An ninh kinh tế: Mục tiêu chính của Việt Nam

Khánh An biên dịch

Khi đại dịch COVID-19 qua đi, Việt Nam cần có những hành động phối hợp để củng cố nền tảng của nền kinh tế.

Dù đã tương đối thành công trong việc ứng phó với đại dịch virus corona, nền kinh tế Việt Nam vẫn không chắc sẽ hồi sinh nhanh chóng. Phương Pham(*) nhận định rằng Việt Nam cần phải tập trung phát huy các yếu tố then chốt của nền kinh tế nhằm phục hồi nhanh chóng nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Đến cuối quý 3, Việt Nam cuối cùng cũng bắt đầu cảm nhận được những hậu quả kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức thấp nhất trong 35 năm qua dù là một trong số ít các quốc gia vẫn giữ được ở mức tăng trưởng dương. Hậu quả đó cũng đã có tác động lên người dân khi có đến 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do đại dịch vì mất việc, hoặc giảm lương.

Trong khi chờ phát triển có vắc-xin, rủi ro kinh tế của COVID-19 vẫn còn đó và nền kinh tế Việt Nam còn rất lâu mới trở lại “như bình thường”.

Theo tác giả trong bối cảnh trong nước hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền sẽ là đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế lâu dài của đất nước.

Vào tháng 1 năm 2021, ĐCSVN sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và theo đó sẽ là ​​việc công bố các chiến lược kinh tế mới cho Việt Nam. Theo Bộ Công an, an ninh kinh tế là một bộ phận không thể thiếu của an ninh quốc gia, và tăng cường an ninh kinh tế là công cụ để duy trì tăng trưởng kinh tế dựa vào tính chính danh của ĐCSVN.

Hình ảnh của ĐCSVN đã được cải thiện nhờ phản ứng đối phó với Covid-19. Tuy nhiên với phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, thì hình ảnh đó lại có vẻ như đi theo chiều ngược lại. Nguyên nhân là do việc xét xử vụ án Đông Tâm mà nhiều người tin rằng là bất công, thể hiện sự yếu kém của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Vụ án liên quan tranh chấp đất đai đã được hình sự hoá với bản án nặng nề dành cho 29 người dân Đồng Tâm cũng đã “làm sáng tỏ các vấn đề về quyền sử dụng đất đã đi kèm với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trong hai thập kỷ qua”.

Vụ án này cho thấy rằng mặc dù có thành tích trong xử lý COVID-19, nhưng ĐCSVN lại không thể nghiễm nhiên dành được sự yêu thích lâu dài. Vì vậy, cách duy nhất có thể giúp Đảng lấy lại lòng tin và củng cố tính chính danh của mình là phải thực hiện các biện pháp cải thiện sinh kế kinh tế cho người dân trong nước.

Một yếu tố khác cần có hành động phối hợp là mức độ hội nhập ngày càng tăng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu khi Việt Nam hiện đã có trong tay đến 13 hiệp định thương mại tự do khác nhau. Nhờ phản ứng ấn tượng với COVID-19 và vị thế là một trong những thị trường mới nổi triển vọng nhất tại châu Á, Việt Nam có thể sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài khi đại dịch bắt đầu giảm đi.

Tuy nhiên, tác giả lại nhận định đây có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, Việt Nam có thể thu hút một lượng đáng kể FDI từ nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, một khi thuế quan thương mại được cắt giảm theo các hiệp định FTA đã ký kết, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong tương lại gần, các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến hơn có thể có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam do nhu cầu của tầng lớp trung lưuvề các sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao hơn và đa dạng hơn.

Mối đe doạ mà an ninh kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt bên cạnh những cơ hội khi hội nhập kinh tế toàn cầu là các doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ kém tiên tiến hơn sẽ bị các công ty nước ngoài ấn át, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất như ô tô và điện thoại thông minh, có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho nội địa thị trường.

Những điều này sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Để có thể đương đầu, tác giả nhận định Việt Nam có thể áp dụng một số điều sau.

Trước hết, Việt Nam cần đạt được sự cân bằng phù hợp giữa sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế trước khi có vắc xin COVID-19. Việt Nam đã từng hy sinh tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Do bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thời gian cách ly, trong đợt dịch lần 2, Việt Nam đã không chọn biện pháp cách ly toàn quốc. Do đó, động thái mở cửa đất nước một cách thận trọng, đi kèm với các biện pháp ngăn chặn và cách ly theo địa phương khi cần thiết, sẽ là một hành động khôn ngoan mà chính phủ phải thực hiện.

Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường trấn áp tham nhũng vì từ lâu tham nhũng đã là một trong những vấn đề cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tình trạng tham nhũng tràn lan của quan chức cấp cao và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước đã làm suy yếu rõ rệt nền kinh tế Việt Nam, gây thiệt hại hàng tỷ đô la.

Ngoài ra, nạn tham nhũng có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải đắn đo trước khi đầu tư vào Việt Nam và do đó có thể gây bất lợi lớn cho sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của Việt Nam. Do đó, thực hiện chống tham nhũng một cách nhất quán và thể chế hóa hơn có thể giúp Việt Nam đối phó với mối đe dọa an ninh kinh tế do tham nhũng.

Thứ ba, Việt Nam nên cải cách các quy định và tiêu chuẩn kinh tế của mình nhằm mở đường cho đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế trên thị trường.

Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về quy định và tiêu chuẩn, từ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và buôn người đến tính bền vững, nhãn hàng hoá và bảo vệ môi trường. Nếu không đáp ứng được, Việt Nam không thể gặt hái được đầy đủ lợi ích từ các hiệp định FTA trong quá trình thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại dễ bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra hệ thống quy định của Việt Nam vẫn chưa đủ hiệu quả để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, khi số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại được chính phủ đưa ra còn thấp. Để giải quyết vấn đề này thì Việt Nam cần phải cải cách các quy định và tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh kinh tế lâu dài của Việt Nam.

Các yếu tố bên ngoài và bên trong đều đặt ra thách thức đối với tương lai kinh tế của Việt Nam. An ninh kinh tế vẫn là một phần quan trọng đối với an ninh quốc gia. Nếu chính phủ có thể đưa ra các chính sách đúng đắn, thì mới có khả năng tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển mạnh về kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch.

 __________

(*) Phuong Pham tốt nghiệp trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Queen Mary London

Nguồn: https://thediplomat.com/2020/09/economic-security-vietnams-cardinal-policy-goal/

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.