Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Chụp lại hình ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng họp Quốc hội ngày 20/5
Mới đây Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhân kỷ nhiệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 được nhiều báo đăng tải.
Bài viết tuy là nhân dịp ngày lễ kỷ niệm nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy những quan điểm ý kiến chỉ đạo có ý nghĩa đối với các vấn đề hiện tại của đất nước.
Phiên tòa Đồng Tâm
Ở thời điểm này lòng người trong xã hội đang hướng về phiên tòa vụ án Đồng Tâm chuẩn bị diễn ra. Ngày 24/8 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Đây là vụ án có ảnh hưởng lớn tới lương tâm nhận thức xã hội, đủ tầm lớn để người đứng đầu Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải đưa ra quan điểm ý kiến chỉ đạo.
Nhưng với cơ chế lề lối của hệ thống lâu nay, ông sẽ không nói thẳng quan điểm của mình về vụ việc mà sẽ nói qua những ngôn ngữ của nghị quyết, kiểu ngôn ngữ như thông điệp mà nếu dành đủ độ quan tâm thì sẽ hiểu được.
Chụp lại hình ảnh: Ông Lê Đình Kình, lãnh đạo phong trào khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong vụ tập kích, bố ráp đêm 08 rạng sáng 09/01/2020
Xem kỹ bài viết thì thấy có đoạn văn sau có ý nghĩa liên hệ tới vụ Đồng Tâm.
“Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định dân là gốc, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân“.
Trong bối cảnh vụ án Đồng Tâm, đảng viên Lê Đình Kình 56 tuổi Đảng bị bắn chết, niềm tin xã hội đang có những chiều hướng trái ngược nhau, thì đoạn văn nêu trên quả là có nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, nếu xác định dân là gốc thì trong toàn bộ việc xử lý tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm các cơ quan chính quyền địa phương đã xác định coi dân là gốc chưa?
Nếu Đảng và Nhà nước luôn xác định là phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thì khi ông Lê Đình Kình nói rằng đất đồng Sênh là đất dân cày thì chính quyền địa phương đã thực sự tin tưởng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của người dân chưa?
Nếu xác định phải kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng thì trong vụ tranh cãi đất đồng Sênh, có ai là người biết hơn dân ở đây là ông Kình? Chẳng phải chính ông Kình và người dân Đồng Tâm đã bàn, đã làm, đã kiểm tra, đã giám sát đó sao?
Nói Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, thì chính đảng viên Lê Đình Kình đã làm cái việc là gắn bó máu thịt với người dân Đồng Tâm, chính ông Kình mới là người đang làm đúng những lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chụp lại hình ảnh: Vụ án Đồng Tâm theo dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trong mấy ngày tới
Cho nên, khi Tòa án đang chuẩn bị đưa 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm ra xét xử, thì bài viết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước lại truyền đi những nhận định có thể được hiểu là sự phê phán trách móc đối với chính quyền các cấp xử lý vụ việc.
Điều này đặt ra đòi hỏi cho các cán bộ tòa án, mà bản thân cũng là đảng viên, cần phải nhận ra và đưa tinh thần chỉ đạo đó vào công tác xét xử.
Làm sao kiểm nghiệm?
Có một vấn đề đặt ra là hiện nay mức độ ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay ra sao, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông đến đâu, nhất là khi lâu nay đã có dư luận về vấn đề sức khỏe và liệu có cách nào để kiểm nghiệm đánh giá?
Chụp lại hình ảnh: Tin tức, hình ảnh nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng được đăng đồng loạt trên nhiều báo, đài Việt Nam hôm 1/9/2020 (ảnh chụp màn hình trang VTV.VN)
Công cụ kiểm duyệt
Là một người quan tâm, tôi cũng định hình phương thức kiểm nghiệm cho mình.
Bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng bao quát nhiều vấn đề của đất nước, mỗi người làm việc ở các ngành lĩnh vực khác nhau khi đọc sẽ thấy được ý kiến chỉ đạo riêng đối với ngành lĩnh vực mình.
Là một luật sư thường xuyên lên tiếng thúc đẩy cho cải cách thể chế, cải cách nền tư pháp, mới đây tôi còn viết một tiểu luận có tiêu đề về ‘Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế’, được chuẩn bị cho in thành sách nhưng đã bị ách lại bởi chính sách kiểm duyệt xuất bản của ngành tuyên giáo, do dị ứng e ngại với những đề xuất cải cách.
Khi xem bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy như được gợi nhắc tới công việc mình đang làm, trong một bài viết không quá dài mà ông đã sử dụng đến 9 lần từ “đột phá”. Điều này cho thấy một sự chú trọng rất đáng lưu ý về việc cần tạo ra các bước cải cách đột phá để tạo đà cho phát triển.
Ông viết:
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, v.v., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách để giải quyết hiệu quả, hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Đặc biệt, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể“.
Nếu ở các nước tiến bộ, nơi mà quyền tự do xuất bản được tôn trọng thì việc in một cuốn sách không thành vấn đề. Nhưng ở Việt Nam lâu nay có chính sách kiểm duyệt xuất bản, những đầu sách bị cho là cấp tiến nhạy cảm sẽ bị gác chặn lại.
Nhưng nếu nội dung sách tương thích phù hợp với quan điểm lãnh đạo nhà nước thì khả năng cao là sẽ được cấp phép. Mà nếu bị ngăn lại thì đó sẽ là bằng chứng cho thấy quyền lực của lãnh đạo đã suy giảm cho nên ý kiến thuận chiều cũng không được cho qua.
Ngay khi bài viết của ông Trọng được báo đăng công khai tôi đã phân tích chỉ ra sự tương thích giữa mong muốn về cải cách đột phá của ông Trọng và bản thảo cuốn sách của tôi về các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế. Từ đó đặt vấn đề xem xét lại chính sách kiểm duyệt đối với cuốn sách.
Qua việc xử lý chính sách xuất bản này tôi sẽ tự kiểm nghiệm cho mình về mức độ ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng, và thấy được những lời lẽ về coi dân là gốc, tin tưởng và coi trọng dân có thực sự được thực thi hay không.
N.N.T.
Bài thể hiện quan điểm và văn phong của người viết. Luật sư Ngô Ngọc Trai là một trong các luật sư nhận bào chữa cho các bị cáo trong vụ xử về Đồng Tâm tới đây.
Nguồn: bbc.com/vietnamese