Bàn về đa đảng khi cùng chung một chủ thuyết cộng sản

Lynn Huỳnh

Bộ Chính trị của Việt Nam dường như rất dị ứng với cụm từ “đa đảng”. Thế thì Trung Quốc lâu nay vẫn chẳng phải đa đảng đó sao?

Nhớ lúc nhà báo Phạm Chí Dũng còn được quyền tự do viết lách, ông có nhắc nhở một số bạn bè của ông tại Việt Nam là: trong các bài viết, nếu cổ vũ về đa đảng, thì chắc chắn sẽ nhanh chóng vào tầm ngắm của nhà chức trách.

Tôi đã từng thắc mắc, vậy thì Trung Quốc cũng chẳng phải đa đảng là gì? Các đảng phái dân chủ ở Trung Quốc không phải là đảng đối lập, mà là các đảng phái tham chính. Nội dung cơ bản tham chính của các đảng phái dân chủ là tham gia thảo luận phương châm chính sách nhà nước, và việc bầu cử nhà lãnh đạo quốc gia, tham gia quản lý công việc nhà nước, tham gia quy định và thực thi phương châm, chính sách, pháp luật, pháp quy nhà nước.

Khi nhà nước phải quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới quốc kế dân sinh, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cần phải trước tiên thương lượng với các đảng phái dân chủ và nhân sĩ dân chủ không đảng phái, lắng nghe ý kiến và kiến nghị rộng rãi, rồi mới đưa ra quyết sách.

Các đảng phái dân chủ và nhân sĩ không đảng phái có đại biểu với tỷ lệ nhất định trong Quốc hội cũng như Ủy ban thường vụ Quốc hội, các ủy ban chuyên môn trường trực, Hội đồng nhân dân các cấp để tham chính, nghị chính và phát huy vai trò giám sát; phát huy đầy đủ vai trò của đảng phái dân chủ và nhân sĩ không đảng phái trong Chính hiệp nhân dân; giới thiệu nhân sĩ trong đảng phái dân chủ và nhân sĩ không đảng nhiệm chức lãnh đạo trong chính quyền các cấp và các cơ quan tư pháp.

Ít nhiều những điều trên cũng khá rõ về mặt dân chủ hình thức. Gọi là hình thức, vì Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuy có quy định nhân dân có quyền tự do lập hội, lập đảng, tuy nhiên sự thực thì chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không hề phê chuẩn việc thành lập các đảng phái mới, thậm chí còn trấn áp và giam giữ các nhân vật lãnh đạo các đảng phái này.

Có ý kiến: “Muốn dân tộc Việt Nam phục hưng và có tương lai tươi sang, dứt khoát phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và thể chế nhà nước/pháp luật cộng sản. Xây dựng một chế độ dân chủ hậu thuẫn bởi nền tảng đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng là điều kiện cần để Việt Nam văn minh và cường thịnh”.

Ý kiến trên có phần nào cực đoan và mâu thuẫn, vì đã kêu gọi đa đảng chính trị và đa nguyên tư tưởng, thì vấn đề gọi là “đối lập” chỉ là cụm từ mang ý nghĩa tương đối.

Miền Nam Việt Nam trước tháng Tư năm 1975 có thể coi là xứ sở tự do của đa đảng chính trị, cả đối lập lẫn không đối lập. Ngay cả trong những đảng chính trị không đối lập, người ta vẫn chứng kiến các lần xảy ra việc “đảo chánh” nhằm thay thế người lãnh đạo đất nước thích hợp hơn.

Vậy thì liệu Việt Nam hôm nay có thể “thực hành” làm quen dần với việc tái lập các đảng phái chính trị không đối lập? Sở dĩ gọi là tái lập, vì ở Miền Bắc Việt Nam trước 1975 đã có Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam.

Cùng với Đảng Cộng sản và Đảng Dân chủ (và trong một thời gian ngắn các đảng khác), Đảng Xã hội đã liên minh tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 13 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Nhà nước đã tặng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho Đảng Dân chủ Việt Nam, để ghi nhận những cống hiến của Đảng Dân chủ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc. Sau khi được tặng Huân chương Sao Vàng, Đảng Dân chủ Việt Nam tuyên bố giải thể trong năm 1988.

Tương tự, khi trào lưu đa nguyên đa đảng bắt đầu nảy nở ở một số nước cộng sản Đông Âu, với lý do đã kết thúc sứ mạng lịch sử, Đại hội Đại biểu Đảng Xã hội họp từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 7 năm 1988 đã ra tuyên bố giải thể Đảng XH.

Như vậy, những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, như Lê Duẩn đã không ngần ngại chuyện đa đảng phái trong cùng hệ tư tưởng, thì tại sao những thế hệ người cộng sản tiếp nối lại bảo thủ?

Trở lại với chuyện đa đảng nhưng chung một chủ thuyết ở Trung Quốc. Theo dõi báo chí có thể thấy rằng mặc dù vai trò của Tập Cận Bình gần với hình mẫu của chủ thuyết Đại Hán, song hình thức hợp tác và hiệp thương chính trị của Trung Quốc ít ra cũng đáng để ông tổng bí thư của Việt Nam học hỏi, đó là:

Thứ nhất, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, đây là nơi quan trọng để các đảng phái, các đoàn thể nhân dân và đại biểu các giới tham chính nghị chính;

Thứ hai, các buổi tọa đàm các đảng phái dân chủ và nhân sĩ không đảng phái do Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cấp uỷ địa phương triệu tập, thông báo tình hình quan trọng, thương lượng, lắng nghe ý kiến và kiến nghị của họ về vấn đề chính sách phương châm quan trọng, danh sách ứng cử viên của nhà lãnh đạo nhà nước và chính quyền địa phương, danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ủy viên Chính hiệp.

Thứ ba, đại biểu quốc hội trong các đảng phái dân chủ tham chính, nghị chính và phát huy vai trò giám sát với tư cách đại biểu quốc hội trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ tư, lựa chọn thành viên trong các đảng phái dân chủ đảm nhiệm lãnh đạo ở Quốc vụ viện, các bộ, ban hữu quan, chính quyền địa phương trên cấp huyện cũng như những ngành hữu quan.

Thứ năm, giới thiệu thành viện trong các đảng phái dân chủ đủ điều kiện đảm nhiệm lãnh đạo của các cơ quan kiểm sát và thẩm phán.

Có lẽ để làm được điều như Trung Quốc, trước tiên Việt Nam cần có luật về đảng chính trị. Đây sẽ là một thay đổi mang dấu ấn, nếu như kỳ Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới đây của Đảng Cộng sản Việt Nam, ban hành một nghị quyết cam kết trình Quốc hội về dự luật về đảng chính trị ngay trong năm 2021.

L.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đa đảng. Bookmark the permalink.