Việt Nam đối mặt với những nguy cơ về an ninh nguồn nước

RFA

Hình minh họa.  Người dân Hà Nội đi lấy nước hôm 17/10/2019

Hình minh họa. Người dân Hà Nội đi lấy nước hôm 17/10/2019.

Chính phủ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước quốc gia khi nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc đến 63% lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị Giải trình về Vấn đề An ninh Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập tổ chức vào sáng ngày 17/8.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông. Tuy nhiên, có đến hơn 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh rằng “Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng, và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông”. Do đó, số lượng và chất lượng nước của Việt Nam bị phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông…

Giải thích rõ hơn về tình trạng nguồn nước Việt Nam hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động các nước thượng nguồn, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ cho rằng:

Điều này tự nhiên vì Việt Nam nằm trong vị trí cuối các con sông lớn như sông Hồng hay sông Mê Kông thì vùng nước đi tới con sông đó chảy từ nước ngoài. Khi mình nhận được hoàn toàn phụ thuộc nguồn cung cấp nước từ ngoài như sông Mê Kông thì chảy từ Trung Hoa đi xuống Miến Điện, xuống Lào rồi qua Thái Lan, xuống Campuchia và cuối cùng tới Việt Nam. Như vậy phần Việt Nam nhận được nước phụ thuộc hoàn toàn vào nước phía trên. Lượng nước mưa rơi xuống sông Mê Kông ở Việt Nam rất nhỏ so với tổng lượng nước phía trên đổ về. Ở khu vực sông Hồng cũng vậy nên Việt Nam phụ thuộc vào lượng nước ở bên ngoài rất nhiều”.

Đồng quan điểm cho rằng do Việt Nam bị thiệt thòi về địa lý khi nằm ở hạ lưu các con sông, điển hình như lưu vực Việt Nam đóng góp trong tổng diện tích lưu vực sông Mê Kông chỉ 10% nên khiến nguồn nước nội địa Việt Nam rất thấp, Thạc sĩ Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM nhận định rằng việc cân bằng nước tại đất nước chữ S bị ảnh hưởng của các quốc gia thượng nguồn là điều tất nhiên.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như việc phát triển kinh tế các nước phía trên thì nhu cầu nước của họ càng ngày càng nhiều hơn, nên họ phải can thiệp để giữ lại nguồn nước mà họ cho rằng nó sản sinh trên lưu vực của họ. Họ cho rằng đó là điều công bằng vì lâu nay họ không có điều kiện để kiểm soát thì nó chảy xuống hạ lưu cho Việt Nam dùng thì bây giờ tới phiên họ kiểm soát được thì họ có quyền đó. Điều đó thì những cơ quan quốc tế như Ủy hội sông Mê Kông cũng không có quyền hay khả năng nào can thiệp”.

Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông hôm 7/8 vừa qua kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.

Bản báo cáo dài 32 trang của Ủy hội sông Mê Kông phát hành cùng ngày cho biết mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại lưu vực hạ nguồn Sông MeKong do lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino và tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc gây nên.

Ủy hội sông Mê Kông cũng chỉ ra trong báo cáo cho rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Nói rõ thêm về những ảnh hưởng mà Việt Nam sẽ phải gánh chịu do các nhà máy thủy điện trữ nước, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm:

Một đập thủy điện như vậy thì nguồn phù sa, nguồn cá cũng sẽ đến Việt Nam ít hơn vì phù sa bị giữ lại trong đập thủy điện và lượng cá di cư lên thượng nguồn đẻ sau đó cá con trôi về hạ lưu mà lập ra các đập thủy điện chắn ngang dòng chảy như vậy thì nó sẽ không đi được, hoặc đi rất khó khăn. Điều này làm cho nguồn lợi thủy sản xuống tới Việt Nam cũng bị ảnh hưởng”.

Người dân gia cố đê sông Mekong ở tỉnh Đồng Tháp 28/9/2011.

Người dân gia cố đê sông Mekong ở tỉnh Đồng Tháp 28/9/2011. REUTERS / Quang Vinh / Báo Tuổi Trẻ

Một dự báo của Bộ NN&PTNT được đưa ra cho thấy lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.

Giáo Sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Ủy hội sông Mê Kông đã khuyến cáo nhiều lần chuyện các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn phải chia sẻ thông tin, thế nhưng phía Trung Quốc không màng đến.

“Chuyện này đã 5, 7 năm nay chứ không phải chuyện mới. Các nước chung dòng sông Mê Kông ở phía dưới Trung Quốc rất nhất trí với nhau, tất nhiên đôi khi có chuyện không thống nhất lắm ví dụ như các đập thủy điện ở Lào. Nhưng không đến mức mang tính bất hợp tác. Cũng đôi lần Trung Quốc tỏ ra hợp tác qua những điều nhỏ, nhưng lớn nhất là cái mà các nước đề nghị có chia sẻ thông tin thì đến hiện nay vẫn chưa làm”.

Do đó, Thạc sĩ Hồ Long Phi đưa ra đề xuất:

Đối với những vấn đề như vậy người ta sẽ tiến hành đàm phán siêu quốc gia, nhưng thông thường dựa trên cơ sở có đi có lại hoặc là mình phải có đòn bẩy, thế lực nào đó thì có thỏa thuận hợp lý. Còn nếu không có thì thông thường quốc gia hạ lưu bị thiệt thòi. Cách để ứng phó tích cực nhất là phải chuẩn bị cho cái xấu nhất để không phụ thuộc vào sự kiểm soát việc đó của nước ngoài để tạo ra áp lực về chính trị. Tức người Việt Nam phải tập thích nghi và chủ động với những điều kiện xấu nhất và chuẩn bị cho mình một tâm thế để có điều đình hợp lý hơn và trong trường hợp xấu nhất mình giảm thiểu thiệt hại nếu có. Trong điều kiện đó thì mình mới có thể tiến hành những đàm phán”.

Tại hội nghị diễn ra ngày 17/8, phía Bộ NN&PTNT cũng đưa ra nhận định cho rằng tình trạng gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là các yếu tố chính đã và đang tác động đến chất lượng nước của các sông, hồ. Hiện, các hồ và kênh mương ở những khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới – World Bank, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam hiện thấp hơn của Hội tài nguyên nước quốc tế, chỉ đạt hơn 3.800 m3 so với 4.000 m3/người/năm.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng tổng lượng nước đến được Việt Nam trên đầu người thật ra không thiếu. Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều theo các thời gian trong năm. Ông nói rõ:

Có những lúc ta không cần nhiều nước thì nước đổ về nhiều. Bù lại có những tháng ta sử dụng nước nhiều cho sinh hoạt, cho canh tác thì lượng nước ít hơn. Mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền làm cho những khó khăn về nguồn nước ở Việt Nam, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng”.

Còn theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, một quốc gia phát triển thì nhu cầu nước trên đầu người phải ngày càng cao. Tuy nhiên, với số liệu đưa ra cho thấy những tác động do việc thiếu nước gây ra:

Hiện nay Việt Nam đang ở mức phát triển trung bình nên chưa thấy được hệ quả của việc thiếu nước đó nhưng dần dần nước trở thành tài nguyên hữu hạn và dẫn đến tình trạng thiếu nước thì không phát triển kinh tế được”.

Nhằm giải quyết những ảnh hưởng mà các chuyên gia vừa nêu ra, một số giải pháp được nhắc đến tại Hội nghị để bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam với tầm nhìn 50-100 năm; bao gồm chuyển đổi kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, tăng độ che phủ rừng, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi…

Ủy hội sông Mê Kông đưa ra dự báo trong báo cáo ngày 7/8 cho biết mặc dù các dự báo về lượng mưa trong phần còn lại của mùa mưa năm 2020 khác nhau tùy theo từng cơ quan, nhưng tiên lượng chung là lượng mưa tháng 8 và tháng 9 có thể cao hơn bình thường và giảm dần vào tháng 10.

Nguồn: rfa.org/vietnamese

This entry was posted in Mekong. Bookmark the permalink.