Đòn tâm lí của cảnh sát điều tra đánh dân vô tội Đồng Tâm

Phạm Đình Trọng

Giữa thời yên hàn, công an nhà nước cộng sản động binh, ra quân lớn đánh vào dân làng Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Lực lượng tác chiến là công an Hà Nội nhưng chỉ huy cuộc động binh là trung tướng thứ trưởng bộ Công an và sở chỉ huy đặt trên cơ quan Bộ. Mọi tin tức chiến sự, mọi phát ngôn về cuộc động binh đều phát đi từ mấy ông tướng công an trên sở chỉ huy chiến dịch tập kích dân làng Hoành..

Tung lực lượng cảnh sát dã chiến cơ động tập kích vào làng Hoành đang trong giấc ngủ sâu đêm về sáng. Xả súng vào nhà người dân lương thiện. Bắn chết một cụ già ngoài tám mươi tuổi ngay trên giường ngủ. Bắn bị thương một cụ già ngoài bảy mươi tuổi. Phun hơi ngạt vào nhà dân. Trẻ sơ sinh bị hơi ngạt nguy khốn tính mạng. Thả chó vào ngoạm xác cụ già đã bị bắn chết lôi đi. Phanh thây, mổ bụng xác cụ già ngoái tám mươi tuổi.

Cuộc động binh phi pháp, gây chiến tranh với dân làng Hoành là tội ác kinh thiên động địa. Trong lịch sử Việt Nam, cả khi nhà nước phong kiến thối nát nhất, tàn ác với dân nhất cũng chưa có nhà nước phong kiến đốn mạt, khốn nạn nào gây tội ác với dân ghê tởm như vậy.

29 người dân bị cảnh sát bắt trong cuộc tập kích phi pháp vào làng Hoành đêm 9.1.2020 và bị truy tố tội phạm hình sự đều là người dân vô tội. Công cụ bạo lực nhà nước cộng sản chủ động tấn công dân. Người dân trong tình thế bị động đành chịu trận. Có người bị đạn cảnh sát thổi bay một mảng hộp sọ. Có người bị đạn cảnh sát găm vào ngực, nhờ may mắn đạn chưa tới tim nên thoát chết. Có người bị cảnh sát bắn nát tay. Có người bị đạn cảnh sát xuyên thủng ba khúc ruột. Có người buộc phải đối phó tư vệ yếu ớt và bất lực.


Để biện minh cho trận tập kích phi pháp và man rợ vào dân, dù dân vô tội cũng phải buộc được tội cho dân. Cũng phải ép được dân nói lời nhận tội và ăn năn hối hận. Cũng phải có được chữ kí của dân vào văn bản nhận tội theo ý muốn của cảnh sát điều tra. Và cảnh sát điều tra đã thực hiện hai ngón đòn tàn ác và thâm độc với 29 người dân Đồng Tâm vô tội bị bắt là.

1. Đòn bạo lực tra tấn. Người dân hiền lành bị đòn đau, đòn hiểm đe dọa tính mạng, đành liều nhận tội theo lời mớn cung của cảnh sát điều tra để không còn bị ăn đòn ác hiểm, bảo toàn mạng sống.

2. Đòn tâm lí. Người dân không có tội nhưng bị truy tố tội ở khung hình phạt cao nhất, tử hình, gây tâm lí tột cùng căng thẳng, hoang mang, lo sợ cho người bị truy tố vốn chỉ là những nông dân tâm hồn mộc mạc, chân chất, yêu cuộc sống, yêu làng quê. Khi người bị truy tố khung hình phạt tử hình đang tột cùng căng thẳng, hoang mang, cảnh sát điều tra liền ngon ngọt gạ gẫm: cứ nhận tội theo gợi ý của cảnh sát điều tra sẽ được khoan hồng, được giảm xuống khung hình phạt nhẹ, thoát án tử hình, còn có ngày về với gia đình. Đòn hiểm độc này làm cho người dân vô tội dù có ý chí mạnh mẽ bảo vệ sự thật, bảo vệ sự vô tội của mình cũng yếu đuối mềm lòng nhắm mắt nhận tội không có để mong thoát án tử hình.

Trong ngày làm việc thứ ba, 9.9.2020, Tòa án Hà Nội xử sự kiện đổ máu ở Đồng Tâm đêm 9.1.2020, mười chín người dân Đồng Tâm vô tội bị truy tố tội nặng “Giết người” được viện Kiểm sát Hà Nội nêu lí do nhân đạo chuyển sang tội nhẹ “Chống người thi hành công vụ”. Tòa án nhà nước cộng sản tự nhận nhân đạo cũng như lí luận cộng sản tự nhận là đỉnh cao trí tuệ của loài người, cũng như người đàn bà lăn lóc mòn giường, nát chiếu trong lầu xanh Tú Bà tự nhận còn trinh tiết vậy. Tội danh được viện Kiểm sát thay đổi chỉ do họ đã thực hiện hoàn hảo cú lừa ngoạn mục người dân vô tội Đồng Tâm và những người dân Đồng Tâm chất phác, nhẹ dạ cả tin đã diễn xong vai diễn nhận tội do mấy viên cảnh sát điều tra đạo diễn.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.