tâm, tôi nghĩ đó là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng nhưng không phải theo nghĩa nghiêm trọng của nhà cầm quyền nói.
Nhà cầm quyền gọi đó là “vụ giết người và gây rối trật tự công cộng” ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Tức là, nhắm vào việc buộc tội những người nông dân đã giết người và gây rối trật tự công cộng.
Tôi thì cho là vụ án nghiêm trọng theo một cách khác. Vụ án này nghiêm trọng vì vụ án có đầy đủ dấu hiệu của việc giết người, cướp của. Ở đây, tài sản của gia đình cụ Lê Đình Kình bị cướp, đặc biệt trong đó có giấy tờ liên quan quá trình tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm với nhà nước. Toàn bộ bằng chứng giấy tờ đó đều bị lấy sạch. Thậm chí, TV và tủ lạnh ở nhà cụ Kình cũng bị công an khuân đi. Tôi cho rằng đây là một vụ án giết người, cướp của và diệt khẩu.
Không phải ngẫu nhiên mà họ cố tình ngay lập tức biệt giam những người ở làng Đồng Tâm. Tất cả 29 người Đồng Tâm bị bắt thì lập tức họ bị biệt giam ngay từ đầu. Họ không được tiếp xúc với bất kỳ ai. Tức là trong quá trình thẩm vấn, họ bị biệt lập, bị tra tấn và đặc biệt không ai trong số họ được biết những người còn lại ra sao. Họ chỉ có thể nhìn thấy mặt nhau tại phiên tòa. Đương nhiên là họ không được gặp gia đình. Luật sư cũng chỉ được gặp họ trong thời gian cực kỳ ngắn trước khi phiên tòa diễn ra. Thật sự thì luật sư không thể nào làm được gì cả. Đấy cũng là điều vi phạm tố tụng vì luật sư không được tạo điều kiện để làm việc liên quan vụ án.
Còn tác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi. Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa… Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.
Với những người không phải là dân làng Đồng Tâm, dân chúng trong cộng đồng và toàn xã hội nói chung thì rõ ràng vụ án này cũng đã gây ra một nỗi khiếp sợ, ngay cả giới hoạt động nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ cũng sợ. Bởi vì không ai có thể tưởng tượng được một nhà nước giết dân.
Tác dụng của vụ án Đồng Tâm đối với nhà cầm quyền đúng là đã gây ra sự sợ hãi thật. Nhưng tôi nghĩ rằng sau vụ này thì lòng tin của một bộ phận khá đông dân chúng vào Đảng cầm quyền và vào luật pháp của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bởi vì, người dân thấy rằng bao giờ kẻ mạnh cũng thắng và chính quyền luôn thắng. Bất cần lý lẽ, chính quyền cứ mang súng và mang còng đến là xong. Cho nên, họ không tin vào Đảng và không tin vào luật pháp nữa. Chẳng có luật nào xử người dân cả. Chẳng có tòa án nào công minh để cho họ dựa vào. Hay chẳng có luật sư nào có thể tranh tụng cho họ. Tóm lại, lòng tin của một bộ phận khá đông trong dân chúng, đặc biệt là các đảng viên bị giảm sút. Đó là thiệt hại đối với Đảng CSVN cầm quyền.
RFA: Cảm ơn chị Phạm Đoan Trang dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.