Nông dân

Le Quang

Nhà nội tôi có xuất thân là nông dân và làm quan to thời phong kiến. Làm nghề nông không đơn giản, muốn làm nông giỏi cần có tích lũy kiến thức truyền từ đời này sang đời khác. Nghề nông chẳng khác nghề thuốc là bao, cùng phải biết đúc rút, ghi chép, quan sát, thực hành và có cái tâm. Cụ tôi là người làm cây thuốc, trong số các cháu, cụ tôi cũng phải quan sát chán chê rồi chọn ra một vài người cháu có tư chất để truyền nghề. Bố tôi là một trong số những người được chọn, hiềm một nỗi sau này cụ tôi bị chết oan trong Cải cách ruộng đất nên cuối cùng bố tôi không theo nghề thuốc mà nghiên cứu khoa học cơ bản ở Tây.

Những năm Cải cách, số lượng địa chủ bị đấu tố oan có lẽ đến hàng trăm nghìn, những trường hợp như bà Nguyễn Thị Năm ở làng Bưởi bị xử bắn thời đó chẳng hiếm. Hàng chục nghìn gia đình vừa mấy năm trước còn nuôi cán bộ Việt Minh trong nhà, nay cách mạng thành công, liền bị đem ra bắn bỏ. Trong Manifesto, Mác đã nói: “Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc”. Nói thế cho có nguồn, kì thực Việt Nam làm “Land reform” theo mô hình “Thổ địa cải cách” của Trung Quốc và nhận được sự cố vấn trực tiếp của cán bộ chính ủy Tàu đặc phái sang.

Sau 3 năm, công cuộc cải cách mắc nhiều sai lầm lớn (như đã nêu ở trên) và khép lại sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khóc xin lỗi đồng bào trong Đại hội 6, Quốc hội khóa I vào năm 1956. Mặc dù vậy, di chứng “Cải cách” vẫn chưa kết thúc vì nó tàn phá vào tận gốc rễ của tổ chức nông nghiệp và cấu trúc xóm làng. Lực lượng nắm giữ kiến thức truyền đời về nghề nông bị hao hụt nặng, người ta chết đi và để lại cho hậu thế một thế hệ làm nông với kinh nghiệm, chuyên môn cũng như ý chí rất kém cỏi. Cho nên nếu nói về nông dân Việt Nam (VN) thì ta phải chia ra làm mấy giai đoạn như vậy, trước 1956, từ 1956-1960, 1960-1965, 1966-1975, 1975-1987, và 1987-2013.

Cũng giống với Đại cách mạng ở Trung Quốc đã sản sinh ra “Một thế hệ bỏ đi”, thì các chương trình nông nghiệp Hợp tác xã của chúng ta cũng gần như vậy. Chúng bộc lộ khuyết tật trên diện rộng, yếu kém, thiếu hiệu quả và thiếu niềm tin của nông dân. Trong giai đoạn 66-75 nó còn khét tiếng về tệ thất thoát, ăn gian, hư hao tiền vốn… những vấn đề nghiêm trọng này để lại tác động tiêu cực về tâm lý xã hội trong nông thôn dẫn đến cảnh người nông dân không còn gắn bó với đồng ruộng.

Những năm 1995-1999, khi tôi đi học tiểu học ở Cầu Giấy, đó là thời gian mà chúng tôi bắt đầu được học về nông nghiệp VN. Mọi học sinh đều biết rằng ở thời điểm đó, chúng ta là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Cho đến khi được kết nạp vào đội và quàng khăn đỏ, tôi vẫn rất mực tự hào với thành tích này. Hãy thử tưởng tượng xem, đó là một nền nông nghiệp tạo ra lệ thuộc ở nước ngoài.

Mặc dù thế, khi đi ra nước ngoài, không dễ để mua được gạo VN (hoặc gạo VN được sàng sẩy rồi dán nhãn Thái). Nguyên nhân bởi chất lượng gạo ta kém đồng đều, thiếu chuẩn. Các chỉ số hàm lượng không đạt, thậm chí gặp các vấn đề có liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất… dẫn đến không thể bán nổi trên thị trường bên ngoài. Ta cứ hình dung mỗi người nông dân là một bộ phận trong hệ thống này thì khu vực đầu não có lẽ cũng gặp vấn đề về tiếp thị và bán hàng. Năm ngoái, giá gạo VN có những lúc vượt Thái, nhưng không bền vững.

Mỗi lần về quê nội, tôi lại thấy số lượng người trong làng làm nghề nông giảm dần, đất nông nghiệp cũng vậy. Nguyên nhân là vì làm nghề nông nghèo quá nên người ta chuyển sang nghề khác, hình dung là 1 ha lúa thu được 40-50 triệu đồng/năm thì không đủ chi cho một gia đình 4 khẩu. Đấy là chưa kể không phải nhà nào cũng có tới 1 ha lúa.

Ấy vậy mà công-nông vẫn cứ phải đóng cái vai nòng cốt trong xã hội, lúc nào cũng phải là lực lượng cách mạng. Người nông dân nhìn chung là khổ, có muốn gắn bó với đất cũng chẳng được. Làm thế nào mà một nước nông nghiệp với lực lượng lao động đông đảo như vậy lại không còn là lợi thế nữa? Cũng hiếm có nước nông nghiệp nào mà người nông dân lại bị khinh rẻ như ở VN, từ “nông dân” thời nay được sử dụng để trêu chọc/miệt thị nhau. Nguyên nhân rất dễ hiểu, đó là người nông dân đang nghèo đi.

Có một lần tôi nói chuyện với thầy giáo kinh tế chính trị. Ông này bảo Việt Nam bọn mày lạ thật, đáng lẽ ra, trên cơ sở là cường quốc lúa gạo thì bọn mày phải khuynh đảo thị trường mới phải. Kiểu như là chúng mày mà tăng giá gạo một phát là khối thằng Tư bản nó ngã ngửa ra ngay, có khác gì “vàng đen” ở Trung Đông đâu. Sau này có tìm hiểu tôi mới biết rõ ngọn ngành, rồi cứ nhớ mãi cái thời khăn quàng đỏ thắm trên vai. Ở một siêu cường lúa gạo đến hạt gạo trắng còn non cũng phải thắm máu cách mạng. Tôi dám chắc rằng, sự yếu kém của cả một hệ thống kinh tế, phần nhiều là trách nhiệm ở cấp chính sách; và tôi cũng đã qua cái tuổi trẻ trâu, chỉ biết tin rặt vào cách đổi lỗi cho nông dân “không chịu tiến bộ”. Cuối cùng, ta phải thương người làm nghề nông mà gia đình tôi cho đến nay vẫn là một hình mẫu chuẩn mực dù không còn ai theo nghiệp này nữa.

Vẫn thầy giáo trên có lần bảo tôi là mày phải học bọn Thụy Sĩ này này. Chúng nó chả có tài nguyên rừng vàng biển bạc mẹ gì, chỉ bán độc 3 thứ là sô-cô-la, đồng hồ và tiền. Sô-cô-la thì nó nhập nguyên liệu rẻ rề vào rồi làm ra thành phẩm bán giá gấp mười; đồng hồ cũng vậy, Thụy Sĩ làm xong bán giá gấp trăm nghìn lần giá vật tư; còn tiền thì khỏi phải nói, rất nhiều nhưng cũng đếch phải tiền của bọn nó, toàn tiền từ đẩu từ đâu gửi đến. Và cuối cùng là Thụy Sĩ rất giàu, chúng ta cứ hình dung là lương cho kiến trúc sư mới ra trường ở Thụy Sĩ có thể ngang lương kiến trúc sư 10 năm kinh nghiệm ở Đức (mà 2 thằng sát nách nhau).

Thế nên ta cũng phải hỏi rằng lực lượng nòng cốt của chúng ta, công nhân và nông dân cho đến nay họ có gì? Nếu như những gì Mác nói trong Tuyên ngôn Cộng sản và Tư bản luận là đúng thì viễn cảnh mà Người của chúng ta nói đến – hẳn đã xảy ra rồi.

Người nông dân VN cho đến nay vẫn khổ, dù đã thực hiện Cải cách triệt để (và dã man) nhất có thể từ 70 năm trước và sự thật ấy khiến ta nuối tiếc, đau lòng.

L.Q.

Nguồn: FB Le Quang

This entry was posted in Nông dân. Bookmark the permalink.