Lê Phú Khải
Thời còn làm việc tại cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam ở Sài Gòn, tôi thường được các Hội Nhà báo các tỉnh Miền Tây, Miền Đông Nam bộ mời làm giảng viên bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ báo chí cho anh em phóng viên đài báo địa phương.
Một lần, được Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau mời làm việc, sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, anh Bảy Minh bảo tôi: Mời đồng chí ở lại dự Hội nghị Trí thức của tỉnh vào sáng mai. Tôi nhận lời ngay và xin các anh cho xem danh sách các vị trí thức trong tỉnh được mời dự hội nghị.
Tôi thấy một danh sách dài các bác sỹ, kỹ sư, giáo sư, có người còn có bằng tiến sỹ học ở Liên Xô về.
Tôi hỏi: Sao các anh không mời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư?
Các đồng nghiệp của tôi có vẻ ngạc nhiên (!). Tôi nói tiếp: “Trí thức là những người lay không cho xã hội ngủ, bất kể họ là ai!” (Cao Huy Thuần).
Tôi tiếp tục giải thích: Vì là nhà văn nổi tiếng nên Nguyễn Ngọc Tư đã được bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh. Đi cùng các thành viên Hội đồng Nhân dân tỉnh, cô thấy việc gặp gỡ cử tri rất hình thức. Bà con các vùng sâu vùng xa dậy từ mờ sáng, chèo xuồng đến gặp các đại biểu của mình để đề đạt các nguyện vọng, nêu các bức xúc của nhân dân, nhưng các đại biểu Hội đồng Nhân dân lại đến trễ, họp qua loa, rồi ăn trưa với các quan chức huyện, và ra về (!). Cô đã viết một bài ký “đánh thức” các đại biểu của dân, đăng trên một tờ báo của địa phương…, từ đó cô bị chính quyền thành kiến! Với truyện vừa “Cánh đồng bất tận” nổi tiếng cả nước, gây tranh cãi quyết liệt trên báo Tuổi Trẻ hồi đó, nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã “lay không cho xã hội ngủ” về những vấn nạn của Đồng bằng Sông Cửu Long. Nguyễn Ngọc Tư chính là một trí thức chân chính của ĐBSCL, của Cà Mau!
Các đồng nghiệp của tôi đã vui vẻ mời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dự Hội nghị Trí thức toàn tỉnh.
Trong Hội nghị Trí thức ở Cà Mau năm đó, tôi đã may mắn được gặp gỡ các nhà chuyên môn, các chuyên gia y tế, kỹ thuật, các nhà sư phạm và nhà trí thức trẻ Nguyễn Ngọc Tư.
*
Viết thêm:
Triết gia Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) từng cho rằng: Ai chế ra quả bom nguyên tử, người đó là bác học, nhưng chỉ khi nào người đó nhận ra quả bom nguyên tử là xấu và lên tiếng đòi xoá bỏ nó, thì từ đó, người đó mới được xem là trí thức.
Liên Xô xưa kia là nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới, ¼ các nhà bác học thế giới là của Liên Xô. Đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới đó, lại không có trí thức! Không có tầng lớp tinh hoa có khả năng “đánh thức không cho xã hội ngủ” nên đã sụp đổ.
Các ông bà tiến sỹ, giáo sư trong bộ máy công quyền của Việt Nam hiện nay chỉ là các công chức mà thôi, không phải là trí thức!
L.P.K.
Tác giả gửi BVN