Duy Ngô Nhĩ: nạn nhân của tư bản triều đình và tư bản tự do

Lê Minh Nguyên

Tư bản triều đình (imperial capitalism) của Trung Quốc và tư bản tự do (liberal capitalism) của Mỹ có mẫu số chung là lợi nhuận.

Khi hai hệ thống tư bản này cấu kết với nhau, nhất là ở những nơi thiếu vắng dân chủ pháp trị, thì người dân nơi đó, nhất là giới lao động bị vắt sạch năng lực và cuộc đời để biến nó thành lợi nhuận cho các đại công ty.

Cách mạng cộng sản lấy chính đáng tính là bảo vệ công nhân bị tư bản bóc lột, lấy công nhân làm lực lượng nồng cốt (ở Liên Xô là búa, qua Trung Quốc, VN thêm liềm để kéo nông dân vào hỗ trợ) ngày nay đã hoàn toàn phản bội lại công nhân.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chính yếu là phục vụ cho chính quyền CSVN để mời gọi và làm hài lòng giới đầu tư, và phục vụ các chủ doanh nghiệp – vốn luôn khai thác lao động rẻ để tăng lợi nhuận – chứ không hề phục vụ công nhân, ngược lại còn bòn rút lương công nhân. Thực chất của nó là Tổng liên đoàn bóc lột lao động. Cho nên ở VN hiện nay không có cái gọi là công đoàn để bảo vệ công nhân.



Thiếu vắng dân chủ pháp trị thì người dân không có tiếng nói (qua lá phiếu) ngang hàng với một người giàu tiền lắm bạc (tư bản) nên không có luật pháp thể hiện được ý chí và nguyện vọng của người dân, cũng như không có một hệ thống toà án độc lập với kẻ có quyền (chính phủ) và kẻ có tiền (tư bản).

Hôm thứ Ba 22/9 Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương nhằm chống cưỡng bách lao động người Duy Ngô Nhĩ với đa số áp đảo 406 phiếu thuận.

Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật cho thấy, có rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Mỹ có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà… cũng như tên các công ty của tư bản tự do như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính trị Úc, trong ba năm, từ năm 2017 đến 2019, gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và có ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.

Đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi mô hình chính trị qua dân chủ pháp trị để không phản bội công nhân như hiện nay và để có được các công cụ kiềm chế, điều tiết được tư bản, dù là tư bản triều đình hay tư bản tự do, để họ vừa có thể làm giàu, vừa có trách nhiệm với xã hội mà họ được nuôi dưỡng – đó là văn minh.

L.M.N.

Nguồn: baotiengdan.com/2020/09/24

This entry was posted in Chế độ Cộng sản TQ. Bookmark the permalink.