Rằm tháng Bảy và giải oan

Trịnh Khả Nguyên

Ngày 15 của các tháng âm lịch gọi là rằm, còn tại sao gọi như thế thì người viết … không biết. Một năm âm lịch có bao nhiêu tháng thì có bấy nhiêu ngày rằm. Những người Việt Nam, Trung Quốc “thờ cúng” thường cúng rằm, cúng những vong linh, (âm hồn, cô hồn) không được ai giỗ kỵ. Lễ nầy đơn giản hơn giỗ. Ngoài cúng rằm, còn nhiều lễ cúng khác như cúng mồng một (đầu tháng âm lịch), cúng đất, cúng mừng (nhà mới, lên chức, trúng quả), cúng dâng sao giải hạn, giải oan… Cúng âm hồn, linh hồn người chết, là một cách, còn cách “cúng cô hồn sống” nữa, cách nầy không thắp hương, thắp đèn, chỉ cần cao lễ.

Cúng có nhiều mục đích, để kính các vị đã khuất và, cầu được che chở bình an, may mắn, biết đâu, mục đích sau là chính. Cúng thì khấn, dù khấn nôm na hoặc khấn theo văn sớ bằng chữ Hán – Việt, có mẫu in/bán sẵn, đều có nội dung xin được các vị chứng giám và phù hộ cho người lễ cúng. Trong cuộc sống, ai chẳng cầu được tốt hơn. Người chịu bất hạnh, nghèo khó, bị bệnh hiểm nghèo, bị oan ức, bị áp bức bất công…, cầu mong được thoát các cảnh trên là lẽ thường. Người giàu, người đang có địa vị, có quyền thế cũng cầu. Nếu đang ở vị trí tốt thì xin được cho vững hoặc tiến lên vị trí trên. Làm cấp nhỏ mong sẽ làm cấp lớn hơn, đang ngồi ghế thấp, ngấp nghé cái ghế cao hơn, đang có địa vị trong nước lại lo tạo cơ ngơi ở nước ngoài. Làm đời cha chưa đủ, phải cơ cấu đời con nối tiếp. Làm một nhiệm kỳ, chưa đạt, phải làm nhiều nhiệm kỳ, làm suốt đời.

Việc cúng kính đã có tự bao giờ, tuy nhiên nó cũng theo thời thế mà thay đổi. Có thời việc cúng kính là nghi lễ bình thường. Thời khó khăn, lo cho miếng ăn chưa đủ, “cha chết, không bằng hết ăn” lấy đâu lo việc tâm linh, phần khác vì xu thế. Đến thời đổi mới, mọi lễ nghi mỹ tục, hủ tục được khôi phục lại. Các buổi chợ vào các ngày mồng một, ngày rằm bán đầy hoa quả, vàng mã. Các dịch vụ về nghi thức cúng phát huy hết công suất. Người người cúng, nhà nhà cúng, người hiền cúng, người ác cũng cúng. Anh “duy tâm” cúng cầu đã đành, anh “duy vật” cũng cúng cầu nữa. Là thế nào? Lẽ nào hết tin vào dương nên phải tin vào âm?

Có câu tục ngữ “Rằm tháng Giêng, ai siêng thì quảy (cúng)/ Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không/ Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”. Xem vậy, việc cúng (quảy) rằm tháng Bảy không đại trà, to lớn, quan trọng hơn các rằm khác. Nhưng rằm tháng Bảy đặc biệt hơn các rằm khác vì dân gian cho rằng tháng Bảy là tháng cô hồn, cửa địa ngục mở, các vong linh được trở lên dương thế, “tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân”. Do đó người ta cúng các âm hồn, cô hồn vừa để “kính mời”, vừa để cầu xin.

Một quan niệm khác, xem tháng Bảy, mà cao điểm là ngày rằm, là mùa báo hiếu. Người ta cầu cho vong linh các người thân (cha mẹ, ông bà và cả con cháu) được siêu thoát, âm siêu thì dương mới thái.

Dù cho rằm tháng Bảy là lễ cúng cô hồn hay lễ báo hiếu thì các lễ nầy đều nhằm giải oan cho người đã khuất. Về tình cảm, đây là điều đáng quý của người bên nầy đối với người bên kia. Người ta chỉ phê phán các biến tướng (hiện có) như đàn tràng, xây dựng tượng đài, cơ sở thờ cúng to rộng nguy nga, tổ chức các lễ hội, các tua du lịch tâm linh… Thấy vậy, nhiều người đã than, thời mạt pháp.

Giải oan như thế nào? Với các người đã chết, cách thường thấy là cúng giải oan, giải nghiệp. Nhưng Vua Lê Thánh Tông lại viết:

“… Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng…”
                                    (Đề miếu Nàng Trương)

Tạm hiểu, chỉ có vầng nhật nguyệt (công lý) mới sáng tỏ trắng-đen, chứ không phải dùng đàn tràng cúng cầu mà giải oan được. Vua vừa là người hiểu rõ các triết lý Á Đông, kinh sách Thánh hiền, vừa là nhà cai trị, nhà luật học nổi tiếng, Ngài tin rằng giải quyết oan sai chỉ có công lý.

Vẫn biết, người chết dù có phục hồi danh dự, có gì gì thì cũng không thể sống lại. Biết bao cái chết tập thể, cá nhân cần được làm sáng tỏ, không phải để “bắt đền”, mà để người chết được minh oan, công lý được tôn trọng. Biết bao nhiêu người đang sống bị oan khiên, đọa đày, sống chẳng khác gì chết. Giải oan cho họ là trả lại cho họ quyền được làm người bình thường.

Các vụ giết oan, xử oan khá nhiều. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi, lính Mỹ đã xả súng giết cả trăm người dân ở thôn nầy vì nghi ngờ. Vụ án Nguyễn Thị Lộ, tức thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ Nguyễn Trãi. Sở dĩ như vậy vì sự mục nát của triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, lại thêm bọn nịnh thần ganh ghét tài năng, công trạng của Nguyễn Trãi. Về sau, chính triều đình nhà Lê giải oan cho vụ nầy. Ông Thái Kế Toại có viết “Kể chuyện giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang”. Thái Kế Toại, tức Lê Hoài Nguyên, một đại tá an ninh chuyên trách về Nhân văn Giai phẩm. Ông Lê Hoài Nguyên kể về ông Nguyễn Hữu Đang, một người có công đầu tiên dựng lễ đài cho ngày 2/9/1945, sau đó bị kết án oan cùng với một số người trong Nhân Văn Giai phẩm, khiến họ sống mà như chết. May, về sau các ông được (âm thầm) giải tỏa.

Đọc lại thấy thương các nạn nhân.

Những người bị mắc oan, dù đã chết hay còn sống cần được giải oan. Nhưng những kẻ đã gây ra oan khiên cho người khác thì thế nào?

Có hai thái độ, nhận lỗi hay chạy lỗi.

Nhận lỗi do tự giác hay bị tố. Trong vụ án ông Trần Văn Thêm bị xử tội giết người, bị kêu án tử hình. Đang chờ ngày thi hành án, may quá thủ phạm đích thị tự giác ra đầu thú. Ông Thêm thoát án.

Trong cuộc chiến trước 1975, có biết bao nhiêu người đã chết oan do tên bay, đạn lạc, do nghi ngờ, do giết lầm. Vụ thảm sát Mỹ Lai, Quảng Ngãi là tội ác của một sĩ quan Mỹ, chuyện nầy chẳng ai tố cáo. Dù thế, sau một thời gian, chính một người Mỹ khác đã đưa vụ nầy ra ánh sáng. Và viên sỹ quan gây tội phải ra trước tòa, “cúi đầu nhận tội”.

Nhiều nước đã lên án chính sách tàn bạo, quân phiệt của Nhật trong thế chiến 2. Các thủ tướng Nhật không biện bạch, bao che mà đã “lấy làm tiếc”.

Còn một số gây tội nhưng dửng dưng như vô tội, không hề nói về việc đã làm, hoặc cho rằng chẳng ai chịu trách nhiệm “trong vụ ấy”.

VTV 19h ngày 11.8. 2016, mục “giảm án oan sai” http://vtv.vn/giam-an-oan-sai.html, nói về việc ông Trần Văn Thêm ở Yên Phụ, Bắc Ninh bị kết án tử hình oan do bị bức cung. Rất may, bản án chưa “được” thi hành. Nhưng ông đã ở tù 41 năm, gần hết một đời. Ngoài ông Thêm còn có nhiều cảnh tương tự! Chuyện bức xúc, đến nhà đài cũng cho rằng “Để tỷ lệ án oan sai giảm, một yếu tố cần đặt lên hàng đầu là đảm bảo quyền con người, những giá trị của người dân được tôn trọng và nhìn nhận một cách đúng đắn”.

Hiện tại, vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án quá đặc biệt, ai theo dõi cũng hỏi tại sao, tại quan tòa, tại chưa đủ chứng cứ, tại thế nầy, thế kia?

Báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, người thân còn sống hay đã chết, cầu nguyện cho các vong linh là bổn phận thường xuyên của con cháu, cần tấm lòng, cứ gì phải “ngày”. Rằm tháng Bảy chỉ là dịp nhắc nhở.

Còn việc giải oan cho người sống, cả cho người đã chết, cần có công lý.

T.K.N.

Tác giả gửi BVN

.

This entry was posted in Dân oan. Bookmark the permalink.