Qua rồi cái thời mọi hành xử của chính quyền là “tự động” đúng!

Trúc Nguyễn

Câu ca dao “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” tuy còn mặt hạn chế về hoàn cảnh lịch sử nhưng đã phác họa một bức tranh thái bình tình nghĩa cuộc sống làng xã của nước ta một thời kỳ dài trong lịch sử. Cái nền nếp ấy đang bị lung lay, ngày nay đất không còn là “của vua” nữa mà là “sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý”, một chính sách lung linh về mặt lý thuyết nhưng nội hàm quá rộng, nhiều kẽ hở… có lẽ là nguồn cơn của vấn đề!

Từ thành thị đến nông thôn tranh chấp đất đai đã trở thành vấn đề nóng bỏng của xã hội. Dân tình bất ổn, chính quyền và nhân dân có lúc có nơi trở thành lực lượng đối nghịch, anh em, dòng tộc, làng xóm bất hòa giết hại, thảm sát nhau mà nguyên nhân từ tranh chấp đất đai là những câu chuyện đã và đang xảy ra, chưa có điểm dừng.

“Sự kiện Đồng Tâm” xảy ra những ngày đầu xuân năm nay mà nguyên nhân là do tranh chấp đất quy hoạch khu sân bay Miếu môn giữa một bộ phận người dân xã ĐT và chính quyền, gây ra những cái chết theo một kịch bản khó tưởng tượng khiến lòng người đau nhức, khó nuốt trôi [1] cho thấy hậu quả của mâu thuẫn tranh chấp đất đai đã cao trào, cực đoan như thế nào!

Tình cờ đọc bài báo về “Nghệ thuật giải quyết mâu thuẫn xã hội trong Tư tưởng HCM” được xuất bản vài năm trước [2] tôi tự hỏi: phải chăng lực lượng chấp pháp đã bỏ lỡ cơ hội để “hạ cánh mềm” mâu thuẫn ở Đồng Tâm? Phải chăng họ đã thiếu học tập, vận dụng Tư tưởng của HCM trong giải quyết mâu thuẫn của nhân dân, trong khi phong trào “Học tập và làm theo gương đạo đức và lối sống của Bác Hồ” đã và đang được phát động rầm rộ nhiều năm.

Theo bài báo, sinh thời HCM chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”.

Trong công tác dân vận, HCM đặc biệt nhấn mạnh chữ “Đồng” hạn chế khai thác dị biệt, “sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”: Đồng tâm, đồng lòng, đồng mục tiêu, đồng lý tưởng, bao dung, mềm nắn rắn buông, tránh tối đa gây thiệt hại. HCM cũng đã từng viết trên báo Cứu quốc: “Điều gì có lợi cho dân thì phải làm hết sức”… [3]

Xã Đồng Tâm cũng như nhiều xã miền Bắc nổi tiếng là “xã Đảng viên”, là “vùng nền” của chế độ. Đang khi xảy ra bất đồng do tranh chấp đất Miếu Môn, nhân dân đã treo băng rôn ủng hộ Nhà nước chống tham nhũng, biểu tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, “nhân vật chính” của “sự kiện Đồng Tâm” ông Lê Đình Kình trên 80 tuổi đời, 58 tuổi Đảng từng Bí thư, Chủ tịch, Trưởng CA xã… cho thấy chữ “Đồng” ở đây rất đậm.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-95.jpeg

Người dân Đồng Tâm với biểu ngữ: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước” tháng 4/2017. Ảnh trên mạng

Ngày 15/4/2017 xảy ra sự việc số đông người dân xã ĐT bắt nhốt 38 chiến sĩ cảnh sát cơ động đi làm nhiệm vụ để đòi yêu sách, trước tình thế dễ bị kích động, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát thì Chủ tịch Hà Nội lúc ấy là ông Nguyễn Đức Chung và các ĐBQH, luật sư thân chinh xuống điểm nóng, nhân dân cả nước nín thở chờ diễn biến. Sau nhiều giờ đồng hồ căng thẳng, cuối cùng một văn bản viết tay có chữ ký của vị đứng đầu chính quyền thành phố, điểm chỉ của luật sư và ĐBQH… đã được công bố trước quốc dân đồng bào [4]. Tuy còn nhiều tranh cãi về tính pháp lý của tờ giấy tay này nhưng cơ bản được dư luận hoan nghênh vì vai trò “tháo ngòi nổ” của nó.

Hình ảnh chiến sĩ công an cúi đầu vái chào về phía nhân dân lúc ấy được truyền đi trên mạng với tốc độ chóng mặt là một “win – win”, là hình ảnh đẹp của tình quân dân… Ở đấy không có chuyện thắng thua, thua để cho lòng dân được yên thì cũng nên, ấy là “Thua” mà không “Lỗ”! Đáng tiếc tinh thần đó đã không được tiếp tục, tờ văn bản thỏa thuận của người đứng đầu chính quyền Thủ đô về sau bằng cách nào đó đã bị vô hiệu hóa, có thể nói giọt nước tràn ly về lòng tin của nhiều người dân xã ĐT với chính quyền!

Nếu lấy mốc thời gian tháng 4/2017 là khởi điểm của vụ tranh chấp đến khi xảy ra thảm kịch là những ngày đầu năm 2020 thì chính quyền có khoảng thời gian hơn hai năm rưỡi để giải quyết các mâu thuẫn vướng mắc, nhưng khi thế chủ động đang có trong tay thì đã chủ quan, thiếu sâu sát tình hình để những “tổ chức bên ngoài” xen vào gây nhiễu tình hình như gần đây đài báo chính thống đưa tin [5]. Sự chậm trễ, lãng phí thời gian, tiền hậu bất nhất, không đọc vị được diễn biến của mâu thuẫn, ham giành phần thắng, tuyên truyền một chiều… đã biến cơ hội thành cơ nguy dẫn đến một thảm kịch, lòng người chia rẽ.

Triết lý phương Đông còn có “đức năng thắng số”, giữa thời bình, đối trước một nhóm người trong đó nhiều người già ở một xã nhỏ… nếu có mầm mống bạo lực thì chính quyền là phương diện cha mẹ với lượng quân đội đã từng đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ, công an giỏi nhất thế giới sẽ có nhiều giải pháp, sức mạnh mềm… thay vì hành động đánh úp, tiền trảm hậu tấu.

Việc dùng bạo lực mà bỏ qua các quy trình tố tụng của tòa án là một thiếu sót khó biện minh. Thời đại càng văn minh, đất nước càng hội nhập thì luật pháp càng phải được thượng tôn, qua rồi cái thời mọi hành xử của chính quyền là “tự động” đúng! Mặc định “nhóm đồng thuận xã ĐT” vi phạm luật pháp chăng nữa thì nếu biết học tập, vận dụng tinh thần của HCM để giải quyết mâu thuẫn thì “vụ án ĐT” đã có thể “hạ cánh mềm”!

Tháng 4/2019 clip đức Giáo hoàng quỳ gối hôn giày của lãnh đạo các phe phái chính trị Nam Sudan để cầu nguyện cho hòa bình lan truyền khắp thế giới trong đó có Việt Nam, cử chỉ ấy đã vượt ra ngoài ranh giới của thắng thua, hành động mang tính thông điệp của một nhà lãnh đạo có tầm, vượt thoát định kiến cá nhân phục vụ quyền lợi của số đông [6].

T.N.

______

(1) Tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm (Wiki).

(2) Nghệ thuật giải quyết mâu thuẫn xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta (BQL Lăng HCM).

(3) Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm (TCQPTD).

(4) 3 cam kết của ông Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm (Zing).

(5) Cảnh giác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vụ việc Đồng Tâm để kích động, chống phá (CAND).

(6) Giáo hoàng quỳ gối hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan (VNE).

Nguồn: baotiengdan.com/2020/09/16

This entry was posted in Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.