Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: Cuộc chiến văn hóa (Bài 6)

Đoàn Hưng Quốc

Trump là một nghịch lý: tỷ phú địa ốc nhưng được giới công nhân thợ thuyền bỏ phiếu; thô lỗ và thiếu đạo đức nhưng được giới tôn giáo và thành phần bảo thủ liêm chính ủng hộ. Ngay nhiều người bỏ phiếu cho Trump cũng không chối cãi ông ta thiếu tư cách lãnh đạo nhưng tại sao vẫn còn tiếp tục ủng hộ? Bởi vì họ xem Trump là cơ hội cuối cùng trong cuộc chiến văn hóa sống còn đối với chủ nghĩa tự do (liberalism) để phục hồi nước Mỹ.

Những lời phát biểu của Trump tuy bề ngoài thay đổi như chong chóng nhưng từ thập niên 80 đến nay lại thể hiện hai quan điểm vô cùng thống nhất, rằng Mỹ bị Tàu gạt và Hoa Kỳ bị suy đồi do chủ nghĩa tự do. Báo chí dùng chữ Trumpism (chủ nghĩa Trump) ám chỉ tâm lý cuồng Trump, còn giả sử hỏi Trump rằng Trumpism nghĩa là gì có lẽ ông ta cũng không biết vì không phải là người trọng sách vở! Dù vậy với nỗ lực phân tích một hoàn cảnh xã hội mù mịt (và mù quáng) nên người viết định nghĩa Trumpism bao gồm hai khía cạnh như sau:

(1) chống chủ nghĩa tự do

(2) ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Trước tiên nên tìm hiểu thế nào là tự do, vì ở Mỹ các chữ liberal, liberalism và liberal world order lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo cách xử dụng:

Nhìn về cánh tả cổ điển (classical left – từ khoảng sau 1930), liberalism đồng nghĩa với công đoàn và Mác-Xít hô hào chủ nghĩa xã hội (socialism) dùng nhà nước cướp đoạt tài sản và hạn chế quyền tự do cá nhân (để khích động quần chúng cánh hữu nên ngày nay gọi là theo kiểu Bernie Sander)

Nhìn sang cánh tả cấp tiến (progressive left), liberalism bắt đầu với trào lưu Nhân Quyền (Civil Rights), Phụ Nữ Bỏ Phiếu (Women Suffrage) và Chống chiến tranh Việt Nam (Anti-War, Peace & Love) của thập niên 60. Đến gần cuối thế kỷ 20 thêm vào LGTBQ, hôn nhân đồng tính, tự do phá thai, di dân, xã hội đa văn hóa (multi-cultural), đa dạng (diversity), đặt vai trò trọng tâm của nhà nước nhằm tạo bình đẳng và xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, và gần đây là bảo vệ môi trường. Các phong trào cánh tả như Black Live Matter và Antifa bị giới bảo thủ lên án do thành phần Mác-Xít và vô chính phủ (anarchist) giật dây – tương tự như phong trào sinh viên và tôn giáo ở miền Nam Việt Nam trong thập niên 60 bị cộng sản trà trộn. Di dân, xã hội đa văn hóa và đa dạng đều bị xem là đe dọa đến nền tảng văn hóa Ki-Tô Giáo (Chistianity) của Hoa Kỳ và Tây Phương. Nhà nước lớn mạnh (big government) và bảo vệ môi trường đe dọa tính cạnh tranh và công ăn việc làm của dân chúng.

Bước sang cánh hữu cổ điển (classical right), tự do tức là thị trường tự do (free market); hoặc mô hình tư bản (capitalism) đối nghịch với chủ nghĩa xã hội (socialism).

Nhìn về hai cánh tân bảo thủ (neo-conservatism) và tân tự do (neo-liberalism) thì tự do lại hàm ý liberal world order (trật tự thế giới tự do) do Hoa Kỳ dẫn đầu từ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Cánh hữu đề cao can thiệp quốc tế (interventionism) để phát huy thế giới tự do (free world). Hai cánh tả và hữu đều hô hào toàn cầu hóa (globalization) và tự do giao thương (free trade). Vì thế giới tự do và tự do mậu dịch được xem là điểm chung cuộc của lịch sử (the End of History) nên Mỹ có trách nhiệm phải bảo vệ và phát triển qua hình thức liên minh và hợp tác quốc tế với NATO, WTO, TPP, v.v… bằng ngoại giao (diễn tiến hòa bình ở Trung Quốc và Việt Nam, dân chủ hóa Trung Đông), thương mại (cấm vận Iran, Bắc Hàn, Nga) hay quân sự (Kosovo, Iraq, biển Đông.)

Trumpism chỉ đồng ý với điểm 3 (free market) mà chống 1 (socialism), 2 (immigration, diversity, multi-culturalism, big government, environmentalists) và 4 (Mỹ không làm sen đầm quốc tế, không để cho Tàu gạt và không bị đồng minh “ăn quịt” (free riders).) Nhìn như vậy mới hiểu tại sao Trump vừa thóa mạ đối thủ Dân Chủ lại mạt sát đảng Cộng Hòa phía George W. Bush, John McCain,… do không đặt quyền lợi nước Mỹ trước tiên (American First) mà lại khờ khạo đi làm sen đầm quốc tế trong khi bị thế giới lợi dụng qua WTO, NATO, v.v…

Để so sánh:

Cánh tả của Bernie Sander và Elizabeth Warren thiên về điểm 1 (socialism), đề cao điều 2 (immigration, diversity, multi-culturalism, big government, environmentalists), hạn chế điểm 3 (free market) mà lại tương đồng với Trump chống điều 4 (không can thiệp quốc tế (interventionalism) và giới hạn tự do mậu dịch (free trade)).

Cánh trung tả của Biden lại chắp vá ủng hộ cả ba điểm 2-4 ngoại trừ điều 1 (socialism), nói cách khác là trở lại tình trạng với nước Mỹ mê ngủ mà tưởng mình dẫn đầu thế giới.

Thêm một so sánh khác thì cuộc chiến văn hóa ở Mỹ hiện nay làm lung lay xã hội không khác gì Cách Mạng Văn Hóa (Cultural Revolution) ở Tàu trong thập niên 60.

Khi nhìn vấn đề như trên thì mới hiểu tại sao:

Trump căm ghét bà Merkel vì nước Đức đòi duy trì NATO (nhưng ăn quịt không chi tiền), mở cửa cho tỵ nạn Hồi Giáo (đe dọa nền văn minh Ki-Tô Giáo của Tây Phương) và tự do mậu dịch (có lợi cho Tàu).

Trump thân thiện với Putin (Nga), Viktor Orban (Hung), Duterte (Phi) dù độc tài nhưng đều chống LGTBQ và xã hội đa văn hóa. Nga và Đông Âu còn tuyên truyền ngăn chặn cuộc xâm lăng của Hồi Giáo vào Âu Châu.

Trump hợp ý với Modi (Ấn) và Erdogan (Thổ) cho dù họ không thuộc Ki-Tô Giáo nhưng tự hào và phát huy hai nền văn hóa truyền thống của Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo.

Với Việt Nam thì Trump nửa tin nửa ngờ: biết Việt Nam mánh khoé gian lận trong thương mại (còn tệ hơn cả Tàu) nhưng bù lại dùng Việt Nam để chặn Trung Quốc (ngược lại cũng bị CSVN lợi dụng, dù đu dây Mỹ-Trung nhưng vẫn tựa vào Tàu làm chính để làm giàu và củng cố quyền lực.)

Cho nên ở ngoại quốc khi đọc tin tức về Mỹ dễ hiểu lầm nếu không quen thuộc cách dùng những chữ như liberal, liberalism, liberal world order trong khung cảnh xã hội Mỹ. Đối với người Việt và Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump thì chống Tàu là chính, trong khi đối với dân Mỹ dù Dân Chủ hay Cộng Hòa thì cuộc chiến văn hóa (cultural war) giữa hai quan điểm cấp tiến và bảo thủ mới định đoạt cho tương lai nước Mỹ.

Theo cách nhìn này nên trong đại dịch Vũ Hán Trump lên án Trung Quốc là nguyên nhân gây dịch bệnh; ngược lại đảng Dân Chủ tố cáo lề lối ứng xử hỗn loạn đối với đại dịch của Trump. Nhưng đến lúc Black Live Matter nổi lên đảng Dân Chủ kêu gọi bình đẳng màu da và xoá bỏ các di tích nô lệ thì Trump phản đòn bằng cách nhấn mạnh đến trật tự xã hội (Law and Order) và công lao các nhà lập quốc. Cho dù không phủ nhận những ma thuật chính trị mị dân nhưng cần nên thấy đây chính là hai bộ mặt trong cuộc chiến văn hóa muôn hình vạn trạng quyết định cho bầu cử 2020.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.